Hotline 24/7
08983-08983

Điểm tin tối 8/4: Chiếc "ATM gạo" tình nghĩa ở Sài Gòn

Tối nay, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm nCoV mới. Tổng số bệnh nhân là 251, trong đó có 126 ca đã được công bố khỏi bệnh. Bên cạnh đó, những ngày gần đây, "ATM gạo" miễn phí làm ấm lòng nhiều người dân khó khăn ở Sài Gòn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt khắp nơi.

Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam

Không ghi nhận ca nhiễm nCoV mới trong chiều 8/4

Đến 18g, ngày 8/4 Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nCoV nào. Như vậy, hôm nay tổng cộng ghi nhận 2 ca nhiễm mới, tổng số bệnh nhân là 251.

Trong ngày hôm nay có thêm 4 bệnh nhân điều trị tại TPHCM được công bố hồi phục, nâng số người khỏi bệnh lên 126.

125 bệnh nhân đang điều trị, hiện có hiện có 25 người xét nghiệm âm tính lần một; 17 người kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn 3

Ngày 8/4, Bộ Y tế đánh giá dịch bệnh ở nước ta đã chuyển sang giai đoạn 3 - lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều ca chưa xác định nguồn lây, cần quyết liệt cách ly xã hội, tìm kiếm người nhiễm, khoanh vùng dập dịch.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy trong 251 ca bệnh COVID-19 tính đến sáng 8/4, có 156 người từ nước ngoài về (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng(chiếm 37,4%). Hiện nay các ổ dịch đã được xác định như Buddha Bar & Grill ở TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội hay các khu cách ly tập trung.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch thống nhất "phải kiên định với 5 nguyên tắc" đã được thực hiện ngày từ những ngày đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi, phải quyết liệt thực hiện.

Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương không được mất cảnh giác với mọi ca nhiễm mới phát hiện tại cộng đồng, tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".

Phong tỏa khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Hà Nam

Sau khi ghi nhận bệnh nhân COVID-19 số 251 (nam giới, 64 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, cơ sở y tế này đã cách ly 45 nhân viên y tế. Đồng thời phong tỏa khoa Nội tiêu hóa nơi bệnh nhân 251 điều trị, tiến hành điều tra những người có tiếp xúc với bệnh nhân.

Được biết, nam bệnh nhân 64 tuổi có yếu tố dịch tễ phức tạp, chưa tìm thấy nguồn lây F0, có nhiều bệnh lý nền thiếu máu, xơ gan, nằm viện dài ngày.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam là đơn vị y tế thứ 10 phải phong tỏa khoa, phòng, thậm chí toàn bộ bệnh viện hoặc cách ly nhân viên y tế sau khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 thời gian qua. Trước đó có 8 bệnh viện ở Hà Nội, 1 bệnh viện ở Vĩnh Phúc.

Toàn bộ công an phường Đông Ngạc ở Hà Nội bị cách ly

Trong 8 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh COVID-19 số 243 có Phó công an phường Đông Ngạc, từng đi ăn cơm cùng bệnh nhân, sau đó sinh hoạt cùng 18 cán bộ, chiến sĩ công an phường khác. Sau đó, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã cách ly toàn bộ công an phường Đông Ngạc và tiến hành phun khử khuẩn trụ sở.

Bệnh nhân 243 là nam, 47 tuổi, từng đưa vợ đi khám bệnh tại khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 12/3. Sau đó anh đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, đến 6/4 bị ghi nhận dương tính với nCoV.

Ngày 8/4, Bộ Y tế ghi nhận người hàng xóm và có tiếp xúc gần bệnh nhân 243 là bệnh nhân 250, nữ, 50 tuổi, trú cùng thôn Hạ Lôi, Mê Linh. Ngày 2/4, bà khởi phát bệnh, ngày 5/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, ngày 7/4 kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Chiếc ATM gạo tình nghĩa ở Sài Gòn

Chiếc ATM gạo tình nghĩa ở Sài Gòn"ATM gạo" miễn phí làm ấm lòng nhiều người dân khó khăn ở Sài Gòn. Ảnh: VnExpress

Giữa khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, những tấm lòng "nhường cơm sẻ áo" với bà con nghèo đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt khắp nơi.

4 ngày nay, chiếc máy phát gạo tự động tại địa chỉ 204B Vườn Lài, Q.Tân Phú (TPHCM) luôn hoạt động hết công suất, nối rộng vòng tay mang lại nguồn sống cho người nghèo, giúp họ vượt qua khó khăn trong thời điểm này.

Chiếc "ATM gạo" này là ý tưởng của Tuấn Anh - giám đốc một công ty về khóa điện tử khi anh thấy nhiều cá nhân, tổ chức tặng quà, gạo, mì tôm... cho người nghèo nhưng kiểu cho và nhận trực tiếp có nhiều nguy cơ lây bệnh. Cùng với đó là tình trạng người dân tập trung ở một điểm để nhận quà dễ dẫn đến việc chen lấn, xô đẩy, mất trật tự.

Tận dụng thiết bị có sẵn trong mảng kinh doanh khóa điện tử của mình, anh Tuấn Anh đã cùng ba nhân viên kỹ thuật chỉ mất một ngày để cho ra đời chiếc máy.

Việc sử dụng cũng rất đơn giản, gồm một hệ thống chia gạo tự động, camera và nút bấm được kiểm soát thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Khi có người đứng trước camera bấm nút, van tự động sẽ mở, một lượng gạo khoảng 1,5 kg từ bồn chứa chảy xuống đường ống dẫn ra ngoài.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của Chính phủ về việc tránh tụ tập đông người, anh Tuấn Anh còn đánh dấu chỗ đứng của mỗi người cách xa nhau. Nước rửa tay đặt cạnh bồn hứng gạo để người dân rửa tay trước khi lấy. Ngoài ra, chiếc máy có thể hoạt động 24/24, tránh tập trung người nhận vào một thời điểm. Thùng chứa gạo lớn phía trên chứa được 500 kg gạo. Khi gần hết sẽ báo về ứng dụng để nhân viên bổ sung.

Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới

Số người chết do COVID-19 ở Iran vượt quá 4.000

Số người chết do COVID-19 ở Iran vượt quá 4.000Nhân viên mặc quần áo bảo hộ trong khi mang thi thể nạn nhân tử vong do COVID-19 tại một nghĩa trang ngay bên ngoài Tehran, Iran, vào ngày 30/3. Ảnh: Ebrahim Noroozi / AP

Phát ngôn viên của Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpoor cho biết, quốc gia này đã ghi nhận thêm 121 trường hợp tử vong liên quan đến nCoV và 1.997 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 4.003 và số người mắc bệnh là 64.586.

Ông Kianush Jahanpoor cho biết thêm, hiện Iran có 29.812 bệnh nhân đã hồi phục được xuất viện và theo dõi tại nhà. Trong số những người nhập viện, 3.956 đang trong tình trạng nguy kịch.

Mặc dù số người chết vẫn tiếp tục tăng, nhưng những ngày qua số ca nhiễm mới đã chững lại ở Iran.

Gần 13.000 trường hợp tử vong do COVID-19 ở Mỹ

Tới ngày 8/4, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 399.939 ca dương tính với Covid-19. Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã lên tới 12.911. New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với 140.386 trường hợp. Số trường hợp tử vong tại bang New York hiện là khoảng 5.000 ca.

10.000 ca bệnh COVID-19 ở châu Phi

10.000 ca bệnh COVID-19 ở châu PhiKỹ thuật viên phòng thí nghiệm kiểm tra mẫu xét nghiệm virus nCoV tại phòng thí nghiệm Pathologists Lancet Kenya ở Nairobi, Kenya vào ngày 5/4. Ảnh: Brian Inganga/ AP

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay cho biết, số trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận trên lục địa châu Phi đã tăng lên hơn 10.000 và gây ra hơn 500 trường hợp tử vong.

Trường hợp COVID-19 đầu tiên của châu Phi đã được báo cáo ở Ai Cập vào tháng 2 và nCoV đã lan rộng kể từ đó. Tuy nhiên, theo các quan chức của WHO, số lượng các trường hợp đã tăng "theo cấp số nhân" trong những tuần gần đây.

Quốc gia nào chưa có "dấu chân" COVID-19?

16 quốc gia chưa có ca bệnh COVID-19Đảo quốc Vanuatu ở Thái Bình Dương là một trong số ít những nơi chưa phát hiện ca bệnh COVID-19 nào

COVID-19 đã "càn quét" đến 209 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 1,4 triệu người nhiễm, hơn 82.000 người tử vong và hơn 302.000 người hồi phục.

Theo thống kê của BBC và Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 8/4 còn lại 16 quốc gia chưa bị đại dịch COVID-19 tấn công. Đó là Comoros, Lesotho (Châu Phi); Triều Tiên, Tajikistan, Turkmenistan, Yemen (Châu Á); Kiribati, Quần đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Palau, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu (Châu Đại Dương).

Hầu hết những nước này đều là quốc đảo ở Châu Đại Dương với quy mô dân số nhỏ. Đáng chú ý, trong số 10 quốc gia có ít du khách nhất thế giới, có tới 7 nước chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm COVID-19 nào.

Theo BS Colin Tukuitonga - một cựu chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đang công tác tại khoa y thuộc Đại học Auckland (New Zealand) - nhận định rằng, điều đúng đắn nhất mà các quốc gia Châu Đại Dương có thể thực hiện là cách biệt với phần còn lại của thế giới. Bởi vì nếu nCoV chạm đến thì nền y tế ở đây sẽ gặp khủng hoảng ngay lập tức.

Mặc chưa ghi nhận ca bệnh nào, nhưng 16 quốc gia này cũng đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn COVID-19.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X