-
Áp xe tuyến vú là gì, điều trị áp xe tuyến vú chi phí bao nhiêu?
Câu hỏi
Chào AloBacsi. Cho tôi hỏi áp xe tuyến vú là tình trạng như thế nào? Nếu muốn mổ áp xe tuyến vú thì chi phí là bao nhiêu?
Trả lời
Bạn thân mến,
1. Tìm hiểu áp xe tuyến vú
Áp xe là tình trạng viêm sưng và tích tụ mủ do nhiễm trùng gây ra, trong đó có áp xe vú. Áp xe ở vú có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, kể cả nam giới và nữ giới, cả phụ nữ sau khi sinh lẫn phụ nữ các độ tuổi khác. Tuy nhiên, áp xe vú thường gặp nhất là phụ nữ sau khi sinh và cho con bú do vú hoạt động nhiều, cần cung cấp sữa để nuôi trẻ.
Nguyên nhân gây áp xe vú là các loại tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, phế cầu, vi khuẩn kị khí,… Khi nhiễm trùng xảy ra, tế bào bạch cầu được sản sinh nhiều hơn để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Dịch mủ chính là kết quả của tế bào bạch cầu và vi khuẩn chết trong quá trình miễn dịch cơ thể này.
Tuy nhiên nếu dịch tích tụ quá mức tại cơ quan nhiễm bệnh, cụ thể là vú sẽ gây ra áp xe. Áp xe khiến vú trở thành một cái túi kín chứa đầy dịch mủ. Khi dịch mủ ngày càng nhiều, ổ áp xe ngày càng lớn thì triệu chứng bệnh cũng như các biến chứng cũng nguy hiểm hơn.
2. Điều trị áp xe tuyến vú
Để điều trị áp xe vú, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt... Trong trường hợp uống thuốc không điều trị triệt để bệnh, bên vú áp xe sẽ được chích rạch, dẫn lưu tháo mủ.
Thường đối với áp xe vùng da nông, bạn sẽ được nặn mủ. Đối với áp xe sâu bên trong, chích áp xe theo đường nan hoa ở chỗ nông nhất nhưng phải cách núm vú từ 2cm - 3cm.
Sau khi tháo mủ bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu. Hàng ngày, vú áp xe sẽ được bơm rửa các ổ dịch bằng dung dịch sát khuẩn, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh toàn thân.
Chi phí chích áp xe vú có thể từ 200.000 - 300.000 đồng, tùy cơ sở y tế. Lưu ý, áp xe vú là có ổ viêm nhiễm khu trú hoặc lan tỏa ở tuyến vú. Khi có tác nhân gây bệnh hoặc có điều kiện thuận lợi thì áp xe vú vẫn có thể xuất hiện trở lại.
Vì vậy, muốn phòng ngừa bạn cần giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Cho trẻ bú đúng cách, không cho ngậm nhai vú lâu. Tránh làm sây sát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa.
Ngoài ra, bạn có thể đến các bệnh viện phụ sản để khám và điều trị.
Trân trọng!
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình