Hotline 24/7
08983-08983

Dịch ở Hà Nội có dấu hiệu “giảm nhiệt”, biến chứng COVID-19 dễ bị nhầm với viêm ruột thừa

Đây là những thông tin nổi bật trong bản tin sáng ngày 22/1 trên AloBacsi.

Dịch COVID-19 ở Hà Nội có dấu hiệu "giảm nhiệt"

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tối 21/1, địa phương này vừa ghi nhận thêm 2.805 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc mới của Hà Nội thấp hơn ngày trước đó.

Tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 105.861 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế cũng ghi nhận Hà Nội là một trong 5 địa phương có số ca mắc COVID-19  tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.

Dịch COVID-19 ở thủ đô có dấu hiệu "giảm nhiệt" sau nhiều ngày ca nhiễm tăng nhanh liên tiếp. Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND Hà Nội đến ngày 21/1, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).

Hà Nội có 26 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 4 khu vực gồm Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Chương Mỹ ở cấp độ 3.

So với một tuần trước, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Long Biên từ cấp độ 3 (vùng cam) xuống cấp độ 2 (vùng vàng). Ngược lại, huyện Chương Mỹ từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, không có đơn vị hành chính cấp huyện nào ở mức 4 (vùng đỏ).

Quảng Ninh: Thành lập đường dây nóng tư vấn y tế cho F0

Để thực hiện hiệu quả công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đồng hành hỗ trợ các tuyến y tế cơ sở thực hiện chăm sóc F0, vừa qua Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập Tổ tư vấn y tế điều trị, chăm sóc F0 qua đường dây nóng.

Tổ tư vấn có 15 bác sĩ thuộc Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện số 1 (Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái), Bệnh viện số 2 (Bệnh viện Phổi Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy.

"Tổ tư vấn" có nhiệm vụ tiếp nhận các cuộc gọi từ hệ thống đường dây nóng để kịp thời giải đáp về phòng, chống dịch COVID-19 và tư vấn về điều trị, chăm sóc F0. Để làm tốt nhiệm vụ, các thành viên "Tổ tư vấn" luôn chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn, các quy định, hướng dẫn về điều trị, chăm sóc F0 để tư vấn, hỗ trợ người dân (thực hiện trao đổi tài liệu, cập nhật thông tin thường xuyên giữa các thành viên qua nhóm Zalo, email…).

Biến chứng COVID-19 ở trẻ em dễ bị nhầm với viêm ruột thừa

Ngày 21/1, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, tuần qua nơi đây đã cứu sống một trường hợp bệnh nhi bị hội chứng viêm đa hệ thống rất nặng, liên quan đến Covid-19.

Bệnh nhi là bé trai 8 tuổi, ngụ ở huyện Bình Chánh, TPHCM nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau bụng. Khai thác bệnh sử, ghi nhận tình trạng sốt cao 39-40 độ đã 2 ngày, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt. Bé ói nhiều lần ra thức ăn và dịch trong, tiêu phân lỏng đến 5-6 lần/ngày. Thời điểm nhập BV Nhi đồng Thành phố, bé lừ đừ, thở nhanh, bụng chướng nhẹ, ấn đau hố chậu phải. Trẻ có đỏ nhẹ 2 mắt, vài hồng ban da ở tay chân.

Test nhanh COVID-19 trẻ âm tính, tuy nhiên xét nghiệm định lượng kháng thể SARS-CoV-2 trong máu dương tính. Trong khi đó trẻ chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, các bác sĩ xác định trẻ từng mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh.

Xét nghiệm máu thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19, nguy cơ có thể sốc. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định truyền dịch chống sốc, sử dụng thuốc vận mạch sớm, truyền corticoid liều cao, chống đông, kháng sinh phổ rộng, đồng thời hỗ trợ hô hấp.

Ngoài ra, các bác sĩ chụp CT ổ bụng loại trừ viêm ruột thừa cấp, do đó, tránh cho trẻ cuộc mổ không cần thiết. Bệnh nhi cũng được điều trị hỗ trợ điều chỉnh rối loạn điện giải, kiềm toan, đường huyết, hạ sốt, dinh dưỡng. Kết quả sau hơn một tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, hết sốt, hết đau bụng, mạch huyết áp ổn định, không cần thở oxy.

Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, đây là trường hợp hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có biểu hiện giống tình trạng viêm ruột thừa cấp. Nếu không được chẩn đoán chính xác có thể bị phẫu thuật nhầm.

Hội chứng viêm đa hệ thống có thể gặp ở trẻ sau 2-6 tuần khỏi COVID-19. Lúc này trẻ có thể bị sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể giãn. Đây là hội chứng đặc trưng chỉ có ở trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn. Hội chứng này được Bộ Y tế ghi nhận là một trong 5 biến chứng COVID-19 nặng ở trẻ em.

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể hạ huyết áp hoặc sốc, suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, bất thường mạch vành, rối loạn đông máu, rối loạn tiêu hóa cấp tính...

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, khi thấy con em mình sốt cao trên 2 ngày, nổi hồng ban da, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, ói… hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác, điều trị thích hợp. Vì ngoài hội chứng viêm đa hệ thống trẻ có thể mắc sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa…

Các yếu tố tăng nguy cơ bị sương mù não sau khi khỏi COVID-19

Đối với nhiều người, SARS-CoV-2 không chỉ là virus đường hô hấp. Một số nghiên cứu cho thấy COVID-19  tác động lâu dài đến cơ thể và não bộ. "Sương mù não" nói chung vẫn là một bí ẩn đối với giới y khoa vì các triệu chứng rất đa dạng.

Tình trạng sương mù não liên quan đến COVID-19 kéo dài gây khó khăn cho hoạt động hằng ngày của người bệnh. Họ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các sự kiện mới diễn ra, tìm tên hoặc từ ngữ, mất khả năng tập trung, xử lý thông tin, thao tác bị chậm lại. Biểu hiện này xuất hiện ở khoảng 50% những người đang chịu đựng tác động của COVID-19 kéo dài.

Các nhà nghiên cứu đã xác định nhiều yếu tố nguy cơ đối với bệnh liên quan tới nhận thức dường như làm tăng nguy cơ sương mù não. Đó là người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, trầm cảm, tiền sử lạm dụng rượu/chất kích thích.

Vào tháng 12/2020, một nghiên cứu có sự tham gia của 3.700 bệnh nhân COVID-19 ở 56 quốc gia. Theo đó, 85% có hiện tượng sương mù não và rối loạn chức năng nhận thức. Một số biểu hiện phổ biến nhất là mất khả năng tập trung, khó thực hiện chức năng điều hành và suy nghĩ chậm.

Bảy tháng sau khi nhiễm bệnh, hơn một nửa số người được hỏi vẫn bị suy giảm trí nhớ. Nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt, đau dây thần kinh, run, nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng, ù tai cũng phổ biến ở nhóm này. Trong 5.000 người tham gia khảo sát vào đầu tháng 3/2021 ở Mỹ, hơn một nửa gặp khó khăn kéo dài trong việc tập trung. Hơn 1/3 số người gặp vấn đề về trí nhớ dài hạn và chóng mặt.

Tình trạng "sương mù não" sẽ dần được cải thiện trong vài tháng, song cũng có thể bị tái diễn khi có tác nhân kích thích hoặc căng thẳng quá mức. Người bệnh nên tăng cường luyện tập thể dục nhẹ nhàng để giúp đầu óc thoải mái, chơi các trò chơi như đố chữ hoặc nghe nhạc để kích thích trí óc làm việc, ăn các thực phẩm giàu Omega-3 và giàu các chất chống oxy hóa để giảm bớt tình trạng "sương mù não".

Người gặp tình trạng "sương mù não" cần đi khám sớm để loại trừ bệnh lý khác và điều trị các vấn đề về thần kinh. Cách hiệu quả nhất để hạn chế ảnh hưởng của COVID-19 vẫn là tiêm vắc xin và tuân theo các khuyến cáo phòng dịch.

Một dòng phụ của biến chủng Omicron xuất hiện ở 40 quốc gia

Ngày 21/1, Cơ quan An ninh Y tế của Anh (UKHSA) cho biết, họ đang theo dõi một dòng phụ của biến chủng Omicron, nói rằng nó có thể có phát triển nhanh.

UKHSA cho biết 40 quốc gia đã báo cáo BA.2, phần lớn ở Đan Mạch, Ấn Độ, Anh, Thụy Điển và Singapore. Theo Reuters, Anh đã xác định trình tự gene của 426 trường hợp nhiễm BA.2. UKHSA cho biết dù còn chưa chắc chắn về tầm quan trọng của những thay đổi đối với bộ gene của virus, phân tích ban đầu cho thấy tốc độ phát triển tăng lên so với dòng Omicron ban đầu là BA.1.

Ở Đan Mạch, BA.2 đã phát triển nhanh chóng, chiếm 20% tổng số ca COVID-19 trong tuần cuối cùng của năm 2021, tăng lên 45% vào tuần thứ hai của năm 2022.

Phân tích ban đầu do Viện Huyết thanh Statens (SSI) của Đan Mạch thực hiện cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ nhập viện giữa BA.2 và BA.1. Chủng BA.2 đang được nghiên cứu nhưng chưa được xác định là một biến chủng đáng lo ngại.

EU “bật đèn xanh” tiêm mũi vắc xin thứ 4

Ủy viên Y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides đã đề nghị các bộ trưởng y tế chuẩn bị triển khai tiêm mũi thứ 4 vắc xin ngừa COVID-19 ngay khi dữ liệu cho thấy điều này là cần thiết. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên EU đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 do sự lây lan của biến thể Omicron.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng y tế EU, bà Kyriakides nhấn mạnh các nước cần sẵn sàng tiêm mũi thứ 4 vắc xin khi dữ liệu cho thấy điều này cần thiết. Bà khẳng định ưu tiên vẫn là tiêm chủng cho những người chưa tiêm, hiện vẫn chiếm khoảng 25% dân số EU.

Tuần này, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cho biết việc tiêm mũi thứ 4 vắc xin ngừa COVID-19 cho những người suy giảm miễn dịch nghiêm trọng là hợp lý song cần có thêm bằng chứng. Cũng tại cuộc họp, giới chức EU cũng đã thảo luận việc phối hợp chính sách.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X