Hotline 24/7
08983-08983

Dị dạng mạch máu não như án tử treo trên đầu, bé trai đi Cần Thơ để được tái sinh

Mang theo chẩn đoán "dị dạng mạch máu não, u ác của tiểu não" từ miền Trung, cậu học trò lớp 9 cùng mẹ khăn gói đi Cần Thơ tìm đến “bàn tay vàng” can thiệp thần kinh, TS.BS Trần Chí Cường. Chỉ sau can thiệp 5 giờ, bàn tay phải yếu liệt của cháu cử động gần như bình thường trong niềm vui vỡ òa của hai đầu cầu Huế - Sài Gòn.

Câu chuyện bắt đầu từ hơn 1 năm trước, đang khỏe mạnh, cháu L.H.C.Đ. (15 tuổi, ở Huế) bỗng thấy nửa bên cơ thể, tay phải, chân phải trở nên yếu dần. Thăm khám tại bệnh viện địa phương, bác sĩ nói Đ. bị giãn gân, phải tập vật lý trị liệu cho bàn tay ngày đêm nhưng không có kết quả.

Tiếp tục đưa con đi khám chuyên khoa thần kinh, chị Phụng (mẹ cháu) tưởng như trời sập khi thấy dòng chẩn đoán lâm sàng “u ác của tiểu não”, vài chữ ngắn ngủi mà có sức nặng ngàn cân, khiến cả gia đình suy sụp tinh thần.

Sau khi có kết quả MRI chụp rõ mạch máu não hơn, “bản án” có đổi khác nhưng tương lai cháu vẫn không sáng sủa hơn: dị dạng mạch máu não bẩm sinh tạo thành một búi ở vùng nhân xám bên trái, trong đó có một túi phình 3x4mm.

Chị Phụng kể: “Bác sĩ đưa ra phương án can thiệp nhưng khối u não (gia đình vẫn nghĩ là khối u - PV) ở vị trí sâu, khả năng cứu được chỉ có 50-50, mà còn có nguy cơ cháu bị tổn thương thần kinh, có thể liệt luôn nên tôi không dám mạo hiểm”.

Ổ dị dạng mạch máu não của bệnh nhi L.H.C.Đ.

Trong y khoa, những túi phình mạch máu não được ví như bom nổ chậm, có thể vỡ gây ra cơn đột quỵ xuất huyết não bất cứ lúc nào. Chuỗi ngày tiếp theo, cả nhà sống trong thấp thỏm, biết bao lời cầu nguyện gửi đến đấng linh thiêng.

May sao, nhờ một duyên lành, người thân của chị Phụng kết nối với AloBacsi và được biết đến chuyên gia can thiệp thần kinh giàu kinh nghiệm là TS.BS Trần Chí Cường, hiện là giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ). Chị quyết tâm đi tìm hi vọng cứu con.

Hai mẹ con chân ướt chân ráo đến Cần Thơ vào đầu giờ chiều ngày 13/1, rồi test COVID-19 để vào bệnh viện, thời gian dường như vô tận. Số người đợi BS Cường khám quá đông. Đến cuối buổi chiều thì gặp được vị cứu tinh của người bệnh đột quỵ.

Vừa xem phim MRI chụp tại Huế của cháu Đ., TS.BS Trần Chí Cường nói ngay: “Đây là dị dạng mạch máu não bẩm sinh, người nhà không lo u não nữa nghe!”.

BS Cường giải thích thêm: dị dạng này có sẵn từ nhỏ, cháu bé không có triệu chứng gì cả, nhưng nó có thể lớn dần theo thời gian và gây triệu chứng, đó là lý do mà một năm rưỡi nay cháu mới bị yếu tay chân.

Ekip can thiệp cứu sống bệnh nhi L.H.C.Đ. có TS.BS Trần Chí Cường và ThS.BS Nguyễn Lưu Giang tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch S.I.S Cần Thơ

Tiếp theo, cháu Đ. được chụp MRI để khảo sát kỹ hơn về khối dị dạng, bác sĩ sẽ tìm xem chỗ nào có thể can thiệp an toàn. Dưới “mắt thần” MRI 3 tesla, khối dị dạng hiện rõ là một búi mạch máu chằng chịt to như trái chanh, trong đó có một số điểm yếu dễ vỡ, các bác sĩ làm tắc các điểm yếu đó, tránh cho cháu bị đột quỵ xuất huyết não.

TS.BS Trần Chí Cường cho biết, sau khi can thiệp ngăn chặn đột quỵ, có thể Đ. sẽ cần làm xạ phẫu (gamma knife) giúp thu gọn búi dị dạng, không nhất thiết phải tìm mọi cách loại bỏ nó hoàn toàn. Bởi nếu cái búi không còn điểm yếu nào dễ vỡ nữa thì cháu Đ. có thể chung sống hòa bình với nó suốt đời.

Ca can thiệp DSA vào trưa 14/1, do TS.BS Trần Chí Cường và ThS.BS Nguyễn Lưu Giang thực hiện, làm tắc được 4 vị trí nguy hiểm của búi dị dạng.

Chỉ 5 tiếng sau, cháu Đ. đã cử động bàn tay phải gần như bình thường, mà hơn 1 năm nay, bàn tay đó như có tật, chỉ co vào duỗi ra được từng ngón.

Đoạn clip bàn tay nắm rồi xòe nhanh nhẹn của Đ. do chị Phụng gửi từ Cần Thơ làm nức lòng gia đình ở Huế, và cả những “người thân mới” là các thành viên AloBacsi ở Sài Gòn.

Những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn rơi.

Từ Huế, chị Loan - bác gái của Đ. bày tỏ trong chat group: “Sáng giờ không làm được gì hết, muốn nín cả thở, lo lắng và quá sợ hãi. Cảm tạ trời đất! Từ ngày bệnh viện ở đây cho cháu về gia đình em không biết phải đi đâu để tìm được sự sống cho cháu, không nghĩ sẽ có phép màu và kỳ tích. Rồi em gọi để nhờ AloBacsi chỉ đường, và bác sĩ Cường đã tìm lại sự sống cho cháu em. Ơn nghĩa này gia đình em xin ghi lòng tạc dạ.

Phụng à chị mừng cho mẹ con em, chị mừng cho chị vì cháu của chị được cứu sống rồi, hôm nay những giọt nước mắt chảy đầy ắp hạnh phúc và lòng biết ơn!...”

Với chị Phụng, cái tết này là tết hồi sinh. Hè năm sau cháu Đ. sẽ trở lại đây tái khám, chị tin đó sẽ là một chuyến đi hạnh phúc, bình an.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X