Hotline 24/7
08983-08983

Đẩy lùi ung thư bằng liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch mang đến hi vọng mới cho nhiều bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những trường hợp ung thư giai đoạn cuối.

Ngày 2/4/2016, Trung tâm ung thư Parkway Singapore (PCC) tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư” với sự tham gia của: BS Lim Hong Liang - Chuyên gia tư vấn ung thư phổi, đầu-mặt-cổ, BS See Hui Ti - Chuyên gia tư vấn ung thư vú và phụ khoa, BS Foo Kian Fong - Chuyên gia tư vấn ung thư tiêu hóa.

Lựa chọn điều trị bệnh ung thư bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, điều trị trúng đích hoặc miễn dịch. Có rất nhiều lựa chọn điều trị, đôi khi được sử dụng kết hợp, điều này phụ thuộc rất nhiều vào loại ung thư và các giai đoạn của bệnh. Tại buổi hội thảo, các bác sĩ đến từ Singapore đã giới thiệu về liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư.

Liệu pháp trúng đích nhắm vào những thay đổi di truyền cụ thể hoặc phân tử đáng chú ý trong tế bào ung thư. Trong một số trường hợp, nó cho kết quả điều trị tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn hóa trị liệu truyền thống.

Cơ chế của liệu pháp trúng đích là thúc đẩy sự chết đi của tế bào ung thư, cắt đường tiếp vận (ngăn chặn sự phát triển của mạch máu nuôi khối u), điều chỉnh xáo trộn dẫn truyền tín hiệu của tế bào ung thư. Liệu pháp này đã được nghiên cứu và áp dụng khoảng 12 năm nay.

BS See Hui Ti giới thiệu về liệu pháp trúng đích trong điều trị ung thư vú và phụ khoa (ảnh: Viết Hưởng)

Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng thuốc kích thích hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để tấn công các tế bào ung thư. Đây là liệu pháp mới được nghiên cứu từ năm 2015.

Liệu pháp miễn dịch đang được xem như là một đột phá mới trong lĩnh vực y tế đặc biệt trong điều trị ung thư. Đây là phương pháp điều trị bằng hệ thống miễn dịch cá nhân chống lại tế bào ung thư và là liệu pháp điều trị ung thư mới đã được chấp thuận bởi FDA.

Ung thư làm suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh, ức chế khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể và khả năng nhận diện các tế bào ung thư. Nói nôm na là tế bào ung thư có khả năng “ngụy trang” làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh không phát hiện được để tiêu diệt chúng.

Thông qua liệu pháp miễn dịch, hệ thống miễn dịch được tăng cường để phát hiện các tế bào ung thư hiệu quả hơn. Điều trị này có thể làm ngưng hoặc làm chậm lại sự tăng trưởng tế bào ung thư, ngăn ngừa chúng xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.

Thông qua liệu pháp sinh học này, theo thời gian hệ thống miễn dịch sẽ được huấn luyện để có thể nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư, giúp cơ thể được bảo vệ hiệu quả trong thời gian dài.

BS Foo Kian Fong đưa ra ví dụ về một bệnh nhân nữ 48 tuổi bị khó chịu vùng bụng và sụt kí năm 2001. Sau tầm soát, bệnh nhân được chẩn đoán u dạ dày di căn gan và màng bụng, đồng thời có u mô đệm đường tiêu hoá (GIST) di căn, nguyên phát từ dạ dày.

Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường chỉ kéo dài được 6 tháng vì GIST không đáp ứng hoá trị hoặc xạ trị. Vì vậy bệnh nhân được thử nghiệm dùng STI57 năm 2001 (hiện nay là Glivec). Trong 6 tuần điều trị Glivec hoặc Imatinib, bệnh nhân cảm thấy khoẻ hơn dù trải qua một số tác dụng phụ như phù, ngứa. Khuôn mặt bệnh nhân trắng hơn trước đây. Sau 12 tuần điều trị, không còn dấu hiệu của ung thư và bệnh nhân sống khỏe đến hôm nay.

Bệnh nhân phát hiện ung thư giai đoạn cuối vào năm 2001, sau điều trị đã sống khỏe đến hôm nay (ảnh tư liệu)


Một trường hợp khác là ông LNM, thương nhân 68 tuổi. Ông bị ung thư gan năm 2010 và làm phẫu thuật cắt bỏ thùy gan phải, tuy nhiên chỉ số AFP luôn tăng trong quá trình theo dõi. Sau khi chụp CT, bác sĩ phát hiện ung thư di căn hạch ổ bụng.

Ông LNM bắt đầu điều trị thuốc Sorafenib và hạch di căn ổ bụng biến mất hoàn toàn. Chỉ số AFP của ông trở lại bình thường vào tháng 8/2012.

Từ trái qua: BS See Hui Ti - Chuyên gia tư vấn ung thư vú và phụ khoa, BS Foo Kian Fong - Chuyên gia tư vấn ung thư tiêu hóa, BS Lim Hong Liang - Chuyên gia tư vấn ung thư phổi, đầu-mặt-cổ (ảnh: Viết Hưởng)

Nhiều người quan tâm, đặt câu hỏi về liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư (ảnh: Viết Hưởng)


Tuy nhiều hứa hẹn như vậy nhưng không phải liệu pháp miễn dịch phù hợp với tất cả các loại ung thư. Nó được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị bệnh Hodgkin (một dạng ung thư bạch huyết) và hiệu quả trong điều trị ung thư vú âm tính với cả 3 kháng thể, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư đầu và cổ.

Đối với những bệnh nhân ung thư đã phát triển hoặc di căn, đặc biệt là những người thất bại trong phương pháp điều trị thông thường, liệu pháp miễn dịch mang đến hi vọng mới, nhất là những trường hợp khối u có PD-L1 dương tính.

Liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch thường có ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị liệu. Song cũng cần thảo luận với bác sĩ đang điều trị vì càng sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau thì nguy cơ tác dụng phụ càng cao.

Hiện nay, các loại thuốc miễn dịch chưa có vai trò trong điều trị ung thư giai đoạn sớm. Những bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu hoặc đang đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác thì nên tiếp tục và không chuyển sang liệu pháp miễn dịch.

Danh sách các phương pháp điều trị và loại ung thư đáp ứng với việc điều trị vẫn tiếp tục tăng thêm. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa ung thư để được tư vấn lựa chọn biện pháp phù hợp.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân - BV Nhân Dân 115 cho biết: Tại Việt Nam, bệnh nhân có thể tiếp cận liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch tại các bệnh viện - trung tâm ung bướu lớn như: Bệnh viện K (Hà Nội), BV Ung bướu TP.HCM, BV Chợ Rẫy (TP.HCM), BV Nhân dân 115...

Liệu pháp trúng đích được áp dụng rộng rãi khoảng 10 năm nay  và có hiệu quả đáng kinh ngạc khi phối hợp điều trị các loại ung thư phổ biến như: ung thư đại - trực tràng, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư biểu mô thận, ung thư hạch. Do có hiệu quả điều trị nên liệu pháp trúng đích đã được BHYT đồng ý chi trả.

Đối với liệu pháp miễn dịch thì số lượng bệnh nhân tiếp cận còn hạn chế do thuốc men khan hiếm, xét nghiệm phục vụ liệu pháp này thường phải gửi mẫu ra nước ngoài, chi phí cao, BHYT chưa thanh toán...


Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X