Hotline 24/7
08983-08983

Đau nhức xương khớp dùng thuốc giảm đau nào?

TS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội Cơ - xương - khớp, bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tư vấn về “Kiểm soát cơn đau nhức trong các bệnh cơ xương khớp”.

1. Nguyên nhân đau nhức xương khớp do đâu?

Ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân gây đau nhức xương khớp, trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh lý thoái hóa khớp.

Ở những người trẻ tuổi nguyên nhân thường do sai lầm trong thói quen sinh hoạt hàng ngày như:

  • Làm việc quá nhiều
  • Khiêng vác quá nặng
  • Ngồi lâu không đúng tư thế

2. Đánh giá, phân loại mức độ đau như thế nào?

Theo Tổ chức Y tế thế giới sẽ phân chia đau thành 3 mức độ: mức độ 1, mức độ 2 và mức độ 3 dựa trên 1 thang đo đau từ 0 – 10, 0 tức là không đau và 10 là đau nặng nhất.

  • 1-4: đau nhẹ
  • 5-6: đau trung bình
  • 7-10: đau nặng

Như vậy, mức độ đau nhẹ của người này có thể là mức đau trung bình của người khác, và mức độ đau trung bình của người khác có thể là mức độ đau nặng. Tức là mức độ đau sẽ tùy thuộc vào cảm nhận riêng của từng người và không ai giống ai.

Trong chuyên môn khi tiếp cận với một bệnh nhân đau nhức xương khớp, bác sĩ thường sẽ phân ra thành 2 loại: đau do viêm và đau không do viêm.

  • Đau do viêm sẽ liên quan tới rất nhiều bệnh lý nhưng thường gặp nhất vẫn là do viêm khớp, ví dụ viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gout. Tuy nhiên, đau do viêm cũng có thể gặp trong các bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư, nhiễm trùng, lao,…
  • Đau không do viêm thì tương đối nhẹ nhàng hơn và không nguy hiểm, có thể gặp trong bệnh lý thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, thoái vị đĩa đệm. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân khác như người trẻ ngồi quá nhiều quá lâu thì đôi khi sẽ bị căng cơ và gây đau, hoặc chơi thể thao quá sức cũng sẽ dẫn đến đau.

Bệnh nhân khi gặp vấn đề về đau, nếu là đau do viêm thì phải đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám tìm nguyên nhân và điều trị.

Còn trường hợp đau không do viêm cũng cần đến bệnh viện khám, tuy nhiên có thể trì hoãn và không gần gấp rút như đau do viêm.

alobacsi TS.BS Cao Thanh Ngọc thuốc giảm đauTS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội Cơ - xương - khớp, bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

3. Có mấy loại thuốc giảm đau? Cách sử dụng thuốc giảm đau như thế nào?

Có rất nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị đau trong tất cả các nguyên nhân không chỉ riêng cơ xương khớp và tùy theo mức độ đau của người bệnh như đau nhẹ, đau trung bình, đau nặng mà các bác sĩ sẽ xử trí khác nhau.

Thông thường và an toàn nhất là khi một người bệnh đến mà đau ở mức độ nhẹ hoặc trung bình thì các bác sĩ thường sẽ cho uống paracetamol, bởi vì đây là thuốc tương đối ít tác dụng phụ hơn với những thuốc khác.

Nếu người bệnh chưa giảm đau khi uống paracetamol thì bác sĩ có thể cho nhóm thuốc tiếp theo là thuốc kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cũng có rất nhiều tác dụng phụ, do đó người bệnh không nên tự mua thuốc uống mà cần phải tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, xem chức năng gan, thận như thế nào và có sử dụng được các thuốc kháng viêm không steroid hay không.

Bởi vì một số trường hợp có bệnh lý thận mà không biết rồi mua thuốc kháng viêm không steroid về uống thì có thể làm bệnh thận nặng nề hơn.

Ngoài 2 loại thuốc thông dụng nhất là paracetamol và thuốc kháng viêm không steroid thì một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng những thuốc thuộc nhóm opioid mạnh hoặc opioid yếu.

Những thuốc thuộc nhóm opioid yếu như oxycodone, thường sẽ phối hợp với paracetamol trong thuốc uống hàng ngày.

Còn nhóm opioid mạnh như morphin thì thường phải trong bệnh viện thì các bác sĩ mới chỉ định sử dụng.

Thậm chí những thuốc thuộc nhóm opioid yếu đôi khi cũng gây nghiện, do đó người bệnh cũng không nên tự ý mua thuốc này để sử dụng.

Ngoài 3 loại thuốc trên, thì một số trường hợp các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng những thuốc giảm đau thuộc nhóm thần kinh hoặc thuốc giãn cơ nếu họ bị căng cơ nhiều.

Đó là về chuyên khoa, còn thực tế đa phần thuốc thông dụng nhất vẫn là paracetamol và thuốc kháng viêm không steroid. Thuốc kháng viêm không steroid bên cạnh công dụng, còn có tác dụng phụ trong tiêu hóa như đau dạ dày, loét, xuất huyết tiêu hóa,…

Bên cạnh đó, cũng có tác dụng phụ trên tim mạch, thận, do đó một lần nữa tôi khuyến cáo người bệnh chúng ta không nên tự ý mua thuốc kháng viêm không steroid uống mà nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.

Nhóm thuốc tương đối an toàn và đơn giản đó là paracetamol. Đây là thuốc thuộc nhóm thuốc không kê đơn, vì vậy trong một số trường hợp người bệnh có thể uống ở nhà hoặc đến nhà thuốc tây để mua uống.

Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng, bởi vì nếu sử dụng paracetamol với liều lượng cao thì vẫn có thể dẫn đến tổn thương gan, hoặc những ai có bệnh lý gan sẵn có cũng phải sử dụng liều paracetamol thích hợp.

4. Liều paracetamol như thế nào là thích hợp với người Việt?

Đối với người Việt Nam liều thông thường là dưới 4g, tuy nhiên trong thực tế bác sĩ lại ít sử dụng liều cao như vậy, mà sẽ sử dụng 2-3g/ngày.

Và paracetamol có nhiều dạng khác nhau, dạng cho trẻ em liều 150mg, 250mg và liều cho người lớn 500mg.

Đối với liều 500mg, ngày xưa các bác sĩ có thể cho bệnh nhân từ 1 viên, 3 hoặc 4 lần trong ngày, như vậy người bệnh sẽ phải uống thuốc nhiều lần. Tuy nhiên, hiện nay paracetamol cũng có dạng liều 650mg, đây là liều rất thích hợp bởi vì người bệnh có thể uống 1 viên, 2 hoặc 3 lần trong ngày thì có thể đảm bảo đủ liều và cũng tương đối an toàn.

Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải biết chắc chắn hệ gan của mình bình thường thì mới có thể tự mua thuốc paracetamol để uống. Vì dù đây là thuốc tương đối an toàn, nhưng vẫn có các tác dụng phụ.

5. Cách phòng ngừa đau nhức xương khớp

Vấn đề đau nhức cơ xương khớp hiện nay rất phổ biến, không chỉ ở người già mà còn ở những người trẻ tuổi. Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để phòng ngừa bệnh lý đau cơ xương khớp?

Thực ra, có nhiều vấn đề chúng ta khó có thể phòng ngừa được, ví dụ như bệnh lý thoái hóa khớp nguyên nhân do lão hóa do tuổi, có thể một số người sẽ đau sớm, một số người đau muộn.

Trong tất cả các nhóm bệnh lý về cơ xương khớp để phòng ngừa thì đầu tiên cần phải tập luyện thể dục thể thao ở mức hợp lý, không chỉ khi lớn tuổi chúng ta mới tập mà việc tập luyện phải được thực hiện ngay khi còn trẻ.

Bởi vì, sụn khớp của mình không có mạch máu nuôi dưỡng mà nó được nuôi dưỡng bằng cách thẩm thấu, do đó những vận động hàng ngày sẽ giúp lưu lượng máu, chất dinh dưỡng vào sụn khớp tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta vận động quá mức, thì sụn khớp sẽ bị đè nén trong thời gian dài thì cũng ảnh hưởng.

Thứ 2, cần có dinh dưỡng tốt. Vì dinh dưỡng toàn thân tốt thì cơ xương khớp mới tốt được.

Thứ 3, giữ cân nặng hợp lý. Bởi khi quá cân thì hệ cơ xương khớp sẽ phải gánh một sức nặng liên tục, kéo dài. Trong thực tế lâm sàng hàng ngày, những người gầy hơn thì xương khớp của họ bị bệnh thường nhẹ hơn so với người thừa cân, béo phì.

Tuy nhiên, nếu quá gầy yếu quá lại rất dễ bị loãng xương. Do đó tốt nhất là vẫn nên giữ cân nặng vừa đủ.

Bên cạnh đó, đối với người trẻ cần có chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý, ví dụ ngồi làm việc quá lâu, quá tập trung trong thời gian dài hoặc ngồi lâu với máy vi tính mà khom lưng thì lâu ngày cũng ảnh hưởng cột sống rất nhiều.

Lệ Phương - Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X