Hotline 24/7
08983-08983

Đau lưng và ho nhiều sau sinh mổ, có phải do thuốc gây mê?

Sau sinh mổ, phụ nữ thường cảm thấy đau nhức cơ thể, nhất là lưng. Nguyên nhân được đồn đoán rằng do tiêm thuốc gây mê/ tê trong khi sinh. Vậy quan điểm này có chính xác? Mời quý bạn đọc theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trong bài viết dưới đây.

NỘI DUNG TƯ VẤN

ZL Xuka Koy

Em sinh mổ, bác sĩ có gây mê cho em, vì quá trình sinh em không biết gì cả, chứ không phải tiêm thuốc gây tê. Sau 1 tháng em bị đau lưng và hay ho. Bác sĩ cho hỏi giờ em phải làm sao hay ăn uống như thế nào ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Rất nhiều người cho rằng vì gây tê/mê khi mổ sinh là nguyên nhân gây đau lưng về sau, nhưng sự thật thì không phải như vậy, đó là quan niệm cũ và sai. Chuyện đau lưng ở người nữ sau sinh không liên quan đến việc gây tê tủy sống lúc mổ, nhiều người không gây tê tủy sống vẫn đau lưng và nhiều người đã từng mổ đẻ + gây tê tủy sống mà không hề đau lưng.

Nguyên nhân gây đau lưng sau sinh là do bệnh lý tại cột sống thắt lưng, như căng mỏi cơ, căng dây chằng cột sống, gai cột sống, nằm ngủ sai tư thế, ngồi nhiều cho con bú/vắt sữa, thiếu canxi và khoáng chất…

Còn chuyện em ho cũng vậy, có thể do nhiều nguyên nhân như ho do bụi than ở nhà nào còn nằm than, do thiếu nước, do trào ngược dạ dày, do cảm... Nhìn chung, em nên khám lại tại chuyên khoa Sản phụ khoa để bác sĩ kiểm tra các vấn đề của em, xác định nguyên nhân và từ đó có hướng điều trị thích hợp, cũng như tư vấn chế độ ăn uống tương ứng, em nhé.

Thân mến.

Vì sao người nhóm máu O không thể truyền cho người nhóm máu B?

Bảo Hoà - vonguye...@gmail.com

Vì sao nhóm máu O không thể truyền cho nhóm máu B, thưa bác sĩ? Rất mong nhận được câu tư vấn, xin chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào Bảo Hòa,

Máu con người được chia làm nhiều nhóm dựa theo các kháng nguyên riêng biệt trên hồng cầu. Hiện nay khoa học phát hiện có khoảng trên 30 hệ nhóm máu khác nhau, nhưng hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là cực kỳ quan trọng do có tính sinh miễn dịch cực mạnh. Khi truyền máu khác nhóm vào, kháng thể của người nhận có thể phá hủy máu (kháng nguyên trên hồng cầu người cho) gây tác hại cho cơ thể; do đó cần phải phân loại nhóm máu và truyền máu phù hợp theo nguyên tắc an toàn miễn dịch truyền máu, đó là không truyền máu có kháng nguyên tương ứng với kháng thể có ở người nhận.

Nhóm máu O là nhóm máu phổ biến nhất. Nhóm máu O không có kháng nguyên A cũng không có kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, nhưng lại có cả hai kháng thể A và B trong huyết tương. Kết quả là những người có nhóm máu O chỉ có thể nhận truyền máu từ những người có cùng nhóm máu O, vì các kháng thể trong huyết tương của nó sẽ tấn công các loại khác. Tuy nhiên, những người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác, vì nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên. Nói cách khác, nhóm máu O là nhóm máu chuyên cho, nhóm máu O có thể truyền được cho nhóm máu A, B, AB và O; nhưng chỉ có nhận từ duy nhất nhóm máu O - cùng nhóm máu - mà thôi.

Như vậy, nhóm máu O có thể truyền được cho người nhóm máu B, trong trường hợp không tìm được nguồn máu cùng nhóm máu B để truyền. Còn nếu có sẵn nguồn máu cùng nhóm máu B luôn thì ưu tiên chọn nguồn cùng nhóm máu để truyền, trừ khi bí quá mới dùng nhóm máu khác - và khi đó chỉ có máu O là nhóm máu khác có thể truyền được cho người nhóm B mà thôi.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương

Viêm hang vị dạ dày Hp K29.7 có phải ung thư phổi?

Nguyen Van Nhi - Vannh...@gmai.com

Chị em đi khám phổi, bác sĩ chuẩn đoán K29.7/viêm phổi viêm hang vị dạ dày hp(+) suy nhược, vậy có phải chị em bị K phổi không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

K29.7 là mã số của bệnh viêm dạ dày Hp (+), mã số bệnh này dựa theo quy định mã bệnh quốc tế ICD mà bộ y tế ban hành, chứ không phải ký hiệu bệnh lý ung thư hay bệnh lý nguy hiểm gì cả.

Bệnh của chị em là bệnh có thể điều trị khỏi được, chị em tuân thủ uống thuốc theo toa của bác sĩ và tái khám theo hẹn nhé. Nhớ nhắc chị em ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi để bệnh mau hồi phục nha em.

Thân mến.

Máu kinh của phụ nữ văng vào mắt có gây mù?

Nguyễn Thị Sen - thinh...@outlook.com

Cho em hỏi có trường hợp nào mà máu kinh của người nữ văng vào mắt bị mù không? Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Máu kinh của người nữ văng vào mắt không có gây mù được, đó là lời hù dọa mà thôi, dân gian vẫn thường cho rằng máu kinh của người nữ là thứ rất độc, rất dơ, vô tình nhìn thấy máu kinh của người nữ khác đã là điềm gỡ trong ngày, có thể nổi mụt lẹo, còn mà để văng trúng thì gây mù luôn. Nhưng đó chỉ là lời hù dọa mà thôi.

Máu kinh của người nữ văng vào mắt không gây mù, nhưng có thể gây viêm kích ứng ở mắt và lây truyền bệnh lý truyền nhiễm như HIV, viêm gan B. Do đó, người gặp tai nạn này cũng cần đến bệnh viện Mắt để kiểm tra và hướng dẫn xử lý thích hợp, em nhé.

Nổi cục tròn dưới cằm, bệnh gì AloBacsi?

Lê Thị Công Tính - Lethic...@gmail.com

Thưa bác sĩ. Em bị sưng 1 cục tròn ở dưới cằm. Nuốt thì lâu lâu lại bị vướng. Nó hơi mềm 1 chút, đụng thì nó cũng không đau nhiều. Như vậy là em bị gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào Công Tính,

Theo miêu tả của em thì bác sĩ nhận thấy nhiều khả năng " cục tròn ở dưới cằm" là hạch viêm, và em cũng đang có biểu hiện viêm họng. Nhưng mà, để biết chắc chắn cục đó là gì (hạch, hay nang giáp lưỡi hay bướu mỡ...) thì em cần siêu âm kiểm tra.

Vì thế, em nên khám chuyên khoa Tai mũi họng để bs kiểm tra cho em, soi họng và siêu âm, để xác định bệnh và điều trị bệnh thích hợp, em nhé.

Rối loạn thần kinh thực vật uống Ninh Tâm Vương có tốt không?

ZL Lê Cường

Bác sĩ cho em hỏi là em bị rối loạn thần kinh thực vật + nhịp nhanh xoang, hiện em đang uống thuốc concor 5mg. Em muốn kết hợp uống thêm thực phẩm chức năng Ninh Tâm Vương được không ạ? Và thuốc Ninh Tâm Vương có tốt cho người bị rối loạn thần kinh thực vật không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào Lê Cường,

Ninh tâm vương là thực phẩm chức năng có thành phần từ thảo dược giúp hỗ trợ ổn định nhịp tim. Bệnh lý của em có thể sử dụng được ninh tâm vương để ổn định bệnh của mình. Tuy nhiên, về phần liều lượng thì em cần phải thông qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch (đông y cũng được mà tây y cũng được), để cân chỉnh liều phù hợp với thuốc concor em đang dùng.

Dù là thực phẩm chức năng thì bác sĩ cũng không thể kê liều lượng cho em qua kênh truyền thông mà không thông qua khám và trực tiếp được, đây là luật của bộ y tế. Em đến tái khám tại chuyên khoa Tim mạch hay viện y học dân tộc đều được, em nhé.

Lưỡi bị tê rát và đỏ, dấu hiệu bệnh gì?

Trần Phương - tranquyet...@gmail.com

Cháu chào bác sĩ, lưỡi cháu có hiện tượng tê rát và đỏ, bên phải cảm giác tê ở đường viền và bề mặt lưỡi, khi tì vào răng mới thấy cảm giác tê rõ ràng nhất. Nó sưng như ngậm cục bông trong miệng.

Lưỡi cháu không bị loét ở đâu cả, chỉ có 1 cục màu trắng nhìn như thịt lưỡi, lấy tay xoa vào thì nó hết nhưng tì vào răng lại thấy. Không biết cháu bị viêm lưỡi hay ung thư ạ, cháu chưa đi khám ở đâu cả. Cháu bị viêm amidan mãn tính. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Theo thông tin em miêu tả thì bác sĩ nhận thấy khả năng em bị viêm gai lưỡi nhiều hơn là ung thư, tuy nhiên, để chẩn đoán xác định bệnh cho em thì em cần khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để bác sĩ xem xét trực tiếp các bất thường trên lưỡi của em, nếu có sang thương nghi ngờ ung thư thì sẽ bấm sinh thiết.

Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ kê thuốc cho em uống, xem lại xem amidan viêm mạn có chỉ định mổ hay không. Em nên sắp xếp khám bệnh viện Tai mũi họng sớm, em nhé.

Trong thời gian đó, em chú ý súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, uống nhiều nước trong ngày và ăn uống đủ chất, không hút thuốc lá, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.

Thân mến.

Đi tiểu nhiều lần, kèm đau đầu, buồn ngủ, nguyên nhân do đâu?

Võ Thị Hồng Nhung - nhungvoh...@gmail.com

Bác sĩ ơi! Em năm nay 17 tuổi, bị đi tiểu nhiều lần, một tiếng đi tiểu đến tận 2 lần. Và cảm thấy buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi thường xuyên. Như vậy có nguy hiểm gì không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào Hồng Nhung,

Đó là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe cơ thể em đang có vấn đề, cần phải kiểm tra tổng quát để xác định nguyên nhân. Trước mắt, chuyện đi tiểu nhiều lần là biểu hiện của kích thích đường tiểu dưới, thường gặp nhất trong bệnh viêm đường tiểu.

Còn cảm giác buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi thường xuyên thì có thể gặp trong nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau. Em nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, đăng ký khám tại chuyên khoa Thận tiết niệu cũng được mà nội tổng quát cũng được, em nhé.

Ngã rách lợi hàm trên, vết thương có tự lành?

Tào Trung Vương - emmuon...@gmail.com

Bác sĩ ơi, em bị ngã rách lợi hàm trên hơi rộng, vậy có tự lành được không ạ? Em cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Vết rách môi lợi rộng nên khâu lại sẽ lành nhanh hơn. Nếu không khâu thì vết thương rồi cũng sẽ lành, vì đây không phải vết thương chí mạng, nhưng mà lành chậm, chảy máu rỉ rả, có khả năng bội nhiễm vi trùng làm mủ và khi lành cũng thường để lại sẹo xấu.

Em nên đến khám tại chuyên khoa Eăng hàm mặt để bác sĩ kiểm tra và xử lý vết thương thích hợp cho em, có thể em còn cần chích ngừa thêm vắc xin uốn ván nữa đó.

Da đầu rỉ nước vàng sau khi tẩy tóc, xử trí sao?

Vũ Việt Năng - vunan...@gmail.com

Cho em hỏi là em mới đi tẩy tóc lần đầu mà bây giờ cứ rỉ nước vàng thì cần làm gì để điều trị ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Việt Năng thân mến,

Đó là hiện tượng viêm da đầu do tiếp xúc với chất tẩy mạnh. Em cần đến khám tại bệnh viện Da liễu để bác sĩ xem trực tiếp tổn thương trên da đầu của em, mức độ ra sao, tiền căn dùng thuốc thế nào mà kê thuốc bôi, dầu gội thích hợp giúp giảm viêm da. Em đi khám sớm, tránh viêm da ngày càng nặng hơn sẽ làm rụng tóc nặng.

Lỗ tai sau khi bấm bị bầm tím, có phải đã nhiễm trùng?

Lê Quang Huy - Huyleq...@gmail.com

Em mới bấm lỗ tai được 1 tuần thì ở phía dưới vết bấm xuống hết tai có hơi bầm da và chuyển nhẹ sang màu tím. Đây có phải là nhiễm trùng không bác sĩ và em cần làm gì trong trường hợp này?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Đó không phải là dấu hiệu nhiễm trùng, mà chỉ là bầm máu dưới da đang tan dần - nên có cảm giác lan ra. Dấu hiệu nhiễm trùng lỗ bấm tai sẽ là sưng, đau, đỏ da, tụ mủ.

Do đó, nếu lỗ bấm tai không rỉ máu thì da có hơi bầm bầm tí cũng không sao cả, vết bầm này sẽ tự tan và mất đi trong vài ngày tới, không cần tác động gì thêm, em nhé.

Thân mến.

Uống thuốc tẩy giun Fugacar khi nào BS?

ZL Niềm Tin

Chào bác sĩ! Em có mua thuốc tẩy giun Fugacar, nhưng lại về luôn và dược không bảo khi nào uống ạ. Bác cho em hỏi khi nào em có thể uống thuốc được? Em 30 tuổi, con em 1 bé 5 tuổi và 1 bé  7 tuổi ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Chào em,

Cả ba mẹ con đều có thể uống được thuốc tẩy giun này, cách uống và liều uống giống nhau. Thuốc Fugacar có thành phần là Mebendazole 500mg, uống một lần duy nhất 1 viên 500mg vào buổi sáng trước ăn 1 giờ. Cả ba mẹ con nên lặp lại việc tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng, em nhé.

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X