Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu cảnh báo ung thư phụ khoa không nên bỏ qua

Bất cứ cơ quan nào của chị em phụ nữ cũng đều có khả năng gây ung thư. Nếu được tầm soát và chẩn đoán sớm hoàn toàn có thể giữ lại tử cung, giữ lại chức năng sinh sản và điều trị hết bệnh. Trong bài viết dưới đây, BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên sẽ đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo ung thư phụ khoa để có thể nhận biết và điều trị kịp thời.

1. Ung thư phụ khoa gồm có những loại ung thư nào?

Thưa BS, ung thư phụ khoa gồm có những loại ung thư nào ở các chị em phụ nữ ạ? Trong đó, đâu là loại ung thư gặp phổ biến nhất, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Dưới góc độ của bác sĩ sản phụ khoa trong cơ thể của chị em phụ nữ cơ quan sinh dục bao gồm buồng trứng, vòi trứng, tử cung, trong tử cung có thân tử cung, cổ tử cung, âm đạo, âm hộ ra phía ngoài. Bất cứ cơ quan nào của chị em phụ nữ đều có khả năng gây ung thư. Ví dụ như:

- Buồng trứng: có khối u là ung thư buồng trứng.

- Đặc biệt ở 2 vòi trứng: có rất nhiều bệnh lý ung thư phát sinh từ tai vòi.

- Ở thân tử cung: có nguy cơ mắc bệnh lý ung thư nội mạc tử cung

- Cổ tử cung: ung thư cổ cung là bệnh lý ung thư phụ khoa thường gặp nếu không phát hiện sớm có thể gây nhiều biến chứng nặng nề.

- Ngoài ra có một số loại ung thư hiếm gặp hơn ở cơ quan sinh dục như: ung thư ở vùng âm hộ hoặc âm đạo.

Nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để phát hiện sớm các bệnh lý này.

2. Ung thư phụ khoa thường gặp ở độ tuổi nào và nguyên nhân là gì?

Ung thư phụ khoa thường gặp ở độ tuổi nào? Nguyên nhân gây bệnh là gì, thưa BS? Và trong đó, những ai có nguy cơ mắc bệnh ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đối với mỗi loại ung thư khác nhau tần suất gặp sẽ khác nhau theo độ tuổi. Đa số sẽ gặp ở độ tuổi sinh sản, tức là độ tuổi chị em đã bắt đầu có kinh nguyệt, lập gia đình, mang thai, sau đó là tiền mãn kinh. Tần suất ung thư cổ tử cung sẽ tăng dần theo tuổi, theo số năm chị em bị nhiễm virus gây ung thư cổ tử cung, virus HPV.

Các chị em phụ nữ khi đã lập gia đình sẽ được khuyên tái khám phụ khoa định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần vì trong khoảng thời gian này sẽ phát hiện ra nhiều bệnh lý khác nhau. Khi đi khám phụ khoa bác sĩ không chỉ khám cổ tử cung hay 2 buồng trứng mà còn khám tổng quát các cơ quan sinh dục của phụ nữ. Ngoài ra bác sĩ sẽ khám để xem có vấn đề về vú như u vú hoặc ung thư vú không. Khám phụ khoa giúp phát hiện ra nhiều vấn đề và có thể chẩn đoán, điều trị kịp thời.

3. Ung thư phụ khoa có di truyền không?

Ung thư phụ khoa có di truyền không thưa BS? Nhiều người lo lắng khi trong gia đình có chị em gái mắc tình trạng này, vì vậy nhờ BS giải thích rõ về tỷ lệ di truyền trong các trường hợp ruột thịt và họ hàng gần ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Ung thư phụ khoa có rất nhiều loại được khẳng định có yếu tố di truyền như ung thư buồng trứng, ung thư vú. Hiện tại những đột biến gen như BRCA đã được khẳng định là ung thư có yếu tố gia đình. Đặc biệt những chị em phụ nữ có chị gái, em gái, mẹ ruột đã từng bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng sẽ có chế độ tầm soát kỹ lưỡng hơn để phát hiện sớm bệnh.

Thậm chí một số nước trên thế giới đã có chỉ định điều trị dự phòng. Ví dụ Angelina jolie có gen BRCA, nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng rất cao và đã phẫu thuật. Tuy nhiên vấn đề này là cá thể hóa và chỉ chấp nhận ở một số nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, đối với những trường hợp chị em có yếu tố gia đình như tiền căn mẹ hoặc chị em gái đã có bệnh lý ung thư thư vú hoặc ung thư buồng trứng nên tầm soát sớm để được bác sĩ sản phụ khoa hướng dẫn chế độ tầm soát sớm hơn và đặc biệt hơn. Ngoài ra một số loại ung thư khác đang bắt đầu được nghiên cứu và khẳng định có gen dễ mắc bệnh ung thư.

Ung thư cổ tử cung đã được xác định nguyên nhân nhiễm virus HPV sẽ có phương pháp phòng ngừa như tiêm vắc xin. Ngoài ra có một số phương pháp chẩn đoán sớm để điều trị trước khi qua ung thư.

Hiện nay có rất nhiều bạn gái trẻ hoặc trong độ tuổi sinh sản bị rong kinh, rong huyết bất thường mà điều trị nội khoa không đáp ứng thì các bác sĩ sản phụ khoa sẽ chỉ định nạo sinh thiết và vô tình may mắn phát hiện bệnh lý nội mạc tử cung đang ở giai đoạn tăng sản. Tăng sản nội mạc tử cung có thể điều trị bằng nội tiết. Nếu sau ba tháng kiểm tra lại nội tiết, nội mạc trở về bình thường nghĩa chúng ta may mắn chữa khỏi bệnh, chỉ cần theo dõi sát sau đó. Trường hợp không phát hiện sớm để vài năm sau bệnh có thể tiến triển thành ung thư nội mạc tử cung, lúc này việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.

Từ đó chúng ta có thể thấy, ung thư có một số bệnh lý mang yếu tố di truyền, một số bệnh lý đã có nguyên nhân có thể phòng ngừa và đa số có thể chẩn đoán sớm. Vì vậy các chị em phụ nữ nên đi khám để được điều trị kịp thời.

4. Dấu hiệu nào cảnh báo ung thư phụ khoa?

Hầu hết với các bệnh ung thư khác, dấu hiệu cảnh báo rất ít hoặc mơ hồ. Vậy còn với ung thư phụ khoa thì sao, thưa BS?

Nhờ BS chia sẻ về các dấu hiệu cảnh báo của từng bệnh lý trong ung thư phụ khoa để các chị em nắm rõ hơn ạ:

-        Ung thư cổ tử cung

-        Ung thư nội mạc tử cung

-        Ung thư âm đạo

-        Ung thư buồng trứng

-        Ung thư âm hộ

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Ở nhóm ung thư phụ khoa còn tùy thuộc vào ung thư ở vị trí nào. Theo y văn thế giới, đa số những trường hợp ung thư buồng trứng phát hiện ở giai đoạn trễ. Chúng ta có buồng trứng rất nhỏ nằm trong vùng chậu, khi sờ thấy được hoặc gây ra những triệu chứng khó chịu như đau bụng, tiểu khó, đi cầu khó thì ung thư đã lan tràn ra xa.

Tuy nhiên những ung thư ở vị trí khác như ung thư thân tử cung, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm đạo, ung thư âm hộ chúng ta có thể phát hiện sớm hơn:

- Vùng âm hộ có một nốt loét hoặc sùi, sau một thời gian điều trị vẫn không hết có thể nốt loét đó là báo hiệu của ung thư âm hộ.

- Quan hệ ra máu, đây là triệu chứng rất thường gặp. Nếu có nốt sùi ung thư cổ tử cung thì khi động chạm vào vị trí sùi có thể gây chảy máu. Đó là dấu hiệu báo động những bất thường ở bệnh lý cổ tử cung.

- Đặc biệt các chị em lớn tuổi, quanh độ tuổi mãn kinh (40 - 45 tuổi) hoặc sau mãn kinh (sau 12 tháng hoàn toàn không có kinh), đột nhiên ra kinh lại hoặc kinh nguyệt dây dưa kéo dài. Rối loạn kinh nguyệt ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh là dấu hiệu báo động phải đi khám ngay để chẩn đoán sớm các bệnh tăng sản hoặc ung thư nội mạc tử cung.

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý tiến triển trong thời gian kéo dài. Trước khi ung thư cổ tử cung sẽ có giai đoạn tiền ung thư mà các chị em hoàn toàn không có triệu chứng. Thậm chí có những giai đoạn tiền ung thư, khi thăm khám bác sĩ nhìn bằng mắt thường đôi khi không nhận ra được vì sang thương rất nhỏ dưới dạng vi thể.

Nếu muốn chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung chúng ta phải đi khám và làm xét nghiệm tầm soát. Dấu hiệu bất thường đầu tiên là trên xét nghiệm tầm soát chứ không phải qua thăm khám hoặc những triệu chứng. Ví dụ ung thư cổ tử cung quan hệ chảy máu hoặc đi tiểu khó, đi cầu khó, đau bụng có thể đã là dấu hiệu trễ.

Hiện nay có thể tầm soát ung thư cổ tử cung bằng 2 loại xét nghiệm:

- Xét nghiệm Pap (xét nghiệm tế bào): Bác sĩ sẽ dùng chổi quét trên cổ tử cung.

- Xét nghiệm HPV: Thử dịch ở cổ tử cung để xem có nhiễm virus HPV hay không.

Nếu 1 trong 2 hoặc cả 2 xét nghiệm này bất thường, bác sĩ sản phụ khoa sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn như soi cổ tử cung để chẩn đoán ra bệnh ở giai đoạn sớm. Đây là giai đoạn có thể can thiệp được. Những dấu hiệu khác như quan hệ ra máu, rối loạn kinh nguyệt, đau bụng đó không còn là dấu hiệu sớm, các chị em phải đi khám ngay.

Ung thư nội mạc tử cung, là lớp nội mạc hằng tháng chúng ta ra kinh sẽ dày lên bất thường, có thể xuất hiện những khối sùi trong lòng tử cung, dưới siêu âm bác sĩ có thể thấy được. Tuy nhiên nếu chị em không đi khám, triệu chứng thường gặp nhất vẫn là ra huyết bất thường. Có thể ra huyết dây dưa hoặc 5 ngày, 10 ngày ra kinh một lần hoặc kéo dài cả tháng. Đây là những dấu hiệu báo động có thể mắc bệnh lý nội mạc tử cung bất thường, cần phải đi khám để được nạo sinh thiết.

Nạo sinh thiết là phương pháp duy nhất bác sĩ biết được chắc chắn mô nội mạc tử cung có ung thư hay không. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ nhỏ bằng ống hút hoặc muỗng nạo để lấy/nạo nội mạc tử cung ra. Mô nạo sẽ được chuyển đến bác sĩ giải phẫu bệnh và đọc chính xác xem tế bào đó có ung thư hay không. Những phương pháp chẩn đoán khác, ví dụ bác sĩ siêu âm thấy một khối ở lòng tử cung thì đó chỉ là dấu hiệu gợi ý, không thể khẳng định chắc chắn ung thư.

Vì vậy đối với các chị em có dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh có thể ra huyết lại cần đi khám ngay để loại trừ bệnh lý ung thư nội mạc tử cung.

Ung thư âm đạo là một bệnh lý hiếm gặp và dễ phát hiện hơn. Nếu có một nốt sùi hoặc nốt loét ở âm đạo, thông thường triệu chứng đầu tiên là quan hệ ra máu (máu chảy sâu trong âm đạo màu đỏ tươi). Một số chị em có thể phát hiện triệu chứng này hoặc đồng thời nhờ xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung có tế bào bất thường. Sau đó soi cổ tử cung bác sĩ sẽ thấy những vùng sang thương bất thường ở âm đạo. Ung thư âm đạo cũng là một loại ung thư nếu phát hiện sớm có thể điều trị được.

Ung thư buồng trứng là một bệnh lý mà hiện tại trên thế giới chưa có phương pháp sàng lọc. Ngay cả siêu âm vẫn chưa được coi là dấu hiệu sàng lọc. Ví dụ:

- Ung thư vú: chúng ta có chụp nhũ ảnh 2 năm/lần đối với người trên 40 tuổi.

- Ung thư cổ tử cung: xét nghiệm sàng lọc Pap hoặc HPV 5 năm/lần.

Tuy nhiên nếu đi khám sớm có thể phát hiện bệnh lý ở giai đoạn sớm hơn.

Ung thư âm hộ là một bệnh lý hiếm gặp. Hiện nay các bác sĩ sản phụ khoa nhận thấy tần suất bệnh này tăng lên, các chị em đã bắt đầu quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Thông thường cổ tử cung, âm đạo khi đi khám bác sĩ sản phụ khoa phải quan sát rất kỹ mới thấy, còn vùng âm hộ là một cơ quan sinh dục hoàn toàn có thể thấy được khi tự vệ sinh ở nhà.

Ung thư âm hộ thường gặp ở chị em phụ nữ lớn tuổi, có một nốt sùi hoặc nốt loét, sượng cứng ở vùng âm hộ. Có thể đau hoặc không đau nhưng kéo dài theo thời gian. Ví dụ, thỉnh thoảng chị em hay thấy mình có những mụn nước nhỏ 1 - 2 tuần sẽ lành. Tuy nhiên một số chị em có những vết loét như nốt ruồi nhỏ nhưng loét hoài không lành, đó là dấu hiệu cảnh báo nên đi khám. Bác sĩ sẽ lấy một miếng mô nhỏ ở vị trí đó để kiểm tra chắc chắn có bị ung thư không. Ung thư âm hộ nếu phát hiện sớm, sang thương nhỏ thì phẫu thuật sẽ đơn giản và có thể điều trị triệt để cho các chị em.

5. Phát hiện sớm bệnh lý ung thư phụ khoa mang lại lợi ích gì?

Việc phát hiện sớm bệnh lý ung thư phụ khoa giúp thay đổi tiên lượng, chất lượng cuộc sống ra sao, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Việc chẩn đoán sớm sẽ thay đổi hoàn toàn tiên lượng điều trị sau này. Ví dụ ung thư cổ tử cung phát hiện giai đoạn trễ có thể không điều trị được, không phẫu trị, không xạ trị, hóa trị. Tất cả chỉ là điều trị triệu chứng, duy trì để đỡ đau. Nếu chúng ta phát ở hiện giai đoạn sớm (ví dụ tiền ung thư) có thể điều trị triệt để.

Khi đó, nốt ung thư rất nhỏ, nếu cắt bỏ, khoét chóp cổ tử cung các chị em hoàn toàn có thể giữ lại tử cung, giữ lại chức năng sinh sản và điều trị hết bệnh. Ngày xưa ông bà hay nói nếu ung thư đụng đến dao kéo sẽ dễ lan tràn nặng hơn tuy nhiên đó là quan niệm xưa. Có rất nhiều loại ung thư nếu chẩn đoán sớm sẽ điều trị được hoàn toàn.

Một bệnh lý ung thư sẽ có nhiều giai đoạn khác nhau. Ví dụ ung thư nội mạc tử cung có giai đoạn ban đầu là tăng sản. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn tăng sản sẽ điều trị triệt để và có thể điều trị nội tiết 3 tháng là hết bệnh, không kéo dài qua giai đoạn ung thư.

Bất kỳ căn bệnh nào trong đó có ung thư phụ khoa nếu được chẩn đoán sớm tiên lượng (dự hậu) điều trị sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy nên đi khám để phát hiện kịp thời. Những chị em đã lập gia đình nên đi khám để được tầm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung. Những chị em chưa lập gia đình hoặc trước 26 tuổi nếu có điều kiện nên tiêm ngừa ung thư cổ tử cung.

6. Nên tầm soát ung thư phụ khoa như thế nào?

Vậy, theo BS, độ tuổi nào các chị em nên tầm soát ung thư phụ khoa ạ? Với những người có yếu tố nguy cơ thì bao lâu nên thực hiện một lần là tốt nhất? Còn với người khỏe mạnh, thời gian tầm soát thực hiện ra sao ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Tầm soát tức là chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung là vấn đề các chị em rất quan tâm. Đối với chị em đã lập gia đình phải đi khám 6 tháng - 1 năm/lần. Vì mỗi lần khám phụ khoa bác sĩ sẽ tầm soát đầy đủ các vấn đề như buồng trứng, cổ tử cung, nội mạc tử cung, các xét nghiệm chuyên sâu,...

Ngoài ra có thể phát hiện sớm những bệnh lý khác như ung thư vú (thuộc ung thư phụ khoa), nhận biết các sang thương vú để điều trị kịp thời. Hiện tại chương trình tầm soát ung thư vú dành cho phụ nữ 40 tuổi trở đi thực hiện 2 năm/lần bằng nhũ ảnh.

Những chị em phụ nữ có yếu tố nguy cơ như chị em gái hoặc ba mẹ và người thân trong gia đình có một số loại ung thư khác nhau nên đi khám sớm hơn. Vì những trường hợp này sẽ có chế độ tầm soát đặc biệt hơn.

7. Tầm soát một lần có thể phát hiện hết các bệnh lý ung thư phụ khoa không?

Tầm soát một lần có thể phát hiện hết các bệnh lý trong ung thư phụ khoa không thưa BS?

- Nếu có, người phụ nữ nên thực hiện những kiểm tra, xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nào trong trường hợp này?

- Nếu không có, các chị em phụ nữ sẽ ưu tiên tầm soát bệnh lý nào? Nên thực hiện xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nào ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Mỗi bệnh lý sẽ có chế độ tầm soát khác nhau. Ví dụ:

- Ung thư cổ tử cung, tầm soát làm bộ đôi xét nghiệm Pap và HPV có giá trị đến 5 năm. Tức là xét nghiệm đó nếu bình thường sẽ dự đoán trong vòng 5 năm tới không bị ung thư cổ tử cung.

- Nhưng những bệnh lý khác như ung thư buồng trứng chưa có chương trình sàng lọc hiệu quả nên chúng ta phải đi khám phụ khoa định kỳ để dưới sự thăm khám của bác sĩ có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Lưu ý không phải khám một lần là chúng ta an tâm mà cần có chế độ nhắc lại để được tái khám định kỳ.

8. Tầm soát ung thư phụ khoa có giá trị bao lâu và nên thực hiện đến độ tuổi nào?

Sau khi tầm soát, nếu kết quả bình thường, việc kiểm tra này sẽ lặp lại sau bao lâu và tiếp tục kiểm tra đến độ tuổi nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Xét nghiệm sẽ tùy loại ung thư khác nhau. Ví dụ ung thư cổ tử cung, ngày xưa chưa có xét nghiệm HPV sẽ làm Pap mỗi năm hoặc 2 năm/lần. Hiện tại xét nghiệm HPV (thử virus gây ung thư cổ tử cung) khá phổ biến. Nếu làm bộ đôi Pap và HPV sẽ có giá trị 5 năm (tức là 5 năm xét nghiệm lại một lần).

Chương trình tầm soát hiện nay sẽ dừng lại ở 70 - 75 tuổi.

- Nếu phụ nữ có 3 lần tầm soát trước đó (trước 65 hoặc 70 tuổi) hoàn toàn bình thường thì có thể ngưng lại.

- Đã cắt tử cung vì nguyên nhân lành tính: Những chị em khoảng 45 tuổi, bị cắt tử cung vì u xơ tử cung quá to hoặc nội mạc tử cung. Nếu xét nghiệm Pap tế bào hoàn toàn bình thường trước khi mổ và đã mổ cắt tử cung, cổ tử cung thì sau đó không phải tầm soát ung thư cổ tử cung.

- Những bệnh lý khác: Sau khi cắt tử cung ở độ tuổi 45 tuổi vẫn còn 2 buồng trứng (tức là vẫn có nguy cơ ung thư buồng trứng) thì các chị em phải tái khám phụ khoa 6 tháng - 1 năm/lần để được kiểm tra và chẩn đoán sớm nếu có bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X