Hotline 24/7
08983-08983

Đang cho con bú, có được uống vitamin E?

Bị hỏng do bong võng mạc và đục thể thủy tinh, có chữa được không; hậu môn có cục thịt dư, phải bị trĩ… là nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi từ 16g30- 18g30.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương



Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Huyền Thanh - huyenthanhpham…@gmail.com

Tôi đang nuôi con bú (bé được 4 tháng). Tôi muốn hỏi tôi có thể uống vitamin E không, trước khi có bầu tôi uống, khi biết có bầu tôi không uống nữa, vậy bây giờ tôi uống tiếp được không ạ? Chân thành cảm ơn.      

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Theo hướng dẫn về sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng thì vitamin E không chống chỉ định với phụ nữ cho con bú. Vitamin E được tiết vào sữa. Sữa người có lượng vitamin E gấp 5 lần sữa bò và có hiệu quả hơn trong việc duy trì đủ lượng vitamin E trong huyết thanh cho trẻ đến 1 năm tuổi. Nhu cầu vitamin E hàng ngày trong khi cho con bú là 12 mg. Chỉ cần bổ sung cho mẹ khi thực đơn không cung cấp đủ lượng vitamin E cần cho nhu cầu hàng ngày.

 

- Binhmoi Le - binhmoi…@gmail.com

Mắt cháu bị hỏng do bong võng mạc và đục thể thủy tinh. Bây giờ mắt cháu không thấy gì, có thể cứu chữa được không? Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bong võng mạc mô tả một tình huống khẩn cấp khi một tổ chức quan trọng nằm ở mặt sau của mắt bị bong ra gây giảm thị lực nặng nề (không thấy rõ, không thấy gì). Bong võng mạc nhẹ và điều trị sớm thì có thể phục hồi, nhưng nếu bong võng mạc mức độ nặng và để lâu không được điều trị thì có nguy cơ không cứu chữa được nữa (mù vĩnh viễn). Đục thủy tinh thể thì ít nguy hiểm hơn, ngày nay có phẫu thuật thay thủy tinh thể sẽ giúp hồi phục đáng kể.

Tình trạng mắt em khá nặng, em cần phải khám tại BV Mắt (không phải phòng khám mắt đơn thuần) để bác sĩ kiểm tra kỹ, đánh giá xem mức độ ra sao, nguyên nhân do đâu, từ đó mới có quyết định được hướng điều trị thích hợp, em nhé.

 

- Nguyễn Văn Đại - worship_onelove…@yahoo.com

Chào bác sĩ,

Em là nam, 20 tuổi. Gần đây em thấy mình có biểu hiện nuốt nước bọt có cảm giác có dị vật ở cổ rất khó chịu, nhưng khạc nhổ lại không có gì. Đôi khi (1 - 2 lần) thấy tức ngực, cảm giác khó thở nhưng vẫn hít thở bình thường. Ngoài ra em thấy vài ngày gần đây (khoảng 2 - 3 ngày), em bị sút cân rất nhanh (sút mất 2kg). Bác sĩ cho hỏi em có bị gì không ạ? Em xin cảm ơn bác sĩ ạ.         

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các triệu chứng mà em cung cấp có thể gặp trong một số bệnh cảnh sau: viêm họng mạn, bệnh lý tuyến giáp, u vùng hầu họng, bệnh lý thực quản, tim mạch, hô hấp... Em cần đến bệnh viện để kiểm tra, BS cần thăm khám toàn diện cho em (bao gồm khám tai mũi họng, khám tim, khám phổi...) và làm 1 số xét nghiệm cần thiết như chức năng tuyến giáp, chụp X-quang phổi, đo điện tim... để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp. Trong thời gian đó, em cần tăng cường uống nước lọc, nước mát, rau xanh, trái cây, hạn chế đồ ăn chua cay nóng nhiều gia vị, hạn chế uống nước đá lạnh, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.


- Bichngoc…@gmail.com

Con là nữ, 21 tuổi. Con đi đại tiện ra máu phát hiện hậu môn có cục thịt dư con nghĩ mình bị trĩ. Con là nữ nên rất ngại đi khám. Mong bác sĩ tư vấn giúp con với ạ.     

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nếu em có tình trạng táo bón kéo dài, đi cầu thường xuyên phải rặn, nay xuất hiện 1 khối lồi ở hậu môn với đặc điểm là ẩm ướt, trơn láng, xuất hiện khi rặn nhiều, kèm đi cầu ra máu đỏ tươi không hòa lẫn vào phân (ở mặt ngoài phân hay nhỏ giọt sau đi tiêu phân) thì nhiều khả năng đó là trĩ.

Trĩ độ 2 thì đứng dậy búi trĩ tự thụt vào; độ 3 thì phải lấy tay đẩy búi trĩ vào và độ 4 thì không thể lấy tay đẩy búi trĩ vào. Trong điều trị trĩ, thông thường, BS sẽ kê toa thuốc cho em uống trong một thời gian để giảm nhỏ kích thích búi trĩ (daflon), nặng thì mới mổ, quan trọng là em cần thay đổi lối sống của mình, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn nhiều gia vị, cay và chất kích thích như rượu bia, cà phê, không hút thuốc lá, tăng cường vận động, tránh ngồi lâu khi đi vệ sinh, em nhé.

Nếu uống thuốc kèm thay đổi lối sống mà hiện tượng trên vẫn còn, em cần phải khám chuyên khoa Tiêu hóa để tìm xem có các tổn thương nguy hiểm trong lòng ruột già gây đi cầu ra máu hay không (như polyp, u đại trực tràng...).


- Nguyen Thi Thuy - thuy.nguyen…@fecredit.com.vn

Cháu chào bác sĩ,

Cháu bị viêm dạ dày, kết quả nội soi lần 1 cháu bị viêm hang môn vị dạ dày dạng nốt theo phân loại Sydney cải tiến và dương tính với HP. Bác sĩ cho cháu thuốc diệt HP, cháu uống thuốc rồi ngừng thuốc và đi nội soi lại. Kết quả lần 2 là âm tính với HP, hang môn vị: viêm trợt, phù nề theo phân loại Sydney cải tiến. Bác sĩ bảo cháu đã diệt được HP chỉ còn viêm dạ dày và cho 2 tuần thuốc về uống.

Trong thời gian một tháng ngừng kháng sinh để đi nội soi, cháu không uống thuốc gì khác để trị viêm dạ dày, vào buối sáng chỉ uống một ít nghệ với mật ong. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi bệnh của cháu đang nặng hơn hay đã thuyên giảm ạ. Cháu cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp, thì em bị bệnh viêm dạ dày do nhiễm Hp và bệnh đang có dấu hiệu thuyên giảm. bằng chứng là em đã điều trị tiệt trừ thành công Hp, chỉ còn viêm trợt phù nề dạ dày nên cần uống thuốc thêm vài tuần nữa để trị khỏi hẳn viêm dạ dày mà thôi.

Cần 1 tháng ngừng kháng sinh để kiểm tra lại còn nhiễm Hp hay không là cần thiết, vì nếu không như vậy thì kết quả sẽ âm tính giả (không chính xác). Trong thời gian đó, em ngưng tất cả mọi thứ chỉ dùng nghệ với mật ong nhằm giảm triệu chứng viêm dạ dày, chứ không trị được viêm dạ dày, nên bây giờ BS kê thêm thuốc trị viêm dạ dày cho em.

Trong thời gian điều trị và cả sau này, để phòng ngừa viêm dạ dày tái phát, em nên hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ, em nhé.


- Than Thi Thu Uyen - thuuyen…@yahoo.com

Em năm nay 26 tuổi. Trên tay em không có vết sẹo tiêm ngừa nào hết. Vậy em có phải tiêm ngừa lại không. Bây giờ mới tiêm thì có được không? Em cảm ơn.     

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

“Vết sẹo tiêm ngừa” ý là đề cập đến vết sẹo ở vùng cơ Delta cánh tay trái sau tiêm ngừa lao hay còn gọi là sẹo BCG. Tiêm ngừa các vacxin khác không gây sẹo.

Hình thành sẹo tại chỗ sau tiêm phòng lao là phản ứng thường gặp ở hầu hết mọi trẻ tiêm ngừa vắc xin phòng lao, nhưng không có nghĩa là tất cả trẻ em tiêm phòng lao đều có phản ứng như vậy, và không có phản ứng không có nghĩa là tiêm phòng không có hiệu quả.

Để kiểm tra đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng lao đó là thử phản ứng Mantoux, nếu phản ứng Mantoux âm tính, nghĩa là không có hiệu quả tiêm ngừa lao. Nếu phản ứng Mantoux dương tính, chứng tỏ cơ thể đã sinh đáp ứng miễn dịch mặc dù không có sẹo ở cơ delta bên trái (vị trí tiêm mũi vắc xin phòng lao) và khi đó viêm tiêm chủng là có hiệu quả, không cần phải tiêm lại.

Vấn đề tiêm phòng lao quan trọng ở trẻ nhỏ, khi đã lớn rồi thì tác dụng phòng ngừa lao không phụ thuộc vào vắc xin ngừa lao, mà là nâng cao sức đề kháng của cơ thể, vì nếu tiếp xúc với nguồn nhiễm lao thường xuyên hay cơ thể suy yếu thì vẫn có thể nhiễm lao. Do vậy, em không cần thiết đi tiêm ngừa lao lại.


- Hoài Nhân - luongnhan…@gmail.com

Thưa bác sĩ cho em hỏi: em bị hạch lao vậy em có được hôn người yêu hay không và có lây hay không ạ? Cảm ơn bác sĩ.          

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Lao hạch đơn thuần, không kèm lao phổi (được bác sĩ chẩn đoán loại trừ lao phổi) thì không có vi khuẩn lao trong dịch tiết hầu họng, đàm nhớt nên không lây cho người khác qua đường hô hấp (hắt hơi, nhảy mũi, nói chuyện) và hôn sâu. Người bệnh không cần phải cách ly, sinh hoạt như bình thường, chỉ cần chú ý chế độ dinh dưỡng và làm việc hợp lý để mau khỏi bệnh.


- Thach Lam - thaithach…@gmail.com

Xin chào AloBacsi,

Dạo này 3 ngày em mới đi cầu, không đau bụng, phân hơi nhỏ lúc xưa, vậy có bị bệnh gì không? Xin cảm ơn.   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Người bình thường sẽ đi tiêu mỗi ngày 1 lần, phân mềm, không phải rặn nhiều. Có người đi cầu 2-3 ngày 1 lần nhưng phân vẫn mềm thì cũng bình thường. Đi cầu 3 ngày 1 lần, phân nhỏ mà rắn chắc, phải rặn nhiều là táo bón.

Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân, trước hết là do chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước, thói quen sinh hoạt ít vận động làm nhu động ruột cũng yếu, hay do bệnh lý gây rối loạn nhu động ruột, bệnh làm hẹp lòng ruột, do thuốc...

Trước hết, em nên thử điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt hàng ngày, gồm ăn thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, hoa quả (chuối, đu đủ...), hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, phải uống đủ nước, tối thiểu là 2 lít nước/ngày, trời nóng hay hoạt động đổ nhiều mồ hôi phải uống tối thiểu 3 lít nước/ngày, hạn chế rượu bia, cà phê, trà đặc, không hút thuốc lá, tăng cường vận động thể lực điều độ, bỏ thói quen nhịn đi tiêu tiểu.

Nếu sau 1 tháng mà không thay đổi gì thì cần khám chuyên khoa Tiêu hóa, siêu âm bụng và có thể cần nội soi đại tràng nếu cần thiết. Nếu có tiền căn gia đình bị polyp hay ung thư đại tràng, hay bản thân xanh xao, đi cầu phân dẹt, sụt cân thì cần khám bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa sớm để loại trừ bệnh lý ác tính gây tắc lòng ruột già.

 

- Tam Nguyen - boy_action…@yahoo.com

Kính gửi bác sĩ,

Cách đây 2 tháng, em bị sùi mào gà ở hậu môn và trong trưc tràng. Em đã đi BV Da liễu TPHCM, bác sĩ cho em xịt Al bên ngoài. Sau 1 tuần tái khám thì các nốt sùi xung quanh hậu môn đã hết. Tuy nhiên em thò tày vào trong khoảng 1-1,5 đốt ngón tay. Thì thấy còn nhũng nốt sùi trong sâu. Em có hỏi bác sĩ ở BV Da liễu thì được trả lời là trong đó sẽ tự hết không cần chữa. Nhưng đến hiện tại, em thò tay vào vẫn thấy các nốt sùi đó và có dấu hiệu nhiều hơn trước. Nhờ bác sĩ tư vấn giùm em. Trân trọng và cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Sùi mào gà nhỏ và ít thường tự mất đi mà không cần điều trị gì cả, tất nhiên thời gian sẽ lâu hơn một chút. BS xịt AL đối với sùi mào gà quanh hậu môn và chừa lại sùi mào gà trong trực tràng để tự hết là hợp lý, bởi vì xịt AL hay đốt điện đối với sùi mào gà trong trực tràng có hại nhiều hơn có lợi, hại là sẽ làm tổn thương lấn sang phần niêm mạc lành gây đau, loét, chảy máu, viêm nhiễm... trừ khi nào sùi mào gà lớn, không tự rụng đi theo thời gian hay mọc xâm lấn ra bên ngoài thì mới có chỉ định điều trị cắt đốt qua nội soi trực tràng.

Bên cạnh đó, bản chất của sùi mào gà là có thể lây lan được, nên việc em thò tay vào sờ các nốt sùi sẽ làm cho sùi ngày càng nhiều hơn, ngoài ra, em cần tránh quan hệ tình dục qua đường hậu môn với người có nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà và cả bạn tình cũ (nếu chưa điều trị), đây mới chính là nguyên nhân gây sùi mào gà không trị dứt được.

Em nên tiếp tục theo dõi bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ, em nhé.


- Vĩ Lương - khuuluong…@gmail.com

Em đọc trên mạng thấy là ung thư vú nói riêng và ung thư nói chung lây qua người có hệ miễn dịch yếu có đúng không bác sĩ? Vậy nếu đang sốt hay cảm cúm và tiếp xúc với người bị ung thư vậy có bị lây không ạ? Em luôn mang tâm trạng lo lắng, bất an bác sĩ có thuốc nào giúp trấn an tinh thần không ạ? Cảm ơn bác sĩ.       

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Câu hỏi của em “ung thư có lây lan không” vừa đúng mà vừa sai.

Các tế bào ung thư từ một bệnh nhân nào đó không thể sống sót trong cơ thể một người khỏe mạnh khác. Hệ thống miễn dịch của người khỏe mạnh sẽ nhận dạng ra các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng ngay. Đã xảy ra một số trường hợp trong đó tạng ghép hiến tặng từ một người mắc bệnh ung thư đã gây ra ung thư cho người nhận.

Tuy nhiên một yếu tố quan trọng đã tạo điều kiện cho tình trạng này có thể xảy ra: Bệnh nhân nhận tạng ghép cần phải dùng một số thuốc ức chế miễn dịch giúp cơ thể họ không thải trừ mô ghép. Ngay cả khi mang thai, ung thư cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Một số ung thư có thể lan rộng từ người mẹ đến nhau thai, nhưng hầu hết các loại ung thư đều không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, u hắc tố ác tính (malignant melanoma) có thể lan tỏa từ nhau sang thai nhi. 

Như vậy, ung thư không hề lây lan theo con đường truyền nhiễm thông thường, nghĩa là khi em bị sốt, cảm thì không có chuyện em sẽ bị lây ung thư khi tiếp xúc với người bị ung thư.

Quả thật, em có lo lắng thái quá về sức khỏe của mình. Nếu em cảm thấy mình “luôn mang tâm trạng lo lắng, bất an” thì có thể em bị chứng rối loạn lo âu, em nên khám chuyên khoa Tâm thần để bác sĩ chẩn đoán rõ bệnh, tư vấn tâm lý và điều trị thuốc thích hợp cho em.


- lanluna…@gmail.com

Bác sĩ cho em hỏi: phẫu thuật nang dây thanh bằng ống cứng cần kiêng những gì? Cảm ơn bác sĩ. 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Để chuẩn bị cho phẫu thuật nội soi u nang dây thanh bằng ống cứng, người bệnh cần:

Cần nhịn ăn uống trước soi ít nhất 4 giờ. Việc nhịn ăn uống nhằm ngăn ngừa khả năng ói và bảo vệ đường thở

Nếu bệnh nhân đang uống các lọai thuốc điều trị bệnh lý mãn tính như: cao huyết áp, suy tim, bệnh phổi mãn tính… thì vẫn nên dùng thuốc như thường lệ với ít nước và cách xa giờ bắt đầu soi trên 1 giờ

Các xét nghiệm nên có: X-Quang phổi, đông máu toàn bộ.

Ký cam kết để thực hiện thủ thuật.

Sau phẫu thuật, người bệnh nên: phân bổ thời gian nói hợp lý, uống nhiều nước, đặc biệt nước trà ấm; bổ sung thêm các vitamin, ăn nhiều hoa quả tươi; thường xuyên vệ sinh mũi họng; điều trị dứt điểm các bệnh đường hô hấp cũng như bệnh trào ngược dạ dày, thực quản; đeo khẩu trang để tránh bụi, sử dụng công cụ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường độc hại… không nên la hét, nói to, nói nhiều, khạc nhổ gây ảnh hưởng đến thanh quản; không uống nước lạnh hay sử dụng các gia vị có tính kích thích như: ớt, hạt tiêu,…; không uống rượu, bia, hút thuốc lá.

Em cần nhớ là, sau phẫu thuật, 1 số trường hợp có thể bị tái phát.


- Vũ Thị Thúy Quỳnh - Hải Phòng

Cho cháu hỏi trước đây thỉnh thoảng cháu bị đau tức ở vùng ngực nhưng một thời gian không còn. Bây giờ lại bị đau nhưng đau liên tục và đau hơn trước ở vùng tim. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị bệnh gì ạ?    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Đau ngực trái (vùng trước tim) có thể do nhiều nguyên nhân, từ bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, trung thất, thần kinh cơ, sụn sườn...

BS cần khai thác kỹ triệu chứng đau ngực (đau như thế nào, khi đang làm gì, kéo dài bao lâu, có lan không...) và các yếu tố nguy cơ kèm theo (hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu...), kết hợp thăm khám và xét nghiệm kiểm tra thì mới định được bệnh.

Tuy nhiên, cảm giác nhói nhẹ nhẹ thoáng qua vài giây, hoặc đau liên tục từ ngày này qua ngày khác, không kèm vã mồ hôi, không khó thở ở người trẻ khỏe, không có yếu tố nguy cơ tim mạch (THA, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, ĐTĐ) thì không nghĩ nhiều đến đau ngực do tim; mà thường là do nguyên nhân thành ngực (thần kinh cơ) nhiều hơn.

Dẫu sao đi nữa, em cũng nên kiểm tra sức khỏe tổng quát, đo điện tim, siêu âm tim, chụp phim Xquang ngực... để loại trừ bệnh lý nguy hiểm (như bệnh cơ tim phì đại, hẹp van tim...). Em có thể đăng ký khám tại ck tim mạch hay hô hấp đều được em nhé.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X