Hotline 24/7
08983-08983

Đã có hơn 37.000 người tử vong do COVID-19, Omicron có thể tiến hóa từ chuột

Số người tử vong do COVID-19 cả nước vượt mốc 37.000; Omicron có thể đã tiến hóa từ chuột; Nhật Bản tiếp tục lập đỉnh số ca COVID-19 mới, trên 99% là mắc biến chủng Omicron… là những thông tin đáng chú ý trong bản tin tối ngày 26/1/2022 trên AloBacsi.

Thêm 15.954 ca COVID-19 mới, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước

Tính từ 16g ngày 25/1 đến 16g ngày 26/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.954 ca nhiễm mới, trong đó 69 ca nhập cảnh và 15.885 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố.

6 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca bệnh cao nhất trong ngày, gồm: Hà Nội (2.884), Đà Nẵng (991), Bắc Ninh (865), Hải Phòng (702), Thanh Hóa (587), Quảng Nam (572).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc ở mức 3 con số, bao gồm: Bắc Giang (485), Vĩnh Phúc (465), Bình Định (433), Hòa Bình (425), Quảng Ngãi (396), Hưng Yên (387), Hải Dương (370), Nam Định (360), Bình Phước (315), Bến Tre (301), Quảng Ninh (297), Nghệ An (294), Thái Bình (270), Phú Thọ (270), Thừa Thiên Huế (255), Cà Mau (244), Thái Nguyên (235), Lâm Đồng (229), Lào Cai (202), Kon Tum (192), Lạng Sơn (154), Vĩnh Long (153), Khánh Hòa (145), Sơn La (140), Hà Nam (137), Tây Ninh (136), Hà Tĩnh (131), Ninh Bình (121), TPHCM (121), Quảng Bình (121), Quảng Trị (120), Điện Biên (117), Bà Rịa - Vũng Tàu (115), Tuyên Quang (110), Hà Giang (109), Yên Bái (100).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc ở mức 2 con số, bao gồm: Trà Vinh (96), Bình Thuận (87), Bình Dương (76), Đắk Nông (69), Cao Bằng (62), Hậu Giang (57), Đồng Tháp (54), Cần Thơ (44), Đồng Nai (39), Long An (39), An Giang (37), Lai Châu (32), Ninh Thuận (29), Kiên Giang (28), Sóc Trăng (26), Tiền Giang (26), Bắc Kạn (23), Gia Lai (3), Đắk Lắk (2).

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tăng 186 ca so với ngày trước đó. Trong đó có 10.571 ca trong cộng đồng. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.574 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron tại TPHCM (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).

Trong ngày cũng ghi nhận 155 người bệnh COVID-19 tử vong. Trong đó, tại TPHCM có 8 ca, bao gồm 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (1), Sóc Trăng (1), Đồng Tháp (1), An Giang (1), Bình Phước (1).

Ngoài ra, các trường hợp còn lại được ghi nhận tại Hà Nội (19), Đồng Nai (11 ca trong 02 ngày), Vĩnh Long (9), Khánh Hòa (7 ca trong 02 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Kiên Giang (7), Cần Thơ (7), Bắc Ninh (6), Đồng Tháp (6), An Giang (6), Bến Tre (6), Bạc Liêu (5 ca trong 02 ngày), Sóc Trăng (5), Huế (5), Đà Nẵng (5), Quảng Ngãi (4 ca trong 02 ngày), Bình Thuận (4), Hậu Giang (4), Trà Vinh (3), Bình Phước (3), Tiền Giang (3), Lạng Sơn (2 ca trong 02 ngày), Bình Định (2), Hà Giang (2), Đắk Lắk (2), Tây Ninh (2), Cà Mau (2), Hải Dương (1), Ninh Bình (1), Đắk Nông (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 150 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.165 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Hiện, cả nước đã điều trị khỏi cho 1.924.609 người. Trong số bệnh nhân đang điều trị có 4.402 người bệnh nặng.

Hà Nội: Hơn 500 người đã qua đời vì COVID-19 trong đợt dịch thứ 4

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội trong ngày 25/1, thành phố đang điều trị cho 69.075 người mắc COVID-19.

Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (142), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), các bệnh viện thuộc Hà Nội (3.394), cơ sở thu dung của thành phố (745), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (4.956). Ngoài ra, 59.615 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.

Hiện, thành phố có 2.221 bệnh nhân COVID-19 ở mức độ trung bình, 691 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 6,4% so với trung bình 7 ngày trước). Trong đó, 570 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 37 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 20 người thở máy không xâm lấn, 60 ca thở máy xâm lấn và 4 trường hợp phải lọc máu.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 25/1, thành phố ghi nhận 19 trường hợp tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 506 người. Tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là 14.541.317 mũi tiêm; 241.072 mũi bổ sung và 2.193.061 mũi vắc xin nhắc lại.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, Hà Nội sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để cả người dân không chủ quan trước dịch bệnh; thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch theo cấp độ dịch; hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người... Chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thành phố cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bắc Ninh: Gọi 1022 để tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà

Ngày 26/1, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên quan khai trương thiết lập hệ thống Tổng đài tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà.

Tổng đài 1022 có đội ngũ tư vấn viên là bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc điều trị COVID-19, trực 24/24 giờ/ngày, cả thứ bảy và chủ nhật. Đội ngũ tư vấn viên luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các thông tin liên quan đến điều trị COVID-19 cho người mắc hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Để thuận tiện cho người dân trong việc tư vấn, Tổng đài 1022 được chia 3 nhánh: Nhánh 1 - Thông tin chung về dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; nhánh 2 - Gặp bác sĩ tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà; nhánh 3 - Kết nối Đường dây nóng của các Trung tâm Y tế huyện, thành phố.

Người dân trong tỉnh có thể quay số từ cố định nội hạt bằng cách trực tiếp bấm 1022, người dân ngoại tỉnh có thể gọi trực tiếp số 02221022 để được tư vấn, hỗ trợ.

Giới khoa học Trung Quốc: Omicron có thể đã tiến hóa từ chuột?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 là Omicron vào tháng 11/2021 và xác định đây là "biến thể đáng lo ngại" (VOC) thứ 5 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Với sự lây lan mạnh của Omicron và nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà khoa học đã bắt tay vào tìm hiểu về biến thể này, cũng như nguồn gốc của nó.

Trong khi các nhà khoa học có thể xác định rằng Omicron phát triển từ một biến thể đã lưu hành từ giữa năm 2020, họ lại chưa thể tìm thấy vật chủ trung gian mà Omicron tiến hóa thành biến thể như hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, biến thể này đã lây cho một loài động vật và các đột biến xuất hiện khi biến thể lây lan ở loài động vật này trước khi lây ngược trở lại cho con người. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Journal of Biosafety and Biosecurity gần đây dường như đã ủng hộ ý kiến trên.

Nghiên cứu do Giáo sư Jianguo Xu thuộc Viện Phòng ngừa và Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm quốc gia (CDC) Trung Quốc dẫn đầu đã tìm ra bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa Omicron với chuột trong DNA của biến thể mới.

Phân tích cho thấy Omicron mang các đột biến khiến chủng virus này có khả năng lây nhiễm sang nhóm động vật dễ dàng hơn. Omicron cũng có nhiều đột biến hơn mọi chủng virus trước đây và các nhà khoa học đã chứng minh rằng những đột biến này không xuất hiện ở người.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã so sánh DNA của Omicron với chủng virus gốc ở Vũ Hán và các biến thể khác, bao gồm Alpha và Delta. Họ nhận thấy Omicron có số lượng đột biến trung bình cao hơn nhiều (với 53,3 đột biến) so với các chủng virus trước đó (chỉ có khoảng 28,4 đến 35,4 đột biến).

Các nhà khoa học cho biết những đột biến này cho thấy Omicron có thể đã tiến hóa ở một loài động vật không phải con người. Họ cũng so sánh Omicron với các đột biến ở 13 chủng SARS-CoV-2 ít được biết đến trước đây đã từng được phát hiện ở chuột. Kết quả cho thấy Omicron có cùng 5 đột biến với nhóm này. Các nhà khoa học cũng khẳng định đây là bằng chứng cho thấy Omicron đã xuất hiện ở chuột.

Giáo sư Xu cho rằng, phát hiện trên cho thấy các nhà nghiên cứu nên tập trung vào các biến thể của virus SARS-CoV-2 được phân lập từ động vật hoang dã, đặc biệt là loài gặm nhấm. Theo ông, nếu Omicron được xác định có nguồn gốc từ chuột, hệ lụy của việc biến thể này lây lan giữa những vật chủ không phải con người sẽ đặt ra những thách thức mới trong việc phòng ngừa và kiểm soát đại dịch.

Nhật Bản tiếp tục lập đỉnh số ca COVID-19 mới, trên 99% là mắc biến chủng Omicron

Theo số liệu mới nhất chiều 26/1, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày tại Nhật Bản đã lập kỷ lục mới ngày thứ hai liên tiếp khi lần đầu vượt mốc 70.000 ca/ngày. Trong đó thủ đô Tokyo ghi nhận con số cao nhất với 14.084 ca, tăng hơn 2.000 ca so với ngày 25/1. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua, thủ đô Tokyo vượt mốc trên 12.000 ca mắc COVID-19 mới trong một ngày, trong đó dữ liệu được đưa ra có tới trên 99% là mắc biến chủng Omicron.

Theo chuyên gia của Tokyo, biến chủng Omicron là nguyên nhân chính gây số ca nhiễm tăng đột biến trong thời gian qua. Số liệu này được đưa ra dựa trên kết quả tổng hợp của Trung tâm nghiên cứu an toàn y tế Tokyo với đối tượng 4.640 ca nhiễm virus, có tới 4221 ca nhiễm biến chủng mới Omicron, còn lại 380 ca khó đưa ra kết luận. Như vậy số ca nhiễm đã chuyển gần như hết từ biến thể Delta sang Omicron.

Làn sóng lây nhiễm thứ 6 này tại Nhật Bản có tốc độ nhanh khủng khiếp hơn rất nhiều so với làn sóng thứ 5 xảy ra vào mùa Hè năm 2021. Hiện số người đang theo dõi tại nhà lên tới hơn 30.000 người. Trong số ca nhiễm của Tokyo có tới gần 65% số ca không rõ lịch sử di chuyển của mình. Đây cũng là một nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng vọt và không thể kiểm soát.

Tình hình dịch bệnh khá nghiêm trọng tại Tokyo khi các chỉ số khác đều tăng với 18 ca bị nặng, tăng 4 ca so với trước đó 1 ngày và 5 ca tử vong. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng giường bệnh đối với bệnh nhân mắc COVID-19 tại Tokyo cũng vượt quá 40%, đạt 42,8%. Đây là số liệu rất đáng quan ngại vì nếu vượt quá 50% thì Chính quyền Tokyo sẽ phải tính đến phương án ban bố tình trạng khẩn cấp.

Đáng chú ý, mức gia tăng tỷ lệ sử dụng giường bệnh tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn kể từ đầu tháng 1, với 10% ngày 9/1, sau đó mất 8 ngày để tăng lên mức 20% vào ngày 17/1, nhưng chỉ mất 4 ngày để cán mốc 30% vào ngày 21/1 và 5 ngày sau đã vượt mốc 40%.

Để giảm lây nhiễm, Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản đã có những điều chỉnh và đưa ra biện pháp cụ thể. Trên nguyên tắc, tiêm vắc xin mũi 3 bổ sung cho những đối tượng đã tiêm mũi 2 được 8 tháng, nhưng Bộ Y tế và Lao động hướng dẫn sẽ giảm thời gian xuống còn 7 tháng và để các địa phương sẽ có những quyết định tùy theo tình hình. Theo đó, hơn một nửa số quận của Tokyo sẽ rút ngắn thời gian xuống còn 6 tháng để thúc đẩy tốc độ tiêm mũi bổ sung.

Chính phủ cũng đã chỉ thị cho chính quyền địa phương đang áp dụng biện pháp tăng cường đặc biệt phòng ngừa lây nhiễm cung cấp xét nghiệm virus miễn phí, ngay cả trong trường hợp người yêu cầu xét nghiệm không có triệu chứng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đang cung cấp xét nghiệm miễn phí cho những người không thể tiêm chủng vaccine. Tuy nhiên, xét nghiệm miễn phí dành cho những người không có triệu chứng lây nhiễm virus.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ tăng cao

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính trung bình trong bảy ngày qua, mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận 2.191 ca tử vong do COVID-19, tăng so với mức 1.000 ca/ngày hai tháng trước đây - thời điểm biến thể Omicron chưa tấn công nước Mỹ. Đây là mức cao nhất của quốc gia này ghi nhận kể từ hồi đầu năm ngoái, vượt cả ngưỡng từng ghi nhận trong làn sóng lây nhiễm Delta gần đây.

Cụ thể, tỷ lệ tử vong cao nhất tại Mỹ được ghi nhận gần một năm trước đây, với trung bình 3.400 ca/ngày, tại thời điểm người dân Mỹ vẫn chưa được tiếp cận rộng rãi với vắc xin. Trong đỉnh dịch sóng Delta hồi tháng 9 vừa qua, số ca tử vong theo ngày ở Mỹ cũng chỉ ở mức khoảng 2.100 ca. Omicron sau đó lây lan và hiện trở thành biến thể chủ đạo, chiếm gần như toàn bộ số ca nhiễm mới tại Mỹ.

Giáo sư Katriona Shea, thuộc Đại học bang Pennsylvania - trưởng nhóm nghiên cứu tập hợp các mô hình đại dịch, đã chia sẻ dự báo của nhóm với Nhà Trắng. Bà nhấn mạnh rằng sẽ có nhiều người mắc COVID-19 hơn trong thời gian tới, kể cả khi mỗi người cảm thấy chính mình ít có nguy cơ nhiễm bệnh hơn. Cũng theo Giáo sư Shea, số ca tử vong của Mỹ sẽ đạt tới ngưỡng đỉnh vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky cho hay tuy biến thể mới Omicron lây lan nhanh, số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 “vẫn ở mức tương đối thấp vào lúc này”, theo Reuters. Bà Walensky cho hay tỷ lệ nhập viện trung bình hằng ngày trong tuần nói trên tăng 14%, lên khoảng 9.000 ca/ngày và tỷ lệ tử vong giảm khoảng 7%, ở mức 1.100 ca/ngày.

Trưởng cố vấn y tế của tổng thống Mỹ Anthony Fauci cho hay dữ liệu ban đầu của Mỹ cho hay thấy biến thể Omicron gây ra tỷ lệ nhập viện thấp hơn so với biến thể Delta, nhưng nhấn mạnh việc tiêm mũi vắc xin tăng cường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống COVID-19. Ông Fauci ngày 29/12 dự đoán số ca mắc Omicron ở Mỹ có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2022, theo Reuters.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X