Hotline 24/7
08983-08983

Đã cắt toàn bộ tuyến giáp và xạ trị, vì sao vẫn bị nổi hạch?

Vì sao cắt toàn bộ tuyến giáp vẫn bị nổi hạch?, Uống thuốc rối loạn lo âu kéo dài có sao không?, Đau đột ngột một bên mặt, bệnh gì?,... là những thắc mắc của bạn đọc AloBacsi đã được ThS.BS Võ Thị Tố Uyên giải đáp.

Vì sao cắt toàn bộ tuyến giáp vẫn bị nổi hạch?

Lê Minh - dungle..@gmail.com

Em đã cắt toàn bộ tuyến giáp do ung thư tuyến giáp giai đoạn 1 và đã xạ trị bằng Iot liều 100. Nhưng 3 tháng sau đi khám lại thấy nhiều hạch nhỏ li ti, chưa chọc hút sinh thiết được nên chưa biết có tế bào ung thư không? Bác sĩ cho em hỏi tại sao cắt toàn bộ tuyến giáp xạ trị rồi mà vẫn bị hạch ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào Lê Minh,

Hạch cổ to có nhiều nguyên nhân và cũng khá thường gặp. Hiện tại cũng chưa có bằng chứng kết luận hạch này là hạch di căn nên cần làm thêm xét nghiệm cần thiết để xác định bản chất hạch. Ung thư tuyến giáp hầu hết có tiên lượng tốt, nhất là các ung thư tuyến giáp biệt hoá tốt.

Các ung thư tuyến giáp không biệt hoá có tiên lượng xấu hơn do đáp ứng điều trị kém hơn. Do đó, đối với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, điều trị bằng phẫu thuật và iốt phóng xạ đạt được hiệu quả cao, còn ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa điều trị bằng 131I không hiệu quả mà phải phẫu thuật, tia xạ và hóa trị liệu…

Theo các tài liệu nghiên cứu cho thấy nếu phẫu thuật đơn thuần UTTG tỷ lệ tái phát là 32 - 40%, còn phẫu thuật kết hợp với điều trị iốt phóng xạ thì tỷ lệ tái phát giảm xuống còn khoảng 2 -3%. Do vậy, em nên tái khám chuyên khoa để bác sĩ đánh giá và đưa ra hướng can thiệp xử trí phù hợp, giúp tìm nguyên nhân và điều trị em nhé!

Thân mến.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

Vết gãy xương hàm có mủ, nguy hiểm không?

Nguyễn Hữu Vinh - vinhnguyen...@gmail.com

Em bị gãy xương hàm dưới có mủ ngay vết gãy dưới nướu, không điều trị và phẫu thuật liệu xương hàm của em có lành lại được không bác sĩ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Gãy xương hàm có thể điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) nhưng thường áp dụng với các trường hợp gãy đơn giản, ít di lệch.

Nếu vị trí tổn thương có mủ là dấu hiệu nhiễm trùng, trong một số trường hợp nhiễm trùng lan rộng, dai dẳng, gây ra biến chứng viêm xương tuỷ, có thể gây nguy hiểm tính mạng hoặc làm cho chỗ gãy xương không thể lành lại.

Do đó, bạn cần phải khám chuyên khoa để điều trị ổn định vết thương nhiễm trùng trước. Việc lựa chọn phương pháp điều trị cố định xươgn hàm dưới nào phù hợp nhất sẽ do bác sĩ chuyên khoa đánh giá và tư vấn trực tiếp bạn nhé!

Thân mến.

Uống thuốc rối loạn lo âu kéo dài có sao không?

Phan Ngoc Lan Anh - phanngoc...@yahoo.com

Chào bác sĩ!

Em bị chóng mặt kéo dài, đầu cứ nghe vo ve, đi khám khoa Tai mũi họng rồi khoa Thần kinh ở bệnh viện Đại học Y dược thì được chẩn đoán là rối loạn lo âu. Bác sĩ cho thuốc uống mà vẫn không bớt, nghe nói phải uống theo lộ trình kéo dài, uống thuốc tây nhiều có hại không ạ? Nếu bệnh phải uống lâu dài có nên khám uống theo bên đại học y dược cổ truyền không? Em cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Chóng mặt thường được chia ra thành hai nhóm nguyên nhân trung ương và ngoại biên. Chóng mặt trung ương có nguồn gốc từ tiểu não, bao gồm các tổn thương viêm não, u não, dị dạng mạch não, thiếu máu cục bộ, suy nhược thần kinh, các vấn đề toàn thân như thiếu máu, thiếu vitamin và khoáng chất, thiếu ngủ, bệnh lý tim mạch...

Trong khi đó, chóng mặt ngoại biên thường liên quan tới thần kinh tiền định hoặc tai trong, hay đi kèm với ù tai hoặc mất thính lực. Chóng mặt có thể xuất phát từ bệnh lý thông thường cho tới bệnh nguy hiểm, bao gồm cả các trường hợp rối loạn lo âu, suy nhược thần kinh, thiếu ngủ, thiếu máu, suy dinh dưỡng...

Nếu bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã khẳng định bạn chóng mặt do rối loạn lo âu thì có lẽ là có căn cứ chẩn đoán. Bạn nên dùng thuốc theo toa, xem xét đáp ứng và quay lại tái khám để xác định chính xác nguyên nhân bệnh.

Nếu lo lắng mà không tuân thủ, thay đổi nơi khám bệnh liên tục sẽ làm cho bệnh không thể chẩn đoán chính xác và dai dẳng, tiến triển nặng hơn. Bạn có thể gửi kèm các xét nghiệm và toa thuốc đã có về cho chương trình để được tư vấn cụ thể hơn bạn nhé!

Thân mến.

Đau đột ngột một bên mặt, bệnh gì?

Hoàng Văn Thắng - thangb...@gmail.com

Thưa bác sĩ! Thời gian gần đây tôi hay bị đau nhói ở bên đầu xuống cằm, có lúc thì từ đỉnh đầu xuống má trong thời gian rất nhanh, chưa đến 1 giây. Có lúc đau tưởng chừng như nó giật méo miệng. Như vậy tôi bị bệnh gì bác sĩ? Xin cho lời khuyên. Cảm ơn bác sĩ nhiều.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào Văn Thắng,

Triệu chứng đau bạn mô tả gợi ý đau do nguyên nhân thần kinh, cụ thể là thường gặp trong các trường hợp đau thần kinh sinh ba, cơn đau xuất hiện đột ngột ở một bên mặt, khu trú tại vùng cảm giác do một trong 3 nhánh của dây V phụ trách, hay gặp nhất là nhánh 2 (vùng môi trên và hàm trên). Rất hiếm khi đau toàn bộ một bên hoặc cả hai bên mặt.

Trong vài giây đến vài phút, bệnh nhân đau dữ dội như điện giật, kim châm, như bị cấu xé; các cơ mặt ở bên đau co giật, khiến họ phải lấy tay ôm mặt, giữ nguyên tư thế đầu, không dám cử động, kể cả nói. Cơn đau thường xuất hiện vào ban ngày khi có kích thích (như rửa mặt, cạo râu), có khi không rõ nguyên cớ. Giữa cơn có giai đoạn trơ; lúc đó mọi kích thích đều không gây đau (giai đoạn này có thể kéo dài nhiều phút).

Tuy nhiên, bệnh lý này cũng có nhiều nguyên nhân và nhiều chẩn đoán phân biệt, bạn nên sắp xếp khám chuyeen khoa Nội thần kinh để đánh giá trực tiếp và điều trị bạn nhé!

Thân mến.

Gãy xương gót chân, tập đi bị đau phải làm sao?

Nguyễn Thái Quỳnh Như - binguuy...@gmail.com

Chào bác sĩ! Em gãy xương gót chân phải được 2 tháng 4 ngày. Phim em chụp cách đây 4 ngày, kết quả cal nhiều đã lành 80%. Bác sĩ nói em về tập đi. Khi tập em đau nhói dưới mắt cá chân bên phải. Bác sĩ cho em hỏi như vậy là sao ạ? Liệu xương em có lành chưa và có nên tập đi không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Quá trình tập luyện sau gãy xương đòi hỏi sự kiên nhẫn, tích cực nhưng phải nương theo mức độ hồi phục của cơ thể. Nếu vội vã tăng cường độ tập luyện khi xương khớp chưa kịp thích nghi thì có thể gây ra tổn thương mới hoặc tái phát.

Nếu đau nhiều sau tập, em nên tái khám chuyên khoa để bác sĩ khám trực tiếp đánh giá và xử trí kịp thời em nhé!

Thân mến.

Chỉ số PDW có ý nghĩa gì?

Bạn đọc Ngô Thị Lan

Em có thắc mắc về chỉ số PDW của em tăng khá cao, như thế liệu có sao không ạ? E đi xét nghiệm bị thiếu máu. Mong được bác sĩ giải thích ạ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Độ phân bố tiểu cầu (platelet disrabution width: PDW): bình thường từ 10-18%. Giá trị này càng cao, nghĩa là độ phân bố của tiểu cầu thay đổi càng nhiều, tức là tiểu cầu to nhỏ không đều. PDW tăng trong ung thư phổi, bệnh hồng cầu liềm, nhiễm khuẩn huyết… Tuy nhiên thường đi kèm với các bất thường khác chứ không chỉ tăng đơn độc.

Hiện tại bên cạnh PDW, một số chỉ số khác trong công thức máu của bạn đều bình thường, hoặc chỉ biến đổi nhẹ không đnags kể; do đó PDW trường hợp này không có ý nghĩa chẩn đoán bệnh và bạn cũng không bị thiếu máu bạn nhé!

Thân mến.

Uống dư 1 viên thuốc tránh thai có gây tác dụng phụ?

Nguyễn Phan Quỳnh Anh - anhquy...@gmail.com

Chào bác sĩ, em dùng thuốc tránh thai hằng ngày Marvelon 21 viên, nhưng tháng này em lỡ uống thừa 1 viên là 22 viên, cho em hỏi liệu nó có ảnh hưởng gì không ạ? Và em phải làm sao ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Việc uống thừa 1 viên Marvelon không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả ngừa thai, nhưng một số trường hợp có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt. Nếu không thấy gì bất thường, bạn nên ngưng uống 7 ngày và uống tiếp vỉ mới bạn nhé!

Thân mến.

Nói ngọng có chữa được không?

Nguyễn Văn Hiêu - nguyenvan...@gmail.com

Bác sĩ cho tôi em, em bị chứng nói ngọng cách đây 4 tháng, vậy có cách gì để chữa khỏi không? Em 18 tuổi ạ. Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Ngọng có hai loại là ngọng thực thể và ngọng cơ năng. Ngọng thực thể gây ra bởi những biến đổi thực thể của bộ máy phát âm hoặc của hệ thần kinh trung ương; các rối loạn về khả năng nghe trong trường hợp rối loạn sức nghe chủ yếu bị ảnh hưởng đến các âm cao; do bất thường của bộ máy phát âm như hở hàm ếch, liệt lưỡi, liệt môi, liệt màn hầu. Ngọng cơ năng phát sinh do rối loạn quá trình phát triển của ngôn ngữ mà không tìm thấy một tổn thương nào khác suốt quá trình hình thành ngôn ngữ.

Nếu ngọng đột ngột mới xuất hiện 4 tháng nay, có thể do bệnh lý Tai Mũi Họng mới xuất hiện, em nên khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân và điều trị em nhé!

Hay có tiếng nhạc phát ra trong đầu, chữa thế nào?

Hilary N - phanha02...@gmail.com

Dạo này con hay bị tình trạng nhạc cứ văng vẳng trong đầu, thường là những bài hát trước đây hay nghe. Chỉ khi ngồi thiền hay tập trung làm 1 việc gì đó thì mới hết. Con đã cố gắng không nghĩ tới nhưng giai điệu cứ hiện trong não khiến con rất khó chịu và gây khó ngủ.

Bác sĩ có cách nào giúp con không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Âm nhạc có khả năng kích thích não bộ rất lớn. Chứng ảo giác âm nhạc đã từng được báo cáo và có liên quan đến thói quen nghe nhạc nhiều, đặc biệt trên cơ địa những người bị giảm thính lực thì dễ xảy ra hơn. Trước tiên, em cần phải có một hệ thần kinh khoẻ mạnh, cần có không gian tĩnh lặng khoảng vài phút trong ngày, tránh các kích thích về âm thanh làm cho bộ não không được nghỉ ngơi hoàn toàn, gây ra mệt mỏi, khó tập trung.

Em nên chú ý hơn tới vấn đề sinh hoạt, giấc ngủ sao cho thật điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và tránh nghe nhạc trong lúc ngủ. Nếu tình trạng trên vẫn còn xảy ra dai dẳng thì cần đến BS Tâm thần kinh để điều chỉnh lại, em nhé!

Nổi nốt đỏ lạ, có phải dấu hiệu giang mai?

Đoan Quốc - doanqu...@gmail.com

Cho con hỏi như này có phải bị giang mai không ạ? Con bị nổi 2, 3 nốt cỡ chân nhang, bữa con tắm muộn thấy có mủ xong vỡ ra ạ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Chỉ qua một vài nốt đỏ rất nhỏ thì khó có thể chẩn đoán giang mai và không phải sang thương đặc hiệu của giang mai. Để chẩn đoán bệnh giang mai thì bạn cần có yếu tố nguy cơ là phát sinh quan hệ tình dục không an toàn. Nếu lo sợ mắc bệnh giang mai, bạn nên khám ở bệnh viện phụ sản hoặc Da Liễu để làm rõ chẩn đoán bạn nhé!

Chàm chân uống thuốc không khỏi, nên làm gì?

Ng - lethibich...@gmail.com

Bạn trai em bị tai nạn tầm 4 năm rồi. Vết thương ở bàn chân mãi không lành, rỉ máu, mủ, bầm tím như vừa mới bị tai nạn. Hỏi ra thì bị chàm, đi khám bác sĩ cho thuốc mãi không lành. Xin hỏi bác sĩ có cách nào chữa không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Chàm là nhóm bệnh da do viêm với triệu chứng đặc trưng là ngứa, đỏ da, nổi mụn nước. Bệnh chàm khá thường gặp, nhất là trên những cơ địa dị ứng hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất dễ gây dị ứng đến từ thức ăn, nước sinh hoạt bẩn, xà phòng, quần áo...

Bệnh chàm khá đa dạng, có nhiều thể bệnh và nhiều nguyên nhân, có thể cấp tính, mạn tính hoặc bán cấp, liên quan thể tạng, viêm da tiếp xúc, khô da, chàm ứ đọng...

Biểu hiện của chàm da và một vết thương không lành là rất khác biệt, hầu hết các vết thương chậm lành sẽ liên quan tới dinh dưỡng kém, tưới máu nuôi vùng chi dưới kém hoặc nhiễm trùng vết thương, đều sẽ tiến triển theo thời gian nên việc em cho rằng vết thương trước đây 4 năm không lành có thể không chính xác.

Em nên đưa bạn trai tới bệnh viện có chuyên khoa Da Liễu để khám và đánh giá xem có phải thực sự bị chàm da hay không, tìm hiểu nguyên nhân và chữa trị em nhé!

Nổi hạt ở họng, dấu hiệu viêm họng hạt hay ung thư?

Ly Nguyễn - ngly...@gmail.com

Họng em bị thế này có sao không ạ? Em bị khoảng 1 tháng rồi, nhưng gần đây mới thấy nổi hạch dưới cổ, sức khỏe bình thường, không ho, thi thoảng thấy hơi khó chịu cổ họng. Đây là bị viêm họng hạt hay ung thư ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Tình trạng viêm của niêm mạc họng khá nghiêm trọng, sung huyết và tăng sinh mạch máu nhiều. Mặc dù chưa có dấu hiệu nghi ngờ ung thư nhưng nếu các dấu hiệu của bệnh dai dẳng, nổi hạch cổ không liên quan tới nhiễm trùng thì nên khám ngay. Bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ tiến hành khám hạch, nếu nghi ngờ sẽ xem xét cho bạn làm các xét nghiệm siêu âm, nội soi để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời bạn nhé!

Thân mến.

Bệnh Thalasemia điều trị ra sao?

Võ Thanh Hồng - lamanh...@gmail.com

Tôi năm nay 42 tuổi, độc thân, tôi bị bệnh Thalasemia thể alpha thỉnh thoảng có truyền máu, thường máu tôi vừa hoặc hơn 8.0 nên gần đây không đi khám nữa.

Tôi thường đau nhức các khớp gối, háng, cổ chân, tay.. là khớp gối và háng phải, cũng vì bệnh này mà tôi mới biết bệnh Thalasemia năm 2002.

Tôi có đi chấn thương chỉnh hình bảo máu ổn. Xin bác sĩ cho tôi biết tôi bị bệnh gì, điều trị ra sao? Gần đây tay tôi thường bị tê vai. Glucose và huyết áp tôi ở ngưỡng thấp. Xin cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào Thanh Hồng,

Bệnh Thalasemia là một bệnh di truyền, do thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu làm cho chất lượng hồng cầu suy giảm và dễ bị vỡ, gây ra tan máu và thiếu máu. Bệnh nhân thường có các biểu hiện như mệt mỏi, dễ chóng mặt, da xanh xao nhợt nhạt, có thể vàng mắt vàng da, nước tiểu sẫm màu, khó thở khi gắng sức...

Đôi khi triệu chứng của bệnh không phải từ thiếu máu mà ra, bởi vì mức Hemoglobin 8 g/dL vẫn có thể đảm bảo hoạt động thể chất thông thường. Tuy nhiên, bệnh nhân thể nặng Thalassemia thường có ứ sắt, dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan khác nhau như gan to, lách to, sỏi mật, sạm da, biểu hiện trên khớp, tim mạch và hệ sinh dục...

Do đó, bạn cần tái khám định kì ở bệnh viện chuyên khoa huyết học để đánh giá thêm và xem xét thải sắt nếu có ứ sắt nhiều bạn nhé!

Vì sao cổ tay vẫn cứng sau mổ lấy đinh 2 tháng?

Bạn đọc Minh Hong

Tôi bị gãy 2 xương đầu dưới cẳng tay phải hơn 3 tháng, đã mổ và lấy đinh sau 2 tháng, nẹp vít xương quay. Sau khi mổ có tập theo hướng dẫn của bác sĩ, nhưng hiện tại cổ tay vẫn còn cứng khớp. Vậy xin hỏi bác sĩ khi nào mới trở lại bình thường được ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Tổn thương gãy xương là tổn thương nặng, do đó, sau khi xương liền, người bệnh vẫn phải trải qua quá trình tập vật lý trị liệu tích cực thì mới có thể trở về sinh hoạt bình thường. Thời gian để hồi phục có thể kéo dài từ 3-6 tháng tuỳ từng người.

Nếu quá trình thăm khám trước đây kiểm tra không thấy bất thường nào khác ở gân cơ, thần kinh mà quá trình hồi phục tiến triển chậm có khả năng tập luyện chưa đúng cách. Tốt nhất bạn nên tới cơ sở chuyên sâu về vật lý trị liệu phục hồi chức năng để được hướng dẫn trực tiếp và tập theo chế độ đề ra của bác sĩ chuyên khoa bạn nhé!

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X