Hotline 24/7
08983-08983

Cùng người bệnh tim mạch vượt qua những ngày nắng nóng

Với những người bệnh tim mạch, mùa hè luôn là thời điểm “khó chịu” nhất khiến trái tim bứt rứt không yên. Bởi thời tiết nóng bức gia tăng nguy cơ khiến các bệnh tim mạch nói chung và bệnh nhồi máu cơ tim nói riêng trở nên nặng nề, dễ gây tai biến, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Vậy làm thế nào để có một trái tim khỏe mạnh trong mùa nắng nóng?

Dấu hiệu nào cho thấy trái tim suy kiệt cần đưa đi cấp cứu?

Ở những người có bệnh tim mạch, làm sao chủ động tránh được biến chứng?

Tầm soát bệnh tim mạch sao cho đúng?

Tất cả những thắc mắc này sẽ được ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ và BS.CK1 Trần Ái Thanh giải đáp trong bài giao lưu sau đây.

Thưa ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường, được biết ngoài đột quỵ thì tim mạch là một trong những chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Bác sĩ có thể giới thiệu thêm cho bạn đọc AloBacsi biết về khoa Tim mạch của bệnh viện? Thế mạnh, kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế…

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường: Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ hiện có 2 mũi nhọn chính là Đột quỵ não và các vấn đề về Tim mạch. Riêng về Tim mạch bao gồm điều trị nội, phòng khám cùng các phương pháp kỹ thuật cao như can thiệp mạch vành, can thiệp tim bẩm sinh, điều trị rối loạn nhịp tim.

Bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy DSA, hệ thống chụp CT động mạch vành, máy siêu âm tim Doller chất lượng cao… Đội ngũ y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm. Các phương pháp và kỹ thuật đang được đẩy mạnh như can thiệp động mạch vành, can thiệp các sang thương/ tổn thương tắc mãn tính, điều trị rối loạn nhịp tim, tim bẩm sinh, can thiệp bít dù… tất cả các mũi nhọn này chúng tôi đang tập trung phát triển để đua các kỹ thuật cao trên thê giới phục vụ bà con đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết hiện nay kỹ thuật và nhân lực để điều trị bệnh lý tim mạch ở Việt Nam đã rất tốt, có thể sánh ngang với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, nhưng vấn đề là phát hiện được bệnh thì bệnh đã nặng rồi mà ít phát hiện để ngăn ngừa từ sớm, có phải do người bệnh chưa đủ kiến thức không thưa bác sĩ? Những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh đó đã mắc bệnh tim mạch? Vì sao bệnh tim mạch lại ngày càng trẻ hóa?

BS.CK1 Trần Ái Thanh: Như chúng ta đã biết, thông tin hiện nay rất phổ biến trong đại chúng, tất cả đều có trên internet, chỉ cần gõ bàn phím hay những click chuột chúng ta biết tất cả các bệnh lý và tìm hiểu cặn kẽ về các bệnh tim mạch.

Nhưng đôi khi chúng ta đã biết nhưng lại dễ dàng bỏ qua và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Để nói về bệnh lý tim mạch, tôi sẽ đề cập đến những bệnh thường mắc phải trong cuộc sống, sinh hoạt, không phải do bẩm sinh.

Đầu tiên là bệnh lý mạch vành. Dấu hiệu nhận biết đó là, người bệnh đau ngực, khó thở hay khó thở khi gắng sức.

Thứ hai, về suy tim. Có thể nhận biết bằng: bình thường chúng ta làm việc với cường độ bình thường, nhưng qua một thời gian cảm thấy khó thở, mệt nhiều, khó thở về đêm… Đó là những biểu hiện sớm cần phải thăm khám về vấn đề tim mạch.

Như chúng ta đã biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tim mạch như béo phì, cao huyết áp, uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn mặn… là những yếu tố gây nên, và ảnh hưởng đến mọi đối tượng, đặc biệt là giới trẻ. Hiện người trẻ làm việc văn phòng nhiều dẫn đến ít vận động, ăn thức ăn nhanh, cuộc sống căng thẳng… đó là những nguyên nhân bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa.

triệu chứng đau ngựcĐau ngực, khó thở thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh tim mạch. Nguồn ảnh: Internet

Thưa bác sĩ, những ngày gần đây thời tiết oi bức, nắng nóng gay gắt có nơi lên đến 42 độ C. Không biết thời tiết nóng ảnh hưởng thế nào tới người bệnh tim mạch? Những dấu hiệu nào cảnh báo nguy hiểm ở người bệnh tim mạch? Hướng xử trí ra sao khi gặp các tình huống đó? Khi nào cần đi cấp cứu?

Khi thời tiết nắng nóng như hiện nay, bác sĩ có lời khuyên nào cho bệnh nhân tim mạch để phòng ngừa các tình huống đáng tiếc?

BS.CK1 Trần Ái Thanh: Khi trời nắng, cơ thể chúng ta nóng lên, và buộc phải toát mồ hôi để làm giảm nhiệt cơ thể. Khi mồ hôi toát ra quá nhiều làm cho lượng dịch trong cơ thể thiếu hụt, lúc đó tim làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu đến cơ thể đầy đủ.

Trên những bệnh nhân có sẵn bệnh lý tim mạch bắt buộc tim làm việc nhiều hơn, phải gắng sức, dẫn đến những biến cố tim mạch cho người bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo cảnh báo bệnh lý tim mạch cần đến bác sĩ thăm khám gồm có khó thở, đau ngực, đánh trống ngực, hồi hộp, ngất xỉu, tím tái... Với những bệnh nhân tim mạch đang điều trị với toa thuốc được bác sĩ kê và sau một thời gian cảm thấy mệt, khó thở nhiều, khó thở về đêm, phù chân, đau ngực ngay cả khi gắng sức, một số người xuất hiện thêm triệu chứng đau khi nghỉ ngơi…

Một số các thuốc tim mạch cũng góp phần ảnh hưởng tới người bệnh tim mạch trong thời tiết nắng nóng. Chẳng hạn như thuốc lợi tiểu làm mất nước, thuốc ức chế beta làm giảm nhịp tim khiến tim không đáp ứng đủ như mức cần thiết để thích ứng với nắng nóng. Điều này khiến nhiều bệnh nhân tự ý ngưng thuốc hoặc giảm liều. Như vậy có nguy hiểm không thưa bác sĩ? Để giảm tình trạng bức bối do thuốc gây ra, bệnh nhân cần phải làm gì?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường: Bệnh tim mạch rất phức tạp, việc điều trị phải có sự cân đối với liều lượng phù hợp. Có bệnh nhân uống thuốc lợi tiểu 1 viên hoặc nửa viên, hay khi sử dụng các lọai thuốc kiểm soát nhịp tim cũng phải điều chỉnh 1 viên, nửa viên, thậm chí 2 viên… Tất cả những chỉ định này phải do bác sĩ quyết định thông qua thăm khám, theo dõi và quyết định liều dùng phù hợp với bệnh nhân.

Việc bệnh nhân tự ý mua/ sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ là điều đáng lo ngại, bởi khi người bệnh tự dùng thuốc sẽ gây nên tình trạng quá liều, thuốc không phù hợp với bệnh hoặc thể trạng bệnh nhân, gây tụt huyết áp, nhịp tim chậm, chóng mặt, mệt, khó thở…

Quan trọng nhất là người bệnh cần khám và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để có sự điều chỉnh liều thích hợp.

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Bác sĩ có thể chia sẻ bí quyết để phòng ngừa bệnh tim mạch tốt nhất?

Với người lớn tuổi, có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch như hút thuốc lá, rượu bia, tiền sử gia đình có bệnh tim mạch thì nên ăn uống, tập luyện ra sao? Với những người có bệnh mạn tính khác kèm theo như tiểu đường, tăng huyết áp làm sao phòng ngừa bệnh tim mạch hoặc tránh các biến chứng nặng hơn?

BS.CK1 Trần Ái Thanh: Bệnh lý tim mạch nếu không may mắc phải thì được coi là bệnh mãn tính. Do đó, việc phòng bệnh luôn đặt lên hàng đầu, khi nào phòng ngừa thất bại mới tính đến phương án điều trị.

Những phương pháp phòng bệnh gồm có:

- Chế độ sinh hoạt: thực hiện lối sống lành mạnh, thoải mái, tránh stress, tập thể dục đều đặn, không để tăng cân

- Chế độ ăn uống: giảm muối, ăn nhiều trái cây, không ăn thức ăn nhiều mỡ, quá béo như thức ăn nhanh; không uống rượu bia, không hút thuốc lá…

- Nên điều trị tốt các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh thận nhằm tránh các biến chứng ảnh hưởng tim mạch.

Với những người trên 18 tuổi nên tầm soát huyết áp, bởi huyết áp là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh lý tim mạch hiện nay.

người bệnh tim mạch nên ăn nhiều rau củNgười có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nên ăn nhạt, nhiều trái cây, rau củ. Nguồn ảnh: Internet

Nhiều người cho rằng chế độ ăn nhiều chất béo có nguy cơ dẫn tới bệnh lý tim mạch. Nhưng nếu ăn chay, toàn rau xanh thì có ngừa được bệnh này không?

BS.CK1 Trần Ái Thanh: Bệnh nhân nên hạn chế ăn những loại từ mỡ động vật, mỡ bão hòa, thức ăn béo, bệnh nhân không nên tuyệt đối phải ăn chay. Những loại mỡ động vật như mỡ heo, mỡ bò ảnh hưởng không tốt đến tim mạch, tuy nhiên, mỡ cá có lợi cho bệnh lý tim mạch.

Người bệnh cần ăn đầy đủ 4 nhóm: đường, chất xơ, đạm, béo, giúp cơ thể có dinh dưỡng chống chọi các bệnh lý không chỉ riêng tim mạch. Nếu ăn quá kiêng khem dễ dẫn đến cơ thể suy kiệt, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn gây thêm bệnh.

Tầm soát bệnh lý tim mạch là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng không biết bày tỏ cùng ai.

BS.CK1 Trần Ái Thanh hiện đang công tác tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ

Thưa bác sĩ, để biết mình có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không thì nên tầm soát như thế nào? Nên làm những xét nghiệm nào (cơ bản, nâng cao)? Ý nghĩa của những xét nghiệm này? Bao lâu nên tầm soát một lần?

ThS.BS Nguyễn Mạch Cường: Rất nhiều quan tâm đến vấn đề tầm soát bệnh lý tim mạch để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ đột tử. Hiện nay, với sự phát triển của máy móc, thiết bị y tế, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch.

Ví dụ:

- Xét nghiệm máu có thể phát hiện được các loại mỡ máu, đường huyết, bệnh lý gan thận…

- Nếu nghi ngờ thiếu máu cơ tim hoặc mạch máu tim hẹp, có thể cần đến đo điện tim gắng sức, test chạy bộ, siêu âm tim… để phát hiện bệnh.

- Chụp CT động mạchh vành để đánh giá mức độ mạch máu tim hẹp.

- Nếu nghi ngờ suy tim, các bệnh lý van tim có thể siêu âm tim để đánh giá cơ tim, sự vận động của tim, các van tim có hở/ hẹp không.

- Về rối loạn nhịp, bác sĩ sẽ cho đo điện tim, kết hợp holter điện tâm đồ 24 tiếng để theo dõi rối loạn nhịp tim tiềm ẩn.

- Trong một số trường hợp bác sĩ phát hiện bệnh lý mạch vành hẹp/ nặng, có thể luồn trực tiếp theo đường mạch máu ở tay đến tim để xem mạch máu tim như thế nào để có phương pháp điều trị kịp thời.

Đối với thời gian thực hiện tầm soát:

- Các xét nghiệm máu thường quy đối với người trẻ nên kiểm tra 6 tháng/ lần, người già lớn tuổi là 3 tháng/ lần.

- Siêu âm tim, đo điện tim 3-6 tháng/ lần.

- Các kỹ thuật cao hơn tùy trường hợp bác sĩ sẽ có chỉ định.

MC Ngọc Hương

Nên lựa chọn cơ sở y tế nào để tầm soát? Vì hiện nay nhiều nơi cũng nói có thế mạnh về tim mạch khiến nhiều người hoang mang không biết nên đi đâu, về đâu. Xin hỏi tiêu chí nào là cơ bản nhất để người bệnh biết nên đến cơ sở y tế nào?

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường: Các tiêu chí người bệnh cần biết khi tầm soát tim mạch ở cơ sở y tế gồm có:

Thứ nhất, phải có đội ngũ y bác sĩ chuyên về chuyên khoa, hiểu hết về các bệnh lý tim mạch và điều trị kịp thời.

Thứ hai, phải có đầy đủ các trang thiết bị để tầm soát như chụp CT động mạch vành, tim gắng sức hoặc đơn giản như siêu âm tim.

Bác sĩ có lời khuyên giành cho các độc giả nhằm xây dựng lối sống khỏe mạnh, đặc biệt là trong phòng ngừa bệnh lý tim mạch?

BS.CK1 Trần Ái Thanh: Để có trái tim khỏe mạnh, trước hết cần có cơ thể khỏe mạnh. Do đó, chúng ta nên:

- Tập thể dục

- Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, không ăn quá nhiều chất béo, hạn chế dùng đồ ăn nhanh, uống đủ nước, ăn trái cây.

- Những thói quen như uống rượu bia, thuốc lá cần từ bỏ.

- Tầm soát, điều trị bệnh nền.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X