Hotline 24/7
08983-08983

COVID-19 ở trẻ em: Ai dễ trở nặng, triệu chứng phổ biến nhất là gì?

Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh - Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có những chia sẻ cụ thể xoay quanh vấn đề trẻ em mắc COVID-19, khả năng diễn tiến nặng, triệu chứng nhận biết và hiệu quả phòng ngừa bằng vắc xin. Mời bạn đọc đón xem.

1. Có phải biến thể Delta làm trẻ mắc bệnh nhiều hơn?

Đầu tiên nhờ BS cho biết tình hình bệnh nhân COVID-19 là trẻ em hiện nay ở Việt Nam: có phải biến thể Delta làm cho số lượng trẻ bị bệnh nhiều hơn, bệnh nặng hơn không ạ?

BS Trương Hữu Khanh: Hiện nay, trên tất cả các nước, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em cũng mắc bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 thấp hơn nhiều so với người lớn.

Đặc biệt, trẻ em mắc COVID-19 thì bệnh sẽ nhẹ, đa số là tự khỏi bệnh. Chỉ trừ trường hợp những trẻ dư cân quá mức hoặc có bệnh nền rất nặng, đa dị tật thì bệnh COVID-19 sẽ trở nặng. Vì vậy chúng ta cần hết sức bình tĩnh khi nghe thông tin trẻ em mắc COVID-19 nhiều.

2. Triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc COVID-19?

Triệu chứng phổ biến ở các bệnh nhi COVID-19 hiện nay là gì, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh: Đối với trẻ em thì triệu chứng lâm sàng khi mắc COVID-19 nhẹ hơn mắc bệnh đường hô hấp trên, sốt siêu vi, sốt xuất huyết và diễn tiến nhẹ hơn nhiều so với bệnh tay chân miệng nặng.

Như vậy, ở trẻ bị mắc COVID-19 thì triệu chứng rất giống với viêm hô hấp trên.

Triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc COVID-19 gồm:

  • Trẻ có thể sốt, nhưng thường sốt ngắn ngày, ít em bé nào sốt hơn 4 ngày.

  • Trẻ có thể ho và cũng ho rất ít.

  • Trẻ có thể bị nghẹt mũi.

  • Trẻ có thể bị tiêu chảy.

Hầu hết trẻ em khi mắc COVID-19 đều vẫn ăn và chơi bình thường. Đặc biệt, sau khi sốt cao, trẻ vẫn ăn, vẫn chơi bình thường. Phần lớn, trẻ mắc COVID-19 sẽ khỏi trước 5 ngày.

3. Nhóm trẻ nào khi mắc COVID-19 sẽ diễn tiến nặng?

Như vậy, hầu như trẻ em bị COVID-19 thường bệnh nhẹ nhưng đa số phụ huynh vẫn lo lắng thái quá. Tuy nhiên, vẫn có những trẻ bị COVID-19 mà chúng ta phải lo lắng thật sự, đó là những bé nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Có 2 nhóm trẻ nếu chẳng may mắc COVID-19 dễ diễn tiến nặng, đó là:

  • Thứ nhất, tương tự như tất cả những bệnh hô hấp khác, nhóm trẻ có bệnh nền (như trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng...) rất dễ trở nặng nếu mắc COVID-19. Ngoài ra, những trẻ đa dị tật, đặc biệt là những em bé bại não, chậm phát triển chỉ nằm 1 chỗ, rất dễ viêm phổi.
  • Thứ hai là những em bé quá dư cân, mới 8-9 tuổi nhưng nặng 50-70kg.

Còn lại, những em bé có cân nặng bình thường, ngay cả có bệnh hô hấp mãn tính như bệnh suyễn, thì vẫn rất an toàn khi mắc COVID-19.

Trẻ quá dư cân là yếu tố làm cho bệnh COVID-19 diễn tiến nặng

4. Ở Việt Nam, khi nào trẻ được chích vắc xin?

Thưa BS, ở nước ta việc chích ngừa COVID-19 cho trẻ em dự kiến sẽ tiến hành vào thời điểm nào, cụ thể là trẻ em bao nhiêu tuổi?

BS Trương Hữu Khanh: Một số người mong muốn là sẽ tiêm vắc xin cho trẻ em khi đến mùa tựu trường để trẻ có thể hòa nhập, đi học trở lại.

Nhưng theo tôi, phải chích vắc xin cho toàn bộ những người lớn tuổi, người có yếu tố nguy cơ cao, phải bảo vệ họ đến mức không thể bị bệnh nặng và không thể tử vong thì hãy bàn đến chuyện chích ngừa cho trẻ em.

Vì nếu chích ngừa cho trẻ em thì trẻ mắc bệnh sẽ lại càng nhẹ và mang mầm bệnh về lây cho người lớn tuổi thì vô cùng nguy hiểm.

Về vắc xin, chúng ta có vắc xin Pfizer - vắc xin nghiên cứu cho trẻ từ 12-18 tuổi.

5. Có thể dùng vắc xin người lớn giảm liều để tiêm cho trẻ không?

Liều lượng vắc xin COVID-19 dành cho trẻ em có khác với người lớn không? Có ý kiến rằng, trong tình thế cấp bách quá có thể dùng vắc xin dành cho người lớn giảm liều đi để tiêm cho trẻ em, theo BS như vậy có được không ạ?

BS Trương Hữu Khanh: Ý kiến đó là hoàn toàn không đúng. Tất cả các vắc xin nếu có hướng dẫn trẻ em phải có liều lượng rất rõ, thậm chí là đóng gói cho trẻ em.

Nhưng vắc xin pfizer chích cho trẻ từ 12-18 tuổi thì nồng độ, liều lượng giống như vắc xin người lớn.

6. Sau khi chích vắc xin, trẻ em có bị "hành" không?

Theo ghi nhận ở các nước đã tiêm chủng cho trẻ em rồi, sau khi chích trẻ có bị “hành” nhiều không ạ?

BS Trương Hữu Khanh: Cho đến nay trên thế giới rất ít tổng kết về mũi chích ngừa cho trẻ em. Ở Việt Nam tỷ lệ cũng rất thấp nên chúng ta chưa có số liệu cụ thể để biết trẻ bị “hành” như thế nào.

7. Theo dõi sau tiêm vắc xin ở trẻ em thế nào?

Cách theo dõi sau chích ngừa COVID-19 ở trẻ em có giống người lớn không ạ?

BS Trương Hữu Khanh: Như đã nói ở trên, đến thời điểm hiện tại chúng ta không có nhiều số liệu về chích ngừa cho trẻ em nên không thể biết được nó “hành” như thế nào.

Tuy nhiên, bất kỳ loại vắc xin gì thì khi chích vào, cơ thể cũng có thể nóng, sốt, sưng, nóng, đỏ, đau. Bởi vì trẻ em chủng ngừa rất nhiều vắc xin nên chúng ta không cần suy nghĩ nhiều khi trẻ chích vắc xin COVID-19.

Trẻ đã chích nhiều loại vắc xin trước đó, nên phụ huynh không nên quá lo lắng khi trẻ chích vắc xin COVID-19

8. Sau khi tiêm 2 mũi vắc xin cho trẻ em, chúng ta có yên tâm hòa nhập?

Có phải là trẻ em tiêm đủ 2 mũi là có thể yên tâm đi học trở lại không, thưa BS? Sau khi chích ngừa, có phải trẻ sẽ không bị bệnh COVID-19 và lây cho người khác?

BS Trương Hữu Khanh: Khi chúng ta nói chích ngừa cho trẻ em hay cho người trẻ rồi thì yên tâm hòa nhập dịch bệnh là hoàn toàn sai.

Để hòa nhập là phải chích vắc xin cho người lớn tuổi và người có yếu tố nguy cơ. Chỉ khi nào nhóm người có thể bị bệnh nặng hay tử vong được bảo vệ thì chúng ta mới bàn đến chuyện hòa nhập.

9. Trẻ em rất vô hại với COVID-19

BS có thể đưa ra những lưu ý dành cho trẻ em sau khi chích ngừa COVID-19 để các em tiếp tục duy trì sức khỏe tốt, an toàn đi qua mùa dịch?

BS Trương Hữu Khanh: Khi nhắc đến COVID-19, chúng ta nên bàn đến những người lớn tuổi, những người có bệnh nền. Bởi đây là những người rất dễ bị bệnh nặng và tử vong.

Đến nay, trẻ em rất vô hại với COVID-19. Nếu trẻ mắc COVID-19 thì bệnh rất nhẹ, bệnh thoáng qua nên chúng ta hãy lo cho người lớn trước. Sau đó hãy bàn đến chích vắc xin cho trẻ em trong quá trình hòa nhập.

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và BS Trương Hữu Khanh đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X