Hotline 24/7
08983-08983

COVID-19 giảm nhiệt trên toàn cầu: Đại dịch đã đi đến hồi kết?

Số ca COVID-19 giảm, người bệnh nặng và tử vong cũng giảm sâu, đây có phải là tín hiệu cho thấy đại dịch đã đi đến hồi kết? Vắc xin ngừa Omicron có thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay? Tất cả những thắc mắc này đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Số ca COVID-19 giảm, tín hiệu cho thấy đại dịch sắp đi đến hồi kết?

Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam ghi nhận tình hình dịch COVID-19 không còn căng thẳng như trước nữa. Liệu đây có phải tín hiệu tốt cho thấy đại dịch COVID-19 thực sự sắp đi đến hồi kết?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi COVID-19 đã kết thúc cách đây nhiều tháng. Nếu chưa kết thúc, chắc chắn chúng ta không thể sinh hoạt như trước được. Sự kết thúc tùy theo định nghĩa, nhưng theo tôi số ca nhập viện giảm, số ca tử vong giảm đến mức tối thiểu nghĩa là đã kết thúc. Chúng ta đừng hy vọng COVID-19 không còn gây bệnh cho con người, điều này hoàn toàn không thể, bởi nó đã trở thành virus “người”.

2. Kết thúc đại dịch nghĩa là gì, có phải về “zero” số ca?

Nhưng chúng ta cần hiểu sao cho đúng về ý nghĩa của cụm từ “kết thúc” đại dịch này, thưa BS? Có phải là nó sẽ biến mất hoàn toàn hay vẫn có khả năng tạm thời “ẩn dật” để chờ thời cơ bùng lên những lần sau?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: “Kết thúc” ở đây nghĩa là virus đã hòa hợp với mình. SARS-CoV-2 trở thành “virus người”, lây và thuần với con người thì không thể bàn “zero” virus. Khi chúng ta kiểm soát được, không cần thiết phải áp dụng các biện pháp như cách ly thì xem như đã kết thúc.

Nguyên tắc của một tác nhân gây bệnh khi nó còn gây gánh nặng quá lớn cho khối điều trị nghĩa là lúc đó vẫn còn vấn đề. Đừng dựa vào việc “không còn ai bệnh” để xác định hết vấn đề, chỉ cần gánh nặng cho khối điều trị hợp lý thì nên kết thúc. Hoặc sau một thời gian loại bỏ tất cả giãn cách, nếu gánh nặng khối điều trị không tăng thêm thì đó là kết thúc.

“Zero” ca không phải là kết thúc đại dịch mà đó là thanh toán hoàn toàn. Chẳng hạn khi nói “thanh toán bệnh bại liệt” nghĩa là không có ca bệnh bại liệt mới. Hoặc bệnh đậu mùa đã bị “tiêu diệt” nghĩa là số ca bằng 0. Rõ ràng, chúng ta cũng có những đại dịch, ví dụ như cúm H1N1 năm 2009 cũng kết thúc đại dịch, nhưng hai năm sau đó (thậm chí là 3-4 năm) số ca cúm H1N1 vẫn còn nhưng không gây gánh nặng cho khối điều trị thì người ta xem như dịch đã kết thúc.

3. BA.05 “hiền như cục bột”, có phải là virus đã thuần hơn với con người?

Thời gian trước các biến thể của Omicron liên tục xuất hiện. Nhưng gần đây dường như chúng đã ít biến đổi hơn, vì hiếm khi được nhắc đến. Điều này có nghĩa là gì, thưa BS?

Trên trang cá nhân, mới đây BS Khanh đánh giá BA.05 “hiền như cục bột”. Điều đó có phải là biến thể này ít lây lan hơn, ít gây bệnh nặng và tử vong hơn, thuần với con người hơn?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, chúng ta cũng không có đủ kinh nghiệm cho những biến thể khác mà chỉ có kinh nghiệm thế này: theo nghiên cứu “human corona” thứ 4 của loài người cũng từ động vật mà ra, sau đó thuần với con người, chỉ gây ra cảm lạnh nên người ta không nghiên cứu thêm nữa.

Chúng ta thấy rằng, khoảng từ khi xuất hiện Omicron thì khả năng biến thể rất nhanh, từ BA.1, BA.2 đến BA.4. Trong nhánh BA.1, BA.2 có những nhánh nhỏ. Và sau đó là BA.5 rất nhanh. Nhưng sau khi có BA.5 thì chúng ta không thấy BA mới nữa, chứng tỏ virus này biến thể đủ sức rất thuần với con người, vì vậy dù có thay đổi cũng không quan trọng, nên người ta không phát hiện ra điều đặc biệt. Vì vậy, hy vọng BA.5 là chủng thuần nhất với con người.

4. Omicron vẫn là món quà của thượng đế

Trước đó, khi lần đầu tiên Omicron xuất hiện, BS Trương Hữu Khanh đã nhận định “Omicron là món quà của thượng đế”. Còn bây giờ thì thế nào, liệu BS có còn giữ vững quan điểm này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, Omicron vẫn là món quà của thượng đế. Theo nghiên cứu, người ta thấy rằng từ Alpha đến chủng Delta cần một thời gian khá dài. Và từ Delta chuyển sang chủng Omicron, theo lý thuyết cũng cần thời gian dài như vậy. Tuy nhiên, từ Delta sang Omicron với thời gian quá ngắn so với đột biến tự nhiên của virus này. Đặc biệt là nó chuyển nhanh qua một chủng không nặng hơn chủng cũ. Khi virus “biến” nhanh như vậy, người ta mới cho rằng “có lẽ đây là điều Thượng đế muốn”.

Chúng ta có miễn dịch tự nhiên khá bền vững so với những virus trước đó còn đang biến thể. Sau khi nhiễm BA.1, chúng ta có thể nhiễm BA.2; sau khi BA.2 có thể nhiễm BA.4; sau BA.4 có thể nhiễm BA.5, nhưng tựu chung tất cả đều nhẹ và tỷ lệ thấp. Đây là hàm ý sâu xa của “Omicron là món quà của thượng đế”.

5. Khi nào WHO sẽ tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với COVID-19?

Tuy nhiên, hiện WHO vẫn chưa tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với COVID-19. Dựa trên những kinh nghiệm và thông tin của một số đại dịch trước, BS có thể dự đoán: khi nào kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với COVID-19?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, vấn đề không phải là lời tuyên bố của họ mà chính yếu là chúng ta đang sống như thế nào. Khẩn cấp toàn cầu có nghĩa là phải hạn chế đi lại, biên giới của các nước đóng cửa, tiếp tục giám sát nhưng thực tế cách sinh hoạt của chúng ta hiện nay cho thấy không “có một chút nào về khẩn cấp toàn cầu”.

Những điều gì có thể chờ đợi chúng ta trong tương lai sau khi tuyên bố chấm dứt đại dịch?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, không cần chờ đợi điều gì cả. Chúng ta xem đây là bệnh cảm nhưng không có nghĩa là loại bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa hay bảo vệ đối tượng nguy cơ. Tương tự như cảm lạnh vẫn còn nguy hiểm với người nguy cơ. Với COVID-19 cũng vậy, cho đến nay, chúng ta vẫn còn đảm bảo cho người có yếu tố nguy cơ: cao tuổi (trên 80 tuổi), người có bệnh nền mạn tính, người đang điều trị trong khu bệnh nặng (khu săn sóc tích cực).

6. Vắc xin ngừa Omicron có cần thiết khi COVID-19 đã giảm nhiệt?

Thực tế hiện nay nhiều quốc gia phê duyệt vắc xin ngừa biến thể Omicron. Việc tiêm vắc xin chống biến thể này có thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, vắc xin phòng ngừa 2 biến thể Delta và Omicron dành cho đối tượng rất nguy cơ. Tương tự như vắc xin cúm sản xuất hằng năm. Tuy nhiên, quan điểm của tôi cho rằng “không biết có nên cho Delta vào vắc xin này hay không”, vì bản chất protein của Delta còn hoang dại, khi vào cơ thể có thể tạo ra những tác dụng không mong muốn trong khi nó không cần thiết.

Sở dĩ chúng ta chấp nhận nguy cơ khi tiêm Delta bởi vì chủng này có thể gây tử vong. Trong khi hiện nay Delta không còn tồn tại bao nhiêu nhưng chúng ta lại đưa protein gai của Delta vào vắc xin. Một số nhà khoa học cho rằng điều này để đề phòng Delta quay lại, nhưng theo tôi việc Delta quay lại cũng “không làm gì được cả”. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, nếu muốn chế tạo vắc xin thì chỉ cần Omicron.

7. Cần làm gì trong giai đoạn “nước rút” của cuộc chiến với COVID-19?

Cuối cùng, thực tế đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa xem COVID-19 là bệnh lưu hành. Theo BS, để tăng tốc cuộc chiến COVID-19 đang ở giai đoạn “nước rút” này, tất cả chúng ta cần làm gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chúng ta không nói COVID-19 là bệnh lưu hành nhưng sinh hoạt, tiếp ứng với nó như bệnh lưu hành cách đây 1 năm. Và hiện nay không xảy ra điều gì đặc biệt với cộng đồng. Do đó, theo tôi cách gọi “bệnh lưu hành” không quan trọng. Điều quan trọng là trong giai đoạn này vẫn cần tiếp tục bảo vệ người có yếu tố nguy cơ, còn những người thông thường thì đeo khẩu trang, rửa tay nhiều nhất có thể để không chỉ phòng ngừa Omicron đơn thuần mà còn phòng ngừa nhiều bệnh lý lây qua hô hấp khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X