Hotline 24/7
08983-08983

COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 180.000 nhân viên y tế

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, có tới 80.000-180.000 nhân viên y tế toàn cầu thiệt mạng vì COVID-19, tính đến tháng 5/2021.

Theo báo cáo được công bố mới nhất của WHO, ngày 22/10, ước tính trong số sô 135 triệu nhân viên y tế trên thế giới, có "80.000-180.000 nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe chết vì COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021". 

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - tổng giám đốc WHO nhấn mạnh, nhân viên y tế phải là những người được tiêm chủng trước tiên. Bên cạnh đó, ông Tedros cũng lên án sự bất bình đẳng trong phân phối vắc xin COVID-19 toàn cầu. Ông cho biết khoảng 40% nhân viên y tế trên toàn cầu được tiêm chủng đầy đủ, nhưng có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia thu nhập cao và thu nhập thấp.

"Dữ liệu từ 119 quốc gia cho thấy bình quân 2 trong 5 nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe toàn cầu được tiêm đầy đủ. Dù vậy, mức bình quân đó không thể hiện được sự khác biệt rất lớn (về tỉ lệ tiêm chủng) giữa các khu vực và các nhóm kinh tế", ông Tedros cho biết.

Cụ thể, tại châu Phi, chưa tới 1 trong 10 nhân viên y tế được chích ngừa đủ. Trong khi đó, tại hầu hết nước thu nhập cao, hơn 80% nhân viên y tế đã tiêm đủ vắc xin.

Theo ông Tedros, thực tế sau hơn 10 tháng kể từ khi WHO phê duyệt vắc xin COVID-19 đầu tiên, hàng triệu nhân viên y tế vẫn chưa được tiêm chủng.

Annette Kennedy, Chủ tịch Hội đồng Y tá Quốc tế, cho biết tổ chức này vô cùng thương tiếc cho tất cả các nhân viên y tế và những người chăm sóc sức khỏe đã qua đời vì dịch COVID-19: “Nhiều người đã mất đi mạng sống một cách không đáng, đáng lẽ chúng tôi có thể đã cứu được họ”.

“Đây là một bản cáo trạng gây sốc đối với các chính phủ vì việc thiếu trách nhiệm bảo vệ nhân viên y tế, những người đã phải hy sinh trả giá bằng chính mạng sống của mình. Giờ đây, nhiều nhân viên y tế đang kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần”, ông nói.

Ngoài ra, WHO muốn tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số mỗi nước trên thế giới trước cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Tedros cho biết hiện nay 82 quốc gia có nguy cơ không đạt được mục tiêu này do thiếu nguồn cung vắc xin.

Kể từ khi bùng phát vào cuối tháng 12/2019, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 4,9 triệu người, trong khi gần 242 triệu trường hợp đã mắc bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X