Hotline 24/7
08983-08983

COVID-19 biến mất ở Nhật Bản: Đã đến lúc đại dịch "Game Over"?

Từng đứng trước áp lực lớn khi phải trải qua 5 làn sóng bùng phát dịch COVID-19. Song, trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã công bố số ca nhiễm mới giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 1 năm. Điều này khiến nhiều chuyên gia lạc quan, rằng có lẽ điều tồi tệ nhất mang tên virus SARS-CoV-2 đã không còn là mối lo ngại cho tương lai nữa.

Trước dấu hiệu đáng mừng này, BS Trương Hữu Khanh - Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng dự đoán một tương lai xán lạn cho tình hình dịch tại TPHCM: “Nếu thực hiện tốt tiêm ngừa vắc xin, có thể trong tháng 12/2021 TPHCM cũng sẽ SARS-CoV-2 sẽ chính thức “game over”.

COVID-19 biến mất là do cơ chế “tự diệt” của virus SARS-CoV-2?

Mới đây, Tokyo chỉ ghi nhận 49 trường hợp mắc COVID-19 mới - con số thấp nhất kể từ cuối tháng 6 năm ngoái, khi nước này hứng chịu làn sóng siêu lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng không ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào do COVID-19 kể từ ngày 7/11.

Không chỉ vậy, làn sóng dịch COVID-19 dương như cũng đang “biến mất bí ẩn” ở các nước châu Phi. Nhiều giả thiết được các chuyên gia đưa ra, song chưa có câu trả lời nào thực sự đầy đủ. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu tốt cho thấy SARS-CoV-2 đã không còn là “gánh nặng” với con người nữa.

Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, có thể biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã tự bảo vệ mình trong một hành động gọi là “tự tuyệt chủng”. Ảnh: Dòng người tấp nập ở Shibuya, Tokyo - Reuters

Một số giả thiết cho rằng, sở dĩ SARS-CoV-2 suy yếu bất ngờ ở Nhật Bản là do cơ chế “tự diệt” của virus SARS-CoV-2. Theo đó, giả thiết này cho thấy biến chủng Delta tại Nhật Bản đã có quá nhiều đột biến đối với protein phi cấu trúc có tên nsp 14 (một loại protein có chức năng sửa lỗi gen di truyền). Điều này dẫn đến hệ quả là virus dần mất chức năng tự sửa lỗi gen và hình thành cơ chế “tự diệt”, tức không có khả năng nhân lên nữa.

Theo BS Trương Hữu Khanh, giả thiết này tương đối không thuyết phục. Theo ông, có thể virus đột biến và trở thành cơ chế “tự diệt” nhưng không thể nào tất cả virus chủng Delta đều có thể đột biến như nhau, trừ khi virus này lây lan và nhân lên vượt cả chủng Delta. Tuy nhiên, theo như nghiên cứu, virus đột biến hoàn toàn không còn khả năng nhân lên nữa nên không thể nào nó trở thành chủng phủ rộng tại Nhật Bản.

BS Trương Hữu Khanh đánh giá: “Theo tôi, nước Nhật và các nước Châu Phi bớt dịch COVID-19 là nhờ có miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng này có thể được tạo ra nhờ độ phủ của vắc xin, cũng có thể do người dân đã có được miễn dịch sau đợt càn quét nặng nề của virus bởi có đến 80% người nhiễm bệnh không có triệu chứng. Chính những điều này đã khiến dịch bị “chặn lại” và không lây thêm nữa”.

Nguyên nhân đằng sau sự suy yếu virus SARS-CoV-2 suy yếu tại Nhật Bản?

Theo BS Trương Hữu Khanh, những quốc gia nào chưa bị những chủng cũ của SARS-CoV-2 (biến thể virus corona ở Anh, biến thể ở Nam Phi, biến thể ở Brazil) tấn công thì sẽ bị biến thể Delta càn quét dữ dội.

Chẳng hạn như Việt Nam, cả nước đã thực hiện tốt trong việc phòng chống dịch, song trong làn sóng dịch thứ 4, biến chủng Delta đã để lại những thiệt hại nặng nề cả về người và nền kinh tế xã hội. Theo đó, nếu những quốc gia này có được miễn dịch cộng đồng thì tình hình dịch cũng sẽ giảm đi. Đây có lẽ là nguyên nhân virus SARS-CoV-2 suy yếu tại Nhật Bản và các nước châu Phi.

Tờ Japan Times dẫn lời một số chuyên gia cho thấy, sự thay đổi bất ngờ của Nhật Bản đến từ tỷ lệ bao phủ vắc xin cao. Hiện Nhật Bản đã tiêm đầy đủ cho hơn 75% dân số trên tổng số gần 126 triệu dân. Mới đây, chính phủ nước này khẳng định sẽ triển khai mũi vắc xin nhắc lại vào tháng 12, bắt đầu từ nhân viên y tế và người cao tuổi.

Có thể thấy, dù triển khai chậm hơn so với các quốc gia trong nhóm G7, song Nhật Bản đã có chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vô cùng hiệu quả, vượt Canada trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin đầy đủ cao nhất.

BS Trương Hữu Khanh dự đoán một tương lai xán lạn cho tình hình dịch tại TPHCM

Ngoài sự thành công trong kế hoạch tiêm vắc xin, BS Trương Hữu Khanh đặt ra giả thuyết rằng rất có thể tại Nhật Bản đã có một làn sóng virus hô hấp khác đã lấn át độ phủ của virus SARS-CoV-2. Ông cho biết, theo quy luật tự nhiên, những virus hô hấp cạnh tranh rất nhiều nên mỗi năm sẽ có một loại virus lên “ngôi vương” trong một thời điểm nào đó. Nhật Bản công bố kết quả dịch COVID-19 giảm nhưng chưa cho biết liệu có một làn sóng của virus hô hấp nào khác không. Nhưng dù là virus nào mà không gây thiệt hại về người thì đều là tín hiệu đáng mừng.

Theo BS Trương Hữu Khanh, kết quả khả quan trong cuộc chiến với COVID-19 tại Nhật Bản còn nhờ vào quá trình áp dụng kháng thể đơn dòng trong điều trị. “Theo nghiên cứu, trên virus SARS-CoV-2 có 2 loại protein là protein gai (S) và protein RBD, 2 protein chủ yếu “hoành hành” khiến đại dịch lây lan nhanh chóng. Theo đó, kháng thể đơn dòng sẽ có khả năng ngay chặn lại 2 protein này phát triển ngay lập tức, đồng thời còn có khả năng bảo vệ người dùng trong vài tháng” - BS Khanh nói.

TPHCM: Liệu khi nào COVID-19 có thể “game over”?

Trước những thông tin đáng mừng của sự suy yếu của virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản và các nước Châu Phi, BS Trương Hữu Khanh hy vọng TPHCM cũng có có thể “đánh bay” COVID-19 khi miễn dịch cộng đồng đang có tín hiệu khả quan.

Ông cho biết, người dân đừng nên vì những thông tin tiêu cực về COVID-19 mà ảnh hưởng đến tinh thần, khi vẫn chưa có những dữ liệu rõ ràng. Những thông tin về hiện tượng tái nhiễm, biến chủng mới, hậu COVID-19,… dù vẫn có nhưng không hề đáng sợ như chúng ta nghĩ. “COVID-19 không phải là một căn bệnh gì quá ghê gớm, nếu không có COVID-19 thì vẫn sẽ có một bạo bệnh khác. Quy luật của tự nhiên là theo chu kỳ khoảng 10 - 20 năm sẽ một loại virus mới xuất hiện” - BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Do đó, thay vì lo lắng, người dân hãy chấp nhận và trang bị cho riêng bản thân những kiến thức đúng đắn để đối phó với dịch bệnh. Đồng thời, tiêm vắc xin để tạo được miễn dịch chính là cách để làm suy yếu SARS-CoV-2. “Theo tôi, nếu TPHCM thực hiện tốt tiêm ngừa vắc xin thì khoảng đến tháng 12 này thì COVID-19 sẽ phải game over” - BS Trương Hữu Khanh hy vọng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X