Hotline 24/7
08983-08983

Công dụng và liều dùng của cây ba kích

Ba kích là thảo dược được biết đến nhiều với công dụng bổ thận tráng dương, cải thiện sức khỏe sinh lý của nam giới. Ba kích còn có nhiều tên gọi khác: Dây ruột gà, ba kích thiên, chẩu phóng xì, thao tày cáy, ba kích nhục, liên châu ba kích.

I. Tổng quan về cây ba kích

Tên thường gọi: Ba kích

Tên gọi khác: Dây ruột gà, ba kích thiên, chẩu phóng xì, thao tày cáy, ba kích nhục, liên châu ba kích.

Lưu ý: tránh nhầm lẫn với tên ba kích lông, đó là một loài khác hoàn toàn.

Tên khoa học: Morinda officinalis How

Phân họ: Cà phê (Rubiaceae).

1. Nhận biết cây ba kích

Ba kích là loài dây leo, sống nhiều năm, thân non màu tím, có lông, già thì nhẵn, cành non có cạnh. Lá mọc đối, hình ngọn giáo hay bầu dục, dài 6-14cm, rộng 2,5-6cm, lúc non có lông dài ở mặt dưới, sau đó ít lông dần và trở thành màu trắng mốc, lá kèm có hình ống. Hoa nhỏ màu trắng, sau hơi vàng, có 2-10 cánh hoa, 4 nhị, mọc thành tán ở nách lá và đầu cành. Quả tròn, khi chín có màu đỏ.

Phân biệt: Hiện này người dân thường hay nhầm lẫn cây ba kích với cây nhàu (tên khoa học: Morinda citrifolia). Nhàu và ba kích cùng họ Cà phê nên có nhiều hình thái giống nhau ở thân cành và lá, tuy nhiên có thể phân biệt dễ dàng qua đặc điểm của quả. Quả nhàu hình trứng, xù xì, có nhiều múi gai tù và thưa, dài chừng 5 - 6 cm, khi non có màu xanh lục nhạt, khi chín có màu trắng hồng, mùi nồng và cay rất đặc trưng, khác hoàn toàn quả ba kích được miêu tả bên trên.

Phân biệt cây ba kích và cây nhàuBa kích khác trái nhàu ở màu sắc, kích thước, cách phân bố các múi, và cả vị trí mọc trái

2. Thành phần dược chất của ba kích

Trong rễ tươi của ba kích có chứa chất đường, nhựa, tinh dầu, anthraglucosid, phytosterol, vitamin C (rễ khô không còn vitamin C), iridoids, iridoid glycoside, lignans, neolignans, flavonol glycoside, phenylpropanoids, sacarit, triterpenoids và axit béo.

3. Phân bố, thu hái và chế biến cây ba kích

Ba kích mọc hoang ở ven rừng thứ sinh, trung du và miền núi. Tại Việt Nam, ba kích phát triển tốt tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình. Trên thế giới, ba kích phát triển tốt tại Polynesia, Nam Á, Đông Nam Á, tây Phi, Đông Bắc Australia và Caribbe.

Ba kích cũng được trồng ở nhiều nơi. Người ta trồng ba kích bằng các đoạn rễ trên đất ẩm, mát, được che bóng, có giá tựa cho cây leo. Sau 3 năm có thể thu hoạch. Hoa ra vào tháng 5-6, quả vào tháng 7-10.

Bộ phận dùng chủ yếu của ba kích là rễ, thỉnh thoảng có dùng thân. Dung cuốc đào rộng xung quanh gốc để thu rễ. Loại rễ to, mập, cùi dày, màu tía là loại tốt. Rễ nhỏ, gầy, cùi mỏng, màu trong là loại vừa.

Rễ của ba kích có thể đào được quanh năm, nhưng thu hoạch tốt nhất là vào mùa thu – đông. Rửa sạch rễ tươi, cắt bỏ rễ con, phơi hoặc sấy cho gần khô, đập dẹt rồi phơi/ sấy tiếp đến lúc khô hẳn.

 

II. Công dụng của ba kích

1. Công dụng của ba kích theo đông y cổ truyền:

Ba kích có vị cay ngọt, hơi chát, tính hơi ấm, quy vào kinh Thận. Đông y cổ truyền dùng ba kích thông qua tác dụng ôn Thận trợ dương, manh cân cốt, trừ phong thấp.

Ba kích được ứng dụng vào chữa dương ủy, phog thấp cước khí, đau lưng mỏi gối, yếu cân cốt.

2. Công dụng của ba kích theo đông y hiện đại:

Các tác dụng đã nghiên cứu:

+ Đối với bệnh trầm cảm: các polysaccharides và oligosaccharides trong ba kích có tác dụng chữa trị trầm cảm thông qua cơ chế kích hoạt hệ thống theserotonergic của người bệnh. Ba kích giúp gia tăng nồng độ các hormone norepinephrine, epinephrine và dopamine, đồng thời giảm mức 5-HTP trong mô não, cho thấy ba kích có thể mang lại lợi ích thiết thực lên não bằng cách điều chỉnh mức độ dẫn truyền thần kinh trong não và chuyển hóa ra cảm xúc tích cực. Ba kích cũng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân trầm cảm sau đột quỵ.

+ Giảm stress: ba kích cũng giúp thúc đẩy tiến trình hồi phục tinh thần sau một thời gian dài bị stress, căng thẳng thần kinh bằng cách tăng cường mức độ allopregnanolone ở vỏ não trước trán, đồi hải mã và hạch hạnh nhân.

+ Chống loãng xương: tám hợp chất anthraquinone trong ba kích được chứng minh là có hoạt động chống loãng xương thông qua việc làm giảm tốc độ hủy xương, đặc biệt hiệu quả trên người sau tuổi mãn kinh. Hiệu quả điều trị loãng xương có thể đánh giá rõ sau 30 ngày sử dụng bằng kiểm tra BMD, BMC và các test chuyển hóa xương.

+ Đối với chức năng sinh dục nam giới: Ba kích giúp bảo vệ tế bào Leydig và làm tăng sản xuất hormone sinh dục nam testosterone, tăng chất lượng tinh trùng về mặt hình thái và chức năng. Ngoài ra, ba kích có hiều cơ chế khác nhau giúp bảo vệ DNA, chống lại đột biến làm sai lệch bộ di truyền trong tinh trùng.

+ Cải thiện trí nhớ và chống lại hội chứng Alzheimer: Các chất chiết xuất từ ​​ba kích có thể cải thiện tình trạng suy giảm khả năng học tập và tăng cường trí nhớ sau 30 ngày điều trị, thông qua việc cải thiện mức độ dẫn truyền thần kinh, ức chế quá trình tự hủy hoại tế bào thần kinh trong não, tăng cường khả năng chống oxy hóa, kích hoạt chuyển hóa năng lượng não, và giảm chấn thương cho hệ cholinergic.

+ Chữa viêm khớp dạng thấp: Ba kích được nghiên cứu là có khả năng làm giảm đáng kể triệu chứng viêm khớp trên lâm sàng, cũng như làm giảm các yếu tố hóa sinh gây viêm trong bệnh lý viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra ba kích còn giúp bảo vệ các tế bào sụn, làm chậm tiến trình thoái hóa thoái hóa.

+ Ba kích là loài thảo dược chống lão hóa rất tốt, thông qua khả năng chống oxy hóa cực mạnh qua hàng loạt cơ chế khác nhau. Ba kích giúp giảm mệt mỏi sau ngày dài lao động, tăng đào thải và chuyển hóa các chất có hại trong cơ thể. Ba kích cũng góp phần tăng cường hệ miễn dịch.

+ Bảo vệ hệ tim mạch: cũng chính nhờ tác dụng chống oxy hóa hàng đầu của ba kích mà hệ tim mạch được hưởng một loạt các lợi ích như giảm tiến trình tự hủy hoại tế bào cơ tim, thuac1 đẩy lưu thông tuần hoàn, thúc đẩy hình thành vi mạch máu trong bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng đưa oxy đến nuôi cơ tim, giảm nồng độ các yếu tố gây viêm tim mạch, giảm tình trạng quá tải canxi… Ngoài ra ba kích còn giúp bảo vệ tế bào thận rất tốt.

+ Hoạt động miễn dịch: Ba kích giúp kích thích sự tăng sinh và biệt hóa tế bào gốc máu, cải thiện quá trình thực bào của các đại thực bào, tăng sinh đáng kể tế bào lách (một cơ quan miễn dịch) và sản xuất kháng thể, mọi chứ diễn ra mạnh mẽ chỉ sau 10 ngày sử dụng.

+ Một số tác dụng khác: chống nhiễm trùng, chống viêm, kháng dị ứng, làm hạ đường huyết và kháng một số loài ký sinh trùng.

Các tác dụng dùng theo kinh nghiệm:

Nước sắc ba kích làm tăng sức dẻo dai, tăng sức đề kháng chung cho cơ thể, chống viêm, làm tăng sự co bóp của ruột và giúp hạ huyết áp.

Một số nơi dùng ba kích để chữa xuất tinh sớm, di mộng tinh, liệt dương, kinh nguyệt chậm hoặc bế kinh, và phong thấp.

Cây ba kích

III. Cách dùng - liều dùng của cây ba kích

1. Liều dùng của ba kích: Ngày dùng 8-16g, dạng thuốc sắc, cao lỏng, viên chế từ cao hoặc rượu thuốc.

2. Một số bài thuốc sử dụng ba kích theo kinh nghiệm hoặc cổ phương:

+ Chữa phụ nữ tử cung bị hàn, kinh nguyệt không đều, xích/ bạch đới hạ bằng Ba kích hoàn: Ba kích 120g, Lương khương 20g, Tử kim đằng 640g, Thanh diêm 80g, Nhục quế (bỏ vỏ) 160g, Ngô thù du 160g. Tán bột. Dùng rượu hồ làm hoàn. Ngày uống 20 hoàn với rượu pha muối nhạt.

+ Bài thuốc Nhị tiên thang chữa huyết áp cao: Ba kích, Tiên mao, Dâm dương hoắc, Tri mẫu, Hoàng bá, Đương quy, mỗi vị 12g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, thời gian điều trị là 3 tháng.

+ Chữa đau lưng do nhiễm phong hàn bằng Ba kích hoàn: Ba kích 60g, Ngưu tất 120g, Khương hoạt 60g, Quế tâm 60g, Ngũ gia bì 60g, Đỗ trọng (bỏ vỏ, sao hơi vàng) 80g, Can khương (bào) 60g. Tán bột, trộn mật làm hoàn, uống với rượu ấm.

+ Chữa người già yếu có chân gối tê mỏi: Ba kích nhục 10g, Thục địa 10g, Nhân sâm 4g (hoặc Đảng sâm 10g), Thỏ ty tử 6g, Cốt toái bổ 6g, Tiểu hồi hương 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

+ Chữa lưng gối mỏi đau, mặt trắng nhợt nhạt, chân tay lạnh: Ba kích, Tục đoạn, Bổ cốt chi, mỗi vị 12g, Hồ đào nhục 5 quả sắc uống hoặc tán bột uống.

+ Chữa suy nhược, gầy còm hoặc béo bệu, kém ăn, kém ngủ, chân tay đau nhức, huyết áp cao: Ba kích 150g (chế cao 1/5 để khử chất gây ngứa cổ), Lá dâu tằm non 250g (chế cao 1/5), Mè đen chế 150g (sao thơm), Hà thủ ô trắng chế đậu đen 150g (chế cao 1/5), Ngưu tất 150g (chế cao 1/5), Rau má thìa 500g (làm bột mịn), Mật ong 250g. Đem các vị trên chế hoàn mềm 10g. Ngày uống 3 lần/1 hoàn.

+ Chữa thận hư, dương ủy, di tinh: Ba kích, Thục địa, mỗi vị 15g, Sơn thù du, Kim anh, mỗi vị 12g sắc uống.

+ Chữa bụng đau, tiểu không tự chủ: Ba kích (bỏ lõi) 60g, Nhục thung dung 60g, Sinh địa 60g, Tang phiêu tiêu 40g, Thỏ ty tử 40g, Sơn dược 40g, Tục đoạn 40g, Sơn thù du 20g, Phụ tử (chế) 20g, Long cốt 20g, Quan quế 20g, Ngũ vị tử 20g, Viễn chí 16g, Đỗ trọng (ngâm rượu, sao) 12g, Lộc nhung 4g. Tán bột, làm hoàn 10g. Ngày uống 2-3 hoàn.

+ Chữa khó thụ thai ở nữ giới, nam giới liệt dương, xuất tinh sớm, dương hư: Ba kích, Đảng sâm, Phúc bồn tử, Thỏ ty tử, Thần khúc, đều cân 300g, Hoài sơn 600g. Đem các vị trên, tán bột mịn làm hoàn 10g với mật ong. Ngày uống 2-3 lần/ 1 hoàn.

3. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ:

Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với thai kỳ. Sản phụ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Đối với trẻ nhũ nhi

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

Ba kích phơi khôBa kích sấy khô

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định của ba kích

Chống chỉ định cho người rong kinh, kinh sớm, đại tiện táo bón hoặc người âm hư hỏa vượng theo đông y, người bệnh bị bốc hỏa, ra mồ hôi đêm, khô miệng và cổ họng, chóng mặt và ù tai.

Lõi của củ ba kích cần làm sạch trước khi sử dụng, bởi theo một số giả thuyết, lõi của ba kích là nguyên nhân gây kích thích tim mạch, gây chóng mặt, buồn nôn (chưa có nghiên cứu giám định trên lâm sàng).

Tác dụng phụ có thể xảy ra nếu sử dụng liều trên 1000mg/kg cân nặng mỗi ngày: khó chịu, mất ngủ và cảm giác khó chịu không xác định. Cần dùng đúng liều được khuyến cáo.

V. Bảo quản ba kích

Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hủ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá 10 ngày.

Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X