Hotline 24/7
08983-08983

Còn trẻ mà đã đau lưng, xin hỏi AloBacsi em bị bệnh gì?

Buổi online trực tuyến của BS Lan Hương ngày 6/3 giải đáp các câu hỏi của bạn đọc AloBacsi về: bạch cầu trong máu tăng nhưng không sốt, đau lưng ở người trẻ, nổi hạch ở bẹn...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi

- Diệp Trần - trandiep…@gmail.com

Kính gửi BS,

Ba em năm nay 53 tuổi. Gần đây trong bụng ba em bổng dưng nổi 1 cục u ở phí dưới chấn thủy, sờ vào không đau nhưng sau khi ăn có cảm giác chướng và tức bụng. BS tư vấn giúp em dấu hiệu trên là bệnh gì, có nguy hiểm không và nên khám ở bệnh viện nào ạ? Mong BS tư vân giúp em Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Diệp,

Một khối bất thường xuất hiện ở vùng thượng vị (vùng bụng phía dưới chấn thủy) có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, như bướu mỡ, bướu cơ, u bã, u thành dạ dày, thoát vị thành bụng trên...

Việc xuất hiện một khối u, dù ở đâu, dù sờ có đau hay không, cũng là 1 dấu hiệu cần cảnh giác các bệnh lý nguy hiểm, do vậy người bệnh cần đến bv để kiểm tra sức khỏe và tìm ra nguyên nhân nhằm xử trí thích hợp. Ba em nên đăng ký khám chuyên khoa tiêu hóa ở bv đa khoa, tốt nhất nên khám tại bv theo BHYT và gần nhà là thuận tiện cho người bệnh nhất, em nhé.


- Nguyen Quyen - thaoquyen...@...com

Chào BS,

Cho em hỏi ông em bị sỏi niệu quản gần 3 tháng. Xét nghiệm thấy bạch cầu trong máu tăng cao nhưng không có sốt, trong nước tiểu không có hồng cầu, bạch cầu (-), Nitrit (-) vậy có được gọi là nhiễm trùng tiểu không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Quyên,

Xét nghiệm công thức máu hiện nay thường làm là tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser. Trong đó ngưỡng giá trị bình thường của tổng số lượng bạch cầu (WBC) là 4-10 K/uL. Số lượng bạch cầu tăng có thể gặp trong nhiều trường hợp như có ổ viêm, nhiễm khuẩn, do thuốc, thiếu nước, stress...

Xét nghiệm nước tiểu của ông em không có hồng cầu, không có bạch cầu, nitrit âm tính và ông em không có bất cứ khó chịu gì khi đi tiểu thì ít nghĩ có nhiễm trùng đường tiểu; tuy nhiên, xét nghiệm này cũng có thể bị âm tính giả do nhiều nguyên nhân.

Do vậy, tốt hơn hết để xác định vấn đề, có nhiễm trùng tiểu hay không, thì ông em nên khám BS chuyên khoa thận - tiết niệu, kiểm tra lại xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kết hợp với thăm khám cùng các xét nghiệm khác nếu cần, để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, em nhé.

- Trần Thi Phượng - Bình Dương

BS tư vấn dùm cho con, hiện con đang theo dõi điều trị bệnh viêm gan B mạn không tác nhân detal tại BV Nhiệt Đới TPHCM. Bệnh của con có thể chữa khỏi hay không và chi phí điều trị bệnh là khoảng bao nhiêu ạ? Cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Phượng,

Trong bệnh nhiễm virus viêm gan B thì có những thể lâm sàng sau:

Nhiễm virus viêm gan B thể không hoạt động: tế bào gan không bị tổn thương, men gan không tăng, không cần điều trị, chỉ theo dõi định kỳ men gan, tầm soát ung thư gan.

Viêm gan B, tức là vừa nhiễm virus viêm gan B và virus này đang làm tổn thương gan, men gan sẽ tăng. Viêm gan B được chia thành viêm gan B cấp và viêm gan B mạn tính.

Viêm gan B cấp tính là tổn thương tế bào gan cấp do nhiễm HBV, hiện tượng tế bào gan bị phá hủy không phải do virus mà do chính cơ thể chống lại virus gây ra, và trong vòng 6 tháng là cơ thể sẽ thải toàn bộ virus và tạo miễn dịch bảo vệ suốt đời. Do đó, trừ trường hợp suy gan cấp thì mới cần điều trị, còn lại chỉ là hỗ trợ gan (thuốc bổ gan).

Viêm gan B mạn là cơ thể không thể tự thải trừ HBV ra khỏi cơ thể, nhưng không có nghĩa là không có khả năng chữa khỏi, ngày nay có rất nhiều thuốc ra đời để đặc trị HBV, nhưng tùy vào phân type HBV, đáp ứng thuốc, tình trạng bệnh... mà việc điều trị mang lại khả năng thành công khác nhau.

Hiện nay, em chỉ mới “theo dõi”, nghĩa là chưa xác định bệnh và chưa điều trị đúng không em? Như vậy, em có cơ hội thuộc 2 thể bệnh nhiễm viêm gan siêu vi B như đã nêu trên. Trường hợp không may mắn em bị viêm gan B mạn thì BS sẽ tiến hành điều trị bệnh cho em bằng thuốc đặc trị tiêu diệt virus đó.

Tùy vào chức năng gan, thể hoang dại hay đột biến... mà BS sẽ chọn lựa thuốc phù hợp cho em (thuốc uống kéo dài hay thuốc chích), khả năng thành công của liệu pháp điều trị và tư vấn chi phí điều trị cho em (dựa vào diện bhyt hay dịch vụ cùng các xn đi kèm khi tái khám). Do vậy, tốt hơn hết em nên tiếp tục tái khám theo hẹn và hỏi BS điều trị chính cho mình về vấn đề trên, em nhé


- Quang Vinh - vinhpham…@gmail.com

Nếu em đi bán máu có thể bán hơn 450ml không, nếu bán nhiều hơn thì em có vấn đề gì không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Vinh thân mến,

Theo quy định của ngành y tế, mỗi lần bán máu, mỗi người chỉ được bán 450 ml loại tiểu cầu, còn máu thường thì 1 hoặc 2 đơn vị máu (250 ml/đơn vị). Nhưng mỗi người chỉ được cho tiểu cầu là 1 tháng 1 lần, còn máu thường thì 2 tháng một lần.

Em không được phép bán nhiều hơn số máu quy định vì đây là quy định, hơn nữa 1 lần mất quá nhiều máu có thể gây tụt huyết áp, sốc mất máu, em nhé.


- Thanh Bình - thanhbinh…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Em năm nay 27 tuổi. Công việc hiện tại em đang làm nhẹ nhàng. Cách đây một năm em có bị đau lưng và tê chân từ hông xuống chân. Nhưng rồi lại hết.

Gần đây em có dùng tay xách một bao đất sạch trồng rau chừng 25 kg, nhưng xách bao thứ nhất thấy hơi lạnh xương sống. Tới vao thứ 2, em không thể xách được. Cảm thấy rất đau ở sống lưng.

Xin hỏi BS em bị bệnh gì và nên đi khám hay chụp chiếu gì ở đâu tốt tại TPHCM. Chân thành cám ơn các BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thanh Bình,

Biểu hiện đau vùng lưng ở người trẻ thường do căng mỏi cơ, căng dây chằng cột sống, gai cột sống, công việc ngồi nhiều ít vận động, do thiếu vi khoáng chất (như canxi, kali, magie...)... tuy nhiên nếu đau lan xuống bắp chân thì coi chừng có thoát vị đĩa đệm, chèn ép gây hẹp lỗ liên hợp đốt sống...

Em nên khám chuyên khoa cơ xương khớp, để BS thăm khám và chụp phim cột sống thắt lưng kiểm tra nhằm xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.

Trong thời gian này, em có thể giảm đau bằng cách nghỉ ngơi, mát xa, ấn huyệt, châm cứu, chườm ấm, khi đau quá nhiều cũng có thể uống thuốc giảm đau thông thường là Paracetamol, Panadol, Ultracet, với liều lượng an toàn của paracetamol là 2-3 viên 500mg trong 1 ngày, cách nhau mỗi 8-12 tiếng.

Chiều mai 7/3, BS Lan Hương trực điện thoại số 0936 551 460 từ 17g-19g

- Bui Thu - thubui…@gmail.com

Xin hỏi BS,

Tôi thường xuyên bị chứng mất ngủ thời gian kéo dài khoảng hơn mười năm nay rồi, tôi không dám uống rượu bia, cafe, các chất kích thích, cay nóng... mỗi tối tôi chỉ ngủ được khoảng từ 1-2 tiếng đồng hồ thôi, và buổi chưa chi ngủ khoảng 5-10 phút thôi.

Do hoàn cảnh gia đình tôi không có điều kiện đi khám BS, xin BS chuyên gia cho tôi một lời khuyên, tôi xin chân thành cảm ơn BS nhiều ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào chị Thu,

Bình thường, càng lớn tuổi thì nhu cầu ngủ của cơ thể sẽ giảm dần, nhưng nếu chỉ ngủ mỗi ngày chưa tới 3 tiếng thì quá ít, là bất thường.

Đầu tiên hết là các nguyên nhân thường gặp như trầm cảm, lo âu, suy nhược thần kinh, stress, do thuốc, do các bệnh lý có thể gây rối loạn giấc ngủ như cường giáp, bệnh gan thận, hô hấp... Chị đã điều chỉnh lối sống 1 cách lành mạnh nhất có thể mà vẫn còn mất ngủ thì tốt hơn hết là nên khám BS để tầm soát những bệnh lý có thể gây ra mất ngủ.

Nếu mọi thứ bình thường thì cần khám chuyên khoa tâm thần hay chuyên khoa nội thần kinh để được trị liệu rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ bằng thuốc một cách an toàn và phù hợp với cơ địa. (Theo luật BS không thể kê thuốc điều trị qua kênh truyền thông được, chị thông cảm).

Ngoài ra chị có thể áp dụng những điều sau để hỗ trợ việc đi ngủ tốt hơn: Nên tắm nước ấm trước khi ngủ tối; phòng ngủ bố trí thoáng mát, yên tĩnh, ít ánh sáng; tập thể dục đều đặn mỗi ngày, hạn chế suy nghĩ bi quan, căng thẳng.


- Ngân Phan - phanngan…@gmail.com

Xin chào AloBacsi,

Cho em hỏi khoảng 7-8 năm trước ở bẹn trên em có bị nổi hạch sờ không đau vì mới nổi nên không thấy chạy. BS chẩn doán em bị bướu mỡ, BS nói không sao.

Nhưng khoảng 3 năm nay ở đùi trong gần bẹn em có bị nổi hạch cách đây hơn 3 năm nhưng có lúc không thấy dấu hiệu gì. Lâu lâu lại thấy nổi lên, có lúc hơi ngứa bề mặt da ở vị trí đó, ấn tay vào không thấy đau.

Khoảng nửa tháng nay nổi liên tục, cảm giác thắy căng tức ở đó. Có hôm em thắy ê và nhức vùng mông, buốt và mỏi chân bên trái (chân nổi hạch) không biết có phải do hạch ảnh hưởng không ạ. Em định 2 ngày nữa xắp sếp công việc em đi khám mà em thấy hoang mang quá.

BS tư vấn dùm em được không ạ? Liệu em có bị ung thư không BS? Những biểu hiện đó là bị bệnh gì ạ? Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Ngân,

Theo thông tin em cung cấp thì chúng ta chưa thể chắc chắn đây có phải là hạch hay không. Vì em đã từng nổi 1 khối bất thường ở bẹn, em nghĩ là hạch, BS khám chẩn đoán là bướu mỡ, mà bản thân bệnh bướu mỡ có thể “mọc thêm” ở vùng khác, bướu lớn quá có thể gây chèn ép thần kinh, mạch máu gây triệu chứng.

Nếu đây là hạch thì có thể là hạch viêm bình thường, hạch lao, cũng có thể là hạch ác tính. Triệu chứng đau nhức mỏi của em có thể do bướu mỡ gây ra, có thể do hạch viêm, do bệnh lý gây nổi hạch gây ra hoặc do 1 bệnh lý khác hoàn toàn đi kèm.

Do đó, tốt hơn hết em nên đến khám tại BV ung bướu để được kiểm tra, xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, em nhé.


- Phan Hoài Nam - xuatnhap…@gmail.com

Chào BS,

Ba tôi có đi chụp phim và khám ở BV Chợ Rẫy và được BS cho biết là tắc động mạch cảnh bên trái. Không can thiệp nong hay gắn sten được. Ba tôi hiện sức khỏe bình thường. Vậy có cách nào khắc phục được không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hoài Nam,

Động mạch cảnh là động mạch có kích thước khá lớn, nằm ở cổ, gồm động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải mà ta có thể sờ thấy được nhịp đập của chúng ở hai bên cổ. Nguyên nhân thông thường nhất của hẹp động mạch cảnh là xơ vữa động mạch.

Nếu người bệnh bị tắc hoàn toàn lòng động mạch cảnh, vôi hóa thì không thể nong hay đặt stent được, khi đó cách khắc phục tốt nhất là điều trị bảo vệ động mạch cảnh bên còn lại, bao gồm việc dùng thuốc và tái khám theo chỉ định của BS.

Đồng thời bệnh nhân phải thay đổi lối sống sẽ giúp duy trì kết quả tốt. Thay đổi lối sống bao gồm: hạn chế thực phẩm dầu mỡ chiên xào, tăng cường rau xanh, hoa quả, hạn chế bia rượu (tối đa 1 lon bia/ngày, 1 ly rượu vang/ngày), tập thể dục điều đặn và không hút thuốc lá, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.


- Võ Cao Sang - Bình Chánh

Tháng 6/2016 em có đi nội soi ở BV Nguyễn Tri Phương, kết quả là HP âm tính, viêm xung huyết hang vị. Tới tháng 2/2017 em bị đau lại, em đi khám ở ĐH YD, BS nói nếu kết quả như vậy không cần phải nội soi lại, vậy có đúng không? Vì em uống thuốc 1 tháng sau lại bị tái phát lại nữa nên em cần lời khuyên ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Sang,

Viêm dạ dày là bệnh có thể chữa được, không phải bệnh nan y nên em đừng quá căng thẳng. Nguyên nhân gây viêm dạ dày (bao tử) thường gặp, tiếp đó là do dùng thuốc (thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc điều trị đau khớp...), căng thẳng đầu óc - ăn uống thất thường, hội chứng khó tiêu chức năng.

Em đã nội soi dạ dày với kết quả dạ dày chỉ bị viêm nhẹ, Hp âm tính thì không cần phải nội soi lại, mức độ bệnh nhẹ, tuy nhiên có thể tái phát khi ngưng thuốc nếu chế độ sinh hoạt không phù hợp, hoặc người bệnh có kèm trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng khó tiêu chức năng, rối loạn lo âu thì cần điều trị dài hơn.

Do vậy, tốt hơn hết là em quay lại tái khám BS chuyên khoa tiêu hóa để được điều trị thuốc thích hợp, đồng thời chú ý hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm/ vận động mạnh sau khi ăn trong vòng 2 giờ.


- Nguyễn Thị Thuỳ Vân - thuyvan…@gmail.com

Tôi có triệu chứng hơi vàng da, vàng mắt đi khám và xét nghiệm chỉ số birirubin tăng hơi cao, phải uống thuốc gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Vân,

Vàng mắt vàng da có tăng bilirubin máu là vàng da bệnh lý. Vàng da bệnh lý là dấu hiệu của một số bệnh như tán huyết, tắc mật (do sỏi, do u...), xơ gan, do vậy bạn nên đến BV để kiểm tra sức khỏe sớm.

Có thể khám ở chuyên khoa tiêu hóa, BS sẽ thăm khám và làm thêm 1 số xét nghiệm cần thiết như siêu âm bụng, xét nghiệm máu... để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Nếu như không xác định được nguyên nhân thì việc dùng thuốc thải billirubin sẽ có hại vì che giấu đi bệnh thật sự. Tôi không được phép kê thuốc khi không qua thăm khám bệnh nhân, đây là luật, bạn thông cảm.


- Minh Nguyễn - quangminh…@gmail.com

Chào BS,

Dạo này không biết sao tai phải của em mỗi khi ngáp hay bị đau, đặc biệt vào những buổi sáng sớm, không biết liệu em có bị bệnh gì liên quan đến tai (mũi và họng em bình thường). Mong BS tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Minh,

Triệu chứng đau tai khi ngáp có thể gặp trong chứng rối loạn khớp thái dương hàm, viêm ống tai, tắc nghẽn tai vòi...

Tốt hơn hết em nên khám chuyên khoa tai mũi họng để BS khám kỹ, soi họng, soi tai. Nếu cần thiết có thể sẽ chụp phim khớp thái dương hàm… để tìm nguyên nhân và chẩn đoán bệnh , từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp, em nhé.


- Dang Chi Cuong - salena…@gmail.com

Chào BS,

Em bị triệu chứng đổ mồ hôi và gây mệt mỏi. Khi đổ mồ hôi thì mồ hôi em bám vào da và thấm vào quần áo khiến cả người em bị hôi. Nhưng em không biết nguyên nhân là bị gì. Mong BS chỉ cho em biết em đang bị bệnh gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Chí Cường,

Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi được chia làm 2 loại:

* Loại tăng tiết mồ hôi thứ phát: Thường bị sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc bệnh của tuyến giáp trạng...

* Loại tăng tiết mồ hôi tiên phát: thường do trạng thái cường giao cảm hoặc tăng hoạt động của trung tâm bài tiết mồ hôi. Xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều (đồ chiên xào, cay, tỏi, hành tây…).

Chữa trị:

* Điều trị nội khoa: khám xác định bệnh và điều trị bệnh nền, bôi thuốc, hay dùng thuốc an thần, tâm lý liệu pháp, châm cứu.

* Điều trị ngoại khoa: tiểu thủ thuật; hủy bỏ hạch giao cảm bằng phẫu thuật nội soi, tiêm huyết thanh nóng vào hạch, cắt bỏ hạch...

Nguyên nhân làm mồ hôi có mùi là do tuyến mồ hôi tăng tiết quá nhiều, kết hợp với vi khuẩn tạo thành mùi khó chịu, hoặc bản thân mồ hôi đã có mùi khó chịu do chế độ ăn (nhiều tỏi, hành tây...).

Có rất nhiều phương pháp để giảm mùi cơ thể, như điều chỉnh lại chế độ ăn, sử dụng lăn khử mùi, body spray, dầu thơm, dùng liệu pháp thiên nhiên như chanh, phèn chua (tôi thấy rất nhiều người đáp ứng)...

Tốt nhất em nên khám chuyên khoa da liễu để BS kiểm tra và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Thân mến,


- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X