Hotline 24/7
08983-08983

Cơn nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng cô gái U30 cho đến bà cụ U100

Tại Bình Phước, cơn nhồi máu cơ tim suýt giết chết cụ bà 98 tuổi. Tại Bắc Giang, cô gái 29 tuổi không bệnh nền, không béo phì, đột ngột đau ngực dữ dội, đến viện thì một nhánh mạch vành liên thất đã hẹp 95%.

Bình Phước: Cơn nhồi máu cơ tim suýt giết chết cụ bà 98 tuổi

Bà T. 98 tuổi ở Bình Phước, đang ngồi chơi với con cháu thì lên cơn đau ngực, khó thở.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Tân, Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh nhân vào cấp cứu ngày 30/3 với biểu hiện choáng tim, nhồi máu cơ tim, huyết áp tụt. Hình ảnh điện tâm đồ cùng các triệu chứng cho thấy nếu không can thiệp mạch vành, bệnh nhân khó giữ được tính mạng.

Sau khi "đặt lên bàn cân" giữa hai phương án nên hay không nên can thiệp ở bệnh nhân rất cao tuổi, các bác sĩ quyết định thực hiện thủ thuật. Kết quả ghi nhận động mạch vành bị tổn thương vôi hóa rất nặng, gần như tắc hoàn toàn dòng chảy mạch máu chính.

"Đường đi vào vị trí tổn thương bị gập góc nặng, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho ê kíp can thiệp khi đưa dụng cụ vào bên trong", bác sĩ Tân chia sẻ. Sau khoảng 30 phút cố gắng thao tác, các bác sĩ cứu được nhánh mạch vành bị tắc, đặt thành công stent tái thông dòng chảy mạch máu.

Ngay sau can thiệp, cụ bà cải thiện sức khỏe rõ rệt, giảm đau ngực, huyết áp dần ổn định. Ngày 5/4, bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện. "Tôi đi lại dễ dàng, ăn uống ngon miệng, không còn đau ngực", cụ bà nói.

Con gái bà Thẩy cho biết cả gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất, "không nghĩ các bác sĩ có thể cứu sống được mẹ như vậy nên cả nhà rất mang ơn".

Bệnh nhân được can thiệp mạch vành tại Bệnh viện E (Hà Nội) và cụ bà 98 tuổi khỏe mạnh chuẩn bị xuất viện ở Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM)

Bắc Giang: Cô gái 29 tuổi nhồi máu cơ tim dù không có bệnh nền

Cô gái 29 tuổi ở Bắc Giang không bệnh nền, không béo phì, đột ngột đau ngực dữ dội, đến viện thì một nhánh mạch vành liên thất đã hẹp 95%.

Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu với chẩn đoán nhồi máu cơ tim, sau đó chuyển đến Bệnh viện E, Hà Nội, để can thiệp. Sau khi đặt một stent thông mạch tắc, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

"Đây là trường hợp rất đặc biệt, khi nhìn bệnh án là nữ 29 tuổi, tôi giật mình vì bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ và còn quá trẻ", bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, cho biết ngày 5/4.

Theo bác sĩ Nguyên, trong số bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, nam giới chiếm trên 70%, nữ giới ít và trường hợp trẻ như bệnh nhân nói trên rất hiếm. Song, bác sĩ nhận định, số lượng người trẻ bị nhồi máu cơ tim những năm gần đây gia tăng. Trước đây, bệnh nhân nhồi máu cơ tim thường trên 60 tuổi nhưng nay gặp rất nhiều ở lứa tuổi 32-38. Trong số này chủ yếu là nam giới có tiền sử hút thuốc lá, bệnh nền tiểu đường.

Năm 2020, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E can thiệp khoảng 2.900 trường hợp, trong đó có tới 1.900 ca liên quan bệnh lý mạch vành.

Mạch vành là mạch chính nuôi tim, khi bị xơ vữa một hay nhiều nhánh sẽ gây tắc mạch, là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim. Trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, 50% tử vong trước khi đến viện.

Giáo sư Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, nhận định bệnh không lây nhiễm nói chung, đặc biệt là các bệnh tim mạch đều tăng qua từng năm. Nguyên nhân là Việt Nam đang trên đà phát triển, nhiều thói quen sinh hoạt trong ăn uống, cường độ lao động thay đổi. Đặc biệt, người Việt nhậu nhẹt, hút thuốc lá nhiều.

Môi trường ô nhiễm từ không khí, nước đến thực phẩm, tiếng ồn cũng là những yếu tố nguy cơ khiến bệnh tim mạch tăng lên, bệnh nhồi máu cơ tim cũng tăng theo. Ngoài ra, trường hợp mắc các bệnh nền như tiểu đường, béo phì, huyết áp... nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn người khác.

Giáo sư Thành lưu ý, bệnh nhân nhồi máu cơ tim có nguy cơ tái phát cao nếu không được can thiệp tốt và không điều chỉnh lối sống, chế độ sinh hoạt, không tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Theo đó, bệnh nhân nên ăn nhạt, tập thể dục đều đặn, không để stress, không hút thuốc lá, uống rượu bia...

Trước đây bệnh nhân vào Bệnh viện E cấp cứu sẽ phải chuyển đi chụp CT, sau đó lại chuyển can thiệp cấp cứu, quá trình này mất khoảng 2 giờ. Bệnh viện E nay sử dụng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA độ phân giải hình ảnh cao gấp 4 lần so với trước, bệnh nhân chỉ mất khoảng 30 phút đến một giờ là có thể chụp và can thiệp xong. Nhờ đó, bệnh nhân được phát hiện và can thiệp sớm, tăng tỷ lệ cứu sống, tránh biến chứng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X