Hotline 24/7
08983-08983

Có nên nhảy việc mùa COVID-19?

Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đột ngột khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp phải đóng cửa, “ngủ đông”. Cơn “sóng thần” COVID-19 cũng khiến người lao động trên toàn thế giới lao đao, thất nghiệp, mất việc làm hoặc bị tạm dừng công việc. Nếu bạn thuộc nhóm vẫn đang có công việc và được trả lương hàng tháng hay nhóm bị tạm dừng công việc, trong thời điểm này bạn có nên tìm kiếm một cơ hội mới cho mình hay an phận đợi chờ nền kinh tế phục hồi với công ty bạn đang làm? Một số gợi ý sau đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời phù hợp nhất cho câu hỏi có nên nhảy việc trong mùa dịch COVID-19 hay không?

Ảnh minh họa

Hãy cân nhắc “nhảy việc” khi bạn tìm thấy lý do dưới đây

Bạn nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp mới. COVID-19 gây ra thay đổi lớn trong hành vi tiêu dùng của con người và hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Đồng thời cũng xuất hiện những xu hướng nghề nghiệp mới sẽ phát triển mạnh và tạo ra thu nhập tốt trong tương lai. Đây có thể là cơ hội cho rất nhiều bạn nắm bắt để quyết định dịch chuyển công việc.

Bạn sàng lọc được những ngành nghề, công ty vẫn “vững như bàn thạch” trước đại dịch. COVID-19 có thể được xem như “lửa thử vàng”, nhiều ngành nghề, công ty không dễ bị đào thải và ít chịu tác động lớn từ dịch. Có những ngành nghề vẫn đạt được mức tăng trưởng dù ít nhưng ổn định. Điều đó đảm bảo cho việc trả lương và những phúc lợi ổn định cho nhân viên. Bạn có thể nhảy việc và lựa chọn những ngành nghề này nếu đó là sở trường và nằm trong khả năng của bạn.

Bạn đã lên kế hoạch “nhảy việc” từ trước khi COVID-19 đến. Sự chủ động và có kế hoạch cụ thể trong việc thay đổi công việc thì COVID-19 cũng chỉ góp thêm một phần nguyên nhân để bạn nạp thêm năng lượng và sẵn sàng cho những “bứt phá mới”. Đây sẽ là cơ hội mới và cả thách thức đối với bạn.

Bạn chịu quá nhiều sức ép từ công việc đến đời sống cá nhân buộc bạn phải chọn công việc khác. Công việc hiện tại tồn đọng nhiều vấn đề không thể giải quyết như giảm lương, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, áp lực... Dẫu được gọi là may mắn hơn những người thất nghiệp nhưng sức ép công việc, cuộc sống, gia đình khiến bạn buộc phải thay đổi, tìm kiếm việc làm nhanh. Dẫu nguyên nhân này là chủ quan, nhưng nó lại buộc bạn tự tạo ra “động lực mới” để nhảy việc thành công.

Lý do bạn nên trì hoãn “nhảy việc”

Bạn có nguy cơ thất nghiệp trong thời gian dài. Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế xuống dốc, các doanh nghiệp đều lao đao hoặc cầm chừng trong trạng thái bão hòa. Vì thế cơ hội tạo ra việc làm mới với nguồn thu nhập tốt rất khó khăn. Không những thế, đại dịch chưa có “hồi kết” thì tương lai doanh nghiệp cũng là câu chuyện còn bỏ ngỏ, có thể chính công ty bạn đang “nhắm” trong vài tháng tới sẽ biến động tới mức phải sa thải nhân viên, cắt giảm lương, thậm chí đóng cửa. Vậy nên nhảy việc thời điểm này luôn có nguy cơ thất nghiệp trong thời gian dài, thu nhập bấp bênh.

Thu nhập không tăng. Kể cả bạn được tuyển dụng vào vị trí như mong muốn ở môi trường mới mới thì tại thời điểm này, chuyện thỏa thuận lương trong đàm phán cũng là vấn đề nan giải. Nhà tuyển dụng sẽ phải cân nhắc hơn và bạn cũng khó có thể thương lượng một mức lương “nhảy vọt” dẫu nhà tuyển dụng có “ưng” bạn như thế nào đi nữa.

Giá trị của bạn có nguy cơ bị giảm khi nhảy việc. Ở công ty hiện tại, dưới những khó khăn chung, bạn và nhân sự khác bị tăng cường sức ép (giảm lương, kiêm nhiệm thêm việc...) và bạn thấy “quá tải” phải chủ động nghỉ việc với hi vọng sang môi trường mới ít áp lực hơn. Điều này phần nào làm giảm đi giá trị của bạn so với những nhân sự khác. Chưa kể, chính trong lúc khó khăn đó của công ty bạn lại ra đi thì bạn có cảm thấy “áy náy” với môi trường từng giúp đỡ bạn trước đó. Khi đi phỏng vấn ở môi trường mới, bạn sẽ phải đối mặt với những hoài nghi. Bởi mất việc hay chủ động nghỉ việc thời COVID-19 có thể sẽ làm giảm đi giá trị của bạn dưới con mắt nhân sự ở công ty mới.

Với những phân tích trên hy vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn trong quyết định nên hay không nên nhảy việc mùa COVID-19. Trong thách thức luôn có cơ hội và trong ổn định luôn có những rủi ro. Việc dịch chuyển công việc dẫu là “mùa nào” thì bạn vẫn cần sáng suốt khi phân tích cả yếu tố chủ quan và khách quan để có lựa chọn phù hợp nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X