Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia hướng dẫn cách khắc phục các triệu chứng rối loạn tiền đình

Trong bài viết dưới đây ThS.BS Thái Huy sẽ hướng dẫn các biện pháp để điều trị cũng như cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình.

1. Vì sao rối loạn tiền đình thường tái phát?

Thưa BS, do bệnh nhân không điều trị dứt điểm hay có khó khăn trong quá trình điều trị mà rối loạn tiền đình thường tái phát ạ?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Tỷ lệ tái phát của rối loạn tiền đình phụ thuộc vào nguyên nhân của bệnh và lúc đầu điều trị có hiệu quả hay không. Một số bệnh lý như viêm thần kinh tiền đình sẽ tự khỏi hoặc giới hạn trong một khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần và hiếm khi tái phát. Tuy nhiên có một số dạng bệnh lý tiền đình tái phát dai dẳng như:

- Bệnh meniere: Đặc trưng là triệu chứng chóng mặt tái phát nhiều lần trong năm, mỗi lần chóng mặt sẽ kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và kèm theo các triệu chứng của ốc tai khác như ù tai, giảm thính lực (sau mỗi lần chóng mặt thính lực sẽ không hồi phục lại như mức ban đầu). Điều trị bằng cách sử dụng thuốc, điều chỉnh lại chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt tuy nhiên không thể điều trị dứt điểm.

- Bệnh migraine tiền đình: Đặc trưng là đau nửa đầu và kèm theo triệu chứng của tiền đình, trước và trong cơn sẽ có những triệu chứng khác như nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng. Điều trị dự phòng bằng thuốc, chế độ sinh hoạt, lối sống và cũng không thể điều trị dứt điểm do có liên quan đến cơ địa khi có những yếu tố thuận lợi sẽ khởi phát triệu chứng chóng mặt.

- Ngoài ra, một nguyên nhân khác là cơ địa của người bệnh. Tiền đình bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như căng thẳng, lo lắng, mất ngủ, vì vậy người bệnh có những triệu chứng này sẽ dễ dàng tái phát.

Một số nguyên nhân có thể điều trị hết tuy nhiên cũng có một số nguyên nhân không thể điều trị dứt điểm:

- Bệnh meniere: Khi cố gắng điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống vẫn không được thì sẽ có kế hoạch phẫu thuật hoặc phá hủy cấu trúc tiền đình một bên để giảm bớt các triệu chứng khó chịu do bệnh lý gây ra.

- Liên quan đến các vấn đề u trong não, u dây thần kinh tiền đình hoặc u góc cầu tiểu não, những cấu trúc liên quan đến hệ thống tiền đình khi phẫu thuật cắt bỏ sẽ giải quyết được.

- Một số bệnh lý khác khó điều trị dứt điểm tuy nhiên có thể cố gắng sử dụng thuốc, áp dụng thêm nhiều biện pháp phối hợp để làm giảm khó chịu do bệnh lý tiền đình gây ra, cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống để người bệnh dễ dàng chấp nhận bệnh lý này.

2. Sử dụng thuốc điều trị rối loạn tiền đình như thế nào?

Trong tất cả các bước điều trị thì nội khoa luôn được xem như bước khởi đầu. Đối với rối loạn tiền đình, việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân để điều trị sẽ như thế nào?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Khi tiếp cận bệnh nhân rối loạn tiền đình bác sĩ sẽ xem nguyên nhân để loại trừ những tình huống cần xử lý khẩn cấp nếu tiền đình chóng mặt trong bối cảnh đột quỵ sẽ có điều trị đột quỵ tương ứng.

Nếu là bệnh lý tiền đình ngoại biên thì điều trị cơ bản bao gồm làm giảm triệu chứng khó chịu của người bệnh do chóng mặt gây ra; cố gắng hỗ trợ bù trừ tiền đình bằng những cách kiểm soát căng thẳng, tập phục hồi chức năng tiền đình và cố gắng kiểm soát tâm lý, tình trạng căng thẳng, mất ngủ, lo lắng kèm theo.

3. Làm sao để khắc phục các triệu chứng rối loạn tiền đình?

Thưa BS, đối với một bệnh nhân gặp phải tình trạng rối loạn tiền đình thì có lẽ mong muốn lớn nhất của bệnh nhân ở tình huống này và thời điểm này là làm sao để có hướng xử lý nhanh nhất, khắc phục được các triệu chứng khó chịu như chóng mặt, choáng váng, buồn nôn. BS có lời khuyên nào dành cho khán giả cũng như những người bệnh không ạ?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Chóng mặt do nguyên nhân tiền đình ngoại biên có liên quan khá nhiều đến tư thế, lời khuyên hợp lý nhất dành cho bệnh nhân rối loạn tiền đình là khi chóng mặt phải cố gắng giữ yên tư thế đầu, hạn chế xoay trở qua lại, càng cố gắng xoay trở thì triệu chứng tiền đình càng nặng hơn, khi đó diễn tiến sẽ lâu hồi phục.

Một số mẹo có thể áp dụng khi bị rối loạn tiền đình:

- Chịu khó nghỉ ngơi: Chóng mặt thường nặng hơn khi chúng ta căng thẳng, lo lắng, mất ngủ. Khi đó phải cố gắng ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, cố gắng làm giảm căng thẳng sẽ làm giảm triệu chứng tại thời điểm đó.

- Tránh để mất nước: Khi mất nước sẽ ảnh hưởng đến tiền đình làm cho chúng ta, choáng váng, chóng mặt nhiều. Cố gắng uống đủ lượng nước hằng ngày, tránh các loại thực phẩm như rượu, cafein sẽ gây mất nước.

- Hạn chế các tư thế ảnh hưởng làm xuất hiện cơn chóng mặt.

- Hạn chế các yếu tố khác như nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng (bệnh lý migraine tiền đình).

- Thực hành các biện pháp thư giãn: Căng thẳng, lo lắng sẽ làm triệu chứng tiền đình nặng hơn, cố gắng kiểm soát các triệu chứng này bằng cách thiền, yoga, tập thở sâu.

- Nếu vẫn không có cảm giác thoải mái thì có thể sử dụng thuốc: Đi khám để bác sĩ đánh giá cẩn thận về triệu chứng và kê thuốc phù hợp với bệnh lý.

4. Cần lưu ý gì khi sử dụng thảo dược điều trị rối loạn tiền đình?

Thưa BS, hiện nay trong việc điều trị các bệnh lý nói chung hay rối loạn tiền đình nói riêng, xu hướng của cả Việt Nam và thế giới sẽ quan tâm rất nhiều đến các thành phần chiết xuất có nguồn gốc từ thảo dược. BS nhận thấy như thế nào về vấn đề này?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Sử dụng các sản phẩm chiết xuất có nguồn gốc từ thảo dược không chỉ là xu hướng của riêng Việt Nam mà chung trên thế giới. Mỗi quốc gia đều có những bài thuốc dân gian truyền miệng, xu thế của thế giới là cố gắng phân tách những hoạt chất có trong thảo dược để xem dược chất đó như thế nào và chiết xuất.

Đối với bệnh lý rối loạn chức năng tiền đình là một bệnh lý khá rộng, cho đến nay không có thuốc nào có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên một số nhóm thuốc thảo dược như ginkgo biloba có thể làm giảm các triệu chứng về chóng mặt khá hiệu quả.

Một số lưu ý khi sử dụng thảo dược:

- Thảo dược có hoạt chất và cũng có những độc tính nếu chiết xuất, bảo quản không tốt.

- Do sự khảo sát, đánh giá về mối tương tác giữa các loại thực phẩm chức năng hoặc thảo dược chưa đầy đủ như thuốc, vì vậy khi muốn sử dụng, bổ sung thêm cho mình hoặc người nhà nên có sự tham khảo từ nhân viên y tế, bác sĩ điều trị.

5. Những nguyên tắc nào cần nhớ khi chăm sóc người bị rối loạn tiền đình?

Khi người thân gặp phải vấn đề rối loạn tiền đình thì việc chăm sóc phải như thế nào vì tình trạng chóng mặt rất khó chịu, ngoài ra do nôn ói nên ăn uống không được như bình thường vậy trong tình huống đó nên làm những gì và không nên làm những gì thưa BS?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Khi chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý:

- Người bệnh rối loạn tiền đình nguy cơ té ngã rất cao nên phải giữ cho bệnh nhân an toàn, tránh té ngã, hạn chế những vật dẫn đến nguy cơ té ngã nếu cần thiết có thể cung cấp các dụng cụ hỗ trợ đi lại như gậy tập đi, khung tập đi để tránh té ngã.

- Theo dõi vấn đề điều trị thuốc: Cho người bệnh uống thuốc đúng giờ, tránh bỏ sót cữ thuốc. Trong đó thường có thuốc chống nôn ói sẽ hỗ trợ điều trị giảm triệu chứng cấp tính của người bệnh.

- Khi hạn chế vận động, nghỉ ngơi tại giường sẽ càng xuất hiện triệu chứng tiền đình nhiều hơn. Do đó, phải khuyến khích người bệnh hoạt động thể chất, khuyến khích người bệnh đi lại, tập đi từ từ và tăng dần, có bài tập phù hợp để phục hồi chức năng tiền đình.

- Cung cấp thêm các kiến thức liên quan đến tình trạng bệnh lý của người bệnh và cung cấp thêm những hỗ trợ về tinh thần. Tại bệnh viện, số lượng khám rất đông, bác sĩ không có thời gian tư vấn phù hợp, người bệnh không biết rõ bệnh lý từ đó dẫn đến việc hợp tác trong điều trị kém, và khi bệnh tái phát lại tìm đến một bác sĩ khác dẫn đến vòng lẩn quẩn không thể hết.

- Thuốc điều trị tiền đình tác dụng rất chậm, kiểm soát kém do đó người bệnh cần kiên trì với kế hoạch đã đề ra.

6. Rối loạn tiền đình nên đi khám chuyên khoa nào?

Thưa BS, tôi thấy hệ thống tiền đình nằm trong tai như vậy tình trạng rối loạn tiền đình đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng hay đi khám chuyên khoa thần kinh sẽ đúng hơn?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Rối loạn thần kinh tiền đình bao gồm tổn thương cả cấu trúc tiền đình ở tai trong cũng như hệ thống thần kinh tiền đình chung. Khám về tai mũi họng hay thần kinh đều quan trọng:

- Khám tai mũi họng: Sẽ đánh giá về tai, thính giác, ống tai ngoài, cấu trúc tai trong bằng những cận lâm sàng phù hợp.

- Khám mũi xoang: Sẽ khám cấu trúc những viêm nhiễm bất thường ở vùng đó, có thể đề ra các cận lâm sàng, CT, MRI phù hợp với bệnh lý chúng ta nghi ngờ.

- Khám thần kinh: Đánh giá về dây thần kinh tiền đình, các dây sọ có liên quan cũng như khi cần thiết có thể thực hiện các nghiệm pháp phục vụ chẩn đoán. Khi nghi ngờ đó là bệnh lý liên quan đến sỏi tai, bệnh lý của chóng mặt tư thế kịch phát thì có thể tiến hành nghiệm pháp tái định vị sỏi tai (nghiệm pháp Epley).

Khám thần kinh sẽ có góc nhìn tổng quát hơn về bệnh lý, khi khu trú được nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình thuộc tai mũi họng thì lúc đó phải phối hợp thêm với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để điều trị.

7. Có nên tự mua thuốc để chấm dứt các triệu chứng của rối loạn tiền đình?

Thưa BS, ở nhà chị của tôi thường tự chẩn đoán hoặc nghe hàng xóm nói đây là triệu chứng của rối loạn tiền đình và tự mua thuốc uống thì có thể giải quyết được triệu chứng này. Vậy có nên tự mua thuốc uống hay không hay phải có cách giải quyết vấn đề bài bản và đúng phương pháp hơn?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Khi tự chẩn đoán và tự sử dụng thuốc chóng mặt tiền đình đôi khi cũng sẽ hết vì có một số bệnh lý tiền đình tự giới hạn và không gây ra hậu quả về sau. Tuy nhiên có một số bệnh lý để lại di chứng nặng nề cho người bệnh nếu không đi khám sớm sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.

Những hậu quả khi tự chẩn đoán và tự sử dụng thuốc:

- Chẩn đoán bệnh sai: Người bệnh nghĩ đó là rối loạn tiền đình nhưng đôi khi đó là một bệnh lý nguy hiểm khác. Khi tự chẩn đoán sẽ dẫn đến trì hoãn việc điều trị, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng kéo theo sau đó.

- Khi uống thuốc có thể làm giảm triệu chứng nhưng sẽ che giấu bệnh dẫn đến bác sĩ khó chẩn đoán và điều trị nguyên nhân. Ví dụ, viêm thần kinh tiền đình cũng biểu hiện như tiền đình thần kinh ngoại biên là chóng mặt, xoay tròn. Khi tự mua thuốc uống sẽ giảm bớt, qua cơn nhưng viêm thần kinh nếu điều trị giai đoạn cấp không tốt sẽ kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng. Nếu ngay từ đầu người bệnh đi khám được bác sĩ chẩn đoán là viêm thần kinh tiền đình và điều trị hợp lý thì triệu chứng sẽ giới hạn trong vòng vài ngày, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt, chức năng sống sớm hơn.

- Ngoài ra, còn có khả năng gây sự tương tác thuốc, phản ứng có hại khi không cung cấp đầy đủ thuốc.

- Khi bệnh không hết, xấu đi, diễn nặng hơn lúc đó sẽ chậm trễ trong chẩn đoán và gây ra hậu quả cho người bệnh.

8. Làm sao lựa chọn được sản phẩm chứa ginkgo biloba chất lượng?

Thưa BS, không phải thảo dược nào cũng lành tính dù cùng một cây thuốc như ginkgo biloba. Như vậy làm sao để biết được loại nào tốt để có thể mua cho ba mẹ ở nhà vì em ra nhà thuốc thấy có rất nhiều những sản phẩm khác nhau chứa ginkgo biloba?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Ginkgo biloba bản chất là thảo dược chiết xuất từ cây bạch quả, đây là một loại thảo dược được sử dụng từ nhiều thế kỷ nay để điều trị những bệnh lý liên quan đến suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, chóng mặt,…

Gần đây, đã có một số nghiên cứu nhỏ chứng minh hiệu quả của việc điều trị ginkgo biloba trên những nhóm bệnh nhân này, đây là hiệu quả tích cực. Sau này, khi có những nghiên cứu lớn hơn sẽ ủng hộ cho việc điều trị ginkgo biloba trên những nhóm bệnh nhân sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức, chóng mặt. Khi người bệnh lớn tuổi, có những vấn đề liên quan đến nhận thức, trí nhớ sử dụng những thuốc như ginkgo biloba sẽ vừa điều trị về nhận thức, vừa giảm triệu chứng chóng mặt.

Tuy nhiên không phải nhóm ginkgo biloba nào cũng giống nhau. Thảo dược ngoài dược tính còn có những chất gây hại, nếu quá trình chiết xuất không tốt sẽ có tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến người bệnh, khi đó hiệu quả điều trị chưa có mà đã gây khó chịu cho người bệnh. Trong đó ginkgo biloba Egb761 làm giảm tác dụng phụ nhiều nhất cho người bệnh.

9. Có nên truyền nước biển khi bị rối loạn tiền đình?

Thưa BS, ở nhà thỉnh thoảng mẹ tôi bị rối loạn tiền đình và mỗi lần như vậy thì mẹ tôi thường đi truyền nước biển, có khi truyền nước biển ở nhà, có khi đến trạm y tế. Nhờ BS giải đáp giúp tôi là có nên làm như vậy hay không?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Truyền dịch không phải là khuyến cáo điều trị đầu tiên đối với bệnh nhân bị rối loạn chức năng tiền đình. Tuy nhiên có thể cân nhắc truyền dịch cho một số tình huống như:

- Tiền đình, chóng mặt làm người bệnh ăn uống kém, mất nước, rối loạn điện giải, mất điện giải và muốn điều chỉnh tình trạng này nhanh nhất thì có thể truyền dịch.

- Một số trường hợp người bệnh đau đầu, chóng mặt, nôn ói nhiều không thể uống thuốc được, khi đó các thuốc tiêm đường tĩnh mạch sẽ hợp lý hơn cho những nhóm đối tượng bệnh nhân này.

Quy trình truyền dịch theo quy định của y tế là một quy trình kỹ thuật được thực hiện bởi những nhân viên y tế đã được đào tạo trong một cơ sở y tế được cấp phép. Ngoài những tác dụng có lợi, truyền dịch cũng có nhiều vấn đề liên quan như:

- Khi truyền dịch dễ xảy ra những biến cố, ví dụ người bệnh có vấn đề về tim mạch khi truyền dịch quá nhanh người bệnh sẽ bị sốc, quá tải dịch truyền, suy tim, khó thở nếu cấp cứu không kịp sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.

- Thuốc tiêm, truyền trực tiếp vào trong máu, tĩnh mạch sẽ có những vấn đề như sốc phản vệ nếu không được huấn luyện để nhận ra tình huống và cấp cấp cứu thời cũng sẽ kể lại hậu quả nặng nề.

- Một bệnh nhân ốm yếu, suy kiệt, đi lại khó khăn có thể truyền dịch tại nhà nhưng phải được đánh giá bởi bác sĩ chuyên môn và phải theo dõi quá trình truyền dịch để xử lý những biến cố kịp thời nếu có.

10. Ngoài sử dụng thuốc, có cách nào cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình không?

Thưa BS, ngoài việc sử dụng thuốc thì có cách nào để cải thiện tình trạng rối loạn tiền đình hay không?

ThS.BS Thái Huy trả lời: Người bệnh có vấn đề về tiền đình sẽ liên quan đến nhiều yếu tố như căng thẳng, lo lắng vì vậy:

- Khuyến kích người bệnh nên nghỉ ngơi, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

- Người bệnh có thể tập kiểm soát căng thẳng, lo lắng bằng các biện pháp thư giãn, thả lỏng, những bài tập liên quan đến phục hồi chức năng tiền đình. Chức năng tiền đình bao gồm 3 hệ thống là tiền đình, thị giác, cảm giác của thân thể, những bài tập được thiết kế với mục đích tác động lên quá trình này sẽ cải thiện chức năng tiền đình của người bệnh.

- Điều trị sử dụng thuốc hợp lý.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X