Hotline 24/7
08983-08983

"Chúng tôi chỉ về khi Đà Nẵng đã ổn"

Đà Nẵng - thành phố nơi đầu biển, cuối sóng, những ngày qua đang oằn mình gồng gánh một số lượng bệnh nhân COVID-19 được ghi nhận lớn nhất Việt Nam kể từ đầu mùa dịch đến nay.

Không giống như Hà Nội và TPHCM có bệnh viện nhiệt đới chuyên điều trị và cách ly các ca nhiễm COVID-19, Đà Nẵng không có bệnh viện chuyên môn chữa trị bệnh nhiễm. Chỉ trong 9 ngày (từ ngày 25/7 đến ngày 2/8), Đà Nẵng ghi nhận 173 ca dương tính với SARS-CoV-2, và con số này chưa dừng lại.

Cũng trong đợt dịch tái bùng phát này, ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng khó khăn gấp bội phần so với ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hồi tháng 3-4 vừa qua. Phần lớn các bệnh nhân đều ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Tim mạch, Thận-tiết niệu, Thần kinh... với bệnh lý nền mạn tính quá nhiều và tuổi tác khá cao, khiến nhiều chuyên gia dự đoán con số tử vong có thể tăng lên trong những ngày tới.

Để giúp Đà Nẵng vượt qua những ngày tháng chông gai này, nhiều bệnh viện trên cả nước đã cử những bác sĩ tinh nhuệ đến chi viện, không chỉ riêng Đà Nẵng mà cả Quảng Nam, Quảng Ngãi... Họ lên đường chỉ vì hai tiếng Tổ quốc thân thương. Chưa có khi nào mà nhân dân Việt Nam lại đồng lòng như thế.

- Ngay từ những ngày đầu, êkip hồi sức tích cực gồm những bác sĩ có kinh nghiệm điều trị COVID-19 từ Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy đã được cử đến Đà Nẵng hỗ trợ các đồng nghiệp cấp cứu các ca bệnh nặng.

Hình ảnh "những chiến binh áo trắng" từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bạch Mai thầm lặng tiến vào ổ dịch là Bệnh viện Đà Nẵng.

- Thứ sáu tuần trước (ngày 31/7), Bệnh viện Bạch Mai cử thêm các chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tới điểm nóng COVID-19. Trước đó, ngày 29/7, các bác sĩ Bạch Mai cũng điều tới Đà Nẵng một máy ECMO.

- Bộ Chỉ huy tiền phương chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đã được thành lập ngay trong đêm 30/7/2020 nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và điều trị bệnh nhân dưới sự chỉ huy của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, với sự tham gia của 65 chuyên gia, lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, như Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý môi trường y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang...

- Hơn 550 giảng viên và sinh viên năm cuối của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Đại học Y Dược Huế được huy động để lấy mẫu xét nghiệm của người dân trên toàn TP Đà Nẵng.

- Gần 400 học viên của Trường Quân sự Quân khu 5 trợ giúp TP Đà Nẵng truy vết các ca bệnh để kịp thời phát hiện những người có tiếp xúc gần đưa đi cách ly, xét nghiệm.

- Các chuyên gia xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang đang làm việc ngày đêm tại Đà Nẵng để hoàn thành xét nghiệm cho 10.000 mẫu/ngày.

- Bạch Mai cử đến Đà Nẵng đội bác sĩ tâm lý để hỗ trợ tâm lý, giải toả căng thẳng cho đội ngũ thầy thuốc căng mình chống dịch ở Đà Nẵng những ngày qua.

- Giám đốc và Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cử thêm đoàn 40 giáo sư, bác sĩ, chuyên gia giỏi của bệnh viện này đến Đà Nẵng tiếp sức cho các đồng nghiệp.

- 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đang được tiến hành giãn cách bệnh nhân và nhân viên y tế.

- Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã bố trí khách sạn để đưa các nhân viên y tế đến nghỉ ngơi và chăm sóc sức khoẻ trước khi quay trở lại làm việc.

- Trưng dụng Cung thể thao Tiên Sơn làm bệnh viện dã chiến với quy mô 700 giường bệnh và có thể tăng thành 1000 giường khi cần thiết. Bệnh viện này có nhiệm vụ giảm tải cho các bệnh viện, trung tâm y tế đang bị phong tỏa, tập trung làm sạch ổ dịch tại 3 bệnh viện: Đà Nẵng, C Đà Nẵng và Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Dự kiến khoảng cuối tuần sau, khi Bộ Y tế thẩm định xong, bệnh viện dã chiến sẽ đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, đội phản ứng nhanh của 3 bệnh viện lớn tại TPHCM gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đến Quảng Nam hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cũng tiếp nhận điều trị các ca COVID-19 nặng từ Đà Nẵng và Quảng Nam chuyển ra với tiêu chí "chia lửa".

Đặc biệt, trong những ngày qua, người dân Đà Nẵng hướng về 3 bệnh viện đang bị phong tỏa, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người đang cách ly và lực lượng làm nhiệm vụ. Từ đệm, quạt, thực phẩm,... đến những thứ thầm kín nhất như băng vệ sinh, dao cạo râu... cũng được người dân quan tâm gửi đến. Hàng tấn đồ đã được lực lượng chức năng phân loại và chuyển vào khu cách ly, đến tận tay những người đang cần nhất.

Những thùng hàng cùng lời nhắn của người dân khắp nơi gửi đến tâm dịch Đà Nẵng. Ảnh: Tuổi trẻ

Nhiều người đã ủng hộ nệm để các y bác sĩ có thời gian ngả lưng sau ca trực dài. Ảnh: Tuổi trẻ

Người dân Đà Nẵng đội mưa chuyển đồ tiếp tế vào các bệnh viện cách ly. Ảnh: Zing.vn

Từ những suất sơm đầy đủ chất dinh dưỡng gửi đến các bác sĩ tuyến đầu chống dịch...

đến dao cạo râu...

và cả bấm móng tay cũng được người dân chuẩn bị đầy đủ cho các bệnh viện cách ly. Ảnh: Tuổi trẻ

"Chúng tôi chỉ về khi Đà Nẵng đã ổn" là lời chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Đội trưởng đội Điều trị trước khi lên đường vào Đà Nẵng chống dịch.

DA NANG Be Strong!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X