Hotline 24/7
08983-08983

Chủng Omicron phổ biến trong cộng đồng, F0 và F1 đi làm có gây "bùng nổ" ca nhiễm?

Đề xuất F0, F1 đi làm có phù hợp bối cảnh chủng Omicron phổ biến? Đã nhiễm Delta, nguy cơ tái nhiễm bao nhiêu? Đã nhiễm Omicron liệu có tái nhiễm Delta? Tất cả những thắc mắc này đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. F0, F1 đi làm, cần lưu ý gì?

Để không bị thiếu hụt lao động, mới đây Bộ Y tế đã đề xuất các trường hợp F0, F1 được tham gia làm việc trong thời gian cách ly. Thưa BS, “được đi làm” ở đây hiểu như thế nào cho đúng ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Với người F0, chúng ta mong muốn gì ở họ để biết được rằng có cần đi làm không. Điều mong muốn thứ nhất là sức khỏe ổn định và thứ hai là không lây cho ai. Đặc biệt trong điều thứ hai là không lây cho người có yếu tố nguy cơ.

Vì vậy, nếu F0 sức khỏe tốt thì có thể đi làm, nhưng để không lây cho ai thì phải áp dụng 5K, trong đó cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Nếu cả hai đều đeo khẩu trang thì khả năng lây thấp. Điểm đặc biệt cần lưu ý là không ăn chung, ngủ chung với bất kỳ ai. Thời gian thực hiện trong 7-10 ngày.

Do đó, nếu thiếu nhân sự thì F0 vẫn có thể đi làm và để lây ít nhất và không lây cho người có yếu tố nguy cơ thì nên thực hiện khẩu trang, khoảng cách, và nếu các F0 cùng làm việc với nhau thì không đáng lo.

Hiện nay, có thể nói tất cả mọi người đều là F1, bởi vì với tình hình dịch hiện nay, bất kể lúc nào cũng có thể trở thành F1. Như vậy, nếu F0 lỡ chẳng may trở thành F0 cũng đều thực hiện 5K. Do đó, F1 cũng nên đi làm. Đương nhiên, khi đi làm thì không ăn chung, ngủ chung với bất kỳ ai, trong vòng 7-10 ngày.

>>> Biến thể Omicron “tàng hình” chiếm đa số, Hà Nội và TPHCM có đón đỉnh dịch mới?

2. F0, F1 đi làm, liệu có làm bùng dịch mạnh hơn?

Thưa BS, liệu có sự bất cập nào trong hàng loạt những điều kiện kèm theo để F0, F1 “được đi làm” không ạ, đặc biệt là trong vấn đề kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, chúng ta quá lo lắng về sự lây lan thêm của người F0 hay sẽ lây của người F1. Vấn đề quan trọng là tất cả mọi người trong độ tuổi lao động đã chích ngừa, như vậy chỉ cần thực hiện khẩu trang, tránh ăn chung, ngủ chung là đủ.

Chúng ta hiện có những bất cập, trong đó có xét nghiệm định kỳ, bởi vì việc xét nghiệm cũng không ngăn sự lây lan được bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu chúng ta xác định với nhau là mang khẩu trang, 5K, đặc biệt là không ăn chung, ngủ chung, thì tiền xét nghiệm đó sẽ đỡ hơn rất nhiều. Khi tình cờ phát hiện một người F0 cũng không phải là vấn đề lớn. Hơn nữa, hiện nay COVID-19 nhiều trường hợp không điều trị cũng tự hết, đặc biệt là giới trẻ đã tiêm ngừa.

3. Làm sao đảm bảo nguyên tắc tự nguyện khi F0 đi làm?

Trước đề xuất này của Bộ Y tế, dư luận xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có nhóm ý kiến cho rằng dù là đề xuất người F0 có thể làm việc trực tuyến nếu tự nguyện nhưng nếu doanh nghiệp vì quá thiếu lao động mà gây sức ép để các F0 phải có tinh thần tự nguyện làm việc, hoặc bản thân người F0 cũng lo ngại nếu mình không tự nguyện làm việc thì có thể bị đánh giá không cao… Ý kiến của BS về vấn đề như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, công việc phụ thuộc vào tinh thần và sức khỏe của mỗi người, đồng thời còn có trách nhiệm để bệnh không lây thêm. Nếu người lao động hiểu được 3 vấn đề này thì có thể đi làm. Hầu hết, không có đơn vị đủ người mà bắt người bệnh đi làm, vì vậy chắc chắn là thiếu người. Hiện nay là cơ hội lớn để tạo ra việc làm, hòa nhập kinh tế. Do đó, tuy có thể là luật đã định và cũng là mong muốn nhưng đây vẫn là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

4. Đề xuất F0, F1 đi làm có phù hợp bối cảnh chủng Omicron phổ biến?

Theo BS, liệu đề xuất này có phù hợp trước tình hình dịch bệnh hiện tại không và vì sao ạ? Nếu không phù hợp, BS có đề xuất gì khác để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi đề xuất này rất phù hợp. Tôi cũng đã nói về vấn đề này từ rất lâu, nếu tất cả những người F0 làm việc trong một quy trình sản xuất thì nên làm việc cho đến khi có miễn dịch, hết bệnh.

Hiện nay, chúng ta đã có vắc xin cũng như sự hiểu biết đường lây, về việc tuân thủ khẩu trang, về người nào có thể nguy cơ và cả việc không nên ăn chung, ngủ chung thì nên tiến hành, không có bất cập nào cả. Bởi vì, sắp tới đây COVID-19 có thể trở thành bệnh lưu hành và theo tôi biết đã số những cơ quan không phải là nơi lây bệnh, mà từ gia đình, hàng xóm, giao lưu bên ngoài…

5. Chủng Omicron “chủ đạo”, có nên tự chủ động thành F0?

Với tâm lý “ai rồi cũng thành F0”, nhiều người dân cũng thờ ơ hơn trong việc phòng dịch trong môi trường làm việc vì cho rằng nhiễm chủng Omicron thì triệu chứng sẽ nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. BS nghĩ sao về quan điểm này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chúng ta không thể quá thờ ơ mà cũng không nên quá lo lắng. Hiện nay chúng ta đã có vắc xin, thuốc điều trị. Vấn đề chính là chúng ta tự bảo vệ mình càng dài thời gian càng tốt. Hơn nữa, cần nhớ rằng, chúng ta có thể lây cho người có yếu tố nguy cơ.

Nếu có những nơi cần đến và cần phải bỏ khẩu trang thì chúng ta vẫn cứ bỏ khẩu trang, sau đó đeo lại để bảo vệ sức khỏe. Ngược lại, nếu có những nơi không cần đến và không nhất thiết phải bỏ khẩu trang thì hãy cứ thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay và lắng nghe sức khỏe của mình.

6. Đã nhiễm Delta, nguy cơ tái nhiễm bao nhiêu? Đã nhiễm Omicron liệu có tái nhiễm Delta?

Bên cạnh đó, một số “cựu F0” tự tin mình đã “bất tử trước COVID-19” vì tin rằng mình sẽ không tái nhiễm nữa. Liệu quan điểm này có đúng không và nếu họ bị tái nhiễm thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe sẽ như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đến hiện tại, nếu tái nhiễm phải tái nhiễm chủng khác. Ví dụ, trước đó nhiễm Delta thì có khả năng tái nhiễm Omicron. Đặc biệt, hiện nay, chúng ta chỉ bàn luận về Delta và Omicron, không nói về Alpha nữa, bởi vì chủng này gần như “tuyệt chủng”.

Tỷ lệ đã mắc Delta, sau đó tái nhiễm Omicron khoảng 5-10%. Khi đã mắc Omicron thì gần như rất khó tái nhiễm Delta. Nhưng chúng ta không tin tự tin “đã bất tử trước COVID-19”, bởi vì lúc đó có khả năng xét nghiệm sai. Do vậy, dù đã mắc bệnh thì vẫn cần tuân thủ 5K.

7. Omicron “tàng hình” hoành hành, có cản trở F0, F1 đi làm?

Trước bối cảnh chủng “omicron tàng hình” đang hoành hành khắp cả nước, BS có lời khuyên gì nếu các doanh nghiệp thực hiện theo đề xuất của Bộ Y tế ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, từ “Omicron tàng hình” không đúng. Bởi vì với chủng Omicron, trong 2-3 ngày đầu một số test nhanh không phát hiện, nhưng có triệu chứng thì xem như nhiễm virus và đeo khẩu trang.

Vì vậy, “tàng hình” là do một số kit xét nghiệm không phát hiện được, không phải do virus ẩn nấp. Chúng ta không cần quá lo nghĩ về việc người F0 nếu không có triệu chứng lây cho bao nhiêu người. Mà quan trọng nhất là thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay.

8. Những điều cần lưu ý khi F0, F1 đi làm?

Cuối chương trình, nhờ BS gửi đến quý khán giả, đặc biệt là các F0, F1 trong việc theo dõi, bảo vệ sức khỏe bản thân, đặc biệt là trong vấn đề làm việc tại các doanh nghiệp ạ.

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi, nếu mắc bệnh và biết chắc sẽ hết, đủ sức làm việc thì nên đi làm. Khi đi làm, đeo khẩu trang đúng cách để tránh phát tán ra ngoài. Người bệnh mang khẩu trang quan trọng hơn là người không mang bệnh.

Ngoài ra, không nên ăn uống, ngủ chung với người khác. Nếu thực hiện tốt việc này thì F0, F1 đi làm cũng không có điều gì quá lo lắng. Nếu mệt mỏi nên xin nghỉ một vài ngày đến khi cơ thể khỏe lại thì đi làm. Đây là điều bình thường.

Hiện nay trên thế giới một số quốc gia đã thực hiện điều này rồi, đặc biệt là những ngành nghề thiếu nhân sự lao động.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X