Hotline 24/7
08983-08983

Chữa xẹp đốt sống lưng hiệu quả bằng kỹ thuật bơm xi măng sinh học

Bơm xi măng sinh học không chỉ giúp chữa xẹp, phù đốt sống hiệu quả, mà còn ít gây biến chứng cho bệnh nhân. Vậy quy trình thực hiện như thế nào? Bệnh nhân cần lưu lý gì trước và sau khi làm? Hãy cùng lắng nghe ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ chia sẻ về vấn đề này.

ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Kỹ thuật bơm xi măng cột sống là gì?

Bơm xi măng cột sống là một kĩ thuật giúp điều trị giảm đau cho bệnh nhân bị xẹp đốt sống, chấn thương cột sống kèm theo xẹp đột sống, phù thân đốt sống,…

Đây là một biện pháp điều trị ít xâm lấn, an toàn cho bệnh nhân, vì thế nó được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên Thế giới. Tại Việt Nam mới bắt đầu triển khai từ vài năm trở lại đây và đem lại kết quả điều trị tốt.

2. Xi măng sinh học là những chất gì?

Xi măng sinh học là một hợp chất xi măng có tên Poly methylmetharylate – PMMA. Những bệnh nhân bị đau cột sống kèm theo xẹp đốt sống (do chấn thương, khối u hoặc loãng xương, …) sẽ có chỉ định chụp MRI.

Sau khi có kết quả chụp MRI nếu thấy có phù thân cột sống lúc này cần được bơm xi măng sinh học vào để làm cứng lại thân cột sống.

3. Xi măng sinh học được dùng để điều trị bệnh gì?

Bơm xi măng sinh học được sử dụng trong điều trị một số bệnh lí bao gồm: loãng xương, thiếu xương, có khối u,... những bệnh lí này gây mất xương, khuyết hổng ở một vùng nào đó cần bơm xi măng vào để lấp đầy, bít lại các lỗ khuyết trong xương.

 Kỹ thuật bơm xi măng cột sống

4. Trường hợp đau cột sống được chỉ định bơm xi măng?

Đối với những trường hợp đau cột sống do chấn thương hoặc xẹp đốt sống do loãng xương, có khối u hoặc do những chấn thương đi kèm thì khi đó bác sĩ sẽ có chỉ định bơm xi măng.

Tuy nhiên, khi đọc kết quả MRI phải nhận thấy có phù thân đốt sống, nghĩa là bệnh nhân bị yếu vùng xẹp và có nguy cơ xẹp thêm mới có chỉ định bơm. Nếu bệnh nhân xẹp quá 50% chiều cao thân đốt sống thì sẽ không được chỉ định bơm xi măng sinh học.

5. Trước khi tiến hành bơm xi măng, bệnh nhân được chuẩn bị như thế nào?

Bơm xi măng vào cột sống là một thủ thuật ít xâm lấn; tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân thì trước khi thực hiện kĩ thuật bệnh nhân cần: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp Xquang hoặc MRI cột sống để đảm bảo cho bệnh nhân có được một kĩ thuật an toàn và đạt hiệu quả cao.

Sau khi bệnh nhân được chuẩn bị đầy đủ và xác nhận có đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện kĩ thuật bơm xi măng thì khi đó bệnh nhân sẽ được gây tê ở vùng bơm (gây tê tại chỗ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo).

Vì đây là một kĩ thuật ít xâm lấn nên không gây đau hay khó chịu cho bệnh nhân trong lúc thực hiện thủ thuật.

6. Bơm xi măng cột sống có thể có biến chứng gì?

Bơm xi măng cột sống cũng có thể gây ra một vài biến chứng như:

  • Đau nhiều hơn.
  • Xi măng sinh học bị xì ra khỏi vùng thân sống.
  • Nhiễm trùng tại chỗ vùng thân sống.
  • Dị ứng với xi măng sinh học được bơm.

Những biến chứng này xảy ra với tỉ lệ rất ít, nên bệnh nhân hoàn toàn có thể an tâm thực hiện vì trước khi làm bệnh nhân luôn được các bác sĩ giải thích kĩ lưỡng về các nguy cơ gây ra biến chứng.

Bơm xi măng vào cột sống cần những thiết bị hỗ trợ bao gồm máy C - arm hoặc DSA. Hiện tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đang sử dụng máy DSA có định vị bằng laser giúp bệnh nhân được chẩn đoán và xác định vị trí chính xác khi bơm xi măng sinh học.

Từ đó giúp giảm nguy cơ tai biến, đặc biệt là những nguy cơ gây xì xi măng vào trong tủy, gây ra chèn ép tủy (một tai biến đáng lo ngại).

7. Sau khi bơm xi măng cột sống bao lâu thì có thể đi lại?

Khoảng 5 - 6 tiếng sau khi thực hiện bơm xi măng vào cột sống bệnh nhân có thể cử động, ngồi dậy để đi lại những bước nhỏ.

Sau khoảng 2 - 3 ngày bệnh nhân có thể đi lại được bình thường.

Ít nhất phải sau 6 - 8 tuần bệnh nhân mới có thể quay lại hoạt động, làm những công việc nặng như khiêng, vác hay khom lưng.

8. Bệnh nhân cần lưu ý gì sau khi bơm xi măng cột sống?

Sau khi bơm xi măng sinh học vào cột sống trong khoảng thời gian từ 6 - 8 tuần bệnh nhân cần lưu ý:

  • Tránh khom, cúi.
  • Khiêng vật nặng.
  • Hoạt động mạnh.
  • Chơi thể thao với cường độ cao.

Mọi hoạt động sinh hoạt nhẹ nhàng trong cuộc sống đều có thể thực hiện bình thường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X