Hotline 24/7
08983-08983

Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đưa ra kinh nghiệm điều trị COVID-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, bài báo cáo của Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam tại buổi tập huấn của Hội Y học TPHCM kịp thời đưa ra những kinh nghiệm quý báu từ thực tế điều trị nơi tuyến đầu chống dịch là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ của chương trình tập huấn do Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp với Hội Y học TPHCM, Sở Y tế TPHCM tổ chức, GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính -  Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã mang đến góc nhìn tổng quan về COVID-19 diễn ra 7 tháng qua.

Bài báo cáo đi từ tình hình chung của dịch bệnh trên thế giới, châu Âu, Đông Nam Á và Việt Nam đến cơ chế bệnh sinh, lâm sàng, cận lâm sàng của COVID-19, chẩn đoán và điều trị, phòng bệnh. Đặc biệt, GS Kính cũng chia sẻ về kinh nghiệm điều trị căn bệnh nguy hiểm này tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đưa ra kinh nghiệm điều trị COVID-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ươngGS.TS Nguyễn Văn Kính hiện là Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới

Ở Việt Nam không có sự khác biệt lớn về giới tính trong tỷ lệ mắc bệnh, nhưng nữ chiếm phần nhỏ hơn khoảng 46,6%, nam khoảng 52,3%. Phần lớn các ca mắc bệnh tại nước ta là về từ nước ngoài, chiếm khoảng 71,6%, có 28,4% trong cộng đồng.

Tương tự như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có đến 63,47% người bệnh không có triệu chứng. Nhóm có triệu chứng chiếm tỷ lệ 36,53% bao gồm sốt, ho, rát họng, mệt đau mỏi người, khó thở, tức ngực, sổ mũi.

Bên cạnh việc chẩn đoán ca bệnh nghi ngờ (có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp cấp, không tìm được căn nguyên gây viêm phổi khác), ca bệnh xác định (có bệnh cảnh lâm sàng và yếu tố dịch tễ, xét nghiệm với mẫu bệnh phẩm…), GS Kính lưu ý cần chẩn đoán phân biệt COVID-19 với các bệnh lý: cúm nặng, viêm phổi không điển hình, nhiễm trùng huyết gây suy thận và suy hô hấp, bệnh tay chân miệng gây biến chứng suy thận và suy hô hấp ở trẻ em, biến chứng của các bệnh nền kèm theo…

Kinh nghiệm điều trị COVID-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ươngVới nền y học chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm, GS.TS Nguyễn Văn Kính là cây “đại thụ” luôn được giới y khoa trong nước và nước ngoài khâm phục, ghi nhận ông là người xây dựng “thành lũy” vững chắc ngăn đại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát.

GS Kính cho hay: “COVID-19 cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy việc điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng và hồi sinh cấp cứu là quan trọng nhất. Tại các cơ sở y tế điều trị cần có các trang thiết bị, dụng cụ tối thiểu như máy theo dõi độ bão hòa oxy, hệ thống/ bình cung cấp oxy, thiết bị thở oxy (gọng mũi, mask thông thường, mask có túi dự trữ)… Bệnh nhân nặng phải điều trị tại ICU.

Các biện pháp theo dõi và điều trị chung nhất là nghỉ ngơi tại giường, điều trị các triệu chứng hạ sốt, giảm ho. Phòng bệnh cần được thông thoáng, có hệ thống airocide và lọc không khí hoặc đèn cực tím để khử trùng (nếu có).

Điều quan trọng là vệ sinh mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng bằng việc uống đủ nước, cân bằng dịch, điện giải, dinh dưỡng, hỗ trợ tâm lý. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, phát hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn để có hướng xử trí kịp thời”.

Tiếp theo là các bước điều trị suy hô hấp, điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), điều trị sốc nhiễm trùng… Đặc điểm lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh (Xquang, CTscan) của 31 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được GS Kính đưa ra phân tích kỹ.

Buổi tập huấn thu hút sự tham dự của hơn 300 hội viên

Bài báo cáo của GS Kính cũng đưa ra một số kinh nghiệm điều trị như: sử dụng thuốc kháng virus, các dấu hiệu tiên lượng nặng, các bệnh nhân suy hô hấp trung bình, các bệnh nhân suy hô hấp nặng… Riêng việc đặt nội khí quản nên dùng hộp chống aerosol, nên dùng đèn đặt nội khí quản có camera, đảm bảo an thần giãn cơ trước khi đặt, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đầy đủ, có thể thêm mũ trùm đầu có luồn dây oxy thổi 5l/ph để tránh mờ kính và bí hơi.

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng, để có thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho đến thời điểm này, Việt Nam đã vào cuộc với sự thận trọng của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch từ Trung ương đến địa phương, mọi tầng lớp nhân dân trên dưới đồng lòng.

Cùng với đó, Việt Nam đã xây dựng nhiều kịch bản để tích cực ứng phó. Trong đó, dự phòng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội… là trên hết. Song song với nhiệm vụ truy vết, phát hiện sớm ca bệnh, nước ta đã thực hiện các quyết sách hết sức táo bạo về yêu cầu cách ly triệt để từ F0 đến F4 với hệ thống 4 vòng nghiêm ngặt.

Đó là cách ly và điều trị tại cơ sở y tế những trường hợp nhiễm bệnh và người thân của bệnh nhân đã có tiếp xúc gần với họ; cách ly tập trung những người đã tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh và người thân của họ; cách ly tại nhà những người đã có tiếp xúc với những người được cách ly ở vòng 2; cách ly một cộng đồng có nhiều ca bệnh.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính -  Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt NamDịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song nghe lời khuyên chuyên môn với lối trò chuyện dí dỏm khiến ngườ tham dự thêm vững tin

Cùng với sự kích hoạt hết sức hiệu quả của hệ thống y tế dự phòng (CDC) khắp các địa phương, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đã đưa lực lượng quân đội ngay vào trận chiến phòng dịch COVID-19 từ những ngày đầu.

Một thông tin được GS Kính đưa ra trong buổi tập huấn khiến nhiều hội viên ngạc nhiên, ngay khi phát hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong vòng 2 ngày các đơn vị liên quan đã khoanh vùng, đưa 40.000 người về khu cách ly. Điều đó cho thấy, Việt Nam luôn sẵn sàng bước vào một cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”.

Đồng thời, nhờ có kinh nghiệm trong phòng chống SARS và phòng chống cách bệnh dịch, y tế các tuyến nhanh chóng vào cuộc, thiết lập quy trình chuyển tuyến chặt chẽ để tránh lây lan ra cộng đồng, bảo vệ nhân viên y tế, vừa chuẩn bị cơ sở điều trị tại chỗ, vừa liên tục nghiên cứu phác đồ điều trị. Các nhà khoa học cũng ngay lập tức tìm hiểu về loại virus corona chủng mới.

Kết quả, Việt Nam là một trong 4 quốc gia công bố với thế giới đã phân lập, nuôi cấy được virus SARS-CoV-2, chỉ đúng 15 ngày sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. KIT xét nghiệm COVID-19 do Việt Nam sản xuất hiện đã được xuất khẩu đi 20 quốc gia với nhiều ưu điểm như dễ sử dụng, đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với các loại tương tự mà nhiều nước đang sử dụng. Các nhà khoa học cũng đang ráo riết nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 mang thương hiệu Việt Nam.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X