Hotline 24/7
08983-08983

Chóng mặt, tăng huyết áp sau khi chích ngừa COVID-19, phải làm gì?

PGS.BS Huỳnh Wynn Tran (Trần Huỳnh) trả lời những băn khoăn trước khi chích ngừa COVID-19 có bệnh nền, cách lựa chọn vắc xin thế nào, và nếu bị chóng mặt, tăng huyết áp sau khi chích ngừa COVID-19, phải làm gì?...

Livestream của BS Wynn Tran: #330. LS chiều thứ Sáu Covid-19: Vaccine mRNA làm biến thay đổi gen DNA? Không!

1. Trước khi tiêm vắc xin COVID-19, nên ăn hay không?

Chúng ta nên ăn, đừng nhịn ăn, không ăn sẽ dẫn đến hạ đường huyết. Tuy nhiên cần lưu ý là không nên ăn quá nhiều trước khi chích vắc xin. Bởi vì quý vị phải chờ tới lượt chứ chưa được chích ngay, nếu quý vị ăn nhiều thì sẽ phát sinh việc cần đi nhà vệ sinh. Tóm lại chúng ta cần ăn nhẹ trước khi chích vắc xin.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm là mặc trang phục gọn gàng và thoải mái, thuận tiện cho việc chích ngừa.

2. Chích ngừa COVID-19 có cần ngừng uống thuốc Levothyroxine khi bị ung thư tuyến giáp không?

Không, quý vị tiếp tục dùng thuốc. Người đi chích ngừa có bệnh nền cứ dùng thuốc bình thường. Người bị huyết áp, tiểu đường cứ tiếp tục dùng thuốc.

3. Thưa BS, chồng em bị tiểu đường, men gan cao, mới cắt bỏ lá lách, khi chích vắc xin COVID-19 có sao không?

Chồng bạn bị tiểu đường, men gan cao, mổ lá lách nhưng câu hỏi quan trọng hơn chính là: có tiền sử dị ứng hay không? Chúng ta cần quan tâm tới tiền sử dị ứng và sốc phản vệ. Đây là nguyên nhân gây tử vong do sốc phản vệ có liên quan đến vắc xin, còn các vấn đề khác bác sĩ sẽ cân nhắc ở bước phân loại.

Ví dụ như bệnh nhân ung thư, có tiền sử phẫu thuật… quý vị chỉ cần nói cho bác sĩ mình bị bệnh này, lúc ấy bác sĩ phân loại. Tùy vào quyết định của bác sĩ vào thời điểm đó, quý vị có được chích hay không.

4. Thưa BS, sau khi chích ngừa 2 ngày nhưng vẫn bị chóng mặt, cần làm gì?

Câu hỏi kết tiếp là chóng mặt nặng hơn sau khi chích hay nó đỡ hơn so với ngày đầu tiên. Nếu nó đỡ hơn, bệnh nhân có thể uống Tylenol và nghỉ ngơi. Nếu triệu chứng nặng hơn hay chưa có gì thay đổi sau khi uống thuốc, gọi ngay cho bác sĩ.

Có nhiều lý do khiến chúng ta chóng mặt, không phải do vắc xin. Nhìn chung, bệnh nhân bị chóng mặt 2 ngày sau khi tiêm vắc xin cần so sánh lại với ngày đầu tiên có bị chóng mặt hay không. Nếu bớt, chúng ta sẽ theo dõi. Còn bị nặng hơn, gọi ngay cho bác sĩ.

5. Lần một, tôi chích vắc xin Pfizer, lần hai tôi chích vắc xin Moderna có được không BS?

Tôi nghĩ điều đó ổn. Quý vị cần nhớ kiểm soát và phòng ngừa dịch tùy thuộc vào nơi chúng ta đang sinh sống. Tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ đánh giá về một nước khác trong việc chữa bệnh COVID-19 hay phòng chống dịch. Mỗi nước đều có hoàn cảnh và điều kiện riêng.

Ví dụ như ở Canada, lần một tiêm vắc xin Pfizer, lần hai chích Moderna, tất nhiên họ phải có lý do. Quý vị nên tuân thủ các khuyến cáo đó. Vắc xin Pfizer trước và Moderna sau sẽ ít có tác dụng phụ hơn AstraZeneca trước và Pfizer sau.

6. Bác sĩ ơi, ba tôi chích vắc xin giờ tăng huyết áp. Bác sĩ chuyên khoa đề nghị uống thuốc, có nên hay không?

Thứ nhất, phần lớn quý vị sau khi chích vắc xin sẽ tăng huyết áp nếu được đo huyết áp tại thời điểm đó. Sau khi chích vài giờ, quý vị trở về nhà, ngồi thư giãn, nghe nhạc, xem phim ăn uống, huyết áp sẽ trở lại bình thường.

Nếu huyết áp vẫn tiếp tục tăng sau một vài ngày chích, chúng ta cần coi lại.

Thứ hai, việc tăng huyết áp có kèm với triệu chứng hay không? Vì một vài trường hợp tăng huyết áp trong trường hợp khẩn cấp như nhức đầu, chóng mặt khiến cho chúng ta té ngã, có thể bị các triệu chứng khác. Quý vị cần phải đưa ba của mình đến phòng khám để cấp cứu.

Tóm lại, tùy vào triệu chứng, nếu huyết áp vẫn tăng, cần gọi ngay cho bác sĩ để được uống thêm thuốc khi khám.

7. Những điều cần chú ý trước khi tiêm vắc xin AstraZeneca và vắc xin Sinopharm củaTrung Quốc là gì?

Tôi nói điểm này để áp dụng cho tất cả các loại vắc xin. Trong khoa học, tôi không phân biệt Trung Quốc, Hoa Kỳ hay Việt Nam. Khoa học cần phải dựa vào dữ liệu, điểm khó của vắc xin Trung Quốc là họ không công bố dữ liệu gốc. Khi định giá và phân tích về vắc xin, dù là vắc xin của Hoa Kỳ hay châu Âu, tôi sẽ tìm hiểu dữ liệu cho đến tận cùng, sau đó mới đánh giá được.

Trước khi đi chích vắc xin, quý vị cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng là cơ quan y tế sơ tại. Ở Việt Nam hay Hoa Kỳ đều cho quý vị hướng dẫn quý vị nên làm gì. Trong đó có những điều quan trọng: khai báo bệnh sử (có bệnh gì hay không, có bị tiền sử hay không), nhớ coi lại vì đây là cơ hội để chúng ta xem lại sức khỏe của chúng ta (khai báo bệnh sử đầy đủ).

Thứ hai, theo dõi thân nhiệt, theo dõi các triệu chứng COVID-19. Nếu mình mắc bệnh COVID-19, mình nên ở nhà. Ta cần nhớ các điều cơ bản: nếu nghi bị nhiễm COVID-19, thì khoan đi chích bởi vì quý vị đang làm lây lan thêm.

Tìm hiểu bệnh sử, xem mình có bị triệu chứng gì về hô hấp hay không: có mệt mỏi trong người, có bệnh gì không, ăn uống đầy đủ, không nhịn đói cả đêm, ngủ không được vì hồi hộp quá. Quý vị cứ bình thường và ăn mặc thoải mái để có thể kéo tay lên dễ dàng. Lấy số thứ tự, đến đúng giờ với cuộc hẹn của mình. Không đi sớm hơn, không đi trễ hơn làm đông đúc, con virus này dễ lây lan.

Sau khi chích, về nhà nghỉ ngơi và theo dõi triệu chứng của mình trong ngày đầu tiên, ngày thứ hai. Ngày đầu tiên rất quan trọng, theo dõi xem mình có bị triệu chứng khó thở hay không, nếu có gọi bác sĩ ngay lập tức. Những ngày sau đó, ta tiếp tục theo dõi. Nếu có đau nhức, ta uống Tylenol. Chúng ta tiếp tục rửa tay, giữ khoảng cách, làm theo lời khuyên của cơ quan y tế sở tại. Tóm lại, đó là những điều cơ bản trước và sau khi chích vắc xin.

8. Khi tiêm vắc xin AstraZeneca, có 5 người tử vong ở Việt Nam và gần 100 người tử vong ở Đài Loan. Bác sĩ nghĩ sao về việc này?

Sau khi chúng ta chích vắc xin nhiều hơn, số người tử vong sau khi chích vắc xin cũng sẽ tăng cao hơn, nhưng đó chỉ là sự trùng hợp.

Hằng ngày ở Mỹ, có hàng nghìn người tử vong, chúng ta nói tạm biệt với người thân của chúng ta bị ung thư, lên cơn đau tim, bị đột quỵ… Ở Việt Nam, mỗi ngày ít nhất là vài trăm đến vài nghìn người tử vong vì rất nhiều lý do khác, tóm lại, cũng giống tại Hoa Kỳ.

Nếu quý vị tìm hiểu kỹ: khoảng thời gian để có thể tử vong liên quan đến vắc xin là ngay sau khi chích do sốc phản vệ. Phần lớn, khoảng 1-2 ngày sau họ tử vong. Gần đây, có một ca bệnh ở Việt Nam khá trẻ, sau khi tìm hiểu, nguyên nhân tử vong không phải là do vắc xin. Tôi đoán các ca tử vong do vắc xin thường liên quan đến sốc phản vệ, có thể liên quan đến ca đông máu. Cần phải theo dõi rất kỹ thông tin về nguyên nhân họ tử vong.

Trả lời ngắn gọn nhất về “bác sĩ nghĩa sao về 5 ca này” là tôi cần thêm thông tin để biết những ca này có liên quan đến vắc xin hay không.

Nếu nói chung trên một diện rộng, trong vòng một vài tháng tới khi 150 triệu liều vắc xin được chích, quý vị sẽ thấy con số tử vong sau khi chích vắc xin nhiều cũng nhiều hơn vì lý do nêu trên. Hoa Kỳ ngày hôm nay: hơn 300 triệu liều chích rồi, nhưng không ai bàn về con số tử vong sau khi chích nữa. Bây giờ, họ thấy đó là chuyện trùng hợp chứ không phải vắc xin là nguyên nhân gây tử vong.

Trọng Dy (ghi)

Trích livestream của BS Wynn Tran: #330. LS chiều thứ Sáu Covid-19: Vaccine mRNA làm biến thay đổi gen DNA? Không

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X