Hotline 24/7
08983-08983

Chọc hút dịch màng tim được tiến hành ra sao, cần theo dõi và tái khám như thế nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương cho biết quy trình kỹ thuật chọc hút dịch màng tim, sau khi chọc hút dịch màng tim, bệnh nhân cần theo dõi và tái khám như thế nào, cần làm gì để tránh tái phát.

Tràn dịch màng ngoài tim thường liên quan đến viêm màng ngoài tim. Khi màng bị viêm, chất lỏng dư thừa được sản xuất dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim. Việc điều trị tràn dịch màng ngoài tim như thế nào phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Nếu phương pháp điều trị chống viêm không hiệu quả, đã chèn ép hoặc có nguy cơ bị chèn ép, người bệnh có thể được đề nghị thực hiện một trong những thủ thuật - phẫu thuật sau để rút dịch hoặc ngăn ngừa dịch tích lũy lại bằng các phương pháp:

  • Chọc hút dịch màng tim, dẫn lưu màng ngoài tim bằng ống thông
  • Làm cứng màng ngoài tim
  • Mở cửa sổ màng ngoài tim, cắt bỏ màng ngoài tim

alobacsi BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

1. Quy trình kỹ thuật chọc hút dịch màng tim

- Bệnh nhân được giữ trong tư thế nằm đầu cao, thở oxy và theo dõi liên tục các thông số: Nhịp tim, điện tim, huyết áp, nhịp thở, độ bão hòa oxy máu động mạch trên monitoring. Đảm bảo SaO2>90% khi tiến hành thủ thuật

- Đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên với đường kính kim đưa vào lòng mạch đủ lớn (kim luồn) và chắc chắn.

- Kiểm tra siêu âm tại giường ngay trước khi tiến hành thủ thuật để đánh giá lại mức độ tràn dịch màng ngoài tim và xác định lại một lần nữa vị trí chọc dịch, hướng đi của kim chọc, độ sâu của kim sao cho an toàn và hiệu quả nhất đối với người bệnh.

- Nếu người bệnh không khó thở nhiều thì tiêm bắp 5 - 10 mg Morphin và tiêm dưới da 2 ống Atropin 0,25 mg để phòng phản ứng phế vị khi làm thủ thuật.

- Sau đó tiến hành sát trùng rộng vị trí chọc dò trên lồng ngực bệnh nhân, trải săng vô khuẩn, bác sĩ rửa tay, mặc áo, đi găng vô khuẩn, bắt đầu thực hiện thủ thuật.

- Gây tê tại vị trí chọc kim bằng Xylocain từ nông đến sâu theo từng lớp: da, dưới da và cơ. Có 2 vị trí chọc dò thường áp dụng trên lâm sàng: Đường Marfan và đường Dieulafoy.

- Điểm chọc cách mũi ức 3-4 cm, dịch sang phía trái của xương ức khoảng 1 cm. Trước tiên bs dùng kim nhỏ thăm dò độ sâu thực tế vào khoang màng ngoài tim của người bệnh. Hướng kim chọc lên phía trên và đi ra sau, mũi kim nghiêng khoảng 20-300 so với mặt da, vừa đi người thầy thuốc vừa hút nhẹ bơm tiêm và đưa kim tiêm đi về phía giữa xương đòn trái.

- Mũi kim sẽ chạm vào khoang màng ngoài tim sau khi đã vào sâu từ 2-5 cm. Xác định hướng đi và độ sâu của kim thăm dò.

- Dùng kim đặt catheter tĩnh mạch trung tâm đi theo hướng của kim thăm dò vừa rút ra với mục đích đưa catheter vào trong khoang màng ngoài tim để hút và dẫn lưu dịch. Vừa đưa kim vừa hút như lúc trước đã làm với kim thăm dò. Nếu người bệnh hợp tác tốt, lúc này có thể nói người bệnh nín thở vài giây trước khi đưa mũi kim vào khoang màng ngoài tim ở độ sâu đã thăm dò trước.

- Khi dịch hút được dễ dàng vào bơm tiêm, người thầy thuốc cố định mũi kim sắt và nhẹ nhàng đẩy sâu ống nhựa bọc ngoài kim. Khi ống nhựa vào sâu 2-3 mm, người thầy thuốc sẽ rút kim sắt ra và tiếp tục đẩy ống nhựa bọc kim vào sâu trong khoang màng ngoài tim.

- Khi đã rút kim sắt ra hẳn phía ngoài, người thầy thuốc luồn catheter vào lòng ống nhựa và đưa sâu khoảng 15cm vào trong khoang màng ngoài tim. Sau khi kiểm tra, rút dịch dễ dàng qua catheter thì rút nốt phần ống nhựa dẫn đường nói trên ra khỏi lồng ngực bệnh nhân và tiến hành cố định catheter dẫn lưu dịch màng ngoài tim.

- Nối catheter với một dây truyền dịch và cắm dây truyền dịch này vào một chai dịch truyền đẳng trương sau khi đã xả hết dịch ra ngoài tạo thành một hệ thống dẫn lưu kín, vô trùng. Điều chỉnh khóa dây truyền dịch nói trên sao cho dịch màng ngoài tim không chảy ra quá nhiều và nhanh để tránh gây rối loạn huyết động.

- Tăng tốc độ truyền dịch khi dịch màng ngoài tim đã dẫn lưu được trên 200 ml và các dấu hiệu ép tim đã thuyên giảm trên lâm sàng để tránh tim co bóp rỗng do lượng máu trở về tim chưa đầy đủ trong thì tâm trương.

2. Sau khi chọc hút dịch màng tim, bệnh nhân cần theo dõi và tái khám như thế nào?

Sau khi chọc hút dịch màng tim, bệnh nhân sẽ được lưu lại phòng điểm để theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở, độ bão hòa oxy máu động mạch, nước tiểu 30 phút/1 lần trong 2 giờ đầu, tiếp đó là 3 giờ/1 lần trong 24 giờ tiếp theo.

Sau 24 tiếng theo dõi, nếu sinh hiệu của bệnh nhân ổn thì có thể được chuyển ra phòng thường theo dõi tiếp.

Bệnh nhân cần chú ý các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, tim đập không đều để báo ngay với bs.

Nếu catheter được lưu lại để tiếp tục rút dịch, các bác sĩ sẽ theo dõi để catheter không bị tắc cho đến khi rút nó an toàn.

Bác sĩ sẽ phải siêu âm tim lại để đánh giá xem dịch có tràn dịch lại hay không?

Tùy tình trạng của người bệnh mà sau chọc dịch màng tim có thể phải ở lại bệnh viện một ngày hay lâu hơn.

Lịch tái khám bác sĩ sẽ cân nhắc dựa vào nguyên nhân gây bệnh và khả năng di chuyển của bệnh nhân tới bệnh viện tái khám, nhưng thường là bệnh nhân sẽ cần theo dõi sát trong vòng ít nhất 6 tháng đầu.

3. Làm sao để tránh tái phát tràn dịch màng tim?

Tràn dịch màng tim tái phát thường là do nguyên nhân của bệnh và mức độ đáp ứng thuốc của cơ thể người bệnh, chứ không phải phụ thuộc chính vào việc ăn uống - sinh hoạt của bệnh nhân.

Do đó, cách tốt nhất để tránh tràn dịch màng tim tái phát là duy trì một chế độ ăn uống - sinh hoạt và làm việc khoa học nhất có thể, ăn uống đủ chất bổ sung nhiều rau xanh hoa quả, tránh ăn quá lạt hay quá mặn, uống đủ nước theo nhu cầu chứ không phải hạn chế nước - trừ khi có căn dặn đặc biệt của bs, làm việc vừa sức tránh làm nặng và ngủ đủ, không thức khuya, không bia rượu, không thuốc lá.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X