Hotline 24/7
08983-08983

Cho trẻ ăn mỡ động vật thế nào là vừa phải?

Mỡ động vật có nhiều cholesterol, với trẻ em cholesterol cũng cần thiết vì nó có nhiều vai trò đối với cơ thể trẻ. Tuy nhiên việc ăn mỡ động vật có những lợi ích và tác hại như thế nào thì không phải tất cả các bậc cha mẹ đều biết.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình - người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em

NỘI DUNG TƯ VẤN

1.  Xin BS cho biết, chất béo đóng vai trò gì trong sự phát triển thể chất của trẻ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Chất béo luôn quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trong cơ thể, chất béo ngoài nhiệm vụ cung cấp năng lượng, nó còn là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K. Chất béo còn tham gia vào cấu trúc tế bào của một số tổ chức, đặc biệt là não, điều hòa các hoạt động của cơ thể. Hằng ngày, các trẻ cần được cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết để duy trì sự sống, để phát triển thể lực, trí não.

 - Chất béo là chất thiết yếu, có mặt ở màng tế bào và các màng nội quan của tế bào như nhân và ti thể, vì vậy đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sống của tế bào. Chất béo cũng có vai trò trong dự trữ năng lượng, điều hòa hoạt động, bảo vệ cơ thể trước những thay đổi về nhiệt độ…

-Chất béo là dung môi vận chuyển các vitamin tan trong dầu mỡ (như vitamin A, D, E và K). Các vitamin này vào cơ thể một phần lớn phụ thuộc vào hàm lượng của chất béo trong thực phẩm. Điều này làm cho chất béo trở nên quan trọng hơn vì các vitamin tan trong dầu có vai trò quan trọng đối với thị giác, khả năng đáp ứng miễn dịch, tạo máu, tăng trưởng và chống lão hóa,... Trong chế biến thực phẩm, chất béo có vai trò tạo hương vị thơm ngon, cảm giác no lâu.


2. Với trẻ em, nhu cầu về chất béo ở trẻ khác với ở người lớn như thế nào ạ? Và nhu cầu này thay đổi như thế nào khi trẻ lớn lên?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ em cao hơn người trưởng thành đặc biệt là prôtêin vì cần được tích luỹ cho cơ thể phát triển, ở người già nhu cầu dinh dưỡng thấp hơn vì sự vận động cùa cơ thể kém người trẻ.

- Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố:

+ Giới tính: Nam có nhu cầu cao hơn nữ.

+ Lứa tuổi: Trẻ em có nhu cầu cao hơn người già vì ngoài việc đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động, còn cần để xây dựng cơ thể, giúp cơ thể lớn lên.

+ Dạng hoạt động: Người lao động nặng có nhu cầu cao hơn vì tiêu tốn nãng lượng nhiều.

+ Trạng thái cơ thể: Người có kích thước lớn thì nhu cầu cao hơn, người bệnh mới ốm khỏi cần cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nhiều hơn để phục hồi sức khoẻ.

- Nhu cầu chất béo có thể điều chỉnh được, nhưng chú ý đến chất lượng và số lượng. Việc sử dụng chất béo đúng và đủ có vai trò quan trong trong việc phát triển thể chất ở trẻ em.

- Đối với trẻ đang bú mẹ thì nhu cầu về chất béo rất cao. Theo WHO/FAO năm 2010 đưa ra nhu cầu tiêu thụ chất béo ở trẻ em như sau:

+ Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nhu cầu chất béo cung cấp là 45-50%

+ Đối với trẻ 6-11 tháng tuổi  nhu cầu về chất béo cung cấp là 40%

+ Đối với trẻ 1-3 tuổi nhu cầu về chất béo cung cấp là 35-40%.


3. Có cách nào để nhận biết một bé đang bị thiếu chất béo không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Dấu hiệu trẻ em thiếu chất béo :

- Da trẻ mất đi độ ẩm cần thiết, dẫn đến cảm giác ngứa ngáy, da khô, dễ bong tróc, thậm chí còn bị đóng vảy.

- Chất béo có vai trò sản sinh nhiệt và giữ ấm cho cơ thể. Thiếu chất béo trẻ thường xuyên cảm thấy lạnh và rùng mình ngay cả ở nhiệt độ bình thường.

- Thân tóc có 3% là chất béo, nhằm giúp bảo vệ da dầu và tóc không bị khô. Thiếu chất béo và các vitamin sẽ khiến tóc trẻ bị xơ, khô cứng và dễ gãy rụng.

- Thiếu hụt chất béo khiến các tế bào não hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy.

- Chất béo là nguồn dự trữ sinh năng lượng quan trọng, giúp cơ thể không bị mất nước. Thiếu chất béo này khiến trẻ thường có cảm giác mệt mỏi, thường hay quấy khóc.


4. Và dấu hiệu nào báo động trẻ bị thừa chất béo, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Dấu hiệu báo động trẻ bị thừa chất béo

-Chất béo tập trung nhiều ở bụng gây béo bụng thừa cân.

 -Theo dõi chỉ số BMI nên theo dõi thêm tỷ số vòng bụng/vòng mông, khi chỉ số này cao hơn 0,8 thì dư chất béo.

BMI = Cân nặng (kg)/ (chiều cao (m) x chiều cao (m))


5. Gần đây vấn đề nên ăn cân bằng mỡ động vật và dầu thực vật được nhiều người quan tâm, các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã khẳng định mỡ động vật không hoàn toàn là “xấu” đối với sức khỏe. Vậy trẻ nhỏ nên sử dụng mỡ động vật như thế nào là hợp lý, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Gần đây vấn đề nên ăn để cân bằng mỡ động vật và dầu thực vật được nhiều người quan tâm, các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã khẳng định mỡ động vật không hoàn toàn là “xấu” đối với sức khỏe. Vậy trẻ nhỏ nên sử dụng mỡ động vật hợp lý thì các bậc cha mẹ nên bổ sung chất béo mỗi ngày cho trẻ như sau:

    * 7-10g chất béo mỗi ngày cho trẻ em từ 3-12 tuổi

    * 11-15g cho trẻ em 12-13 tuổi

    * 14-20g cho thanh thiếu niên 14-18 tuổi.

- Lượng chất béo này nên  được cung cấp đầy đủ từ cả động vật và thực vật. Chất béo mang lại hương vị và kết cấu cho thức ăn, nhưng nó cũng chứa nhiều calo và lượng chất béo dư thừa có thể gây ra béo phì.


6. Nhờ BS hướng dẫn cách bổ sung phối hợp dầu ăn và mỡ động vật trong khẩu phần ăn của trẻ, liệu có thể chia theo tỷ lệ không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Mỡ động vật có nhiều cholesterol cần thiết vì nó có nhiều vai trò đối với cơ thể trẻ. Mỡ động vật có nhiều vitamin A, D và axit arachidonic. Vì vậy, trẻ cần được ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ heo, mỡ cá,...), với tỷ lệ tốt nhất là tỷ lệ 1:1. Nên dùng mỡ động vật như mỡ gà, mỡ heo, mỡ cá,… Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mỗi bữa cần cho 2,5ml dầu/mỡ, đối với trẻ từ 8 tháng trở lên cần cho 5ml, trẻ gần 1 tuổi trở lên cần từ 7,5-10ml/bữa ăn theo nguyên tắc một bữa dầu, một bữa mỡ.


7. Các loại dầu thực vật phù hợp với trẻ gồm những loại nào, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Dầu hướng dương: Dầu hướng dương có màu vàng, chính là màu của vitamin E và các axit béo như Omega-6. Nó có thể được sử dụng cho các món salad rau củ cho trẻ hoặc nấu chín với các món cá hoặc các món nướng.

- Dầu ôliu: Dầu ôliu chịu được nhiệt độ cao, có thể bảo quản lâu hơn so với tất cả các loại dầu ăn khác nhờ có chứa một lượng chất chống oxy hóa cao, giúp ngăn ngừa phân hủy. Dầu ô liu rất tốt cho quá trình tiêu hóa, giúp hấp thu dinh dưỡng 100%, cải thiện sự trao đổi chất, tốt cho hệ tim mạch và bài tiết.

- Dầu đậu nành: Dầu nành có màu vàng nhạt, không vị và chứa hơn 60% axit béo không bão hòa đa mà lại tốt cho hệ tim mạch, sử dụng dầu này trong việc chế biến các loại thực phẩm chiên, xào, trộn cho trẻ. Do giá cả vừa phải của dầu đậu nành nên đây là lựa chọn khá phổ biến của các bà mẹ.

 - Dầu hạt cải: Đây là sự lựa chọn lý tưởng cho các mục đích chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như nướng, rán và chiên. Dầu hạt cải cũng chứa omega-3, 6 và 9 giúp trẻ tăng cường trí tuệ.

- Dầu gấc: Gấc đặc biệt có lợi cho đôi mắt. Đó là bởi vì nồng độ beta carotene (tiền vitamin A) rất cao (hơn 15,1 lần so với cà rốt). Do đó, dầu gấc có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng và nó thực sự rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của đôi mắt trẻ nhỏ.

- Dầu dừa: Dầu dừa là dầu chiết xuất từ cơm dừa. Nó có thể được nấu ở nhiệt độ cao mà vẫn đảm bảo ổn định thuộc tính của các chất. Gần 50% chất béo trong dầu dừa có nguồn gốc từ acid lauric, một hợp chất kháng khuẩn cao nên có đặc tính chống vi khuẩn, chống virus rất hiệu quả. 

- Dầu mè: Dầu mè là loại dầu thực vật được làm từ hạt mè, rất thơm và chứa nhiều calo cùng các chất béo không bão hòa, omega-3, omega-6, canxi, vitamin E, B,... Một muỗng canh dầu mè cung cấp khoảng 120 kcal, chất béo 14g, omega 40,5mg và 5.576 mg omega-6.

Bổ sung đầy đủ chất béo trong giai đoạn phát triển của trẻ

Tuy các loại dầu ăn cho bé kể trên đều rất tốt cho trẻ nhỏ trong tuổi phát triển nhưng không nên vì vậy mà tập trung dùng một loại dầu trong thời gian dài hay sử dụng quá nhiều trong các bữa ăn. Nó dễ gây ra tình trạng thiếu chất này và thừa chất khác cho cơ thể của trẻ.


8. Về mỡ động vật, xin BS cho biết trẻ nên sử dụng từ các thực phẩm nào? Nên chế biến ra sao?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Về mỡ động vật, sử dụng cho trẻ từ các thực phẩm: thịt heo, thịt gà, cá hồi, các loại cá da trơn…

Ở trẻ em do cơ thể đang phát triển nhanh nên rất cần axit arachidonic một axit béo không no có trong mỡ động vật, nhất là động vật ở biển, đặc biệt là mỡ cá, nên có tỷ lệ 70% chất béo động vật /30% thực vật. Vì trong thực phẩm sử dụng cho trẻ em như thịt, cá, trứng vốn đã có một ít chất béo động vật rồi nhưng vẫn chưa đủ nhu cầu cho lứa tuổi này nên cần phải cho thêm vào khẩu phần của trẻ hoặc là dầu hay mỡ theo tỷ lệ một bữa dầu, một bữa mỡ.

Lưu ý: Ở nhiệt độ không quá 102 độ C dầu mỡ không có biến đổi đáng kể ngoài hóa lỏng, khi đun lâu ở nhiệt độ cao các axit béo không no bị ôxy hóa sẽ trở thành các axit béo no và trở nên rắn khó tiêu, đồng thời các liên kết kép không bền vững trong cấu trúc của axit này bị bẻ gãy tạo thành các sản phẩm trung gian như peroxit, aldehyt có hại đối với cơ thể. Còn nướng thức ăn trên bếp lửa mỡ rơi xuống tạo mùi thơm nhưng đó chính là carbuahydro - một tác nhân không tốt cho sức khỏe có thể gây ung thư.

Axit oleic (là axit béo chưa no có một nối đôi) có ở hầu hết trong các chất béo động vật và thực vật nên dễ đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Các axit béo chưa no có nhiều nối đôi như linoleic, linolenic... có hoạt tính sinh học rõ ràng nhất còn được gọi là vitamin F hoặc axit béo cần thiết. Các axit này không được chuyển hóa trong cơ thể, chúng chỉ nhờ thức ăn đưa vào. Riêng cơ thể có khả năng chuyển từ A. Linoleic sang A. Arachidonic (ARA là axit béo chưa no có 4 nối đôi) nhưng phải có sự tham gia của vitamin B6, hoạt tính của axit này cao gấp 2-3 lần axit linoleic, nó có nhiều trong mỡ cá nhưng ít trong thực phẩm khác. Dầu thực vật hoàn toàn không có ARA.


9. Theo BS, cha mẹ có nên thắng mỡ heo để nấu ăn cho trẻ không? Nếu được thì mỡ này nên bảo quản như thế nào? Làm sao để biết mỡ đã hư hỏng, không còn dùng được?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Cha mẹ có thể thắng mỡ heo để nấu ăn cho trẻ. Tuy nhiên, mỡ sử dụng cho chiên, rán còn thừa  tốt nhất là nên bỏ đi, bởi vì sau khi qua nhiệt độ cao trong thời gian dài, các vitamin có trong mỡ sẽ bị phá huỷ, sẽ giảm chất dinh dưỡng. Mặt khác, dưới tác động của nhiệt độ cao (trên 180oC), các chất trong mỡ sẽ gây ra phản ứng phân giải hoặc tổng hợp và sản sinh các chất an-đê-hít, axít béo tự do… là những chất rất có hại cho cơ thể trẻ.

- Trong quá trình sử dụng, nên để mỡ đã thắng ở những nơi thoáng mát, khô ráo, không để ở nơi quá nóng, tránh ánh sáng và đậy kín chai sau mỗi lần sử dụng. Muốn sử dụng lâu hơn thì để trong ngăn mát tủ lạnh.

- Để nhận biết mỡ đã hư thì điều đầu tiên là mỡ có mùi hôi gắt khó chịu , nổi mốc


10. Những món mà người lớn không nên ăn vì lo ngại tăng mỡ máu như: da - bì, nội tạng động vật thì trẻ em có nên ăn hay không, ăn với lượng như thế nào là vừa phải ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Những món mà người lớn không nên ăn vì lo ngại tăng mỡ máu như: da - bì, nội tạng động vật thì trẻ em ăn bình thường vì nội tạng động vật rất giàu vitamin và dinh dưỡng. Gan, thận nhiều vitamin A, sắt, kẽm, có tác dụng bổ mắt, tốt cho tim mạch và giảm các bệnh gây viêm. Óc động vật chứa axit béo omega 3 bảo vệ não người và tủy sống. Tim và lưỡi đặc biệt có lợi cho những người hồi phục sau khi ốm hoặc phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, nội tạng động vật cũng nhiều chất béo bão hòa và cholesterol hơn so với thịt, thường xuyên ăn sẽ làm tăng mỡ máu và có hại cho tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo chỉ nên bổ sung lượng chất béo bão hòa bằng 5-6% lượng calo tiêu thụ hàng ngày. Đây là lý do người Mỹ không ăn hoặc ăn rất ít nội tạng.

"Chưa kể nhiều cơ sở chế biến nội tạng động vật không hợp vệ sinh, nhiễm rất nhiều loại giun sán, vi khuẩn, virus nguy hại cho con người". “Tình trạng sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa lòng heo trắng sáng và không còn mùi hôi thối, làm tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người ăn gây bệnh”.

Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người thiếu máu, thiếu sắt, thanh thiếu niên nên ăn các loại nội tạng động vật với hàm lượng phù hợp theo chỉ dẫn. Người cao tuổi, thừa cân béo phì nên hạn chế ăn nội tạng động vật. Đặc biệt, người mắc các bệnh tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, thận hư nhiễm mỡ, suy tim tuyệt đối không nên ăn các loại nội tạng động vật.

Lưu ý khi ăn nội tạng động vật

- Chỉ mua nội tạng động vật ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Chế biến đảm bảo vệ sinh, nấu chín kỹ.

- Khi bảo quản, để thực phẩm đã chín ở nơi sạch sẽ và cao ráo, không để chung với thực phẩm sống, tránh tình trạng bị lây nhiễm từ các nguồn thực phẩm bẩn khác.

- Lượng sử dụng nội tạng động vật phù hợp với mỗi người: Người trưởng thành chỉ nên ăn 2-3 lần trong tuần (khoảng 50-70 g một lần), trẻ em ăn 2 lần một tuần (khoảng 30-50 g mỗi lần).

- Người già, người thừa cân, béo phì, người bị rối loạn mỡ máu hoặc mắc bệnh lý tim mạch tốt nhất không nên dùng các món ăn chế biến từ nội tạng động vật.

Theo Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X