Hotline 24/7
08983-08983

Chích ngừa COVID-19 mũi 2 sớm hay trễ, liệu có an toàn và hiệu quả?

Đây là băn khoăn của nhiều bạn đọc AloBacsi trong thời gian gần đây. BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM đã giải đáp cụ thể về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Việt Nam đang triển khai tiêm ngừa các loại vắc xin phòng COVID-19 nào?

Đầu tiên, xin nhờ BS khái quát lại các loại vắc xin COVID-19 đang được chích tại Việt Nam và lịch chích mũi 2 của các loại vắc xin này như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, ở Việt Nam có 4 loại vắc xin đang được triển khai chích cho người dân. Trong đó, có thể thành 3 nhóm ứng với 3 công nghệ sản xuất khác nhau.

Nhóm thứ nhất, cũng là nhóm được nhập về Việt Nam đầu tiên, đó là vắc xin AstraZeneca. Đây là vắc xin sử dụng công nghệ Vectơ virus. Tức là vắc xin sẽ đưa vào cơ thể chúng ta virus không còn khả năng sinh sôi nảy nở, nhưng nó có mang một đoạn AND để nhờ cơ thể sản xuất protein gai của virus SARS-CoV-2. Từ đó cơ thể sẽ tạo ra kháng thể.

Nhóm thứ 2 bao gồm vắc xin Pfizer và Moderna với công nghệ hoàn toàn giống nhau, đó là đưa vào trong cơ thể chúng ta mRNA thông tin. Với một lượng nhất định, mRNA này sẽ đi vào riboxom của tế bào và tổng hợp ra protein gai. Từ đó, cơ thể nhận diện được protein gai và sản xuất ra những kháng thể để chống protein gai, cũng như sau này sẽ chống lại được virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Nhóm thứ 3 là nhóm sử dụng công nghệ bất hoạt - vắc xin Vero Cell. Vắc xin sử dụng các phần tử virus bất hoạt nhằm mục địch kích thích hệ thống miễn dịch sinh ra kháng thể.

2. Chích mũi 2 vắc xin COVID-19 sớm, liệu có an toàn?

Hiện nay một số trường hợp người dân được nhiều nơi gọi đi chích ngừa, VD như đã chích ngừa cùng với công ty 1 mũi rồi, bây giờ địa phương cũng gọi đi chích. Mặc dù chưa tới lịch chích mũi 2 nhưng họ có suy nghĩ là tranh thủ chích luôn để sớm hoàn thành 2 mũi. Theo BS như vậy có nguy hiểm gì không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chúng ta nên lưu ý kỹ về khoảng cách tiêm chủng giữa 2 mũi vắc xin, đó là thời gian tối thiểu và thời gian tối đa để tiếp tục tiêm mũi 2.

Thời gian tối thiểu chích vắc xin tùy thuộc nhiều vào dịch bệnh ở địa phương. Nếu địa phương có tình hình dịch bệnh căng thẳng thì thông thường nên tiêm mũi 2 trong 3 - 4 tuần (đa số là 4 tuần). Trường hợp nếu địa phương đó có tình hình dịch chưa quá căng thẳng thì chúng ta có thể chích mũi 2 sau khi tiêm mũi 1 khoảng 6 - 8 tuần, chẳng hạn như vắc xin AstraZeneca.

Nên lưu ý không nên tiêm mũi 2 trong thời gian ngắn hơn thời gian tối thiểu vì tác dụng sẽ rất thấp. Trong thời gian tối đa để tiêm mũi 2, trường hợp xấu nếu chúng ta chẳng may mắc COVID-19, tác dụng của vắc xin hoàn toàn không giảm đi.

Do đó, chúng ta chỉ cần chú ý đến thời gian tối thiểu để tiêm mũi 2 mà thôi.

Còn với những người dân chưa tiêm vắc xin, khi địa phương gọi tiêm thì chúng ta nên chấp thuận theo hướng dẫn. Nếu được chích được sớm sẽ ngừa được COVID-19 sớm, chích trễ thì sẽ ngừa trễ.

3. Chích mũi 2 vắc xin COVID-19 trễ, có làm giảm hiệu quả?

Trường hợp đã chích vắc xin COVID-19 mũi 1 tại TPHCM sau đó về quê, đến lịch chích mũi 2 thì không trở lại TPHCM được thì phải làm cách nào để chích mũi 2 ạ? Mũi 2 chích trễ quá có cần phải chích lại từ đầu không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi đã chích mũi 1 ở một nơi nào đó, nếu chúng ta di chuyển đến nơi khác thì vẫn có thể liên lạc với cơ sở y tế địa phương đó để tiếp tục tiêm mũi 2. Bởi theo nguyên tắc liều lượng mũi 1 và mũi 2 (cùng một loại vắc xin) hoàn toàn giống nhau, không cần tăng hoặc giảm.

Vì vậy, nếu đã được chích mũi 1 ở chỗ này thì chúng ta vẫn có thể chích mũi 2 ở chỗ khác, dù địa phương đó đang triển khai đợt chích mũi 1. Khi đó, chúng ta chỉ cần tuân thủ theo khuyến cáo 5K để đảm bảo an toàn.

Trong trường hợp nếu địa phương đó không có vắc xin thì chúng ta phải chờ và không cần chích lại mũi 1, chỉ chích thêm mũi 2.

4. Mũi 1 tiêm Vero Cell, mũi 2 tiêm vắc xin khác được không?

Với những người đã được chích vắc xin Vero cell nhưng chưa yên tâm, có dự tính chích thêm vắc xin của hãng khác thì có được không ạ? Và phải đợi bao lâu để có thể chích thêm vắc xin khác?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, nếu chúng ta chích 1 liều vắc xin Vero cell thì mũi 2 chúng ta vẫn có thể chích 1 loại vắc xin khác và khoảng cách là 4 tuần. Điều quan trọng là chúng ta phải tiêm đủ 2 mũi để đảm bảo cơ thể có thể ngừa được COVID-19. Vì vậy, nếu có cơ hội chích mũi 2 là vắc xin khác thì bạn đọc nên tranh thủ tiêm.

5. Mắc COVID-19 sau khi tiêm mũi 1, có cần tiêm tiếp mũi 2?

Với người đã chích vắc xin 1 mũi rồi, sau đó vẫn bị bệnh COVID-19 thì có cần chích tiếp mũi 2 không ạ? Nếu vẫn chích mũi 2 thì phải đợi bao lâu sau khi khỏi bệnh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với người chưa tiêm hoặc đã tiêm mũi 1 vắc xin, sau khi mắc bệnh COVID-19 và tự khỏi thì gần như đã có lượng kháng thể rất tốt (có thể là 6 tháng hoặc cả đời). Do đó, những trường hợp này nên chích ngừa sau 6 tháng. Bởi nếu chích trước 6 tháng sẽ rất phí vắc xin, trong khi hiện nay nước ta vẫn chưa thể cung cấp đầy đủ vắc xin.

6. Dị ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1, mức độ nào thì nên ngừng tiêm mũi 2?

Một số người sau khi chích vắc xin COVID-19 mũi 1 về bị dị ứng thì có nên chích mũi 2 không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu như sau khi chích mũi 1 mà chúng ta thấy có những phản ứng dị ứng rất nặng đến mức phải nhập viện hoặc phải chích thuốc adrenalin thì mới nên cẩn trọng khi chích mũi 2 và phải đổi vắc xin khác.

Còn lại những trường hợp dị ứng thông thường như ngứa, nổi mề đay… thì chúng ta vẫn phải tiếp tục chích vì mũi 2 có tác dụng tăng cường miễn dịch nên rất quan trọng cho người tiêm ngừa COVID-19.

Người bị dị ứng với vắc xin COVID-19 mũi 1, sợ chích mũi 2 sẽ bị dị ứng nữa, muốn đổi qua vắc xin khác có được không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu được sắp xếp đổi thì bạn đọc có thể đổi, tất cả những điều này đều phụ thuộc vào hướng dẫn của người khám sàng lọc tiêm chủng. Nếu họ đánh giá mức độ dị ứng của bạn đọc không nghiêm trọng thì sẽ tiếp tục chích vắc xin đó. Còn nếu người khám sàng lọc cảm thấy cần phải đổi thì người ta sẽ đổi cho mình.

7. Mang thai sau khi tiêm vắc xin COVID-19, nên tiêm tiếp theo hẹn hay đợi sau sinh?

Phụ nữ đã chích vắc xin COVID-19 mũi 1, sau đó có thai thì có nên chích mũi 2 không, thưa BS? Nếu không chích thì mũi 2 này là bỏ luôn, hay đợi sau sinh sẽ chích được ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu đã chích xong mũi 1 mà có thai thì hoàn toàn không cần phải lo lắng gì cả. Chúng ta cứ tiếp tục đến hẹn thì chích mũi 2 và không cần thiết phải thay đổi lịch tiêm hay can thiệp gì. Bởi vì phụ nữ có thai vẫn có thể tiêm ngừa COVID-19, nên trường hợp chích xong mũi 1 mà có thai thì vẫn chích được như bình thường.

8. Mới tiêm ngừa viêm gan B, có chích vắc xin COVID-19 được không?

Mới chích ngừa viêm gan B chưa được 10 ngày, có lịch chích ngừa COVID-19 thì có nên trì hoãn không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện nay, cơ hội chích ngừa COVID-19 rất quan trọng, nên nếu trước đó chúng ta có tiêm vắc xin gì đi nữa thì vẫn có thể chích ngừa COVID-19 được. Bởi nếu không chích, khả năng mắc bệnh sẽ rất cao.

Tuy nhiên, trong trường hợp phải chọn giữa các loại vắc xin thì chúng ta nên ưu tiên tiêm COVID-19 trước rồi sau đó đến những vắc xin khác.

9. Ngoài cánh tay còn có thể tiêm vắc xin COVID-19 ở vị trí nào?

Thưa BS, tôi là người khuyết tật, ngồi xe lăn, bị mất cánh tay trái. Tôi nghe nhiều người nói chích ngừa COVID-19 ngày thứ 2 đau tay dữ lắm. Tôi lo là chích ngừa bên tay phải xong sẽ bị đau tay (tôi chỉ có tay phải để đẩy bánh xe lăn). Như vậy tôi có thể chích ở chỗ nào khác trên cơ thể không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, chích ngừa vắc xin COVID-19 được khuyến cáo là nên chích vào cơ delta. Chúng ta cũng đừng quá lo lắng vì triệu chứng đau sau tiêm không đến mức không vận động được tay. Thậm chí, người ta còn khuyên rằng chúng ta nên vận động nhẹ tay đó sẽ có thể giảm đau nhiều hơn. Do vậy, bạn đọc vẫn có thể chích ở cơ delta của tay phải. Ngoài ra, chúng ta cũng có chích ở mặt trước của đùi.

10. F1 đang có triệu chứng nghi mắc COVID-19, có nên đi tiêm ngừa vắc xin?

Tôi là F1, người nhà tôi là F0 đã đi điều trị ở bệnh viện. Tôi có triệu chứng COVID-19 rõ ràng lắm: sốt, ho, đau đầu, khó thở, tiêu chảy… y như người nhà F0 của tôi. Nhưng tôi không vào bệnh viện và không được test để biết có đúng là bị COVID-19 hay không. Bây giờ phường gọi tôi đi chích ngừa, như vậy tôi có nên chích không ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cách tốt nhất là bạn nên xét nghiệm để biết chính xác mình đã nhiễm virus chưa. Bởi vì nếu thật sự bạn là F0 mà đi ra địa điểm tiêm ngừa vắc xin sẽ lây nhiễm virus cho những người khác đến tiêm. Đây là điều không nên.

Còn trường hợp F1 không có triệu chứng gì thì vẫn có thể chích ngừa được. Nhưng theo tôi, trường hợp này nên lấy xét nghiệm, không nên tự đi tiêm ngừa vì có thể bạn đọc sẽ vô tình lây virus cho người khác.

11. Vắc xin ngừa COVID-19: “Vũ khí” quan trọng để hòa nhập, phát triển kinh tế

Nhờ BS đưa ra một vài lời khuyên cho độc giả trong việc thực hiện tiêm ngừa COVID-19, cũng như bảo vệ sức khoẻ an toàn, vững tâm và đi qua đại dịch này ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Chích ngừa COVID-19 hiện nay có giá trị bảo vệ bản thân, gia đình và cả cộng đồng. Từ đó, chúng ta mới có thể hòa nhập trở lại, loại bỏ giãn cách và phát triển kinh tế. Vì vậy, chích ngừa COVID-19 là rất quan trọng.

Nếu trong gia đình chúng ta có người vẫn còn lăn tăn về việc chích ngừa, đặc biệt là những người lớn tuổi và người có bệnh nền, thì hãy khuyên họ tham gia chích ngừa COVID-19. Vì chỉ có vắc xin mới có thể bảo vệ được chúng ta khỏi đại dịch. Những biện pháp phòng ngừa cơ bản hiện nay chỉ là tạm thời, nếu không có vắc xin thì chúng ta sẽ không bao giờ ngừa được COVID-19.

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và BS Trương Hữu Khanh đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X