Hotline 24/7
08983-08983

Chỉ cho con cách tôn trọng cơ thể, phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em

Khi trẻ bị xâm hại sẽ tổn hại cả thể chất lẫn tâm lý, ảnh hưởng khó phục hồi, khó hòa nhập với môi trường. Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn này? Cha mẹ cần dạy kỹ năng ứng xử nào cho trẻ?

Thời gian vừa qua chúng ta nghe đến nhiều câu chuyện đau lòng, trẻ em bị xâm hại tình dục. Đây là vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu. Khi trẻ bị xâm hại sẽ tổn hại cả thể chất lẫn tâm lý, ảnh hưởng khó phục hồi, khó hòa nhập với môi trường.
Vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn này? Cha mẹ cần dạy kỹ năng ứng xử nào cho trẻ?

Mời các bạn, quý phụ huynh theo dõi phần tư vấn của bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ làm sáng tỏ những vấn đề này.

alobacsi bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em

1. Thưa chị Phan Lan Hương, là người làm việc tại Trung tâm Bảo vệ trẻ em nhiều năm qua, xin chị cho biết tình hình xâm hại và bạo hành trẻ em hiện nay có những vấn đề nổi cộm nào?

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Xâm hại tình dục trẻ em đã có từ lâu và diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên khoảng 5 năm đổ lại, đây đang là vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội. Có thể thấy những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng diễn biến rất phức tạp. Theo sự phát triển của mạng xã hội, những vụ việc về xâm hại tình dục ngày càng được chia sẻ nhiều hơn và số lượng người biết đến cũng ngày càng nhiều.

Nếu chúng ta lướt trên các trang mạng xã hội sẽ thấy hầu như ngày nào cũng có những vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em. Và tại sao vấn đề này lại xảy ra nhiều như vậy?

Có thể thấy các phụ huynh, nhà trường; chưa thật sự quan tâm đến các vấn đề liên quan đến kỹ năng bảo vệ bản thân của trẻ một cách đúng mức. Chính vì quan tâm không đúng, dẫn đến việc trẻ không biết và va vấp phải nhiều sự việc đau lòng.

2. Tài liệu hướng dẫn các cháu bé tự bảo vệ mình, và hướng dẫn phụ huynh cách bảo vệ con hiện nay cũng khá nhiều, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn chưa tiếp cận hoặc lơ là trước vấn đề này. Nhờ chị đưa ra các hướng dẫn để một lần nữa nhắc lại và phổ biến thông tin hữu ích này đến các gia đình.

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sách, báo liên quan đến “giáo dục kỹ năng, phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em”. Bên cạnh đó cũng rất nhiều trung tâm dạy kỹ năng liên quan đến bảo vệ trẻ em; thường xuyên đến trường học để tổ chức các buổi ngoại khóa gặp gỡ, giao lưu và hướng dẫn trẻ cách phòng chống xâm hại. Có rất nhiều nguồn thông tin đến từ: sách báo, các chuyên gia,… vì thế để phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai, đôi khi chính các bậc phụ huynh, nhà trường phải là những người sử dụng tài liệu một cách thông minh nhất.

Nhà trường, cha mẹ (các bậc phụ huynh) luôn giáo dục trẻ những kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ bản thân mình khi gặp kẻ xấu. Thế nhưng kẻ xấu thì luôn biết cách khống chế và tìm mọi cách để trốn thoát khi đã thực hiện xong hành vi đồi bại. Đối với trẻ việc áp dụng những kỹ năng, phương pháp được học vào thực tế là điều vô cùng khó khăn và hoàn toàn sai lầm.

Tại sao lại như vậy? Câu trả lời là các em không có đủ sức khỏe, sức mạnh để chống lại thủ phạm. Đơn cử như một đứa trẻ cấp 1 còn quá nhỏ, phản xạ của chúng không bao giờ có thể bằng hoặc hơn thủ phạm.

Người lớn thông qua lao động, công việc hằng ngày từ đó hình thành rất nhiều phản xạ. Thế nhưng trẻ em thì ngược lại, chúng không có những phản xạ tốt để có thể chống đỡ được. Vì thế các bậc phụ huynh nhà trường cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn sử dụng các tài liệu. Ví dụ: Sử dụng vòng tròn an toàn hoặc kỹ năng sử dụng năm ngón tay,…

Chúng ta hết sức lưu ý khi dạy cho trẻ vì hiện nay các thủ phạm xâm hại trẻ em không chỉ là người ngoài mà còn liên quan đến những người thân trong gia đình: ông bà xâm hại cháu, bố mẹ xâm hại con,... vì thế cần dạy trẻ một số những kỹ năng như: khoảng cách an toàn là như thế nào? đụng chạm an toàn là như thế nào? không gian an toàn là như thế nào?

Ví dụ: Nếu cảm thấy sợ hãi hay không thoải mái với một ánh nhìn, lời nói, cử chỉ của ai đó thì trẻ cần duy trì khoảng cách an toàn với người lạ ít nhất 1m; không xâm phạm vào không gian riêng tư của người khác khi chỉ có một mình với người đó. Khi ai đó đụng chạm, nói năng bình phẩm đến những bộ phận kín trên cơ thể thì có thể người đó không an toàn với mình,…

Lưu ý khi mua sách, tài liệu, tham khảo các video trên mạng để giáo dục trẻ; cha mẹ cần thông minh trong việc lựa chọn những kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, giúp ích cho các bạn nhỏ trong gia đình để làm sao giúp cho các bé được cung cấp kiến thức đầy đủ và chính xác nhất.

3. Nếu chẳng may, sự việc bạo hành hay xâm hại đã xảy ra rồi thì gia đình cần làm gì để giúp cháu bé? Cần chăm sóc sức khỏe thế nào, cần vỗ về tâm lý ra sao?

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Một vụ xâm hại tình dục xảy ra với trẻ xảy ra là điều vô cùng đáng tiếc. Bất cứ gia đình nào, bất cứ ai đều không mong muốn điều này sẽ xảy ra với trẻ. Trong trường hợp xấu nhất nếu như tai nạn này xảy ra chúng ta cần lưu ý:

- Bố mẹ hãy thật bình tĩnh, bản thân đứa trẻ khi bị xâm hại các bé đã cảm thấy vô cùng đau đớn, khủng hoảng, sợ hãi. Nếu trong hoàn cảnh đó bố mẹ cũng khủng hoảng, lo lắng thì nghiễm nhiên chúng ta đang dồn thêm sự lo lắng, áp lực lên trẻ, điều này thực sự không nên.

- Khi xảy ra sự việc trước hết cần lập tức thông báo với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Ngoài ra, cán bộ ban trẻ em xã, phường cũng là một trong những đầu mối để chúng ta liên hệ khi cần.

Ngoài những thủ tục liên quan đến vấn đề về pháp luật cần chú ý đến những vấn đề về mặt tâm lý của trẻ như:

- Tránh đổ lỗi cho trẻ: tất cả những sự việc liên quan đến bạo hành, xâm hại, đứa trẻ không phải là người có lỗi.

- Chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất và cả tâm lý cho trẻ, nếu như trẻ có những vết thương hãy đưa ngay đến bệnh viện.

Khi xảy ra vụ việc mọi người thường quan tâm đến một điều “xử lý theo pháp luật như thế nào để lấy lại công bằng cho con, em tôi”. Thế nhưng việc này vô cùng áp lực với trẻ.

Khi chạy đua với pháp luật, nếu chẳng may chúng ta không đủ chứng cứ, bằng chứng để đưa ra pháp luật; không lấy lại được công bằng cho trẻ, khi đó bản thân trẻ lại một lần nữa suy sụp và mất niềm tin vào những vấn đề về thực thi pháp luật.

Cần quan tâm đến tâm lý của trẻ, đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Ở đó những nhà chuyên môn tâm lý sẽ có phương pháp, cách thức giúp trẻ loại bỏ những sang chấn về mặt tâm lý, từ đó biết phải hỗ trợ thế nào để trẻ có một cuộc sống tốt hơn, một tâm lý ổn định hơn.

5. Về phía y tế, các cháu sẽ được thăm khám, điều trị như thế nào ạ?

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Ở mỗi một tỉnh đều có những cơ quan giám định pháp y riêng, những cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giám định xem tỷ lệ thương tật của trẻ ở mức nào. Bệnh viện sẽ không có trách nhiệm làm những công việc này.

Rất nhiều gia đình khi con bị xâm hại, theo cảm tính sẽ lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Thế nhưng trên thực tế bệnh viện chỉ tiếp nhận những trường hợp trẻ bị tổn thương rất nặng nề về mặt thể chất.

Ví dụ: trẻ bị chảy máu rất nhiều, bị tổn thương về thể chất rất nặng nề; bệnh viện sẽ có những biện pháp hỗ trợ về mặt sơ cứu, giúp trẻ ổn định sức khỏe và bảo đảm an toàn tính mạng. Ngay lập tức khi xác định đây là trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục, chắc chắn bệnh viện sẽ liên hệ ngay với cơ quan thực thi pháp luật; bênh viện không được tự ý lấy những chứng cứ từ cơ thể của trẻ để cung cấp cho cơ quan điều tra.

Cần hành động theo đúng quy trình như sau: người nhà của trẻ sẽ thông báo đến cơ quan công an nơi gần nhất, sau đó họ sẽ liên hệ với bên thi hành án, từ đó đưa ra quyết định sẽ đưa trẻ đến bệnh viện nào hoặc ở đâu sẽ là nơi để lấy chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra.

6. Bạn đọc AloBacsi cho biết, ngoài những thành phố lớn thì ở các tỉnh xa hầu như khó tìm được bác sĩ hay chuyên viên tâm lý. Nếu như các cháu bé cần trợ giúp thì liên hệ đến đâu?

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Ở các tỉnh thành phố lớn, việc trẻ tiếp với các dịch vụ liên quan đến tham vấn trị liệu về mặt tâm lý là rất dễ dàng. Ở các tỉnh ở xa như miền núi hoặc vùng nông thôn rất khó để có thể tiếp cận với những dịch vụ y tế. Tuy nhiên vấn đề này không cần đáng lo ngại; bởi khi xảy ra những trường hợp liên quan đến xâm hại trẻ em, cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm hỗ trợ cho trẻ sẽ là bộ phận Lao động thương binh xã hội.

Khi sự việc xảy ra, cán bộ trẻ em cấp xã, phường phải là người đến gặp trẻ và gia đình; đánh giá những tổn thương của trẻ từ đó lên phương án, kế hoạch giúp đỡ gia đình trẻ bị hại.

Bên cạnh đó, các cán bộ trẻ em cấp xã, phường cũng sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp đưa trẻ đi thăm khám và điều trị về tâm lý. Khi trẻ đã tạm ổn hơn, giúp đưa trẻ lên tỉnh hay những nơi cung cấp dịch vụ y tế tốt hơn để có thể hỗ trợ trẻ một cách tốt nhất về sau.

7. Con trẻ xảy ra chuyện ngoài ý muốn, cha mẹ các cháu hẳn rất đau lòng, phẫn nộ và nhiều cảm xúc tiêu cực khác. Nhờ chị hướng dẫn người thân của cháu bé cần làm gì xoa dịu tâm lý?

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Những sự việc như “trẻ bị xâm hại tình dục” thường đến rất bất ngờ. Những điều bất ngờ liên quan đến nỗi đau thường bản thân chúng ta rất khó để có thể giữ bình tĩnh. Việc chúng ta có thể loại bỏ được nỗi đau trong lòng, đôi khi bản thân không thể làm được, vì thế cần tìm đến bác sĩ/ chuyên viên tâm lý để được hỗ trợ.

Người lớn thường nghĩ rằng công việc, cuộc sống với những bộn bề xung quanh thì nỗi đau nào cũng sẽ qua đi, thế nhưng sự thật là có những nỗi đau âm ỉ, rất khó để loại bỏ.

Khi con, em mình bị xâm hại tình dục, chính bản thân cha mẹ là những người đau đớn hơn hết. Thậm chí có những trường hợp bản thân người mẹ vì quá đau lòng dẫn đến tự hủy hoại bản thân mình. Có những trường hợp cha, mẹ đã tự trách cứ bản thân mình: tại sao không bảo vệ được con, tại sao lại lơ là khiến con bị tổn thương,… thậm chí một số phụ huynh đã nghĩ đến việc tự tử hoặc vì suy nghĩ quá nhiều dẫn đến trầm cảm.

Nếu cảm thấy bản thân bức bối, khó chịu, cảm thấy không thể chịu đựng được, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ tâm lý để xoa dịu nỗi đau của mình.

8. Sự phát triển của mạng xã hội khiến các sự vụ bạo hành được công khai nhiều. Bên cạnh việc giúp cho nhiều vụ được phanh phui nhanh chóng thì cũng có hệ luỵ là làm tổn thương các em lâu dài sau này, để lại cái vết mà ai ai cũng biết. Người nhà nên làm gì trong tình huống này ạ?

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Hiện nay rất nhiều các cơ quan báo chí, các bạn phóng viên không có kiến thức về bảo vệ trẻ em. Có trường hợp khi đăng tải tin bài đã ghi rõ họ tên, thậm chí cả địa chỉ nơi ở của trẻ, ảnh bé được đưa lên nhưng lại không che mặt.

Có rất nhiều vấn đề được đặt ra: thứ nhất liên quan đến vấn đề an toàn của trẻ; thứ hai những vấn đề về tâm lý của trẻ sau này sẽ thế nào? Hãy nhớ những gì đã được đăng tải trên internet thì đồng nghĩa với việc nó sẽ không bao giờ mất đi. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó trẻ được chăm sóc và điều trị tâm lý tốt, nỗi đau đã nguôi ngoai. Thế nhưng 10 hay 20 năm sau đó, những gì trên mạng lại được ai đó đào bới lên, quay lại và dội về biết bao ký ức buồn cho trẻ thì đó là điều thật sự đáng buồn, khiến trẻ lại một lần nữa phải chịu đựng nỗi đau.

Tôi nhấn mạnh: khi đưa thông tin những vụ việc liên quan đến trẻ bị xâm hại tình dục và bạo hành, hãy hết sức lưu ý đến những vấn đề như: che mặt trẻ, viết tắt tên của trẻ, không được phép đưa những thông tin như địa chỉ nhà, trường lớp,...

Nhiều gia đình khi con mình bị xâm hại vì quá tức giận, uất ức lại đưa ngay thông tin lên mạng điều này thật sự không tốt cho đứa trẻ. Nếu chính quyền địa phương, cơ quan thực thi pháp luật đang vào cuộc thì chúng ta cần tin tưởng đợi họ xử lý. Trừ những trường hợp cơ quan điều tra không vào cuộc, gia đình cần tìm lại sự công bằng cho trẻ thì lúc đấy hãy tìm đến báo chí, vì khi thông tin được đăng tải bản thân gia đình sẽ được ủng hộ rất nhiều từ cư dân mạng. Điều này như một sức ép giúp cơ quan thực thi pháp luật nhanh chân và khẩn trương hơn trong việc điều tra.

MC Ngọc Hương

9. Tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em hầu hết đến từ những người thân cận với em bé, tuy nhiên nếu cha mẹ quá đề cao cảnh giác với những người này, có thể gây ra bầu không khí nghi kỵ, ngượng ngùng giữa những người thân thiết xung quanh em bé. Theo chị, làm cách nào để các cha mẹ bảo vệ con đúng mức, đồng thời vẫn duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh không ạ?

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Quả thật đây là vấn đề rất khó. Khi giáo dục trẻ về các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục, các bạn nhỏ luôn nắm vấn đề rất tốt ví dụ như: sờ vào bộ phận kín thì là xâm hại tình dục.

Thế nhưng có rất nhiều trẻ em phản ánh lại: “ông, bà, cô, gì, chú, bác thậm chí bố, mẹ cũng xâm hại con hằng ngày. Ông con ôm con, bà con cũng hay chạm vào vùng kín của con”!

Hãy thử nghĩ xem những điều mà chúng ta đang làm, bạn cho rằng đấy là yêu thương, quan tâm và trêu đùa trẻ; nhưng đó là đối với người trong gia đình. Nếu trẻ ra đường, sang nhà hàng xóm,… người khác cũng làm thế với trẻ vậy cảm giác của bạn lúc này là thế nào?

Bản thân người lớn trong gia đình cần hết sức lưu ý trong việc đụng chạm đến những cơ thể của trẻ. Hãy giáo dục trẻ tự vệ sinh cơ thể khi còn bé, trừ những trường hợp phải thăm khám bác sĩ hay trẻ bị ốm không thể tự làm; khi đó bố mẹ sẽ giúp trẻ.

Ví dụ: Có những gia đình, con đã 9 - 10 tuổi, nhưng bố vẫn tắm cho con gái, mẹ tắm cho con trai, điều này cần tránh. Đây không có nghĩa là chúng ta không yêu thương con, mà là để giữ an toàn cho chính con mình.

Nếu các bậc phụ huynh hay về phía nhà trường giáo dục trẻ rất tốt; nhưng đôi khi lại vẫn động chạm vào những điểm nhạy cảm của trẻ. Lâu dần trẻ sẽ hình thành những suy nghĩ đối lập như: “cô giáo, bố mẹ dạy con như thế nhưng sao bố mẹ vẫn đụng chạm vào bộ phận kín của con”. Chính những sự mâu thuẫn trong giáo dục sẽ gây nguy hại rất lớn đối với trẻ, và mâu thuẫn trong giáo dục kỹ năng lại càng nguy hiểm hơn rất nhiều.

10. Thông điệp của chị gửi đến chương trình hôm nay để chúng ta cùng nhau ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em?

Bà Phan Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em:

Cần phải quan tâm con đúng mức; lựa chọn những kiến thức đúng và tốt nhất để giáo dục con một cách an toàn. Các bậc làm cha, mẹ mỗi người cần thông minh sáng suốt trong vấn đề giáo dục và bảo vệ con, em chúng ta.

Xin cảm ơn chuyên gia!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X