Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc răng miệng cho người cao niên

Giống như các bộ phận khác của cơ thể, hàm răng cũng có “hạn sử dụng”. Nhiều người cao tuổi thường quan niệm sai lầm rằng khi già thì răng phải rụng và đó là chuyện bình thường. Chính những quan niệm sai lầm và yếu tố tâm lý ngại đi khám nha khoa nên các bệnh lý về răng miệng người cao tuổi gặp phải thường trầm trọng hơn so với người trẻ.

Xin chào chuyên gia,

Bố tôi năm nay 65 tuổi, sức khỏe bình thường răng rất yếu, ăn uống khó và hay bị tê buốt. Tôi rất mong các chuyên gia giải đáp, tư vấn cách chăm sóc, bảo vệ răng miêng ở người lớn tuổi để tránh tình trạng trên.

Xin cảm ơn chuyên gia!

Nguyễn Đình Nguyên - 35 tuổi (Cầu Giấy - Hà Nội)


Ảnh minh họa - nguồn Internet

Chào bạn,

Giống như các bộ phận khác của cơ thể, hàm răng cũng có “hạn sử dụng”.  Nhiều người cao tuổi thường quan niệm sai lầm rằng khi già thì răng phải rụng và đó là chuyện bình thường. Chính những quan niệm sai lầm và yếu tố tâm lý ngại đi khám nha khoa nên các bệnh lý về răng miệng người cao tuổi gặp phải thường trầm trọng hơn so với người trẻ.

Khi về già, con người ta càng dễ mắc nhiều bệnh, nhất là những bệnh liên quan đến răng miệng. Những bệnh về răng miệng còn có tác động xấu gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của các bộ phận khác trên cơ thể, từ đó làm giảm sút chất lượng cuộc sống.

Các vấn đề răng miệng thường gặp ở người cao tuổi

Tổn thương ở răng gồm: mòn, sứt mẻ ở mặt nhai, tủy răng bị xơ teo, dinh dưỡng cho răng kém, mật độ tế bào thưa, răng giòn dễ bị mẻ gãy; tăng tạo xê măng ở chân răng; dễ bị sâu ở chân răng; tụt nướu, giảm tiết nước bọt, khả năng nhai giảm sút… Mòn răng ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân như do quá trình tích tuổi, chải răng không đúng cách, chải răng với lực quá mạnh, ăn thức ăn quá cứng, uống nhiều nước ngọt có ga.

Bệnh nướu răng: Gây ra bởi mảng bám thức ăn trong kẽ răng, do hút thuốc lá, cầu răng, răng giả kém, chế độ ăn sai cách và liên quan đến một số bệnh như thiếu máu, ung thư, tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh nướu răng. Bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người cao tuổi.

Chứng khô miệng: Người cao tuổi thường mắc chứng khô miệng. Đó có thể là do tác dụng của một số thuốc điều trị các bệnh lý toàn thân hoặc do xạ trị vùng đầu, mặt, cổ.

Khô miệng rất dễ bị mắc một số bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm nướu, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vùng miệng, có thể có đau, khó ăn, khó nuốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy ở người cao tuổi khỏe mạnh, tổng lưu lượng nước bọt không giảm so với trước đây nhưng nhiều người vẫn mắc chứng khô miệng. Nguyên nhân là do các bệnh toàn thân, việc sử dụng thuốc và xạ trị gây khô miệng.

Rối loạn vận động và suy yếu vị giác: Người cao tuổi thường bị rối loạn phản xạ nuốt và tư thế cơ miệng. Khả năng nhai và nuốt ở người cao tuổi (dù còn đủ răng) vẫn kém hiệu quả. Những bệnh toàn thân như tai biến mạch máu não, Parkinson hoặc dùng một số thuốc như phenothiazine dễ gây sặc hay hít thức ăn vào đường thở.

Bệnh thoái hoá khớp có thể ảnh hưởng trên khớp thái dương hàm cũng ảnh hưởng đến khả năng nhai. Do suy giảm vị giác nên nhiều người cao tuổi than phiền là ăn không ngon miệng, không cảm nhận được mùi và vị của thức ăn.

Rối loạn chức năng vận động và cảm giác vùng miệng: Người cao tuổi dễ bị rối loạn phản xạ nuốt và vận động cơ miệng có thể dẫn đến chứng chán ăn, ăn không biết ngon, vị giác suy giảm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở người cao tuổi khứu giác ít bị ảnh hưởng nhưng vị giác lại giảm dần theo tuổi cao. Do không cảm nhận được mùi vị, suy yếu cơ vận động miệng, giảm tiết nước bọt là các yếu tố làm cho người cao tuổi chán ăn, suy dinh dưỡng và gầy yếu.

Suy thoái ở răng miệng: Những suy thoái ở răng miệng hay quá trình lão hóa gây ra biến đổi ở răng như: mòn mặt nhai, tuỷ răng bị xơ teo, giảm mật độ tế bào, tạo ngà thứ cấp, ngà dần bị mất nước, răng giòn dễ mẻ, dễ bị gãy, tụt nướu, giảm tiết nước bọt, chức năng nhai giảm sút...

Việc điều trị các bệnh răng cho người cao tuổi cần phải dùng vật liệu phóng thích fluor (F) như xi-măng glass ionomer, phòng bệnh bằng F tại chỗ khi thấy có nguy cơ sâu răng tiến triển.

Để ngăn ngừa sâu răng, bổ sung fluoride theo chỉ định, sử dụng hàng tuần thuốc rửa chlorhexidine để kiểm soát sâu răng. Cần khám định kỳ, thực hiện chế độ theo dõi tình trạng răng miệng thường xuyên. Những người bị hạn chế về trí tuệ, vận động cần sự hỗ trợ của người chăm sóc thực hiện vệ sinh răng miệng hằng ngày.

Mẹo vệ sinh răng miệng cho người cao niên

Đánh răng hàng ngày và dùng chỉ nha khoa răng tự nhiên là điều cần thiết để giữ sức khỏe răng miệng. Chính vì vậy, cần duy trì thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày, chải răng ngay sau khi ăn bữa chính và hạn chế ăn vặt trong ngày để dự phòng sâu răng và làm sạch mảng bám răng. Bên cạnh đó, cần dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng, dùng dung dịch nước súc miệng giúp trong miệng luôn có nồng độ kháng sinh loãng chống vi khuẩn.

Nên khám răng miệng định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện bệnh răng miệng sớm và điều trị kịp thời ngay ở giai đoạn đầu của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng

Đối với người cao tuổi, các loại rau và trái cây tươi là nguồn cung cấp nhiều sinh tố cho cơ thể nói chung, cho răng và lợi nói riêng. Thời điểm ăn trái cây tươi tốt nhất là trước bữa ăn chính một tiếng đồng hồ. Chỉ nên ăn bánh ngọt vào bữa ăn, sau mỗi lần ăn phải súc miệng và chải răng ngay, không để thức ăn lưu lại trên răng và lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong miệng lên men tạo ra chất acid phá hủy men răng dẫn đến sâu răng.

Người cao tuổi cần ăn uống bổ sung đầy đủ các chất như: đạm có trong thịt, trứng, tôm, cua, sữa, đậu...; các loại trái cây để bổ sung vitamin và muối khoáng giúp cho răng khỏe mạnh. Người cao tuổi cần uống đủ nước và không ăn những thức ăn quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh.   

Chế độ ăn uống cân bằng hợp lý, không nên sử dụng quá nhiều thức ăn chế biến sẵn, các thức ăn giàu bột đường và dễ lên men. Kiểm soát chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng tốt sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh răng miệng thường gặp ở người cao tuổi.

Gia Hoàng (tổng hợp)

Nguồn tham khảo: [1] [2] [3]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X