Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật các kỹ thuật mới điều trị đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não

Các kỹ thuật mới điều trị đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não đã được cập chi tiết tại hội nghị quốc tế về đột quỵ được tổ chức tại Cần Thơ mới đây.

Ngày 4/11, tại Cần Thơ đã diễn ra chương trình hội thảo quốc tế và Đào tạo y khoa liên tục CME thu hút hơn 700 bác sĩ đến từ mọi miền đất nước: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ… và đặc biệt là sự tham dự các chuyên gia hàng đầu thế giới về thần kinh đột quỵ của Canada, Mỹ, Thụy Sĩ, Thái Lan.

Mặc dù hội nghị chỉ gói gọn trong một ngày nhưng tất cả các cập nhật kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp về đột quỵ đã được giới thiệu chi tiết trong các phần báo cáo.
 
 
 
 
Hơn 700 bác sĩ đến từ mọi miền đất nước đến tham dự hội nghị "Cập nhật chẩn đoán điều trị đột quỵ và xây dựng mạng lưới cấp cứu can thiệp đột quỵ tại miền Tây"
 

Đau đầu dữ dội, cứng cổ: Cần nghĩ ngay đến xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch


Mở đầu phiên 2, chủ đề “Cập nhật điều trị đột quỵ xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch” của GS.TS Phạm Minh Thông - người khai sinh ra ngành can thiệp thần kinh tại Việt Nam - Chủ tịch hội Điện Quang Y học hạt nhân Việt Nam được ban chủ tọa đánh giá mang lại nhiều thông tin bổ ích, hấp dẫn cho người tham dự.

Chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng mà tiên lượng chịu ảnh hưởng nhiều của các biện pháp xử trí sớm, tích cực, chuyên sâu. Đây là trường hợp cần cứu cấp nội - ngoại khoa kết hợp.

GS.TS Phạm Minh Thông cho biết, khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nhức đầu đột ngột, dữ dội, cứng cổ, buồn ói, có thể sốt, sợ ánh sáng… cần nghĩ nhiều tới chảy máu dưới nhện do vỡ phình mạch và tiến hành chụp CT, nếu xuất hiện máu trong khoang dưới nhện thì tiếp tục thực hiện CTA.

Trong trường hợp CT không có máu thì cần chọc dò tủy sống, thấy xuất hiện máu là chảy máu dưới nhện nhưng cần lưu ý phải là máu không đông chứ không phải do trường hợp do chọc tủy gây thương tổn. “Vậy nếu chọc dò không có máu thì cần phải xử trí thế nào?” - GS Thông đặt câu hỏi.

Ông cho rằng, lúc này cần cân nhắc đến hội chứng màng não không phải do chảy máu dưới nhện hoặc chảy máu dưới nhện kín đáo. Hướng xử trí là chụp MRI sau 12 tiếng. Khi chọc dò hoặc thấy máu ở CT mà chụp mạch máu không thấy túi phình thì chụp CTA, nếu CTA không có túi phình thì cần chụp DSA ngay lập tức. Nếu trong trường hợp có máu, CTA âm tính, DSA âm tính thì tiến hành chụp sau ít nhất 3 tuần hoặc 1 tháng.
 
 
GS.TS Phạm Minh Thông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán hình ảnh và can thiệp thần kinh và là một trong những người sáng lập của ngành can thiệp thần kinh Việt Nam
 
 
“Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não là cấp cứu ngoại khoa. Nếu người bệnh không được bít hoặc kẹp túi phình mạch máu não kịp thời thì nguy cơ vỡ lại rất cao, lên 20 đến 30% trong hai tuần đầu tiên và 50% trong sáu tháng đầu. Nếu túi phình động mạch não vỡ lại, nguy cơ tử vong sẽ rất cao” - GS.TS Thông khuyến cáo.

Về điều trị, hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới đều có 2 xu hướng chung đồng hành với nhau. Thứ nhất là dùng stent hay nút coils kim loại để điều trị túi phình. Thứ 2 là kẹp túi phình clip do các bác sĩ phẫu thuật thần kinh tiến hành.

Giống như tất cả các quyết định y khoa, lựa chọn điều trị cho chứng phình động mạch cần sự đồng thuận giữa bác sĩ và bệnh nhân. Trong trường hợp túi phình mạch não chưa vỡ hoặc thậm chí đã bị vỡ, bác sĩ điều trị nên thảo luận về những rủi ro và lợi ích của mỗi lựa chọn điều trị sẵn có.
 
 
 
 
Không chỉ học viên ở các tỉnh thành tại Việt Nam mà còn nhiều đồng nghiệp đến từ nước ngoài đang ký tham gia khóa học
 

Hầu hết ca xuất huyết não do tăng huyết áp


Đây là nội dung được bác sĩ Phạm Văn Bách - Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế chia sẻ tại báo cáo “Cập nhật điều trị phẫu thuật các trường hợp xuất huyết trong não do cao huyết áp”.

Bác sĩ Bách cho biết, xuất huyết não là loại bệnh khó điều trị nhất trong các loại bệnh về não, bởi nó xảy ra đột ngột và khả năng tử vong rất cao. Nếu có cứu chữa được thì người bệnh cũng rất dễ bị di chứng bán thân bất toại hoặc mất khả năng ngôn ngữ. 
Thực tế, hiện nay xu hướng mắc bệnh xuất huyết não xảy ra phổ biến ở người trẻ tuổi, mặc dù bệnh này trước đây chủ yếu xảy ra ở nhóm người trên 60 tuổi. Thậm chí, trong đề tài nghiên cứu mà bác sĩ Bách thay mặt bệnh viện báo cáo tại hội nghị có bệnh nhân chỉ mới 26 tuổi.

Trong đó, hầu hết nguyên nhân gây xuất huyết não là do tăng huyết áp gây vỡ mạch máu não, khiến cho máu tràn ra não, nếu vỡ lớn gây lụt não thất dẫn đến tử vong nhanh chóng. Nếu vỡ nhỏ máu tràn ra não, đông kết lại thành cục máu, đè ép vào các bộ phận của não, gây di chứng. Nếu chèn ép trung tâm ngôn ngữ sẽ gây mất ngôn ngữ; nếu chèn ép trung tâm vận động sẽ gây liệt.
 
 
Bác sĩ Phạm Văn Bách - Bệnh viện Chuyên khoa Ngoại Thần kinh Quốc tế

“Đối với điều trị xuất huyết não, trước đây phương pháp cổ điển được áp dụng nhiều thập niên ở các bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh là mở sọ lấy máu tụ giải ép. Mặc dù đây là phương pháp cứu mạng đối với những bệnh nhân hôn mê sâu nhưng di chứng để lại tàn phá rất lớn.

Phương pháp thuốc tiêu sợi huyết (rtPA) mà bệnh viện chúng tôi đang áp dụng nếu có chỉ định phù hợp, chính xác thì giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân, bước đầu đem trong nghiên cứu mang lại tín hiệu đáng mừng. Phương pháp này ít xâm lấn, có thể giải quyết được khối máu tụ, ngừng sự tiến triển tranh tối tranh sáng và tăng dẫn truyền thần kinh nên giúp bệnh nhân hồi phục tri giác” - BS Bách cho hay.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công rtPA thì cần đặt chính xác ống dẫn lưu vào trung tâm khối máu tụ. Do đó, hệ thống định vị dẫn đường là bắt buộc, vì nếu không có thì phải chọc mù rất nguy hiểm, có thể gây xuất huyết nghiêm trọng nếu thuốc đi vào mô lành.

Ngoài ra, rtPA chống chỉ định với các trường hợp như: Túi phình mạch máu não vỡ, dị dạng mạch máu não vỡ, tăng áp lực sọ não không kiểm soát được, dị dạng động tĩnh mạch, bệnh nhân có rối loạn đông máu, chảy máu tiến triển (xuất huyết tiêu hóa), phụ nữ mang thai… Đặc biệt, với những trường hợp xuất huyết não hố sâu thì phương pháp tối ưu nhất vẫn là phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ chứ không sử dụng rtPA.

“Mặt khác, khả năng phục hồi sau xuất huyết não tùy thuộc vào mức độ thương tổn của thần kinh. Nếu vùng não thương tổn lớn khả năng phục hồi rất kém, nếu vùng não bị thương tổn là ít thì khả năng phục hồi sẽ cao. Do đó, để phòng ngừa xuất huyết não thì cần chú ý kiểm soát huyết áp của mình, không tự ý ngưng thuốc, thay đổi liều, tuân thủ điều trị của bác sĩ” - BS Bách khuyến cáo.
 
 
GS Blaise Baxter là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo hệ thống cấp cứu đột quỵ tại Mỹ của đại học Tennessee

Khép lại phiên 2, GS Blaise Baxter - chuyên gia hàng đầu về can thiệp đột quỵ tại Mỹ chia sẻ về "Cập nhật chỉ định và những tiến bộ trong kỹ thuật can thiệp tái thông điều trị đột quỵ não cấp". Trong phần báo cáo, ông cũng điểm qua những khuyến cáo mới cho điều trị sớm đột quỵ não cấp thay thế cho các guideline trước đây.

GS Blaise Baxter cho biết, các dụng cụ kỹ thuật điều trị đột quỵ ngày càng được cải tiến hơn, giúp mở rộng điều trị để có thể sử dụng thêm cho các chỉ định khác.

Trong điều trị đột quỵ cấp, về cơ bản có hai nhóm kỹ thuật can thiệp tái thông mạch não là hút huyết khối áp lực âm bằng ống thông lớn và rút huyết khối bằng dụng cụ dạng stent (stent-retrivers). Qua các nghiên cứu cho thấy, 2 kỹ thuật này “ngang cơ” với nhau trong việc giúp bệnh nhân có kết cục lâm sàng tốt. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những ưu - khuyết điểm khi sử dụng các kỹ thuật can thiệp tái thông điều trị đột quỵ não cấp mới nhất hiện nay.
 
 
* Nội dung các phiên tiếp theo sẽ được AloBacsi cập nhật. Mời bạn đọc đón xem.

Hoàng Thúy - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X