Hotline 24/7
08983-08983

Cần làm gì khi nguy cơ lây nhiễm COVID-19 còn cao?

Mới đây, BS Trần Quốc Khánh có những chia sẻ về bệnh COVID-19 trên facebook cá nhân về những việc cần làm trong mùa dịch. Mời quý độc giả theo dõi.

Anh chị ạ, cả thế giới đang đối diện viễn cảnh bị virus SARS-CoV-2 phủ bóng. Với riêng đất nước mình, chúng ta không thể chủ quan hay lơ là được. Tình huống phong toả một vài toà chung cư, một vài khu phố hay một phường xã... hoàn toàn có thể xảy ra khi cần thiết vì để kiểm soát dịch bệnh lây lan và nhân rộng, cách ly là giải pháp vô cùng quan trọng.

Với mỗi người dân chúng ta, bác sĩ xin có 3 nội dung mong muốn được gửi gắm, rất mong anh chị dành ít phút đọc tham khảo.

I. Công tác kiểm soát dịch bệnh luôn cần chung tay của tất cả cộng đồng, khi mỗi chúng ta tuần thủ những hướng dẫn từ cơ quan y tế, nghĩa là ta đã “cắt đứt” một mắt xích lây lan bệnh. Ngược lại, nếu chúng ta không tuân thủ vấn đề “kiểm soát nhiễm khuẩn” như chưa có thói quen rửa tay thường xuyên, khạc nhổ bừa bãi, ho - hắt hơi không dùng giấy che miệng, thích ra chốn đông người và không đeo khẩu trang... thì chính ta đã biến mình thành mối nguy cơ lây nhiễm và lan truyền bệnh cho mọi người.

Bác sĩ xin nhắc lại, khi bị lây nhiễm thì chính những người thân yêu của mình sẽ đối diện nguy cơ cao nhất lây nhiễm theo. Bác sĩ nói vậy vì còn rất nhiều người xem thường sức khoẻ cũng như thiếu ý thức chung tay bảo vệ cộng đồng. Với tình hình dịch tễ như bây giờ, bất cứ ai cũng có thể tiếp xúc nguồn lây “vãng lai” và mắc bệnh.

ThS.BS Trần Quốc Khánh hiện đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Facebook BS Khánh

II. Tăng cường hệ miễn dịch - sức đề kháng là yếu tố “sống còn” để mỗi người dự phòng nhiễm bệnh, theo trường Y Harvard cũng như các chuyên trang sức khoẻ, 10 nội dung chính giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch bao gồm:

1. Bỏ thuốc lá và giảm bia rượu là lời khuyên đầu tiên

2. Thực hiện chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả kết hợp uống nhiều nước

3. Tập thể dục hằng ngày để duy trì sức đề kháng và giảm cân (nếu béo phì)

4. Ngủ đủ giấc, giữ tâm thái bình an. Vì khi chúng ta stress, hóc-môn cortisol sẽ tăng rất cao, điều này gây suy giảm miễn dịch.

5. Sử dụng thảo dược thiên nhiên (nhân sâm, các loại nấm...) và những thực phẩm có kháng sinh tự nhiên (tỏi, gừng, chanh tươi, mật ong…)

6. Sử dụng men vi sinh: các sản phẩm sữa lên men đã được chứng minh làm giảm nhiễm trùng đường hô hấp ở người lớn và trẻ em.

7. Tiếp xúc ánh nắng mặt trời mỗi ngày: ánh sáng mặt trời kích hoạt quá trình sản xuất vitamin D. Chúng ta chỉ cần tiếp xúc 15-30 phút mỗi ngày là đủ. Một nghiên cứu năm 2010 ở trẻ em cho thấy rằng bổ sung 1200 IU vitamin D mỗi ngày làm giảm nguy cơ mắc bệnh do virus.

8. Mỗi ngày nếu được hãy thưởng thức một ly rượu vang, anh chị nhé!

9. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đặc biệt trẻ em và người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu

10. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ để xử lý sớm những tổn thương, điều trị và kiểm soát tốt đường máu, huyết áp, chức năng gan thận với những người bị bệnh mạn tính cũng như không quên tẩy giun sán 6 tháng 1 lần.

III. Với những người có nguy cơ lây nhiễm tăng lên do tiếp xúc nhiều như lễ tân tiếp đón, nhân viên ga tàu xe, nhân viên y tế, nhân viên ngân hàng, nhân viên vệ sinh công cộng... cần hết sức tuân thủ nguyên tắc “kiểm soát nhiễm khuẩn” như hạn chế bắt tay, hạn chế dùng chung đồ vật, đeo khẩu trang, rửa tay và sát khuẩn tay thường xuyên, tránh tiếp xúc quá gần với những người mới tiếp xúc... để dự phòng tối đa nguy cơ nhiễm bệnh, anh chị nhé!

Trên đây là những chia sẻ bác sĩ mong muốn gửi đến mọi người, chúng ta bình tĩnh và tuân thủ những nguyên tắc - hướng dẫn từ cơ quan y tế cũng như xây dựng cho gia đình mình những thói quen tốt giúp tăng cường hệ sức đề kháng, bác sĩ tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát và đầy lùi.

Trân trọng thật nhiều.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X