Hotline 24/7
08983-08983

Cách trị ho, tiêu đờm không cần dùng kháng sinh

Gió lạnh đã tràn về miền Bắc, còn miền Nam mưa nắng thất thường, đây là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển và “xâm nhập” vào đường hô hấp của trẻ để gây bệnh, với triệu chứng điển hình là ho có đờm. Làm sao chấm dứt tình trạng này mà không cần dùng kháng sinh?

1. Thưa BS, những ngày gần đây thời tiết vừa mới chớm trở lạnh thì bé nhà em đã bị ho lẫn khò khè do đờm. Ho có đờm cảnh báo những bệnh lý nào và nó có nguy hiểm không? Em cảm ơn. (Hoàng Kim Thoa - thoa1982...@gmail.com)

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Bạn thân mến,

Do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện (đường thở ngắn, mềm và hẹp) cộng với tính hiếu động, thích vui chơi ngoài trời nên khi trời lạnh, ẩm các bé dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công gây tổn thương niêm mạc, khí quản và phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp. Từ đó tiết ra chất tiết dịch và chất nhầy trong đường hô hấp dưới, gây ra tình trạng ho đờm ở trẻ.

Ho có đờm là triệu chứng rất thường gặp trong nhiều bệnh hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp. Đây là những bệnh lý hàng đầu thường phát sinh trong kiểu thời tiết này. Bên cạnh đó, trời trở lạnh cũng làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạnh tính, hen phế quản…

Thực tế, ho được xem như một phản xạ sinh lý tốt của cơ thể nhưng nó lại gây không ít khó chịu cho bé khi cơn ho kéo dài. Ho liên tục sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và dẫn đến các bệnh lý hô hấp khác nếu không chữa trị kịp thời. Vì vậy, nếu được, bạn có thể cho bé đi khám nhé.

TS.BS Trần Anh Tuấn hiện là bác sĩ cao cấp, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, Phó Chủ tịch Chi hội Miễn dịch - Dị ứng Nhi Việt Nam

2. Em lần đầu làm mẹ, có lúc thấy thiếu kinh nghiệm quá. Ngay cả khi con ho em cũng không biết đó là ho khan, ho đờm hay ho khò khè nữa. Mong BS hướng dẫn em cách phân biệt các tình huống này ạ? Và trường hợp ho thế nào thì em nên đưa con đến bệnh viện? Bé nhà em được 25 tháng ạ. Em cảm ơn BS. (Nguyễn Thị Hiền - nguyenhien14...@gmail.com)

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Bạn thân mến,

Ở điều kiện sinh lý bình thường, ho là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Chính nhờ các phản xạ ho này, bằng sự thở ra rất mạnh giúp làm sạch đường thở, tống xuất đàm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp, giúp nhung mao hô hấp hoạt động tốt.

Có nhiều kiểu ho khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là ho khan và ho có đờm. Trẻ bị ho khan là tình trạng ho không tạo ra đờm hoặc các chất nhầy, thường gặp khi bị viêm họng, ngạt mũi hay hắt hơi, chảy nước mũi, không phải do viêm phổi hay viêm phế quản.

Trẻ bị ho có đờm là khi trẻ ho thường tiết nhiều đờm loãng hoặc đặc. Đây có thể là một trong các triệu chứng của bệnh viêm xoang hay viêm phế quản. Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ có đờm khi bé ho có cảm giác nặng ngực, mệt và hơi khó thở.

Tuy nhiên, ranh giới giữa ho khan và ho có đờm rất mong manh. Trên thực tế, có nhiều bệnh giai đoạn đầu là ho khan sau đó chuyển sang ho có đờm. Ở trẻ nhỏ các bé lại không biết khạc đờm, vì vậy việc nhận biết trẻ ho có đờm cũng sẽ rất khó khăn.

Không có khái niệm ho khò khè, nhưng ho và khò khè là 2 triệu chứng của bệnh hô hấp thường đi kèm với nhau, là biểu hiện của viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, hen phế quản, viêm tiểu phế quản hay viêm phổi. Đây là những triệu chứng cảnh báo cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được xử trí kịp thời, tránh tình huống xấu xảy ra.

Nếu trẻ bị một trong hai kiểu ho này vào thời tiết lạnh, kèm theo sổ mũi, không sốt, và ăn ngủ tốt, chơi đùa tốt và không nôn trớ, đây là biểu hiện ho bình thường. Cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước lọc và các loại nước trái cây, thuốc ho thảo dược. Thông thường, trẻ sẽ tự hết ho trong khoảng một tuần.

Tuy nhiên, khi có dấu hiệu ho bất thường và dai dẳng, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám. Ngoài việc thăm khám, hỏi bệnh sử chi tiết thì bác sĩ còn phải chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang… thì mới chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ho và có hướng xử trí phù hợp.

Ho là một trong những biểu hiện của cơ thể nhằm phản ứng lại các tác động từ bên ngoài lên cơ thể của trẻ (Ảnh minh họa)

3. BS Tuấn ơi, bé nhà em được 3 tuổi rưỡi, 2 ngày gần đây do thay đổi thời tiết nên bị ho nhiều và kèm theo đờm trắng hơi đục. Như vậy có bất thường không hay màu sắc đờm thay đổi ra sao thì cần đi khám ạ? (Từ Thị Thanh - thanhtu2017...@gmail.com)

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Bạn thân mến,

Trẻ ho có đờm là triệu chứng chung của nhiều bệnh hô hấp khác nhau. Trong trường hợp đàm bình thường thì không có gì đáng ngại. Nhưng nếu bé gặp một số tình huống dưới đây thì bạn nên cho bé đi khám sớm với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân:

- Đờm đặc, màu sắc giống như mủ hoặc hôi.

- Đờm đặc, màu sắc xanh, vàng, thậm chí màu rỉ sét.

- Khạc đờm lẫn máu.

Đây là những triệu chứng cảnh báo có khả năng bé đã mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nặng, đòi hỏi sự điều trị đặc biệt. Thậm chí, tình trạng khạc đờm lẫn máu có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lao phổi - một bệnh lý vẫn gây lo ngại trong cộng đồng Việt Nam hiện nay.

4. Con nhà em trước đó đã phải nhập viện 1 lần vì viêm phổi, mà khởi đầu cũng chỉ khục khặc vài tiếng ho đờm, nên hễ vào mùa lạnh là em lo lắng lắm. Mong BS tư vấn giúp em, trẻ ho có đờm khi nào cần đi khám và khi nào có thể chăm sóc tại nhà? Em cảm ơn BS. (Vũ Hồng Thu - vuthu89...@gmail.com)

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Bạn thân mến,

Khi nuôi con, tiếng ho của trẻ làm mẹ thao thức là điều dễ hiểu. Nếu con ho đờm mà không kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm, cảnh báo trở nặng thì cha mẹ có thể chăm sóc ở nhà.

Trong quá trình này, cần theo dõi cơ thể của con sát sao. Nếu con bị ho tím tái ở môi, ở đầu ngón tay, ngón chân và khó thở (thở co lõm lồng ngực hoặc thở nhanh, dồn dập trên 60 lần/ phút đối với bé dưới 2 tháng tuổi; 50 lần/ phút đối với bé từ 2 tháng đến 11 tháng tuổi; 40 lần/ phút đối đối với bé từ 12 tháng đến 5 tuổi và 30 lần/ phút với trẻ trên 5 tuổi), có tiếng khò khè và co kéo cơ hô hấp ở cổ xuống sườn là những trường hợp nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay. Khó thở luôn là dấu hiệu báo động, cần phải cho con đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khám, chữa bệnh gần nhất.

Ngoài ra, khi trẻ ho có đờm, mẹ cũng cần quan sát màu đờm. Nếu đờm của trẻ chuyển sang màu sắc giống như mủ, màu xanh, vàng, thậm chí là như màu rỉ sét, mùi hôi, đờm lẫn máu thì cũng cần đưa bé đi khám với bác sĩ.

Ngoài ra, một điều cần lưu ý là về nguyên tắc, trẻ càng nhỏ thì khi mắc bệnh càng dễ chuyển nặng. Không những thế, biểu hiện bệnh ở các bé sơ sinh thường không rầm rộ, điển hình nên dễ bị bỏ sót. Vì thế, cha mẹ khi thấy bé ăn uống kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể trẻ đang bị bệnh, cần đưa đi khám.

5. Em nghe nói trẻ bị ho trước sau gì cũng sẽ cần phải dùng kháng sinh, vì vậy nên cho con sử dụng trước để tránh trở nặng. Như vậy có đúng không BS? Trẻ bị ho, dùng kháng sinh luôn được không ạ? Hay áp dụng các bài thuốc chanh tắc đường phèn, chanh đào mật ong trước rồi dùng kháng sinh sau? Em cảm ơn BS. (Phạm Tường Mỹ Anh - TPHCM)

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Bạn thân mến,

Quan niệm dùng kháng sinh trước để tránh trở nặng là không đúng. Bệnh đường hô hấp tái đi tái lại, ho nhiều, khiến trẻ chán ăn, mệt mỏi, khó ngủ nên cha mẹ thường lo lắng. Tuy nhiên do tâm lý chung, nhiều ông bà, bố mẹ muốn dùng kháng sinh càng sớm càng tốt để con nhanh khỏi, nên thường dẫn đến lạm dụng thuốc quá mức cần thiết. Có đến 2/3 các trường hợp viêm đường hô hấp là do nhiễm virus, mà virus lại không đáp ứng với kháng sinh.

Khi đó, sử dụng kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng mà chỉ làm trẻ mệt thêm, làm cho vi khuẩn dễ nhờn thuốc, kháng thuốc và gây ra nhiều tác dụng phụ như dị ứng, tiêu chảy... Do đó, khi thấy trẻ ho, cha mẹ nên không nên quá sốt ruột mà vội vã dùng kháng sinh.

Như vậy, nếu trẻ ho không phải biến chứng viêm phổi, viêm tai... tức là những bệnh không cần dùng kháng sinh thì chỉ cần dùng thuốc ho theo hướng dẫn của bác sĩ là được. Thông thường các thuốc ho chế từ các sản phẩm thiên nhiên thì thường không độc, hoặc rất ít độc, thì các phụ huynh có thể mua được. Nhưng còn các loại thuốc ho tây y thì không thể dùng tuỳ tiện. Gần đây một số nước châu Âu quy định dưới 2 tuổi là phải rất cẩn thận với thuốc ho tây y.

Với các phương pháp chữa ho dân gian như hấp chanh/tắc (quất) đường phèn, rồi chanh đào mật ong cũng rất tốt với trẻ ho thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý khi dùng cách chữa ho này. Chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm có sẵn được làm từ thiên nhiên đảm bảo quy trình vệ sinh, nồng độ, liều lượng.

Mẹ có thể áp dụng tắc chưng đường phèn, tắc chưng mật ong để giảm thiểu sự khó chịu do mang lại cho trẻ, nhưng cần thận trọng và hỏi ý kiến thầy thuốc (Ảnh minh họa)

6. Em thấy nhiều người chỉ dẫn súc miệng nước muối, pha nước chanh với mật ong, nước gừng có thể làm long đờm rất tốt. Em có thể áp dụng cho bé nhà em được không ạ? Bé nhà em còn đang dùng Cozz Ivy nữa, vậy dùng chung có sao không BS? (Cao Chí Đức)


TS.BS Trần Anh Tuấn:

Các phương pháp dân gian bạn kể trên không chỉ ở Việt Nam mà còn được các nước trên thế giới áp dụng rất nhiều. Về mặt khoa học, để chứng minh hiệu quả thì chưa có nghiên cứu rõ ràng nhưng nói chung đã được sử dụng từ lâu đời.

Chẳng hạn, đối với việc súc họng bằng nước muối, với trẻ từ 5-6 tuổi trở lên biết đánh răng, súc miệng thì đây là biện pháp hiệu quả trong các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt, ở những trẻ hay bị viêm họng, kinh nghiệm lâu năm của các bác sĩ trong ngành Hô hấp khuyến cáo người bệnh nên súc miệng bằng nước muối mỗi ngày.

Nước muối ở đây có thể là nước muối sinh lý mua ở tiệm thuốc tây hoặc cha mẹ có thể tự pha dung dịch nước muối với ¼ muỗng cà phê muối ăn hòa tan vào 250ml nước. Sau đó cho trẻ súc miệng sáng 1 lần và tối 1 lần để giảm bớt triệu chứng khó chịu. Đối với trường hợp thời tiết lạnh, pha nước muối bằng nước ấm để súc miệng sẽ tốt hơn.

Còn việc sử dụng mật ong hay nước gừng cũng có tác dụng giảm ho. Nhưng bạn cần lưu ý, khi sử dụng mật ong nhất là loại mật ong rừng hay còn gọi mật ong tự nhiên sẽ có hiện diện của không ít các bào tử, vi khuẩn, nấm độc nên thường khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

Trường hợp bạn muốn sử dụng chung các phương pháp này với thuốc Cozz Ivy thì cũng tốt. Vì Cozz Ivy cũng là thuốc có nguồn gốc thảo dược an toàn, trong đó có lá thường xuân, đây được xem là bài thuốc cổ truyền dân gian của các nước phương Tây được sử dụng từ rất lâu và hiệu quả cao.

7. BS cho em hỏi, trẻ mới chớm ho có đờm thì nên uống thuốc gì và chăm sóc sao cho nhanh khỏi ạ? Miền Bắc đã trở lạnh rồi, mà mùa này năm nào con em cũng vướng 1-2 đợt mắc bệnh hô hấp nên em lo lắng quá ạ. (Hà Vũ Minh Tâm - ninhtam...@gmail.com)

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Bạn thân mến,

Thời tiết miền Bắc bắt đầu trở lạnh, vì vậy để trẻ nhanh khỏe, trước tiên bạn cần giữ ấm đúng cách cho con khi ra đường. Sau đó, cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, vì nếu không trẻ sẽ thiếu năng lượng, dễ suy dinh dưỡng, lúc đó sức đề kháng suy giảm tình trạng ho lại càng nặng lên.

Trong khẩu phần ăn cần đảm bảo năng lượng cho trẻ, cung cấp đủ tinh bột, đạm, chất béo, chế biến thức ăn mềm lỏng. Nên cho trẻ ăn loại đạm quý trong thời điểm này như cho trẻ ăn thịt bò, thịt gà, trứng, sữa.

Nhiều người tin rằng, khi ho thì không nên ăn thịt gà. Tuy nhiên, xét về cơ sở khoa học, thịt gà không có thành phần gây ho. Ngược lại, trong nước dùng gà còn có thành phần acid amin cấu trúc khoa học giống kháng sinh, giúp giảm viêm, chống vi khuẩn.

Song song đó, cần cung cấp nhiều năng lượng như chất béo có lợi cho sức khỏe: dầu ôliu, dầu đậu nành, bơ lạc, bơ đậu phộng; đảm bảo đủ rau và trái cây tươi. Nên uống nước giúp giảm dịch nhầy, làm sạch dịch nhầy đường hô hấp, giảm dịch tiết phế quản.

Ngoài chăm sóc dinh dưỡng, mẹ cần thường xuyên làm thông thoáng mũi cho trẻ. Đối với trẻ lớn, cần hướng dẫn trẻ hỉ mũi đúng cách. Hỉ mũi từng bên. Dùng ngón tay đè một bên mũi, hỉ mạnh bên kia và làm ngược lại. Lưu ý không được bịt hai mũi cùng một lúc.

Đối với trẻ nhỏ, dùng giấy mềm làm sạch nước mũi cho trẻ. Trong trường hợp nước mũi đặc gây nghẹt mũi nhiều, nên dùng  nước muối sinh lý NaCl 0,9% nhỏ 2-3 giọt mỗi bên mũi, sau đó dùng giấy mềm làm sạch mũi.

Nếu bé ho quá nhiều, mất ngủ, đau họng, nôn ói… thì dùng thêm thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược an toàn để điều trị cho bé, miễn sao thuốc thích hợp với lứa tuổi và được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng.

Thuốc ho thảo dược được khuyến cáo sử dụng khi trẻ bị ho gây khó ăn uống, khó ngủ… (Ảnh minh họa)

8. Bé nhà em 16 tháng tuổi, thường bị ho nên em pha mật ong với nước ấm cho bé uống, ngày khoảng 3-5 muỗng. Xin bác sĩ cho biết bé sử dụng mật ong như thế có ảnh hưởng gì không? Sử dụng thường xuyên có được không ạ? Cám ơn bác sĩ nhiều. (Lê Thị Ngân)

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Thực ra mật ong cũng là một trong những dược chất trong dân gian chúng ta đã sử dụng từ lâu đời, không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới.

Trong một số trường hợp nhiễm hô hấp cấp tính nhẹ thì nó cũng có hiệu quả nhất định. Nên chúng ta có thể sử dụng bài thuốc này cho con em mình nếu trường hợp các cháu bị bệnh nhẹ.

Tuy nhiên, nếu sử dụng mật ong chúng ta cần lưu ý:

- Không sử dụng mật ong nguyên chất, lấy từ trong rừng… cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Vì khi em bé sử dụng sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn, tác hại xấu đến sức khỏe.

- Nên sử dụng mật ong đã được chế biến từ các công ty dược có uy tín.  Khi đó mật ong đã qua 1 quy trình sản xuất, được tinh chế và khử khuẩn diệt những bầm bệnh và các chất gây hại, nhưng vẫn giữ được nồng độ mật ong nhất định để sử dụng cho em bé một cách hữu dụng.

9. Con tôi được 4 tuổi. Khoảng một tuần nay cháu bị khò khè, hơi thở hơi mệt như có đàm trong cổ, thỉnh thoảng có ho vài tiếng. Cháu quấy khóc khó chịu và gầy hẳn đi. Ông bà lại bảo lấy nước cây nhọ nhồi pha với mật ong cho cháu uống. Như vậy có đúng không và tôi phải làm sao để trị hết chứng khò khè cho bé. Cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Mai)

TS.BS Trần Anh Tuấn:

Đây là vấn đề thường gặp ở trẻ em và lứa tuổi như con của bạn.

Đầu tiên chúng ta phải biết có thật sự bé bị khò khè hay không, vì lứa tuổi này các bé thường thở bằng mũi, rất ít khi thở bằng miệng. Vì vậy, chỉ cần tắc mũi một chút thôi cũng làm cho em bé thở khó khăn, cho nên rất nhiều ông bố bà mẹ nghĩ con mình bị khò khè, cuối cùng thì chỉ là nghẹt mũi thôi.

Để giải quyết bài toán này rất dễ, phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé vài giọt rồi sau đó hút sạch mũi. Làm vài lần như thế, nếu đúng là ngạt mũi thì sẽ hết. Ngược lại nếu đã làm vệ sinh mũi kỹ cho bé mà vẫn còn nghe tiếng thở của bé khò khè như vậy thì cần cảnh giác chuyện khác.

Vì khi khò khè nhiều thì đa phần các bé mắc 1 chứng bệnh đặc biệt gọi là viêm tiểu phế quản thì không thể coi thuờng, phải thu xếp cho bé đi bác sĩ ngay để điều trị tích cực. Còn đối với cây nhọ nhồi thì không đủ khả năng điều trị khỏi bệnh khò khò ở trẻ.

Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề https://alobacsi.com/benh-ho-o-tre-em/

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X