Hotline 24/7
08983-08983

Cách sử dụng miếng dán tránh thai

Hiện nay một số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường sử dụng miếng dán tránh thai để ngăn ngừa sự mang thai ngoài ý muốn. Đây chỉ là một biện pháp tránh thai tạm thời nhưng có hiệu quả cao nếu thực hiện đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Miếng dán tránh thai là một biện pháp tránh thai tạm thời chứa 2 loại nội tiết tố nữ là estrogen và progestin. Phụ nữ sử dụng biện pháp miếng dán tránh thai cần phải dán ba miếng dán mỗi tháng, mỗi tuần thay miếng dán một lần và ngừng sử dụng trong vòng một tuần.

Chỉ định và chống chỉ định sử dụng biện pháp

Biện pháp miếng dán tránh thai được chỉ định dùng cho những phụ nữ muốn sử dụng một biện pháp tránh thai tạm thời có hiệu quả cao mà không muốn dùng các biện pháp tránh thai khác.

Việc chống chỉ định sử dụng biện pháp miếng dán tránh thai được quy định giống như chống chỉ định dùng viên thuốc tránh thai kết hợp. Chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai, đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau khi sinh, lớn tuổi từ 35 tuổi trở lên và hút thuốc lá thường xuyên từ 15 điếu thuốc lá trở lên mỗi ngày; có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành như lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp...; tăng huyết áp với huyết áp tâm thu từ 160mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 100mmHg trở lên; đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu như bệnh lý mạch máu, thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, bệnh lý đông máu, bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh lý van tim phức tạp, tai biến mạch máu não, cơ địa huyết khối di truyền; sắp phẫu thuật phải nằm trên 1 tuần, đau nửa đầu, đang bị ung thư vú; đái tháo đường có biến chứng về thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu; đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid hoặc không làm xét nghiệm; đang bị bệnh gan nặng có suy giảm chức năng gan trầm trọng như viêm gan cấp tính đang diễn tiến, xơ gan mất bù, u gan ngoại trừ trường hợp tăng sinh lành tính dạng nốt FNH (benign focal nodular hyperplasia). Chống chỉ định tương đối trong các trường hợp phụ nữ đang cho con bú sau khi sinh từ 6 tuần đến 6 tháng hoặc không cho con bú trong vòng 4 tuần sau khi sinh, lớn tuổi từ 35 tuổi trở lên và hút thuốc lá dưới 15 điếu thuốc lá mỗi ngày, đã hoặc đang bị tăng huyết áp với huyết áp tâm thu từ 140 - 159mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90 - 99mmHg, đã hoặc đang bị tăng lipid máu hoặc tăng cholesterol do uống thuốc tránh thai, đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại, có sỏi mật đang điều trị nội khoa hoặc xơ gan còn bù; đang sử dụng một số loại thuốc như rifampicin, rifabutin, thuốc kháng virút nhóm ức chế protease Ritonavir-booster (Ritonavir-booster protease inhibitor) và một số thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat, primidon, topiramat, oxcarbazepin hoặc lamotrigin.

Hiểu biết cần thiết trước khi sử dụng biện pháp

Trước khi sử dụng biện pháp miếng dán tránh thai, nhân viên y tế phải tư vấn cho phụ nữ những vấn đề cần thiết có liên quan đến biện pháp. Phải lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu cần tránh thai của người phụ nữ. Nêu rõ hiệu quả, những thuận lợi và không thuận lợi khi sử dụng miếng dán tránh thai. Cần lưu ý khuyến cáo là biện pháp này không có tác dụng phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả nhiễm HIV/AIDS hoặc giảm nguy cơ viêm tiểu khung. Cần cho phụ nữ xem cụ thể miếng dán tránh thai và hướng dẫn cách sử dụng trên miếng dán, mỗi chu kỳ kinh nguyệt sử dụng 3 miếng dán trong ba tuần liên tiếp, mỗi tuần cần thay một miếng dán; không dán miếng dán tránh thai vào tuần lễ thứ tư và sẽ có kinh nguyệt vào tuần lễ này.

Cũng nên cung cấp thông tin về những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng biện pháp này gồm: có biểu hiện ngứa hoặc nổi ban đỏ trên bề mặt da chỗ dán miếng dán tránh thai; thay đổi chu kỳ kinh nguyệt như ra máu ít hơn và số ngày ra máu ngắn hơn, ra máu không theo chu kỳ, ra máu kéo dài và mất kinh; đau đầu, buồn nôn, nôn, căng ngực, đau bụng; có triệu chứng cảm cúm, viêm đường hô hấp trên; ngứa, đỏ hoặc viêm âm đạo... Khuyến cáo người phụ nữ khi sử dụng biện pháp có thể quay trở lại khám và được tư vấn bất kỳ lúc nào nếu có vấn đề bất thường xảy ra. Việc thăm khám, đánh giá trước khi áp dụng biện pháp không cần thiết.

Thời điểm thực hiện biện pháp

Thời điểm thực hiện biện pháp miếng dán tránh thai được áp dụng tùy theo từng trường hợp. Nếu người phụ nữ hiện đang không sử dụng một biện pháp tránh thai nào, bắt đầu dán miếng dán tránh thai vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt thì không cần sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ; bắt đầu dán miếng dán tránh thai sau ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt thì cần áp dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ không phải là biện pháp nội tiết trong 7 ngày liên tiếp.

-Nếu người phụ nữ đang dùng viên thuốc tránh thai chuyển sang dùng miếng dán tránh thai, bắt đầu dùng miếng dán tránh thai vào ngày đầu tiên thấy kinh nguyệt sau ngừng thuốc thì không cần sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ; bắt đầu dùng miếng dán tránh thai sau ngày đầu tiên thấy kinh nguyệt thì phải áp dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ không phải là biện pháp nội tiết trong 7 ngày liên tiếp. Nếu người phụ nữ dùng miếng dán tránh thai sau khi sinh, trường hợp không cho con bú thì bắt đầu tránh thai bằng miếng dán tranh thai sớm nhất là 4 tuần sau khi sinh. Nếu người phụ nữ dùng miếng dán tránh thai sau khi phá thai hoặc sẩy thai, trường hợp thai dưới 20 tuần tuổi thì bắt đầu dùng miếng dán tránh thai ngay sau khi phá thai hoặc sẩy thai và không cần dùng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ; trường hợp thai từ 20 tuần tuổi trở lên thì bắt đầu dùng miếng dán tránh thai vào ngày 21 sau khi phá thai hoặc sẩy thai hay vào ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên tùy thuộc vào tình trạng nào đến trước.

Cách sử dụng miếng dán tránh thai

Phải xé bao đựng miếng dán tránh thai dọc theo mép bao, kéo miếng dán tránh thai ra khỏi bao và bóc lớp áp vào miếng dán sao cho không chạm tay vào bề mặt dính của miếng dán, tiếp theo dán miếng dán tránh thai vào vùng da bình thường, khô sạch, không có lông ở vùng mông, bụng, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc phần thân trên.

Lưu ý không được dán miếng dán tránh thai lên vú, vùng da đang bị đỏ hoặc kích ứng, bị trầy xước; không nên dán miếng dán tránh thai mới lên vị trí miếng dán tránh thai cũ để tránh hiện tượng kích ứng da; không nên trang điểm, sử dụng các loại kem bôi, sữa, phấn hoặc các sản phẩm khác lên vùng da đang dán miếng dán và vùng da sắp được dán miếng dán để tránh làm giảm tính kết dính của miếng dán tránh thai; không được dán miếng dán tránh thai lên vùng da bị bệnh da liễu vì nó có thể làm cho tình trạng bệnh nặng lên.

Khi dán miếng dán tránh thai trên da, chú ý áp mặt có thuốc của miếng dán vào sát da, miết ngón tay trên miếng dán trong khoảng 10 giây; miết ngón tay dọc theo mép miếng dán để đảm bảo miếng dán dính chắc trên da; mỗi lần chỉ dán một miếng dán tránh thai, mỗi miếng dán tránh thai được dán liên tục đủ 1 tuần (7 ngày). Cũng cần quan tâm đến việc thay miếng dán, khi dán miếng dán tránh thai đầu tiên thì người phụ nữ nên ghi lại ngày dán, theo quy ước là “ngày thay miếng dán”; thay miếng dán mỗi tuần đúng vào “ngày thay miếng dán” trong vòng 3 tuần liên tục;  không dán miếng dán tránh thai vào tuần thứ tư, phụ nữ sẽ có kinh nguyệt vào tuần này; sau tuần thứ tư cần phải dán ngay một miếng dán tránh thai mới; không nên dán miếng dán tránh thai mới muộn hơn 7 ngày vì sẽ có nguy cơ có thai; trong trường hợp mặc dù còn ra máu kinh nguyệt nhưng vẫn cần dán miếng dán tránh thai vào đúng “ngày thay miếng dán”; đồng thời nên kiểm tra miếng dán tránh thai hàng ngày để đảm bảo miếng dán vẫn dính tốt vào da.

Khó khăn khi sử dụng miếng dán tránh thai và cách xử trí

Trong khi sử dụng miếng dán tránh thai, người phụ nữ có thể gặp phải một số vấn đề khó khăn ảnh hưởng như: quên sử dụng, thay đổi “ngày thay miếng dán”, rối loạn kinh nguyệt, bị kích ứng da, bong tróc miếng dán... Vấn đề cần được phát hiện và xử trí phù hợp để bảo đảm hiệu lực của miếng dán tránh thai.

Quên sử dụng miếng dán tránh thai: nếu quên không sử dụng miếng dán tránh thai vào tuần thứ nhất của chu kỳ kinh nguyệt thì phải dán ngay một miếng dán tránh thai mới khi nhớ ra, ghi lại ngày dán miếng dán tránh thai này và lấy đó làm ngày thay các miếng dán tránh thai, đồng thời sử dùng biện pháp tránh thai hỗ trợ trong 7 ngày kể từ ngày dán miếng dán tránh thai này; khi quên dán miếng dán tránh thai từ 3 ngày trở lên (đã không sử dụng miếng dán tránh thai từ 10 ngày trở lên) và có quan hệ tình dục không được bảo vệ thì cần cân nhắc đến việc sử dụng viên tránh thai khẩn cấp để ngăn ngừa sự mang thai.

Nếu quên không thay miếng dán tránh thai mới vào tuần thứ hai hoặc tuần thứ ba của chu kỳ kinh nguyệt, đối với trường hợp thay miếng dán tránh thai muộn khoảng 1 - 2 ngày (có nghĩa là muộn trong vòng 48 giờ) thì phải dán một miếng dán tránh thai ngay khi nhớ ra, thay miếng dán vào cùng ngày cho những tuần sau, không cần sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ; đối với trường hợp thay miếng dán tránh thai muộn trên 2 ngày (có nghĩa là muộn trên 48 giờ) thì phải dừng chu kỳ sử dụng miếng dán tránh thai hiện tại và bắt đầu một chu kỳ 4 tuần mới bằng cách dán ngay một miếng dán tránh thai mới, ghi lại ngày bắt đầu dán miếng dán tránh thai này và lấy đó làm ngày thay miếng dán tránh thai, đồng thời sử dụng một biện pháp tránh thai hỗ trợ trong vòng 7 ngày.

Nếu quên không tháo miếng dán tránh thai vào tuần lễ thứ tư thì phải tháo miếng dán tránh thai ra và bắt đầu dán miếng dán tránh thai mới vào ngày thay miếng dán tránh thai như thường lệ, không cần phải sử dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ.

Thay đổi “ngày thay miếng dán”: cần sử dụng hết 3 miếng dán tránh thai của chu kỳ kinh nguyệt hiện tại, bóc miếng dán thứ 3 đúng ngày. Trong tuần không dùng miếng dán, chọn “ngày thay miếng dán” cho chu kỳ kinh nguyệt mới và dán miếng dán đầu tiên nhưng lưu ý không được muộn hơn 7 ngày kể từ ngày lột bỏ miếng dán trước.

Rối loạn kinh nguyệt khi dùng miếng dán tránh thai: nếu bị rong huyết vẫn nên tiếp tục dùng miếng dán tránh thai, tình trạng rong huyết do miếng dán tránh thai thường chấm dứt sau một vài chu kỳ kinh nguyệt, khi rong huyết kéo dài thì nên xem xét các nguyên nhân khác. Nếu không thấy kinh nguyệt trong tuần lễ không dùng miếng dán tránh thai, vẫn nên dùng miếng dán tránh thai mới vào “ngày thay miếng dán”, khi miếng dán tránh thai được dùng đúng cách, không thấy kinh nguyệt thì không nhất thiết là dấu hiệu của thai nghén; tuy nhiên, cần loại trừ khả năng mang thai nếu không thấy kinh nguyệt xuất hiện trong 2 chu kỳ kế tiếp.

Bị kích ứng da: nếu miếng dán tránh thai gây kích ứng da khó chịu, có thể dùng một miếng dán mới vào một vị trí khác cho đến “ngày thay miếng dán”; lưu ý lúc nào cũng chỉ được dùng một miếng dán tránh thai duy nhất trên da mà thôi.

Bong tróc miếng dán tránh thai: nếu miếng dán tránh thại bị bong tróc ở bờ hoặc bong hẳn ra mà không dán lại được thì thuốc trong miếng dán không được phóng thích đầy đủ vào cơ thể nên sẽ có khả năng có thai ngoài ý muốn. Khi miếng dán tránh thai bị bong tróc dưới 1 ngày (trong vòng 24 giờ), cần dán lại ngay miếng dán này hoặc thay miếng dán mới, không cần áp dụng biện pháp tránh thai hỗ trợ, miếng dán tránh thai tiếp theo sẽ được thay đúng vào “ngày thay miếng dán”. Khi miếng dán tránh thai bị bong tróc trên 1 ngày (trên 24 giờ) hoặc không xác định được miếng dán đã bong tróc ra một phần từ khi nào thì người phụ nữ sử dụng có thể không được bảo vệ tránh thai, vì vậy cần dừng ngay chu kỳ thực hiện biện pháp tránh thai hiện tại và bắt đầu thực hiện cho một chu kỳ tránh thai mới; ngày hôm đó sẽ là “ngày thay miếng dán” cho chu kỳ tránh thai mới, đồng thời khách hàng phải áp biện pháp tránh thai hỗ trợ không chứa nội tiết tố trong 7 ngày liên tiếp. Lưu ý không nên dán lại miếng dán tránh thai cũ nếu độ kết dính đã mất, miếng dán đã dính vào nhau hay dính vào bất kỳ vật gì khác, miếng dán bị lỏng hoặc rơi ra trước đó; trong trường hợp này cần thay miếng dán tránh thai khác ngay, không nên dùng thêm keo dính hoặc băng keo để cố gắng giữ miếng dán trên da.

Ngoài ra, đối với phụ nữ bị nhiễm HIV dương tính hoặc đã mắc AIDS hay đang điều trị thuốc kháng virút cũng có thể sử dụng miếng dán tránh thai để ngừa thai nhưng yêu cầu, khuyến cáo người phụ nữ phải sử dụng bao cao su kèm theo khi sử dụng miếng dán tránh thai; khi sử dụng đúng cách, thường xuyên thì bao cao su sẽ giúp ngăn ngừa được sự lây nhiễm HIV và các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

Lời khuyên của thầy thuốc
Có thể nói miếng dán tránh thai là một biện pháp ngừa thai tạm thời nhưng có hiệu quả cao khi sử dụng đúng theo sự tư vấn, hướng dẫn và khuyến cáo của bác sĩ. Đây là một biện pháp tránh thai mới, sử dụng khá tiện lợi với các nội tiết tố nữ được thẩm thấu tự nhiên qua da từ miếng dán, không phải uống như viên thuốc tránh thai kết hợp hoặc tiêm bắp thịt hay cấy dưới da... Tuy nhiên trước khi sử dụng biện pháp, phụ nữ cần có những hiểu biết cần thiết, đặc biệt là thời điểm thực hiện biện pháp và cách sử dụng cụ thể cũng như cách xử trí khi gặp tình huống khó khăn xảy ra để biện pháp tránh thai đạt được hiệu quả tốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X