Hotline 24/7
08983-08983

Cách phân biệt sốt siêu vi và các phương pháp điều trị

Nhiều người, đặc biệt là trẻ em, khi bị sốt siêu vi thường chủ quan và cho rằng sốt vài ngày sẽ khỏi mà không biết rằng sốt virus có những biến chứng nguy hiểm khó lường. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể bị viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi...

I. Sốt siêu vi là gì? Phân biệt bằng cách nào?

Cùng với các bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm phế quản ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sốt siêu vi (hay còn gọi là sốt virus) cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta phải nhập viện. Khi bị sốt virus, cơ thể luôn trong tình trạng ốm yếu, đây là cơ hội cho nhiều bệnh truyền nhiễm khác xâm nhập.

BS Đoàn Văn Phúc - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội cho biết, sốt virus cần phân biệt với nhiều loại sốt khác, bởi những triệu chứng đầu tiên thường giống nhau. Nếu bị sốt kèm theo tiểu buốt, tiểu rát cần phân biệt trường hợp đó có nhiễm khuẩn đường tiết niệu hay không. Sốt kèm theo đau bụng hố chậu phải cần phân biệt với các bệnh lý ngoại khoa, đặc biệt là viêm ruột thừa. Sốt kèm theo đau bụng trên rốn, rét run cần phân biệt với bệnh lý nhiễm khuẩn đường mật.

Ngoài ra, khi bệnh nhân sốt có ho nhiều, khó thở, tức ngực hoặc đau ngực cần phân biệt sốt có nhiễm khuẩn phổi, ví dụ như viêm phổi, áp xe phổi. Chưa kể đến một số trường hợp bệnh nhân sốt, nôn nhiều, đặc biệt là nôi vòi cũng cần phân biệt sốt do viêm não. Những trường hợp sốt có kèm theo những dấu hiệu này cần đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt.

II. Những dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc sốt siêu vi?

Sốt cao là trường hợp thường gặp ở những trường hợp sốt do virus, thường từ 38-39 độ C, thậm chí 40-41 độ C. Trong cơn sốt, bệnh nhân thường mệt mỏi, ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol. Nhưng khi đã hạ sốt, người bệnh lại tỉnh táo.

Ở người lớn thường có đau cơ bắp, trẻ em thường kêu đau khắp mình, có thể quấy khóc. Một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích vật vã.

Bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ.

Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm phân lỏng, không có máu và chất nhầy.

Người bị sốt siêu vi có thể viêm hạch, đặc biệt là các hạch vùng đầu mặt cổ thường sưng to và đau, có thể nhìn hoặc sờ thấy. Phát ban thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

Bệnh nhân bị viêm kết mạc mắt gây đỏ mắt, có gỉ mắt, chảy nước mắt. Trẻ em khi bị sốt siêu vi có thể nôn nhiều lần và thường xuất hiện sau khi ăn.

III. Điều trị sốt siêu vi như thế nào?

Khi bị sốt virus, người đi làm phải nghỉ làm; trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên phải nghỉ học. Lý do là bởi sốt virus thường lây lan, do đó, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan cho cộng đồng.

Ngoài ra, một số trường hợp bị sốt kèm theo chóng mặt, nếu tham gia giao thông có thể gây nguy hiểm tính mạng của bản thân cũng như những người xung quanh. Vì thế, bệnh nhân bị sốt virus cũng cần lưu ý.

Khi bị sốt cơ thể thường mất nước qua 2 đường: đường mồ hôi và đường hơi thở, liên quan đến cơ chế thải nhiệt. Người bệnh sốt cao bao giờ cũng thở nhiều hơn để thải nhiệt, và khi hạ sốt đều đổ mồ hôi. Lúc này cơ thể bị mất nước và điện giải, do đó phải bù lại bằng cách pha oresol.

Đối với các bệnh do virus gây ra, hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, sốt siêu vi cũng không ngoại lệ. Do đó, các biện pháp thường áp dụng là:

- Hạ sốt: thường dùng paracetamol 10mg/kg, 6 giờ/ lần.

- Chườm mát cho bệnh nhân bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để bệnh nhân nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Tuyệt đối không được chườm nước lạnh vì sẽ gây sốt cao thêm do cơ chế co mạch ngoại vi.

- Chống co giật: nếu người bệnh sốt cao trên 38.5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ em có tiền sử co giật khi sốt cao.

+ Sốt virus gây co giật thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Trẻ từ 6 tuổi trở lên sốt có co giật là sốt không bình thường, hay gặp trong  viêm não. Do vậy cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám.

+ Đối với trẻ dưới 6 tuổi sốt có co giật các mẹ không nên quá căng thẳng và bình tĩnh xử lý: không được ghì chặt trẻ vì điều này có thể gây gãy xương và ngạt thở cho bé; không được quấn ấm cho trẻ, nên mặc thông thoáng và dùng thuốc hạ sốt. Lưu ý, khi trẻ đang co giật, phụ huynh không được dùng thuốc hạ sốt đường uống mà dùng viên đạn đặt hậu môn. Sau khi đã đặt thuốc, cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

- Bù nước và điện giải: khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể. Nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước đã mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng.

Ngoài ra, điều mà ít người để ý là khi mất nước qua đường hơi thở, vùng hầu họng thường bị khô khiến vi khuẩn phát triển gây viêm họng, theo thời gian sẽ bị viêm phế quản, viêm phổi. Do đó, nên uống nước để dự phòng bội nhiễm họng, đặc biệt là trẻ em.

- Chống bội nhiễm: vệ sinh sạch sẽ cho bệnh nhân, nhỏ mắt mũi bằng natriclorid 0.9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

- Dinh dưỡng: cho bệnh nhân ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng.

- Vệ sinh cơ thể cho người bệnh sạch sẽ. Tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

Khi bị sốt, tốt nhất không nên nằm trong phòng điều hòa mà nên nghỉ ngơi ở nơi thông thoáng, không khí lưu thông tốt. Sốt siêu vi không có thuốc điều trị mà chỉ có thể điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng, khỏi nhanh hay chậm tùy thuộc cá nhân người bệnh. Nếu bệnh nhân ăn uống được, giữ thể trạng tốt thì khỏi nhanh hơn, các biến chứng kèm theo ít hơn. Ngược lại, nếu thể trạng không tốt bệnh sẽ khỏi chậm.

Khi đã được chăm sóc bằng thuốc hạ sốt, bù nước điện giải, ăn uống dinh dưỡng, nếu trong vòng 24-48h bệnh nhân vẫn còn sốt, đặc biệt vẫn sốt cao liên tục 39-40 độ C cần đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được chăm sóc y tế kịp thời.

Khi có các dấu hiệu sau cần phải đưa người bệnh đến khám ngay tại trung tâm y tế: sốt cao trên 38.5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C; dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lờ mờ, li bì, ngủ nhiều; xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần; sốt kéo dài trên 5 ngày.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X