Hotline 24/7
08983-08983

Cách nhận biết người đang bị đột quỵ

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh rất thường gặp. Theo Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, khoảng 20% dân số có nguy cơ hoặc sẽ bị đột quỵ trong cuộc đời.

Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau bệnh tim mạch và ung thư và đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ 1 trên toàn thế giới.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hàng năm có 200.000 bệnh nhân đột quỵ. Đặc biệt, bệnh đột quỵ không giống các bệnh khác, thường xảy ra bất ngờ, không báo trước, thường là trên người đang khỏe mạnh, đang sinh hoạt, làm việc và không loại trừ bất cứ ai. Việc nhận biết các dấu hiệu người đang bị đột quỵ, cách xử lý tại chỗ có ý nghĩa sống còn với người bệnh. Bởi “thời gian vàng” trong cấp cứu đột quỵ chỉ khoảng 6 giờ và mỗi phút trôi qua có 2 triệu tế bào thần kinh của người bệnh bị mất đi.

“Cẩm nang” FAST: Nguyên tắc nhận biết người bị đột quỵ

Một số triệu chứng báo trước của đột quỵ là bị một cơn choáng váng chóng mặt, mờ mắt và bị mất kiểm soát trong vài giây. Bị một cơn tê yếu nửa người thoáng qua; Tự nhiên nói khó, đớ giọng, méo miệng và sau đó thì phục hồi. Theo Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, “nếu có các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua, thì nguy cơ xảy ra đột quỵ có thể lên đến trên 20% trong vòng 90 ngày”.

Hiện nay, “cẩm nang” để có thể nhận biết một người đang bị đột quỵ đó là “FAST”, tức là nhận biết qua:

F (Face, khuôn mặt): Bệnh nhân có các biểu hiện mặt bị méo, mắt nhắm không kín, nếp nhăn trên trán…

- A (Arm, tay hoặc chân): Có trường hợp một trong hai tay không đưa lên được, trường hợp nặng hơn là cả hai tay đều không đưa lên được.

- S (Speech, giọng nói): Bệnh nhân không nói được hoặc nói ú ớ, giọng nói bị thay đổi tùy theo từng mức độ.

- T (Time, thời gian): Nhanh chóng cứu chữa bệnh nhân là điều tối quan trọng để cứu sống bệnh nhân. Tiêu chí này được nhấn mạnh bằng cụm từ “Time is Brain” (tạm dịch: thời gian là não).

Nếu bạn chỉ cần thấy ai xuất hiện 3 tiêu chí đầu tiên, cần chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Xử lý tại chỗ: trình tự A-B-C

Trong thời gian chờ xe cấp cứu, người nhà bệnh nhân có thể sơ cứu tại nhà theo trình tự A-B-C.

- A (Airway, đường thở): Người nhà hãy kiểm tra đường thở bệnh nhân có thông thoáng không, nếu bị tắc nghẽn do thức ăn hoặc dị vật nào đấy cần được khai thông đường thở ngay lập tức; nới lỏng quần áo bệnh nhân.

- B (Blood, máu): Xem bệnh nhân có bị chảy máu ở đâu không. Nếu có, người xung quanh cần băng ép vết thương để cầm máu. Tránh tình trạng mất máu quá nhiều gây tử vong trước khi xe cứu thương đến.

- C (Circulation, tuần hoàn máu): Sờ các mạch máu lớn của bệnh nhân ở các vị trí như cổ, đùi… xem còn đập hay không. Nếu còn, di chuyển bệnh nhân đến nơi bằng phẳng nghỉ ngơi, chờ cấp cứu đến. Nếu bệnh nhân ngưng thở, cần làm hồi sức tim phổi. Nếu tại các vùng sâu vùng xa, người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu cần lưu ý để bệnh nhân được nằm cố định, tránh rung lắc mạnh gây vỡ mạch máu não đang bị tổn thương.

Không cạo gió, chích lể cho người đột quỵ

Làm một khảo sát nhỏ sẽ thấy ngay, trên 50% người dân vẫn ngộ nhận bệnh nhân đột quỵ bị trúng gió. Trong y học hiện đại, không có khái niệm trúng gió. Chính thời gian và những động tác sơ cấp cứu sai lầm như cạo gió, chích lể… đã làm mất đi khoảng “thời gian vàng” của người bệnh.

Bên cạnh đó, các phương pháp như nặn chanh vào miệng của bệnh nhân có thể gây tắc nghẽn đường thở; cho uống thuốc dân gian cũng là nguyên nhân gây ra chứng tắc nghẽn; cho bệnh nhân ngửi một số loại hương liệu để giúp bệnh nhân tỉnh lại nhưng vô tình gây ra chứng viêm phổi hít…

Can thiệp đột quỵ bằng máy chụp mạch máu xóa nền DSA

Đây là phương tiện chẩn đoán nguyên nhân gây đột quỵ trong thời gian nhanh nhất, có thể cho ra kết quả trong vòng 30 phút. Sau khi xác định được nguyên nhân cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có thể xử lý được bằng phương tiện can thiệp nội mạch.

Có hai trường hợp xảy ra: xuất huyết não, chiếm 20% và nhồi máu não chiếm tỷ lệ đa số. Để chẩn đoán được xuất huyết hay nhồi máu, chỉ cần thiết bị CT-Scan. Trong chữa trị đột quỵ hiện nay có nhiều biện pháp, nhưng chủ yếu là uống thuốc và phẫu thuật.

Trường hợp bị đột quỵ nặng có máu bầm trong não, hay bị phình mạch máu não cần can thiệp phẫu thuật. Hạn chế của phương pháp này là nguy cơ tổn thương thần kinh khá cao, có thể tàn phế sau phẫu thuật, tình huống nặng nhất là tử vong.

Đối với tắc mạch máu nhỏ trong 4 - 5 giờ đầu có thể sử dụng biện pháp tiêu sợi huyết tĩnh mạch (bơm thuốc vào mạch máu để làm tan cục máu đông). Tuy nhiên, hướng điều trị này có hạn chế trong trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch lớn.

Ghi nhận trong những trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn động mạch lớn, trong vòng 6 giờ đầu, cần chuyển bệnh nhân đến phòng can thiệp DSA, áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch cho hiệu quả đến 80%. Vậy nên, biện pháp tối ưu nhất trong việc điều trị đột quỵ là can thiệp nội mạch.

Để biết thêm thông tin về đột quỵ, bạn có thể truy cập vào website www.dotquy.vn hoặc gọi số 18001115 để được chuyên gia y tế tư vấn.

Theo TS.BS Trần Chí Cường - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Giảng viên ĐH Y dược TPHCM

Chuyên mục này do Báo Vũng Tàu chủ nhật phối hợp với Cổng Thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí AloBacsi.vn thực hiện

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X