Hotline 24/7
08983-08983

Cách đề phòng chết đuối khi đi bơi và lũ lụt

(Alobacsi) - Dưới đây là các lưu ý để bạn đọc đề phòng khi đi bơi và cách xử trí cơ bản khi gặp tai nạn sông nước.

1. Chết đuối vì nước lụt

Nếu nước lụt chưa dâng lên, ta có thể nhìn thấy những nơi đất thấp hoặc cao, nên có thể di chuyển dễ dàng không gặp nguy hiểm.




Nhưng khi nước lụt dâng, những vùng đất trũng, thấp sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm. Nếu không đề phòng, sự hoảng loạn do sụp hố có thể làm người ta dễ dàng chết đuối. Theo thống kê thì số người chết đuối vì lụt hàng năm chủ yếu là trẻ em. Chúng không biết rằng ở phía dưới làn nước tưởng chừng như hiền hòa kia, chỗ nào là sâu, chỗ nào là cạn. Do đó, đôi khi chỉ vì một cái hụt chân rất đơn giản, trẻ cũng bị sặc nước và chết đuối. Có em còn bị chết đuối ngay trong nhà mình.

Có một bà mẹ kia đặt con của mình (khoảng 1 tuổi) ngủ trên một chiếc giường sắt ở nhà trên. Chị chỉ đi ra ngoài phía sau một lát để chạy đồ đạc tránh lũ, đến lúc quay lại thì thấy nước lụt đã dâng lên ngập qua mặt giường khoảng nửa mét, còn đứa con thì không thấy đâu. Mấy ngày sau người ta mới vớt được xác của con chị tại một nơi rất xa.
 
Sự việc đau lòng này nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn cảnh giác với sự dâng lên bất ngờ của nước lụt. Đôi khi đứa bé bị sặc quá nhanh do đó không thể khóc lớn cho chúng ta nghe. Đến lúc nó tìm cách thoát ra khỏi giường để tự cứu thì lại bị lọt xuống đất (là chỗ sâu hơn) và chìm nghỉm luôn tại đó.

Cách phòng tránh như sau:

Luôn tích trữ những vật nổi được trên mặt nước ở trong nhà như: các bình nhựa, can nhựa, bình nước suối sau khi uống xong,... và hướng dẫntrẻ cách sử dụng.

Nếu nhà bạn thường uống những chai nước suối nhỏ (như loại La Vie 1/2lít,...) bạn nên giữ lại những chai không. Buộc dây lại thành một chuỗi, đến lúc cần, nó sẽ biến thành một chiếc phao cứu hộ rất hiệu quả và không tốn kém.

Khi dự đoán nước lụt có thể đến. Trước khi đi ngủ, ta nên buộc tay của bé vào một sợi dây nối với 1 cái thùng nhựa gần đó, phòng khi gặp chuyện, bé có thể tự cứu mình bằng cách bám vào cái thùng để sống. Hoặc nếu bé không bám được vào thùng, thì chiếc thùng nổi cũng làm cho ta dễ dàng xác định vị trí để tìm đến cứu. Tốt nhất là nên để bé nằm ở vị trí cao hơn người lớn và có che chắn cẩn thận, không để cho lăn lọt xuống dưới.

Trong trường hợp trẻ con đang thức, nhưng xung quanh mênh mông biển nước, ta nên buộc phao tự chế (bằng các bình nước suối loại nhỏ) sẵn sàng quanh người. Phòng khi trẻ bị trượt chân hay sụp hố cũng không bị chết chìm.
2. Chết đuối khi tắm biển

Nước ta có bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc chí Nam, nên tiềm năng về du lịch bãi biển vô cùng phát triển. Bờ biển là một nơi rất hấp dẫn những du khách trong và ngoài nước từ khắp nơi đổ về.

Tuy nhiên, bên dưới những con sóng vỗ tung tăng sủi bọt trắng xóa đó tiềm ẩn những cái chết đang rình rập. Đó là những loại hố lớn nhỏ khác nhau.

Trên vùng bờ biển có nhiều khách du lịch tắm, người ta thường cắm những cờ đen ở những vùng xoáy. Nơi  này rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu nắm vững kỹ thuật, thì vẫn có thể thoát được một cách an toàn.

Nếu bị sụp hố bất ngờ khi đang tắm thì sao?

Nên biết rằng, hố thường có hình tròn và nước biển tại hố thường di chuyển theo nguyên tắc: bên trên thì tràn vào bờ nhưng dưới đáy thì hút trở ra. Do đó, những người "yếu bóng vía" thường tưởng tượng rằng như có "ai đó" kéo chân mình sụp hố. Nếu bạn bị sụp hố ngoài biển. Đừng cố gắng bơi ngược trở vào, mà phải bơi nương theo chiều xoáy để thoát ra.


Khi bị vọp bẻ - chuột rút:

Đôi khi vấn đề lại thuộc về con người chúng ta. Có một số người do quá ỷ lại vào trình độ bơi khá giỏi của mình. Do đó không cẩn trọng những thao tác khởi động cần thiết trước khi xuống nước rồi lại chủ quanbơi ra khá xa bờ. Đên khi bất ngờ bị vọp bẻ - chuột rút, không biết cách bơi vào bờ nên bị chết đuối.

Vọp bẻ - chuột rút là hiện tượng co rút đột ngột của một hay nhiều nhóm cơ. Trên cạn vọp bẻ chỉ hoành hành một chốc sẽ khỏi, nhưng tai họa đôi khi lại ghé đúng lúc ta rất cần đến cơ bắp để… nổi trên mặt nước (tệ hơn nếu xảy ra ở vùng hầu, họng, thanh quản làm nạn nhân thậm chí chẳng thể kêu cứu).

Nguyên nhân sinh lý thường thấy là do vận động quá sức, quá thình lình, nhiễm lạnh hay mất nhiều nước qua mồ hôi. Do vậy những bạn sẽ và sắp…nhúng chân xuống nước đừng quên “làm nóng” ít phút trên bờ để các bắp cơ được khởi động.

Chú ý uống đủ nước khi trời nắng nóng (nên pha ít muối, hay nhất là chuẩn bị sẵn ở nhà theo tỉ lệ: 1 muỗng cà phê muối/1 lít nước), càng cẩn thận nếu trước đó bạn bị nôn mửa nhiều do say xe hay bị “tào tháo” tróc nã vì ăn uống không hợp phong thổ.

Không nên đọ sức với sóng nước quá lâu gây mệt mỏi cơ bắp và gia tăng nguy cơ hạ thân nhiệt. Tương tự với những bạn thích xuống nước lúc trời mới sáng hay nhá nhem tối, trước tiên vì sự đe dọa nhiễm lạnh, sau đó là tình trạng hạ đường huyết do lỡ hẹn bữa điểm tâm hay suất cơm chiều, (tuy nhiên cũng không nên xuống nước khi bụng căng đầy, vì lúc ấy hệ tuần hoàn buộc phải cáng đáng thêm công việc của dạ dày nên không cung ứng đủ oxy cho các bắp cơ và giữ ấm cơ thể).

Khi phát hiện bị vọp bẻ cần nhanh chóng lên bờ hay ít ra cố lết đến vùng nước nông, sau đó tự bạn hay nhờ bạn bè giúp sức chữa vọp bẻ bằng các cách sau:

  • Chuột rút ở bắp chân (thường gặp nhất) hãy gắng nhỏm dậy duỗi thẳng chân, đứng bằng gót và ngón giúp cơ bắp vế giãn ra. Có thể gọi người giúp bằng cách nằm xuống giữ chân thẳng tối đa và nhờ ai đó đẩy mạnh các ngón bàn chân ngược về hướng đầu gối;
  • Chuột rút ở đùi, nên ngồi xuống, người giúp kéo chân nạn nhân ra thật thẳng, đồng thời nâng gót chân lên cùng lúc dùng tay kia ấn mạnh đầu gối xuống.

Khi bất lực với khả năng bơi vào bờ, việc hoảng loạn quẫy đạp lung tung sẽ khiến bạn chìm mau, do vậy nếu sóng không lớn lắm hãy bình tĩnh thả ngửa cơ thể trên mặt nước chờ người đến cứu (những tạng rỗng trong cơ thể luôn giúp ta nổi một cách tự nhiên, hơn nữa nước biển mặn luôn có lực nâng lớn).

Khi phải quơ tay “la làng” nên dành một tay để đập nước vì khi giơ cả hai tay lên tức đã vô tình… tạo dáng “thủy động học” đẩy bạn nhanhchóng trôi tuột xuống dưới. Nên phòng xa bằng cách đội mũ bơi màu càng sặc sỡ càng tốt để mọi người hay nhân viên cứu hộ có thể phát hiện bạn từ xa.

Nên chọn điểm bơi trong tầm mắt của các chòi cứu hộ, đương nhiên không gì tốt bằng có một chiếc phao bơi bên mình. Sau cùng khi đã bị vọp bẻ, tốt nhất không nên xuống nước lần nữa mà hãy gắng đợi vào ngày hôm sau. 

3. Chết đuối khi gặp xoáy nước ở sông

Có hai nguyên nhân tạo xoáy:

  1. Do nước chảy thành 2 dòng ngược nhau. Chỗ giao nhau sẽ tạo thành xoáy nước


Cách phòng tránh như sau:

Ta không được bơi theo chiều mũi tên A, mà phải bơi vòng theo mũi tên B (theo vòng xoáy và có chiều hướng xa dần tâm xoáy). Người ta thường nghĩ đường A là đường ngắn nhất, nhưng đó là đường khó thực hiện. Cho dù bạn bơi đến kiệt sức, nhưng khoảng cách giữa bạn đến tâm xoáy vẫn không đổi. Thậm chí bạn càng bơi, càng đi vào tâm xoáy mà không biết.



  1. Có thể do dưới đáy sông có một cái lỗ thông qua một dòng chảy khác, khu vực này sẽ tạo thành một vùng xoáy có lực hút rất mạnh tất cả các vật trên mặt nước xuống tận dưới đáy sông. Đây là một vùng xoáy cực kỳ nguy hiểm.

Cách phòng tránh như sau:

Ta phải bình tĩnh hít một hơi dài và lặn hẳn xuống cho chìm và tìm cách bơi thoát ra khỏi chỗ xoáy bằng hết sức lực có được của mình.

Xoáy hút tuy nguy hiểm nhưng cũng có nguyên tắc là càng xuống sâu tâm xoáy càng nhỏ lại, vùng nguy hiểm sẽ càng hẹp dần. Ta sẽ thoát ra dễ dàng hơn là ở trên mặt nước, là nơi có tâm xoáy to hơn.

4. Chết đuối khi bị lũ cuốn hoặc khi tắm suối

Khi bị nước cuốn, phải thật cố gắng bám ngay vào bất cứ thứ gì có thể được khi đang trôi theo dòng chảy, hoặc cố gắng bơi lại gần bất kỳ vật gì nổi trên mặt nước để chụp lấy. Đừng cố gắng tìm cách bơi ngược dòng trở lại vị trí bờ cũ. Nước lũ gặp những chỗ hẹp thì chảy xiết nhưng đến chỗ rộng thì chảy êm trở lại. Khi đến chỗ chảy êm hoặc khúc quanh, hãy tìm cách bơi vào bờ. Do đó, nếu mất bình tĩnh, sự sống của bạn sẽ rất mong manh.

5. CÁCH XỬ TRÍ SỰ CỐ KHI GẶP TAI NẠN SÔNG NƯỚC:

Khi bị sảy chân rơi xuống nước, rất nhiều người đã hoảng hốt vùng vẫy một cách vô ích, cộng thêm một số người ở trên bờ lo lắng nhảy theo xuống cứu, cuối cùng gây nên những cái chết tập thể rất thương tâm.

Khi bản thân mình bị rơi xuống nước, phải thật bình tĩnh, cố gắng thả lỏng cơ thể cho nổi lên trên mặt nước và trôi theo dòng nước, cố gắng quạt tay nhẹ để đẩy mình vào chỗ cạn hơn và tìm cách bám vào những mỏm đá nhô lên gần nhất có thể. Đừng cố bơi ngược lại với dòng chảy vì chỉ thêm mất sức.

Khi thấy bạn mình rơi xuống suối, người đứng trên bờ đừng dại dột nhảy xuống cứu. Vì khi rơi xuống nước một cách đột ngột, nước suối rất lạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ mất rất nhanh và làm cho con người mau đuối sức, kết quả là không cứu được ai mà mình còn bị vạ lây.
 
Hãy tìm cách la lớn lên cho mọi người xung quanh biết để tiếp ứng.
 
Nếu có mang theo dây thì hãy cột một vật nặng vào đầu dây và quăng về phía bạn mình để họ có thể chụp lấy mà kéo lên. Nếu không đem theo dây thì tìm ngay một cành cây lớn nào gần đó, tìm cách đưa về phía người bị nạn.

Khi nào không nên đi chơi suối hoặc tắm biển, sông?
  • Vào ngày rằm: khi đó lực hút của mặt trăng tác động lên trái đất rất mạnh và làm cho thủy tiều và cường độ dòng nước lên rất nhanh làm cho mình trở tay không kịp;
  • Vào buổi chiều tối khi trăng lên;
  • Chỉ có một mình thì không nên đến gần vùng sông nước;
  • Đi theo tập thể mà không có người nào biết bơi;
  • Đi tắm ở những nơi heo hút người qua lại.
Mỗi khi đi chơi ở những vùng có sông nước cần đem theo dây dù thật chắc, đó là phương tiện cứu người rất hữu hiệu khi nguy cấp.
Alobacsi sưu tầm

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X