Hotline 24/7
08983-08983

Các tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc trị lao?

Trong chương trình tư vấn trên AloBacsi, ThS.BS Võ Thị Tố Uyên đã giải đáp nhiều thắc mắc của bạn đọc: Mệt mỏi có phải do tác dụng phụ của thuốc trị lao; Bị hội chứng ruột kích thích nên ăn gì, kiêng gì; Đứt dây chằng chéo trước khi nào cần phẫu thuật... Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Em uống thuốc lao tầm hơn tiếng thì cảm giác mệt. Sau hai tiếng về ăn uống vào đỡ mệt hơn. Cho em hỏi như vậy có phải là tác dụng phụ của thuốc lao hay do em có thể bị đái tháo đường nữa?

Bùi Văn Trọng - Chinhl...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Theo khuyến cáo, thuốc kháng lao nên được uống trước ăn sáng 1 giờ, trong giai đoạn đầu mới dùng thuốc, cơ thể chưa kịp thích ứng có thể cảm giác mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn nhẹ. Đây là những phản ứng phụ thường gặp, sẽ giảm dần theo thời gian điều trị, thường sau 2-3 tuần, em nên chú ý ăn sáng và nghỉ ngơi đầy đủ, đúng giờ, không nên để quá đói.

Một số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng dạ dày nặng, nôn hết thuốc thì cần khám bác sĩ tiêu hoá để được kê toa thêm các thuốc hỗ trợ dạ dày.

Ngoài ra, trạng thái mệt mỏi nhiều, chán ăn, vàng da, vàng mắt nếu xảy ra sau 1 thời gian dùng thuốc có thể là viêm gan do thuốc, nên tái khám sớm để điều trị.

Hầu hết bệnh nhân lao đều được xét nghiệm HIV và tầm soát đái tháo đường trước khi điều trị. Nếu chưa được làm các xét nghiệm này thì em nên sắp xếp nhịn ăn 1 buổi sáng để khám và xét nghiệm máu em nhé!

Những nguyên nhân nào gây ù tai?

Em bị ù tai trái 4 năm nay cứ bị ù vài tháng xong tự khỏi. Nay lại ù tiếp, mỗi lần ù mạnh hay nháy mi mắt. Em chụp cộng hưởng từ không có não gì cả, đi khám BS bảo tổn thương do uống rượu bia nhưng có lần em tự khỏi vài tháng lại bị lại ạ.

Hoàng Anh Đào - hoangan...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Ù tai có nhiều nguyên nhân, bao gồm lão hóa, chấn thương, do rượu, do thuốc, bệnh lý mạch máu não, tổn thương tai trong do viêm, do bướu... Trường hợp của em đã được chụp MRI bình thường thì hầu như không phải do nguyên nhân u não hay mạch máu não. Rượu bia làm giãn mạch máu khiến lượng máu chảy qua lớn hơn, nhất là vùng tai trong, làm cho ù tai tăng lên; do đó sẽ có những đợt triệu chứng tăng nặng hoặc thuyên giảm em nhé!

Cần làm gì để viêm họng không tái phát?

Cháu chào bác sĩ ạ,

Cháu năm nay 16 tuổi, bị viêm họng mãn đã hơn 6 năm, tần suất tái phát ngày càng dày đặc. Triệu chứng họng đỏ, tấy khi soi bằng đèn flash, gần như luôn luôn có hạch bạch huyết vùng cổ, giọng khàn, rè, mất tiếng, không có đờm. Bệnh tái đi tái lại rất thường xuyên ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt và giao tiếp của cháu.

Cháu cũng định hướng theo đuổi thanh nhạc chuyên nghiệp nhưng bệnh gây cản trở rất lớn vì gần như 60% thời gian trong 2 năm nay cháu không thể hát được do cảm giác đau rát, mất tiếng và không điều khiển được giọng theo ý muốn.

Liệu nếu bệnh tình tiếp tục tiến triển xấu thì cháu có thể bị mất tiếng, mất giọng hát vĩnh viễn không ạ? Cháu rất mong nhận được phản hồi từ bác sĩ. Cháu cảm ơn ạ

Thuốc đã dùng; paracetamol 500mg, cefuroxim (không nhớ rõ liều lượng), Cefaclor 500mg, corticoid (Methylprednisolone ) 16mg. Có tiền sử viêm khớp thiếu niên, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản.

Phạm Nhật Huy - huypham...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Tình trạng viêm họng tái diễn nhiều lần có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng thường gặp nhất là nhóm nguyên nhân thuộc bệnh lý tai mũi họng như viêm xoang mạn,… và bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản không điều trị.

Các thuốc em đã dùng chủ yếu nhằm giải quyết đợt viêm họng cấp, để tránh tái phát cần có một lối sống khoa học và phòng ngừa thật cẩn thận. Viêm họng, viêm amidan cấp thường có liên quan đến nhiễm vi khuẩn, virus đường hô hấp trên nên cần tăng cường sức đề kháng là điều quan trọng nhất.

Ngoài ra, em nên nghỉ ngơi, ăn uống đúng giờ, điều độ; tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức đề kháng. Em cần tránh thay đổi thời tiết đột ngột, tránh uống nước quá nóng hoặc quá lạnh, nên uống nhiều nước, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường hoặc tới nơi có nhiều bụi, chích ngừa cúm hàng năm. Nếu có bệnh dạ dày hoặc bệnh mũi xoang thì nên điều trị tích cực nhé!

Thân mến!

Đứt dây chằng chéo mức độ nào cần phẫu thuật?

Chào BS, em chơi tennis một thời gian thấy gối đau, lỏng. Em dừng chơi 2 tháng rồi, chân không còn đau. Hôm 19/11/20 em có đi chụp MRI kết luận đứt bán phần dây chằng chéo trước và rách sụn chêm trong độ 2. BS tư vấn giúp em như vậy có phải mổ không ạ? Khoảng bao lâu sẽ hồi phục và có chơi thể thao lại như cầu lông, tennis được không ạ? Cảm ơn BS.

Nguyễn Sĩ Phương - Phuongtu...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Lỏng gối là triệu chứng thường gặp của đứt dây chằng chéo và bệnh nhân dễ trật khớp tái phát. Những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị bảo tồn với vật lý trị liệu phù hợp, phần dây chằng còn lại có thể bù trừ hoạt động và trở lại được sinh hoạt thông thường.

Tuy nhiên ở một số trường hợp mặc dù đi lại bình thường nhưng khi vận động mạnh thì khớp sẽ không thể chịu lực được tốt, hay nói cách khác nếu có nhu cầu tập luyện thể thao nặng trở lại thì nên phẫu thuật tái tạo.

Hiện tại, bạn nên quay lại thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn các bài tập thích hợp và chỉ nên vận động thể thao nặng trở lại sau từ 4-6 tháng, khi dây chằng đã hồi phục tốt, nếu có teo cơ hoặc không thể trở về tập luyện thì nên phẫu thuật nhé!

Vì sao trẻ ho nhiều nhưng bác sĩ nói không phải viêm phổi?

Xin hỏi bác sĩ, con nhà em 6 tuổi, ho nhiều, đi khám bác sĩ cho chụp x-quang phổi, trên kết quả kết luận rốn phổi hai bên dày đậm, vậy con em có bị viêm phổi không? BS khám chỉ lướt qua và bảo không viêm phổi mà con em ho rất nhiều. Mong hồi đáp của bác sĩ. Cảm ơn bác sĩ ạ.

Nguyễn Thị Hoa - Hoanguyen...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Kết quả X-quang phổi rốn phổi dày đậm cho thấy chưa có bất thường nào về nhu mô, tức là bé không bị viêm phổi. Bác sĩ lâm sàng thường có đủ kinh nghiệm và kiến thức để đọc phim Xquang, ngoài ra còn có thể thăm khám phổi kết hợp đánh giá bé trực tiếp.

Bé có thể ho nhiều do các bệnh viêm mũi họng cấp hoặc viêm phế quản cấp do siêu vi, ở giai đoạn 6 tuổi, ít khi viêm tiểu phế quản hay viêm phổi nặng vì giai đoạn này hệ miễn dịch của bé đã khá ổn định. Do đó, bạn cứ tiếp tục yên tâm dùng thuốc theo toa và tái khám nếu không đỡ sau 3 ngày bạn nhé!

Da sạm nâu, bệnh gì và làm sao chữa dứt điểm?

Thưa BS, da bắp chân, bắp tay em bị sạm nâu, bề mặt da khô và có xu hướng lan rộng. Bác sĩ bảo em bị tăng săc tố da sau viêm, xin hỏi bác sĩ bệnh này trị có khỏi hẳn được không? Vì em thấy nó sạm đen làm em thiếu tự tin ạ. Em cần tư vấn ạ, cảm ơn bác sĩ. Trước đây em có điều trị viêm gan B bằng thuôc tenofovir.

Nguyễn Thị Hồng Nhi - ho_b...@yahoo.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Hầu hết các trường hợp tăng sắc tố da sau viêm có thể giảm dần theo thời gian nhưng khá chậm, thông thường từ 6-12 tháng. Một số loại kem dưỡng da trị sẹo thâm và bôi kem chống nắng có thể làm cho vết này biến mất nhanh hơn nhưng thường cũng mất thời gian chứ khó có thể nhanh được. Nếu vết tăng sắc tố kéo dài nên xem xét thêm các phương pháp điều trị bằng laser bạn nhé!

Nổi hạt trắng ở amidan, bệnh gì?

Chào bác sĩ, con 20 tuổi, khoảng 2 ngày nay con thấy có một hạt trắng ở amidan, không đau chỉ hơi cộm cộm khi nuốt nước bọt, cho hỏi con bị gì ạ?

Hồ Thị Linh - hothim...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Các hạt trắng đục trên bề mặt amidan, không kèm theo bất kì triệu chứng sốt hay đau họng nào khác thông thường là sỏi amidan (bã đậu amidan). Sỏi này xuất hiện khi các dịch tiết, xác vi khuẩn, tế bào chết, và thức ăn thừa tích tụ trong các hốc amidan gây ra. Tình trạng thường có liên quan đến viêm họng, viêm amidan tái phát nhiều lần. Bã đậu amidan gây hôi miệng, hơi thở có mùi đồng thời có cảm giác nuốt vướng, khó chịu ở cổ họng.

Để khắc phục tình trạng bã đậu amidan gây hôi miệng, em nên chú ý chăm sóc sức khoẻ răng miệng, súc miệng bằng nước muối hàng ngày, giữ ấm vùng mũi họng, uống nhiều nước tránh để khô họng, ăn ngủ, nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng, hạn chế các đợt viêm nhiễm bùng phát bạn nhé!

Vì sao u vú lành tính mà cần làm thêm nhuộm hóa mô miễn dịch?

Chào bác sĩ, em có khối u ở vú, siêu âm, làm FNA xác định u lành bidras3, được chỉ định phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, xét nghiệm mô bệnh học thường quy, nhận xét vi thể là: Gồm các ống tuyến tăng sản xếp dày đặc, ngăn cách bởi mô đệm sợi thưa. Tế bào thượng mô tuyến ít biệt hóa, không điển hình, xen lẫn tế bào biệt hóa dạng tế bào đài, các tế bào này xếp dạng giả tầng hoặc tạo hình hàng rào, nhân tăng sắc, tỷ lệ nhân/ bào tương tăng.

Kết luận: bướu tuyến ống nhỏ, bác sĩ giải thích là u lành, nhưng đề nghị nhuộm hóa mô miễn dịch để chắc chắn. Vậy bác sĩ cho em hỏi trường hợp của em có phải có nguy cơ ung thư không ạ? Nếu không sao BS lại chỉ định làm thêm nhuộm hóa mô MD? Em cảm ơn rất nhiều!

Cao Thị thanh Tâm - caothitha...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Bướu tuyến vú BIRADS 3 thường có nguy cơ ung thư thấp, tùy vào kích thước và đặc điểm khác trên siêu âm để quyết định theo dõi hay sinh thiết tiếp tục. Theo kết quả giải phẫu bệnh là gần như chắc chắn đây là tổn thương lành tính, nhưng để chắc chắn, nhất là các trường hợp bướu nhỏ, quan sát chưa rõ ràng thì hoá mô miễn dịch sẽ cho kết quả giúp khẳng định chắc chắn hơn. Do đó, bạn nên tiếp tục các bước chẩn đoán theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa bạn nhé!

Vôi hóa ở đám rối mạch mạc là gì, cần kiêng khem thế nào?

Em chào BS, em đi khám BS bảo em bị vôi hóa đám rối mạch mạc hai bên. Bệnh này có nguy hiểm không ạ? Có cần kiêng khem gì không thưa BS? Em cảm ơn ạ.

Dương Văn Dũng - Anhdung...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Vôi hoá ở đám rối mạch mạc có thể gặp ở người bình thường, không gây ra triệu chứng và không nguy hiểm. Giống như nhiều loại vôi hóa khác, những mảng tích tụ canxi này sẽ chỉ được nhìn thấy qua các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Hình ảnh vôi hoá trong trường hợp này không nói lên được bệnh nguyên là gì, nếu có đi kèm với các nguyên nhân khác như bệnh lý mạch máu não, viêm, chấn thương thì sẽ điều trị nguyên nhân theo bác sĩ chuyên khoa bạn nhé!

Đau sau gãy xương gót chân gần 4 tháng, do đâu?

Chào bác sĩ, em gãy xương gót được 3 tháng 20 ngày. Hiện tại em đang trong quá trình tập đi. Khi đi em đau dưới mắt cá chân và cổ chân. Phim gần nhất em chụp cách đây 1 tuần chụp bàn chân và gót chân bác sĩ đánh giá xương đã liền.

Xin hỏi BS khi đi em đau 2 vị trí cổ chân và dưới mắt cá ngoài có sao không? Em chỉ đau khi đi nằm, ngồi không đau. Như vậy có phải đau khớp dưới sên không bác sĩ. Em phải làm thế nào để hết đau ạ? Đau như vậy làm em hạn chế cử động, đi cà nhắc. Em cám ơn bác sĩ đã tư vấn.

Bi Nguyễn - binguyen...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Đau ở cổ chân hoặc vùng quanh mắt cá thường có liên quan tới tình trạng viêm sụn khớp hoặc viêm tắc mạch máu tại chỗ. Ngoài ra, các tổn thương mô mềm, dây chằng có thể chưa hồi phục hoàn toàn, cần có thời gian nghỉ ngơi, tập luyện và chế độ dinh dưỡng hợp lý để sớm trở về bình thường. Tốt nhất em nên tái khám lại bác sĩ cơ xương khớp để đánh giá thêm mô mềm và sụn khớp, đồng thời hướng dẫn các bài tập phù hợp giúp em mau trở về bình thường nhé!

Bị hội chứng ruột kích thích nên ăn gì, kiêng gì?

Em là nam 28 tuổi, cao 1m65, nặng 70kg. Gần 3 tuần qua em bị triệu chứng đau âm ỉ bụng trên rốn, có lúc tưng tức thượng vị, bụng hay sôi rột rột. Đặc biệt là em hay có cảm giác buồn đi cầu, một ngày đi 1-2 lần, phân lúc sệt lúc nát, có lúc đỏ (em không biết có phải máu không).

Em đi khám bệnh viện tỉnh 2 lần. Lần đầu là bác sĩ nội tổng hợp cho em soi đại trực tràng và siêu âm tổng quát bụng nhưng không phát hiện bất thường. Em uống thuốc mà không hết. Cách đây 3 hôm em quay lại bác sĩ khác khám vẫn chẩn đoán trào ngược + viêm dạ dày và hội chứng ruột kích thích.

Toa thuốc gồm Normagut; Opeverin và Dimonium 3g. Bác sĩ có xem kết quả nội soi dạ dày tá tràng cũ của em hồi ngày 1/2/2020 (gerd b l.a ; thân vị xung huyết ; Clo Hp -) thì BS nói không cần phải soi lại.

Hiện tại em hay âm ỉ vùng thượng vị, cảm giác nóng, lúc đau lúc không, khi đi cầu hoặc xì hơi được thì mới giải tỏa chút. AloBacsi ơi tại sao trong đầu em hay suy nghĩ tiêu cực nghĩ mình bị chứng bệnh gì đó bí ẩn và nguy hiểm? Em bất an lắm xin BS cho lời khuyên ạ.

Bảo Tâm - lamthan...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Biểu hiện của người mắc hội chứng ruột kích thích là thường xuyên phải đối mặt với các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, có thể bị táo bón, tiêu chảy hoặc cả hai, thường sẽ dễ chịu hơn sau khi đi cầu hoặc xì hơi.

Triệu chứng mà em mô tả khá phù hợp với hội chứng ruột kích thích, trường hợp bác sĩ cho rằng chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở người trẻ và hay đi kèm với các biểu hiện trầm cảm, lo âu, stress, bệnh ít gây nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu về mặt tâm lý.

Người mắc hội chứng ruột kích thích cần quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Tránh ăn nhiều chất béo vì bữa ăn giàu chất béo có thể gây co thắt đại tràng mạnh, chuột rút và gây tiêu chảy. Trong thực đơn hàng ngày cũng cần hạn chế các đồ uống có gas, các loại rau cải như: cải bắp, súp lơ, bông cải xanh… vì các loại thực phẩm này dễ tạo khí, gây đầy hơi.

Có thể bổ sung men vi sinh để giảm các triệu chứng của bệnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: ăn 1 - 2 cốc sữa chua/ngày, uống các chế phẩm sinh học có chứa men probiotics… Quan trọng nhất là cần tránh lo lắng, tái khám chuyên khoa Tâm Thần Kinh thường xuyên để điều chỉnh phác đồ cho phù hợp hơn em nhé!

Sau khi lành xương đòn có mang vác nặng được không?

Dạ BS cho em hỏi gãy xương đòn sau khi lành có mang vác nặng được không ạ? Nếu được thì sau lành bao lâu ạ?

Mặc Văn Hoài - anhhoai10...@gmail.com

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Tuỳ theo phương pháp cố đinh xương đòn, thông thường sau gãy 3-4 tháng đã lành, người bệnh có thể làm được những việc nhẹ nhàng, bao gồm cả đi xe máy nếu khả năng vận động phục hồi tốt. Tuy nhiên, cho dù xương đã lành tốt thì vị trí gãy vẫn khá yếu so với cấu trúc chung của xương, do đó không nên mang vác quá nặng. Mức độ vận động nên được tăng dần tùy theo sức chịu đựng của bệnh nhân và không nên quá hấp tấp nhất là trong 2-3 tháng đầu sau gãy bạn nhé!

Sỏi thận 26mm, ứ nước độ 2, điều trị thế nào?

Em bị sỏi thận 26 mm, ứ nước độ 2, sỏi khúc nối bể thận + niệu quản 11 mm. Xin hỏi bác sĩ em nên điều trị như thế nào ạ? Em có nên phẫu thuật tán sỏi?

Nguyễn Xuân Vũ - 032759...

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Sỏi thận 26mm là sỏi kích thước khá to, khó có thể tự thải ra ngoài. Nếu để lâu, sỏi có thể di chuyển gây tắc nghẽn đoạn dưới và gây triệu chứng cấp tính, có khi phải mổ khẩn cấp. Một số trường hợp sỏi không gây triệu chứng nhưng dần dà gây ra suy thận mạn. Do đó, em nên sắp xếp để khám và lên kế hoạch mổ lấy sỏi sớm em nhé!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X