Hotline 24/7
08983-08983

Các nhóm F0 khỏi bệnh: những ai cần đi khám hậu COVID-19?

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM chỉ ra những trường hợp F0 khỏi bệnh có thể tự điều chỉnh tại nhà và những ai cần đi khám hậu COVID, đi khám sẽ làm những gì…

1. Bệnh nhân đến khám hậu COVID chủ yếu do những triệu chứng gì?

Số lượng F0 khỏi bệnh hiện nay rất đông đảo và triệu chứng hậu COVID-19 cũng rất phong phú. Theo ghi nhận của PGS thì họ đến khám hậu COVID chủ yếu do những triệu chứng gì ạ?

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan:

Tổ chức y tế thế giới ghi nhận có hơn 200 triệu chứng hậu COVID, tuy nhiên có 3 triệu chứng lớn nhất khiến bệnh nhân đến khám hậu COVID:

+ Mệt mỏi: họ mệt mỏi kỳ lạ, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt. Có người từng là vận động viên marathon mà hậu COVID bước lên cầu thang không nổi.

+ Khó thở: điều này dễ hiểu vì virus SARS-CoV-2 tấn công vào phổi

+ Các triệu chứng tâm thần kinh: trầm cảm, suy giảm trí nhớ

2. Các F0 khỏi bệnh được các chuyên gia chia nhóm như thế nào, bao lâu nên khám hậu COVID?

Khi bị bệnh COVID-19, diễn tiến bệnh của mỗi người sẽ không giống nhau hoàn toàn, hậu COVID-19 cũng vậy. Như thế, các F0 khỏi bệnh được các chuyên gia chia nhóm như thế nào, thưa PGS?

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan:

F0 khỏi bệnh được chia làm 3 nhóm:

+ Những người khỏe mạnh, không có bệnh nền, điều trị COVID-19 tại nhà, mau khỏi bệnh: việc đi khám hậu COVID tùy theo sức khỏe, không có triệu chứng thì không cần đi khám.

+ Người có bệnh nền phải điều trị nội trú: nên khám hậu COVID sau khi xuất viện 3-4 tuần.

+ Nhóm bệnh nhân nặng phải hỗ trợ thở máy, ECMO: nên tái khám sau khi xuất viện 1 tuần.

3. Những người bị bệnh COVID-19 nhẹ nhanh khỏe có cần đi khám hậu COVID không?

Gần đây có những người khi bị COVID-19 triệu chứng rất nhẹ, điều trị tại nhà 1 tuần là khỏi nhưng vẫn có di chứng. Vì vậy theo tôi, nếu chúng ta thận trọng thì nên đi khám sau khi khỏi bệnh 1 tháng, chỉ cần dùng những xét nghiệm hết sức cơ bản (để giảm nhẹ nhất chi phí cho bệnh nhân), nếu có gì bất thường mới cần khám chuyên sâu hơn.

4. Địa phương chưa có phòng khám hậu COVID thì nên bắt đầu thăm khám từ đâu?

Với những địa phương mà bệnh viện chưa có phòng khám hậu COVID thì họ nên bắt đầu thăm khám từ đâu, thưa PGS?

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan:

Chúng ta thấy tổn thương lớn nhất do SARS-CoV-2 gây ra là tại phổi, vì vậy lựa chọn đầu tiên là khám chuyên khoa Hô hấp, chụp X-quang phổi vì biến chứng xơ phổi tương đối nhiều.

Nếu bệnh nhân mệt mỏi, khó thở mà khám phổi không có vấn đề gì thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân khám tim mạch, làm siêu âm tim, đo điện tim.

Tại BV Đại học Y dược TPHCM chúng tôi quan tâm thêm về các chỉ số viêm, chỉ số rối loạn đông máu, chức năng gan thận, chức năng tuyến giáp…

Tại các địa phương chưa có phòng khám hậu COVID, thông thường, bác sĩ đa khoa, bác sĩ nội khoa có thể khám được các vấn đề này. Còn các chuyên khoa tâm thần kinh, tai mũi họng, da liễu… chúng ta có thể đến đó sau.

Mời xem thêm: Khám hậu COVID-19 có gì, bao nhiêu tiền?

5. Nếu theo dõi tại nhà, sau bao lâu mà triệu chứng hậu COVID không thuyên giảm thì nên đi khám?

Thực tế, có những người gặp triệu chứng hậu COVID nhưng họ vẫn đợi cơ thể tự hồi phục, vì nghĩ rằng đây là tình trạng đương nhiên sẽ gặp sau một cơn bệnh. Vậy sau khỏi COVID-19 khoảng bao lâu mà triệu chứng không thuyên giảm thì nên đi khám ạ?

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan:

Tôi ủng hộ việc mọi người có suy nghĩ lạc quan như vậy, bởi yếu tố tâm lý đóng vai trò rất lớn trong đại dịch này, chúng ta chỉ cần lo lắng, căng thẳng, sợ hãi thôi là đã gây ra khó thở, mệt mỏi, mất ngủ.

Vì vậy chúng ta nên lạc quan, tin tưởng triệu chứng hậu COVID rồi sẽ đi qua, với điều kiện là ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, tâm lý vững vàng…

Sau khi đã làm tốt hết các biện pháp củng cố cho sức khỏe của mình: uống sữa, tập thể dục, phơi nắng sáng, ăn cam - chanh - quýt - bưởi, giữ tinh thần lạc quan mà sau 1-2-3 tháng vẫn chưa bớt thì có thể đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn những bài tập phục hồi chức năng hiệu quả hơn những việc tự làm tại nhà.

Kể cả xơ phổi thì người ta vẫn hi vọng sau 1 năm cơ thể sẽ tự chữa lành. Cho nên tôi nghĩ mốc tối đa cần đi khám bệnh là sau 1 năm.

>>> Mời xem thêm: Sổ tay phục hồi sau COVID-19: Ứng phó với mệt mỏi, khó thở, rối loạn giấc ngủ, tinh thần thế nào?

6. Làm sao nhận biết triệu chứng hậu COVID là thực sự hay do tâm lý lo lắng, tưởng tượng?

Một số trường hợp người khỏi bệnh vẫn khó chịu dai dẳng, tưởng rằng mình bị hậu COVID nhưng thực tế chỉ là do tâm lý lo lắng, hay tưởng tượng. Vậy việc này bản thân người bệnh và người nhà có tự xác định được không, hay phải đi khám mới biết, thưa PGS?

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan:

Nếu các khó chịu đó là do bệnh nhân lo lắng chứ không phải do bệnh lý thực thể thì cũng có biểu hiện dễ nhận biết, đó là họ cứ nói mãi về một vấn đề, đi khám gặp bác sĩ thì hỏi tới hỏi lui, ở nhà thì không yên tâm, ăn không được, ngủ không được, bứt rứt, bồn chồn… thì những người này nên đi khám thêm về tâm lý.

Tại phòng khám hậu COVID của BV Đại học Y dược TPHCM cũng có những bảng câu hỏi, bài test đơn giản để xem bệnh nhân có bị lo âu quá mức không, có bị trầm cảm không.

Còn biểu hiện của người lo lắng quá mức thì chưa cần đi khám người thân cũng dễ dàng nhận biết được. Tất nhiên là bản thân người bệnh sẽ không chấp nhận là mình đang có vấn đề tâm lý, tâm thần kinh, do đó nên đi khám để bác sĩ tâm lý, tâm thần kinh sẽ nhận diện ra được vấn đề bệnh nhân đang gặp phải.

Điều quan trọng là một số trường hợp bệnh nhân sẽ cần dùng thuốc. Thuốc điều trị bệnh tâm thần kinh thuộc chuyên khoa sâu, thậm chí một số thuốc các chuyên khác không được phép dùng.

Ngoài ra, để khẳng định bệnh nhân có bệnh lý thực thể không, chúng ta có thể làm một vài test khách quan, ví dụ nếu phim phổi bình thường, đo chức năng hô hấp bình thường, siêu âm tim và điện tim cũng bình thường… thì những điều này sẽ giúp bệnh nhân bớt lo lắng, căng thẳng. Đôi khi chỉ cần hết lo lắng là mọi triệu chứng cũng biến mất.

Đặc biệt là với bệnh nhân mất ngủ, từ mất ngủ sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, bệnh nhân mất ngủ nên đi khám sớm để có hướng hỗ trợ phù hợp. Đôi khi chỉ cần tư vấn tâm lý, làm những test cơ bản, bệnh nhân đã có thể yên tâm hơn và ngủ được. Những trường hợp nặng thì mới phải dùng thuốc.

7. Người bệnh COVID-19 đã khỏe rồi nhưng que test vẫn lên 2 vạch thì có nên khám hậu COVID không?

Với trường hợp người bệnh COVID-19 dù cơ thể đã khỏe rồi nhưng que test vẫn lên 2 vạch thì có nên khám hậu COVID không ạ? Theo PGS, trường hợp này có cách nào cho mau trở về 1 vạch không?

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan:

Theo nguyên tắc thì sau 14 ngày, virus SARS-CoV-2 không còn trong cơ thể người bệnh. Nếu test nhanh dương tính hoài thì cần xem chất lượng que test có tốt không, thực hiện các bước test có đúng không. Chúng ta có thể đến bệnh viện để làm test cho chính xác. Trường hợp trên 14 ngày vẫn còn virus thì rất hiếm.

8. Trước khi có dịch COVID-19, những bệnh lý nào gây triệu chứng tương tự hậu COVID?

Xin PGS cho biết thêm, trước khi có dịch COVID-19, những bệnh lý nào mà sau khi khỏi bệnh, họ vẫn có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, khó ngủ… tương tự hậu COVID không ạ?

PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan:

Thật ra virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cũng thuộc dòng cúm thôi.  Tổng cộng có 4 virus gây bệnh tương tự.

Cúm đã xảy ra nhiều năm quá rồi nên chúng ta coi thường nó, chứ thực tế tại Mỹ mỗi năm virus cúm làm 500.000-600.000 người tử vong chứ không ít. Sau cúm, bệnh nhân có thể mệt mỏi kéo dài, có những người yếu cơ rất lâu, cúm cũng có thể gây biến chứng trên phổi.

Trước đại dịch COVID-19 thì virus corona từng gây bệnh cúm nhẹ nên chúng ta không quan tâm đến nó. Cho đến khi xảy ra dịch SARS năm 2002 thì virus corona đã có dòng “ác” hơn, những người nhiễm virus SARS bị yếu cơ rất lâu, đi không được, thậm chí phải đi nạng, ngồi xe lăn.

Sau đó tới bệnh MERS ở Trung Đông cũng tương tự như vậy.

Tất cả dòng virus cúm có thể gây ra triệu chứng tương tự nhau, nhưng SARS-CoV-2 để lại di chứng nghiêm trọng nhất.

Xin cảm ơn phó giáo sư!

Hồng Nhung (ghi)

Sổ tay phục hồi sau COVID-19: Ứng phó với mệt mỏi, khó thở, rối loạn giấc ngủ, tinh thần thế nào?


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X