Hotline 24/7
08983-08983

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh từ móng tay, móng chân

Các vấn đề về sức khỏe thường sẽ biểu hiện trước qua răng, tóc và móng của chúng ta. Cần quan sát móng thường xuyên để sớm nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo. Trong bài viết dưới đây, BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế - Bệnh viện Quận Bình Thạnh sẽ chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này.

1. Móng tay, móng chân người khỏe mạnh có đặc điểm gì?

Bình thường móng tay, móng chân của một người khỏe mạnh sẽ có những đặc điểm gì ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Chúng ta thường ít quan tâm đến móng tay, móng chân. Đôi khi chị em phụ nữ còn sơn móng tay, vẽ hoa văn,… và không quan sát được móng tay, móng chân của mình.

Ông bà ta hay nói “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Như vậy các vấn đề về sức khỏe thường sẽ biểu hiện trước qua tóc, răng và móng của chúng ta.

Móng tay bình thường là:

- Móng có độ bóng, màu hồng nhạt (hồng nhẹ).

- Chắc khỏe, không bị xước móng, không dễ gãy.

- Vùng da xung quanh móng phải trơn, sạch sẽ, không bị xừ, tưa, không bị rách, không dễ bị xé rách hay chảy máu.

Thông thường móng tay khỏe sẽ đi kèm với người có sức khỏe tốt.

2. Nếu thiếu chất dinh dưỡng móng sẽ biểu hiện ra sao?

Khi cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng, điều đó thể hiện trên móng tay, móng chân ra sao?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Thiếu chất đa lượng, tức là chất sinh năng lượng như đường, đạm, béo thường sẽ sụt cân hoặc ảnh hưởng nhiều đến cân nặng và nhận thấy cảnh báo ngay.

Thiếu chất dinh dưỡng dạng vi chất là một dạng thiếu tiềm ẩn, thường không được chú ý. Những dấu hiệu dân gian thường được nhắc đến khi có vấn đề về sức khỏe, thiếu vi chất hoặc một số bệnh lý khác:

- Móng tay mất bóng.

- Móng tay chạy sọc.

- Dễ gãy.

- Có màu sẫm.

- Móng tay dễ bị bong, tước móng. Tước móng là móng không trơn, viền móng không rõ ràng, dễ bị xé cạnh cạnh trông tưa như răng cưa.

Một số trường hợp không phải do vấn đề bệnh lý, chẳng hạn như:

- Trong giai đoạn bị stress, trầm cảm.

- Đang sử dụng thuốc.

- Chế độ ăn đang bị mất cân bằng ở một phương diện nào đó.

Tóm lại khi thấy móng tay có biểu hiện không bình thường, chúng ta nên lưu ý hơn về sức khỏe của mình. Và xem xét lại các vấn đề liên quan đến lối sống sinh hoạt trong thời gian gần đây (khoảng 3 - 6 tháng). Tìm hiểu nguyên nhân, vấn đề cần điều chỉnh hoặc thay đổi để tốt hơn.

3. Có nên sơn móng tay khi đi khám sức khỏe?

Có một số lời khuyên là không nên trang điểm, tô son hay sơn móng tay khi đi khám sức khỏe. Theo BS thời điểm hiện nay, với rất nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại, việc này có cần thiết nữa không?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Với kỹ thuật y học hiện nay, việc sơn móng tay không còn là vấn đề quá quan trọng. Tuy nhiên nếu chúng ta không sơn móng tay thì việc bác sĩ nhìn vào bàn tay hoặc chúng ta tự nhìn bàn tay hằng ngày cũng có thể theo dõi sức khỏe ở một phương diện nào đó.

Khi đi hiến máu nên hạn chế trang điểm để quan sát mặt, môi, tóc và nhìn ra những biến đổi về sức khỏe. Trong tình trạng cấp tính bị mệt, môi tái, mặt nhợt nhạt có thể được nhận diện dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, vẫn có máy đo huyết áp, đo SpO2, những xét nghiệm sinh hóa đi kèm. Trong trường hợp khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám bệnh phụ nữ vẫn có thể làm đẹp. Nhưng lưu ý, nên thông tin đến bác sĩ hoặc người theo dõi.

Nguyên tắc đo SpO2, là một cảm ứng đọc lượng oxi nằm trong mao mạch dưới nền móng. Khi chúng ta sơn móng tay sẽ cản bớt và chỉ số này có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Nên cắt tỉa móng, vệ sinh móng và chăm sóc răng tóc hằng ngày, vệ sinh sạch sẽ. Việc sơn, trang trí móng tay không cấm tuyệt đối nhưng nên hạn chế để có thể tự theo dõi sức khỏe cũng như nhận thấy các dấu hiệu bộc lộ sớm hơn. Từ đó, có những giải pháp phòng ngừa và điều chỉnh trong lối sống sinh hoạt.

4. Quan sát móng tay có đoán được bệnh?

Trên mạng có rất nhiều thông tin về việc quan sát móng tay để đoán biết sức khỏe nhưng không rõ những thông tin đó có xác thực hay không. Nhờ BS giải đáp các trường hợp sau:

- Móng dễ gãy

- Móng dễ bong tróc trên bề mặt

- Móng có nứt gãy theo chiều dọc

- Móng có nhiều gợn sóng theo chiều ngang (như vỏ sò)

- Móng có nhiều vết rỗ (vết lõm nhỏ gần nhau)

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Tiêu chuẩn một bộ móng đẹp là bộ móng chắc khỏe, bóng, hồng. Nền móng có nhiệt độ mạch máu nuôi dưỡng nên chúng ta sẽ thấy được màu hồng. Móng tay là chất sừng, không có màu, không có sắc tố nếu nhìn thấy màu hồng là do nền móng đầy đủ oxi và mau mạch nuôi ở phía dưới.

Do đó, khi thấy móng tay không bóng, dễ bị gãy, sạm, dễ bong, xé rách hoặc móng tay có rổ, có những hạt gạo (theo dân gian thường gọi) đó là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe. Thông thường xuất phát từ nguyên nhân thiếu vi chất hoặc những nguyên nhân tác động từ bên ngoài cuộc sống như người công tác trong những lĩnh vực tiếp xúc nhiều với hóa chất.

Tuy nhiên để xác định cảnh báo chính xác:

- Cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế.

- Thăm khám với nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác.

- Thậm chí là các xét nghiệm về máu như xét nghiệm đông hay những loại chất khoáng lắng đọng trong mạch máu.

- Xét nghiệm tìm những ngộ độc về thạch tín hay thủy ngân.

- Tìm những triệu chứng từ mắt, tóc hay những cơ quan nội tạng khác để có thể chẩn đoán chính xác.

Không phải dựa vào biểu hiện của móng tay mà có thể chẩn đoán được bệnh.

5. Đâu là triệu chứng báo động của móng để chúng ta đi khám bệnh?

Trong các biểu hiện ở móng tay, móng chân, đâu là triệu chứng báo động để chúng ta đến BS thăm khám? Bệnh nhân cần đến những chuyên khoa nào, và trường hợp nào cần đến bác sĩ dinh dưỡng ạ?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Có nhiều vấn đề thường gặp như:

- Thiếu các loại vi khoáng như canxi, kẽm, vitamin A: Móng tay dễ gãy, xước, móng tay mềm.

- Bệnh lý tim mạch: Ngón tay dùi trống.

- Bệnh lý về máu như thiếu mau, thiếu sắt: Móng tay nhợt, bị mất bóng, móng hình võng, hình yên ngựa.

Chúng ta nên theo dõi và quan sát thường xuyên để xem có những dấu hiệu triệu chứng đó hay không. Khi phát hiện, chúng ta cần xử lý như sau:

- Đầu tiên không nên hoang mang. Nếu tìm đọc trên mạng rất nhiều nguồn thông tin không xác thực và không chính thống sẽ dẫn đến căng thẳng, lo lắng nhiều hơn. Từ đó có những giải pháp không khoa học và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Nên có sự tư vấn của chuyên gia y tế, cụ thể nhất là bác sĩ hoặc những người có chuyên môn về y tế, y khoa, có cơ sở khoa học rõ ràng. Từ đó xác định dấu hiệu đang xảy ra liên quan đến bệnh lý nào. Cần làm thêm xét nghiệm hay những thăm khám nào để xác thực.

- Sau đó nên tìm hiểu và lên kế hoạch quá trình điều trị bệnh, những chất cần bổ sung cũng như chế độ ăn uống.

- Móng cần có thời gian tái tạo nên phải theo dõi khi nào móng trở lại bình thường. Sau đó tìm hiểu các giải pháp tiếp theo để có sức khỏe tốt và móng tay không xuất hiện dấu hiệu như trước đây.

6. Ăn gì giúp móng mọc lại nhanh chóng?

Liên quan đến móng thì bạn đọc AloBacsi cũng hay hỏi về việc bị bật móng chân, chờ đợi mọc móng mới. Trường hợp này thì liệu có thể ăn những món gì giúp móng mọc lại nhanh chóng, thưa BS?

BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư trả lời: Đây là tâm lý chung của nhiều người, cần phải xem xét các vấn đề sau đây:

- Cơ thể lúc đó có đang thực sự khỏe mạnh không. Nếu móng tay, móng chân đang trong tình trạng bóng, hồng, chắc khỏe thì việc móng mọc lại rất đơn giản. Vẫn giữ chế độ ăn uống đa dạng, đầy đủ, bổ sung những vi chất hấp thu tốt móng sẽ tự mọc lại.

- Đối với trường hợp móng tay, móng chân có những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe như móng mất bóng hoặc móng nhợt, dễ gãy. Đây là tình trạng bệnh lý hoặc những dấu hiệu sức khỏe không tốt đã có từ trước. Nên quan tâm đến sức khỏe hơn là ăn uống như thế nào để móng nhanh mọc. Nếu điều chỉnh tốt dưới hướng dẫn của chuyên gia y tế, kết hợp ăn uống bổ sung vi chất thì móng bị mất sẽ mọc lại và các móng còn lại cũng sẽ chắc khỏe. Khi sức khỏe chúng ta tốt móng sẽ đẹp hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X