Hotline 24/7
08983-08983

Cả nước có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh thiếu máu, coi chừng sai số khi theo dõi đường huyết bằng HbA1c

Đó là ý kiến của PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa - bộ môn Huyết học, khoa Y, ĐH Y dược TPHCM khi đưa ra một vấn đề lâu nay chưa được chú ý đến, đó là xét nghiệm đường huyết ở người bị thiếu máu, trong bài thuyết trình tại hội nghị VADE 2020.

PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa - bộ môn Huyết học, khoa Y, ĐH Y dược TPHCM

Đến tham dự Hội nghị khoa học về bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ X (VADE 2020), PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa - bộ môn Huyết học, khoa Y, ĐH Y dược TPHCM trình bày đề tài “Ảnh hưởng của biến thể hemoglobin và thiếu máu với mục tiêu kiểm soát HbA1c tối ưu ở bệnh nhân tiểu đường”, đưa ra một vấn đề lâu nay chưa được chú ý đến, đó là xét nghiệm đường huyết ở người bị thiếu máu.

PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa đưa ra các nội dung: Bản chất HbA1c là gì, vai trò của HbA1c trong chẩn đoán và theo dõi bệnh tiểu đường, các phương pháp đo HbA1c hiện nay, các yếu tố ảnh hưởng việc đo lường HbA1c, biến thể hemoglobin và sự sai số trong định lượng HbA1c, thiếu máu tác động đến mục tiêu kiểm soát tối ưu HbA1c trên bệnh nhân tiểu đường.

Phó giáo sư cho biết, hiện có hơn 700 biến thể hemoglobin được biết đến và khoảng 1/2 các biến thể này không có triệu chứng lâm sàng. Những biến thể hemoglobin có triệu chứng thường tạo ra một thay đổi ái lực oxy hoặc hemoglobin không ổn định về cấu trúc phân tử. Các biến thể hemoglobin phổ biến nhất toàn cầu là HbS, HbE, HbC và HbD.

alobacsi Biến thể của hemoglobin và HbA1C Biến thể của hemoglobin và HbA1C và lưu ý của PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa

Tại diễn đàn thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) khu vực Đông Nam Á diễn ra ngày 25/4/2019 tại Hà Nội, đại diện Viện huyết học - truyền máu trung ương đã đưa ra công bố mới nhất về khảo sát, nghiên cứu thalassemia tại Việt Nam. Đây là nghiên cứu được thực hiện trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay về bệnh này, với 30.000 người thuộc 38 dân tộc tại các vùng miền trên cả nước. Các xét nghiệm cũng được thực hiện bằng kỹ thuật hiện đại nhất.

Nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 20.000 bệnh nhân thalassemia và bệnh hemoglobin cần được điều trị, 44% là trẻ em dưới 15 tuổi. Chi phí ước tính 3 tỷ đồng/người đến năm 30 tuổi và cần 500.000 đơn vị máu cho bệnh nhân.

Kết quả này phản ánh tỷ lệ mang gen bệnh khoảng 13%, như vậy trên cả nước có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh. Tỷ lệ này khác nhau ở các dân tộc và vùng miền.

Mang gen bệnh thấp nhất là dân tộc Kinh (chiếm 7%) ở đồng bằng sông Hồng, 10,8% ở TPHCM và 13,7% ở miền Trung. Tỷ lệ mang gen bệnh của dân tộc Tày là 26,1%, Thái (38%), Mường (41%), Khơ Me (43,8%), đặc biệt cao với người dân tộc Gia Rai (73,3%) và Ê Đê (80,1%).

Nguyên lý của điện di mao quản - capillary electrophoresis

Về mối quan hệ giữa thiếu máu và HbA1c, PGS.TS.BS Huỳnh Nghĩa cho biết, phân tích ở các nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải tầm soát bệnh thiếu máu ở bệnh nhân trước khi điều trị bệnh tiểu đường được chẩn đoán qua mức HbA1c. Tình trạng thiếu máu cần được điều chỉnh trước khi đặt mục tiêu điều trị là kiểm soát HbA1c tối ưu, đặc biệt khi mức độ trong ngưỡng chẩn đoán. Mục đích của việc kiểm soát HbA1c nghiêm ngặt không được khuyến cáo ở bệnh nhân thiếu máu trước khi tình trạng thiếu máu được điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo PGS Nghĩa, cũng cần có các nghiên cứu can thiệp quy mô lớn hơn nữa để biết chính xác mục tiêu của việc kiểm soát HbA1c tối ưu ở người bệnh tiểu đường và không mắc bệnh tiểu đường.

Phó giáo sư đúc kết: HbA1c hiện nay là xét nghiệm được dùng để chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị của bệnh đái tháo đường. Nhưng khi biện luận kết quả xét nghiệm cần lưu ý các yếu tố gây nhiễu, nhất là các bệnh lý bất thường về hemoglobin và tình trạng thiếu máu của bệnh nhân. Điện di hemoglobin với kỹ thuật mao quản có thể cho chính xác ước lượng của HbA1c.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X