Hotline 24/7
08983-08983

BV Nguyễn Tri Phương: Thay lại khớp gối thành công

Bác sĩ Nirad Suresh Vengsarkar, cố vấn cao cấp về phẫu thuật chấn thương chỉnh hình (Ấn Độ) vừa thực hiện thành công thay lại khớp gối tại BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM.

>> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn 

Khớp gối nhân tạo được sử dụng thuộc thế hệ TC3, có phần mâm chày xoay được, được thiết kế đặc biệt để phù hợp với những trường hợp thay lại. Trao đổi với PV, BS  Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương, cho biết đây là những ca thay lại khớp gối đúng bài bản đầu tiên tại Việt Nam.

Bác sĩ Nirad phẫu thuật thay lại khớp gối tại BV Nguyễn Tri Phương
Ảnh: Lan Chi

Trong ngành chấn thương chỉnh hình, thay khớp gối là một kỹ thuật khó, thay lại khớp gối còn khó hơn một bậc. Cho đến nay, một số nơi đã thực hiện thay lại khớp gối nhưng không chính quy do không dùng đúng loại khớp chuyên dụng, khiến thời gian sử dụng khớp mới không lâu và chức năng khớp gối của bệnh nhân bị giới hạn.

Khám định kỳ để phát hiện sớm

Bệnh nhân từng thay khớp cần đến bác sĩ để được khám định kỳ thường xuyên, đặc biệt nếu cảm thấy đau, đi lại khó khăn... Có nhiều ca không sử dụng được khớp gối nhân tạo đã thay vì nhiều lý do như nhiễm trùng, sai sót về kỹ thuật mổ, khớp bị hư sau một thời gian sử dụng. Khi đến khám, nếu phát hiện có dấu hiệu hủy xương ở phần xương nằm dưới khớp nhân tạo, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thay lại khớp gối. Đặc biệt, trường hợp khớp bị nhiễm trùng thì phải xử lý sớm vì để càng lâu, vi khuẩn càng ăn mòn xương khiến rất khó thay lại khớp mới.

Trong số các ca do bác sĩ Nirad thực hiện tại BV Nguyễn Tri Phương, có một trường hợp nhiễm trùng tiềm ẩn, không được phát hiện khi xét nghiệm trước phẫu thuật mà phải mổ, lấy mẫu mô trong khớp gối bệnh nhân đem soi tươi để xác định. Nếu có kết luận nhiễm trùng thì ngưng thay khớp mới để xử lý dứt điểm vi khuẩn bằng kháng sinh phù hợp khi có kết quả cấy vi trùng và kháng sinh đồ trong thời gian từ 3-6 tháng. Ca nhiễm trùng nói trên được phát hiện ở giai đoạn khá sớm, nên lần mổ thay lại khớp sau thời gian trị dứt nhiễm trùng sẽ thuận lợi.

Cần triển khai trong nước

Theo BS Nam Anh, do là kỹ thuật phức tạp, thời gian mổ thay lại khớp gối khá dài, trung bình từ 4-5 giờ/ca. Do đó, bệnh nhân phải được xét nghiệm đầy đủ, chuẩn bị sẵn máu để truyền, xương ghép... Trong quy trình mổ, khó khăn đầu tiên là không còn mốc xương để dựa vào đó các bác sĩ có thể đặt lại khớp cho đúng giải phẫu bình thường do xương bị hư hỏng nhiều. Kế đến, bệnh nhân có thể đã bị cứng khớp gối một thời gian, hình thành nhiều mô xơ.

Bác sĩ sẽ phải thực hiện mổ giải phóng khớp, bóc tách mô xơ rất nhiều để lộ rõ xương ra mới có thể giải phẫu tiếp. Việc lấy khớp nhân tạo cũ ra mà tránh làm hư xương thật dính liền cũng rất kỳ công, có thể mất đến 2 tiếng đồng hồ. Sau cùng, khi mọi thứ đã sẵn sàng, khớp mới được đặt vào phải đúng với khớp sinh lý thì bệnh nhân mới đi đứng bình thường được. Nếu đặt quá cao hoặc quá thấp, bệnh nhân sẽ bị hạn chế gập duỗi của khớp gối.

Dự kiến từ đây tới cuối năm, BV Nguyễn Tri Phương sẽ tiếp tục mời các chuyên gia Ấn Độ và Mỹ sang mổ thay lại khớp gối. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật và được cung cấp khớp nhân tạo chuyên dụng, Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện này sẽ chính thức thực hiện thay lại khớp gối trong năm 2013.

Kỹ thuật thay khớp gối được thực hiện lần đầu ở Việt Nam cách đây đã 15 năm, nên ngay cả với những bệnh nhân được thay thành công, không bị nhiễm trùng thì đến nay cũng tới thời điểm khớp bắt đầu hư hỏng. Vì vậy việc các bệnh viện trong nước triển khai thay lại khớp gối là rất cần thiết.

AloBacsi.vn (Theo Thanh niên)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X