Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Trần Diệp Khoa tư vấn bệnh tim mạch

Chiều 30/11, BS.CK2 Trần Diệp Khoa, BV Nhân dân 115 giải đáp về bệnh tim mạch với bạn đọc Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.

Các vấn đề huyết áp, tim mạch luôn được bạn đọc quan tâm thường xuyên, nhất là với gia đình có người đang bị suy tim, rung nhĩ, bệnh mạch vành, đặc biệt là rối loạn nhịp tim…
Tuần này BS.CK2 Trần Diệp Khoa - Phụ trách trưởng khoa Nhịp tim học, BV Nhân dân 115 sẽ giải đáp câu hỏi của bạn đọc/bệnh nhân về vấn đề này.
Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.
NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Tuấn Anh - tuananh...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em 27 tuổi. Cách đây mấy tháng vào lúc sáng sớm em có bị tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt, tay chân tê, run run, đầu cảm giác tê, căng da đầu, buồn nôn. Khi đó em nằm xuống khoảng tầm hơn 1 tiếng thì hết .

Từ bữa đó đến hôm tuần vừa rồi em lại bị triệu chứng như vậy. Mong bác sĩ cho em biết em bị bệnh gì không ạ?


BS.CK2 Trần Diệp Khoa


Chào bạn,

Chóng mặt, hoa mắt là một triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân như: chóng mặt kịch phát tư thế lành tính, chóng mặt cấp (hội chứng tiền đình cấp), ngoài ra triệu chứng này có thể gặp trong cơn rối loạn nhịp.

Do vậy, bạn nên làm holter điện tâm đồ 24h để phát hiện cơn rối loạn nhịp, đồng thời khám chuyên khoa Nội thần kinh.


FB Minh Nguyệt

Chào bác sĩ,

Em mang thai được hơn 1 tháng. Em muốn tìm hiểu nhịp tim của thai phụ trong thai kỳ thay đổi như thế nào là bình thường, nhất là những dấu hiệu mà mẹ cảm nhận được.

Mong bác sĩ cho em biết. Em cảm ơn bác sĩ!


BS.CK2 Trần Diệp Khoa


Chào Minh Nguyệt,

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có sự thay đổi về hệ thần kinh - nội tiết. Tần số tim tăng từ 10-20% so với trước lúc mang thai.

Tỷ lệ rối loạn nhịp tim phát sinh trong thai kỳ là rất thấp, bạn đừng quá lo lắng.
Bạn đọc Tuấn - tuanj...@gmail.com
Chào bác sĩ Khoa,

Em 31 tuổi. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây cứ mỗi khi căng thẳng là em lại hồi hộp, lo lắng. Đi khám đo huyết áp thì bác sĩ đều bảo huyết áp cao và nhịp tim nhanh, huyết áp là 140/90 có lần lên đến 160/90, nhịp tim khoảng 90-95 nhịp/phút.

Sau lần khám đó, em thường xuyên đo kiểm tra tại nhà mỗi 3 ngày 1 lần bằng máy đo huyết áp cánh tay thì huyết áp của em chỉ dao động từ 110/70 đến 130/80 và nhịp tim từ 80-90.

Em cao 178cm, cân nặng 76kg, em chạy bộ vào buổi sáng ngủ dậy.

Vậy bác sĩ cho em hỏi em bị huyết áp cao hay là do tâm lý không ổn định? Em có thể điều trị dứt tình trạng này không ạ? Em xin cảm ơn.


BS.CK2 Trần Diệp Khoa


Chào bạn Tuấn,

Xác định tăng huyết áp dựa vào các ngưỡng giá trị huyết áp đo huyết áp tại phòng khám/ bệnh viện, đo holter huyết áp 24h.

Trong trường hợp của bạn thì nên thực hiện holter huyết áp 24h để xác định bạn có thật sự tăng huyết áp hay không.


Trịnh Lam, 22 tuổi

Cháu xin chào bác sĩ,

Cháu là nữ, cháu mắc bệnh thấp tim hơn 10 năm rồi.

Gần đây cháu thấy tình trạng bệnh tim của mình có dấu hiệu nặng hơn trước kia. Lúc đang đứng chơi với bạn bè thì cháu hít thở sâu thấy nhói đau ở long ngực. Thấy những cơn đau tim, những cơn thở dốc khó chịu và sức khỏe của cháu ngày càng giảm sút.
Vậy bác sĩ cho cháu hỏi giờ cháu phải làm gì với tình trạng hiện giờ? Cháu xin cảm ơn.

BS.CK2 Trần Diệp Khoa
Chào bạn,

Một trong những biến chứng thấp tim là bệnh lý van tim như: hẹp hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ… bạn nên đi siêu âm tim, xác định sang thương van tim để có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả.
FB L. Lam

Chào BS Khoa,

Tôi là nữ, 59 tuổi, gần đây có tình trạng đau thắt ngực, chóng mặt, ù tai, rối loạn nhịp tim, nằm ngửa khó thở, trống đánh trong ngực, hồi hộp.

Mong BS cho biết tôi có thể bị bệnh gì và cần làm những xét nghiệm, chụp chiếu gì để tìm ra bệnh ạ? Xin cảm ơn!


BS.CK2 Trần Diệp Khoa

Chào chị,

Bệnh tim mạch có các yếu tố nguy cơ như:

- Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được như: tuổi, giới, di truyền (gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm).

- Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá.

Chị nên đi khám đánh giá tổng quát về tim mạch (xét nghiệm đường huyết, lipid máu, điện tâm đồ, siêu âm tim…) tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý tim mạch nếu có.




FB V. Kiên

Xin chào BS Khoa,

Chiều này em ngủ dậy và vào nhà vệ sinh thì bị choáng và lịm đi khoảng 1 phút. Tỉnh dậy thấy chóng mặt, tim đập hơi nhanh và khó chịu trong nguời.

Sáng thì sức khỏe vẫn bình thường nhưng ban trưa em có nấu canh cà tím và ăn hết 1 quả. Lên mạng đọc thì báo nói ăn nhiều cà tím dễ trúng độc. Em hỏi không biết báo nói đúng không, có phải em bị trúng độc không?

Em có tiền sử bệnh tim nhưng chưa bị như thế bao giờ ạ. Em cảm ơn bác sĩ!


BS.CK2 Trần Diệp Khoa

Chào em,

Ngất là tình trạng mất ý thức tạm thời do giảm tưới máu não với các đặc điểm: khởi phát nhanh, thời gian kéo dài ngắn và hồi phục tự nhiên hoàn toàn.

Ngất do nhiều nguyên nhân:

- Ngất phản xạ/ ngất qua trung gian thần kinh

- Ngất do hạ huyết áp tư thế

- Ngất do tim mạch

+ Rối loạn nhịp (rối loạn nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim chậm)

+ Bệnh tim cấu trúc

Em nên tầm soát nguyên nhân ngất tại chuyên khoa tim mạch.

FB L. Huyền

Chào BS,

Em bị bệnh tim hở van 2 lá độ 1 và bị thông liên thất phần màng. Dạo này sức khỏe em vẫn bình thường nhưng nhịp tim thất thường, hay đập ngắt quãng vào lúc nghỉ ngơi. Nằm ngủ cũng bị nhưng đổi tư thế thì đỡ hơn.

Em muốn hỏi giờ em phải làm sao ạ?


BS.CK2 Trần Diệp Khoa

Chào bạn Huyền,

Rối loạn nhịp tim có thể gặp trong bệnh tim bẩm sinh người lớn. Trong trường hợp của bạn, để chẩn đoán xác định kiểu rối loạn nhịp tim, bạn nên đo holter điện tâm đồ 24h, từ đó có hướng điều trị thích hợp.
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X