Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng: Đau thắt lưng cần kiêng cữ thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - BV Nhân dân 115 tư vấn về các dấu hiệu của đau thắt lưng cũng như phương pháp điều trị, cách phòng ngừa... với bạn đọc AloBacsi.


AloBacsi trân trọng gửi đến quý bạn đọc nội dung tiếp theo của buổi tư vấn:

NỘI DUNG TƯ VẤN

Thưa bác sĩ, nhiều người than phiền: “Đau thắt lưng, đã chữa nhiều nơi không khỏi”, trường hợp này họ cần xem xét những yếu tố nào trong quá trình điều trị bệnh?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Trường hợp này nên xem lại:

- Chẩn đoán đã đúng chưa
- Điều trị có phù hợp với chẩn đoán không.

Nếu được chẩn đoán đúng, điều trị phù hợp thì bệnh sẽ bớt.


Người bị đau thắt lưng cần lưu ý gì trong sinh hoạt thường ngày (các động tác nên làm, các động tác cần tránh, nằm ngủ thế nào, chọn nệm, lưu ý khi quan hệ tình dục)?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Các động tác cần tránh trong sinh hoạt hàng ngày đối với người đau thắt lưng:

Ngồi thẳng lưng với các động tác lao động, sinh hoạt, đặc biệt các lao động phải ngồi lâu. Hơn nữa, ngồi khoảng một giờ nên thay đổi tư thế, đi lại và vận động lưng một vài phút.

Không nên tập hoặc làm các động tác cúi lưng tối đa với người bị thoát vị đĩa đệm vì sẽ làm tăng áp lực lên đĩa đệm về một phía làm tăng nguy cơ đẩy khối thoát vị nhiều hơn.

Nâng vật nặng nên giữ thẳng lưng nhất có thể, tận dụng sức mạnh của chân phối hợp để nâng vật lên.

Với những bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp nên đeo đai cột sống thắt lưng. Với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thì ngoài đeo đai cột sống khi đau còn nên đeo đai khi đi xe máy, ô tô đường dài.

Không nên nằm ngủ bằng võng, không nên dùng các nệm có độ lún nhiều làm cho lưng ở tư thế cong kéo dài khi ngủ. Với người đang bị đau thắt lưng nhiều nên nằm ngửa khi ngủ và kê gối ôm dưới 2 khớp gối để cho cơ vùng thắt lưng được thư giãn.

Với sinh hoạt tình dục: Tìm hiểu các tư thế sinh hoạt tình dục, chúng tôi nhận thấy không có nhiều ảnh hưởng tới cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, thường hay xuất hiện đau lưng sau khi sinh hoạt tình dục, đặc biệt ở nam giới lớn tuổi. Nên, không sinh hoạt tình dục khi đang đau nhiều, mà tốt nhất là sinh hoạt khi đã hết đau. Nếu đau mạn tính, kéo dài thì nên sinh hoạt tình dục với các tư thế ít gây đau nhất theo kiểu truyền thống tần suất vừa phải.


Người bị đau thắt lưng có kiêng cữ gì trong ăn uống không? Những món ăn nào tốt cho người bị đau thắt lưng?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Theo dân gian thì đau thắt lưng và đau cơ xương khớp nói chung nên kiêng ăn măng, cà pháo, cà tím và một số thức ăn được cho là lạnh quá. Nhưng chúng tôi chưa tìm kiếm được bằng chứng là khi ăn những thức ăn này làm tăng nặng bệnh.

Có khá nhiều các thức ăn bài thuốc được cho là có lợi cho người bị đau thắt lưng. Với chúng tôi, có một số vừa là thức ăn vừa là thuốc hay được dùng cho chữa các chứng đau, nên có thể tham khảo một số món ăn có kèm các thành phần sau có thể có lợi: lá lốt, kỷ tử, đỗ trọng, hạt sen, rắn…

Béo phì có ảnh hưởng tới đau thắt lưng. Tỷ lệ béo phì có liên quan tới gia tăng đau thắt lưng, do đó những người đau thắt lưng phải chú ý trong khẩu phần ăn để không bị béo phì.


PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC ALOBACSI (tiếp theo)

- Nguyễn Chinh, 50 tuổi - TPHCM

Chào bác sĩ,

Khoảng 1 tuần nay tôi bị căng, hơi đau phía sau ót (trên chân tóc sau gáy) bình thường thì không dao như khi ngửa cổ và xay qua trái, phải thì thấy hơi đau và có cảm giác căng, tôi đã qua khoa nội thần kinh ở Bệnh viện 30-4 khám thì bác sĩ chẩn đoán đau cơ nhẹ nên được chuyển qua khoa đông y điện châm.

Sau khi châm cứu tôi về nhà thì cơn đau nặng hơn ở phía bên trái, đau nhiều sau tai, nuốt nước bọt cũng đau không cử động cũng đau.

Ngày hôm sau trở lại phòng khám đông y do tôi nói đau quá nên khoa chỉ định sang mát xa chứ không điện châm nữa và nói sau ngày đầu điện châm đau như thế là bình thường.

Nhưng hiện nay tôi về vẫn đau rất nhiều không thể quay đầu được và nuốt nước bọt cũng rất đau phía gáy, cổ bên trái.

Tôi xin bác sĩ tư vấn tình trạng của tôi có bình thường không (sau điện châm lần đầu) có nên tiếp tục điều trị đông y hay có cần đề nghị chiếu chụp gì thêm không?

Rất mong được bác sĩ tư vấn! Tôi xin cám ơn.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Chào bác,

Tình trạng của bác chắc sẽ phải tìm hiểu theo 2 hướng:

Đau hiện tại của bác có phải là do các bệnh khác ngoài đau cơ vùng cổ hay không. Ví dụ đau do bệnh quai bị, viêm tuyến nước bọt mang tai, dưới hàm… Nếu có, thì phải chữa theo hướng này.

Nếu không phải do các bệnh khác đi kèm mà chỉ là đau do cơ:

- Đau tăng sau châm cứu: Do cơ bị co trong quá trình châm, làm cho sau châm tình trạng đau tăng lên. Đây là lý do rất hay gặp khi bệnh nhân hay phản xạ gồng cứng cơ khi châm.

- Chảy máu: Chảy máu cũng là một biến chứng khá thường gặp nhưng không nguy hiểm do kim châm cứu khá nhỏ nên không gây chảy máu nhiều, nhưng khi chảy máu ở dưới da hoặc trong cơ có thể thấy đau tăng.

Cả 2 trường hợp này đều có thể giảm sau khi được dùng thuốc giảm đau, chống viêm, tiêu sưng nề và thuốc giãn cơ trơn. Không nên tiếp tục châm cứu.

Còn chẩn đoán thêm bằng các phương pháp như siêu âm, Xquang nên làm khi tìm các nguyên nhân khác khi đau vùng này mà chưa kiểm tra hết.


Bạn đọc T.A. tinhanh...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Mẹ em bị tăng huyết áp,rối loạn tiền đình, thường xuyên mất ngủ, đang uống hoạt huyết dưỡng não, hoạt huyết Nhất Nhất.

Người ta có bày cách trị dân gian là uống lá cây đinh lăng phơi nấu nước uống, nhưng không biết uống được không vì mẹ bị tăng huyết áp. Nhiều người nói đinh lăng chỉ dùng cho người huyết áp thấp.

Rất mong sự tư vấn của bác sĩ, em cám ơn ạ.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Chào em,

Theo đông y, lá đinh lăng có tính mát, có tác dụng lương huyết, hoạt huyết. Với những tính chất này thì không đáng ngại khi bị tăng huyết áp, rối loạn tiền đính, mất ngủ.


Bùi Đức Tình - ductinh...@icloud.com

Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh sỏi túi mật khoa đông y mình có phương pháp nào chữa trị khỏi bệnh này không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Chào bác,

Hiện tại đông y chưa có thuốc nào điều trị được bệnh sỏi túi mật được chứng minh có tác dụng.

Nếu bác bị sỏi túi mật thì nên tư vấn bác sĩ về tiêu hoá để xem có xử trí gì ngay hay có thể “chung sống hoà bình với sỏi”.


Vương Bảo Châu - TPHCM

Chào bác sĩ,

Tôi muốn hỏi muốn làm cấy chỉ giảm cân toàn thân có nguy hiểm không? Và phụ nữ cho con bú làm cấy chỉ giảm cân được không ạ?

Thông tin thêm: Tôi bị bênh suyễn di truyền nhẹ.

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Chào bạn,

Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhân Dân 115 vẫn cấy chỉ giảm cân cho bệnh nhân và chúng tôi chưa ghi nhận thấy có biến chứng gì. Để hiệu quả cao hơn, bạn nên tăng cường luyện tập.

Nếu là phụ nữ cho con bú, khi con quá 6 tháng hãy làm phương pháp này.

Với bệnh hen suyễn, chúng tôi có kinh nghiệm và cũng là thế mạnh của cấy chỉ điều trị hen tại khoa chúng tôi.

FB H. Ngân

Em có tiền sử bệnh về dạ dày, vậy em có uống được trà gừng nấu với sả và chanh không ạ?

Em đọc nhiều thông tin là uống như vậy sẽ thải độc tố cho cơ thể. Nếu em uống mỗi buổi sáng nhưng uống ít có được không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Chào em,

Gừng tươi là một vị thuốc trong đông y để ôn ấm tỳ vị, được chỉ định dùng trong viêm loét dạ dày - tá tràng. Có thể dùng hàng ngày, tuy nhiên nên dùng vào buổi sáng, vì theo y học cổ truyền thì dùng gừng vào buổi sáng có lợi cho sức khoẻ nhưng dùng buổi tối đôi khi có hại cho sức khoẻ như thuốc độc.

Sả cũng là vị thuốc trong đông y có tác dụng chủ yếu trên tỳ vị và cũng có tính ôn ấm. Một số tác giả cũng cho rằng sả có tác dụng giải độc cơ thể, tác dụng này có lẽ có được do tăng cường khả năng tiết mật và tăng thải độc qua đường tiêu hoá hoặc qua đường tiết niệu, nhưng chưa có chứng cứ rõ ràng.

Chanh thì chia tác dụng khác nhau cho từng bộ phận của cây. Trong y học cổ truyền thường dùng vỏ quả chanh, còn lá chanh ít có đề cập.

Nếu có tiền sử loét dạ dày tá tràng thì có thể sử dụng 3 loại trên, có điều cả 3 thuốc nam trên đều có vị ấm và tính hành khí, nên nếu dùng kéo dài có khi bị hao khí hoặc làm cho người bị nhiệt quá.

Còn vấn đề thải độc cơ thể là cơ thể đưa các chất chuyển hoá có độc hoặc dư thừa ra khỏi cơ thể bằng nhiều con đường như da, hơi thở, tiêu hoá, tiết niệu. Nên nếu như không thấy có vấn đề gì đặc biệt thì không nhất thiết phải quan tâm tới giải độc vì cơ thể đã tự điều hoà việc này phù hợp, còn nếu có vấn đề thì nên khám bệnh để xem cần làm cái gì.

Ví dụ: Táo bón kéo dài thì giải quyết táo bón, suy thận thì chữa suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn thì phải làm cho giãn phế quản, giảm tiết dịch đường hô hấp để điều hoà lại khí hấp thu và khí thải ra…


FB N. Thơ

Cho mình hỏi,

Chồng mình bị cao huyết áp, cholesterol cao trong máu. Nhưng chồng mình thường xuyên uống gừng, tỏi, chanh và mật ong với nước ấm vào buổi sáng. Liệu như vậy có tác dụng xấu đến tình trạng sức khỏe không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng

Gừng được chứng minh là có tác dụng tốt làm giảm cholesterol, tỏi cũng được chứng minh như vậy. Chanh là một loại trái cây được khuyên dùng cho bệnh nhân bị xơ vữa mạch. Cho nên bài này chồng chị có thể sử dụng được và nên dùng vào buổi sáng. Lưu ý, sau khi dùng khoảng 3 tháng thì nên ngưng khoảng nửa tháng lại dùng tiếp.

Đồng thời, chồng chị nên dùng phối hợp với thuốc tây y như Statin hay Fibrat nếu là LDL cao hay triglyceride cao theo chỉ định của bác sĩ tim mạch để giảm thiểu nguy cơ tai biến mạch vành tim hoặc não.


Thực hiện: Hồng Nhung
Ảnh: Minh Hân, Nhựt Quang

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X