Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh tư vấn: Cách phát hiện sớm bệnh quai bị?

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến ở trẻ em. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị quai bị. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh sẽ tư vấn cho bạn đọc cách phát hiện sớm bệnh quai bị.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - nguyên trưởng khoa Nội 1, BV Nhi đồng 2 TPHCM

NỘI DUNG TƯ VẤN

Bệnh quai bị đã được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, theo BS tại sao vẫn có trẻ bị quai bị ạ? Có trường hợp nào trẻ đã tiêm ngừa rồi nhưng vẫn mắc bệnh không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Quai bị đã được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng, có kết hợp sởi, quai bị và rubella. Thông thường sau 12 tháng trẻ sẽ được tiêm 1 mũi và sau 4 tuổi sẽ được tiêm mũi thứ 2, tức là nhắc lại miễn dịch của cơ thể.

Có những người có rất nhiều phiếu tiêm ngừa nên cứ nghĩ mình đã được tiêm rồi nhưng thật ra chưa được tiêm. Do đó những nơi trạm y tế dự phòng thường có những cuốn sổ theo dõi chích ngừa cho trẻ có ghi rõ thời gian tiêm và khi nào nên tiêm nhắc lại.

Nếu mới chỉ tiêm 1 mũi thì việc bảo vệ chỉ đạt 70-80%, nên trẻ nhỏ cần tiêm nhắc lại vì miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, đối với người lớn chỉ cần 1 mũi là đủ.

Dù có tiêm ngừa nhưng có tỷ lệ nhỏ khoảng 1-2% có thể bị nhiễm virus quai bị. Thông thường trong 1 cộng đồng, nếu tất cả mọi người đều được tiêm phòng đủ mũi tiêm thì được bảo vệ khoảng 95%.

Tuy đã tiêm phòng đầy đủ nhưng trong lúc tiêm phòng, trẻ đang bị bệnh hoặc đang uống những thuốc gây ức chế miễn dịch như kháng viêm hoặc corticoid, dù rằng có tiêm ngừa nhưng mũi tiêm đó cũng không có tác dụng.

Vì vậy khi tiêm ngừa cần khỏe mạnh và khi trẻ bị bệnh không nên tự uống kháng sinh, kháng viêm mà phải đưa đi khám vì tiêm vắc xin lúc này sẽ không còn tác dụng nữa.

 

Thời kỳ ủ bệnh sau khi tiếp xúc với nguồn lây là bao lâu? Bệnh quai bị có dấu hiệu nhận biết sớm nào không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Sau khi tiếp xúc với nguồn lây 1-3 tuần thì bệnh nhân có triệu chứng: xây xẩm, đau nhức, mệt mỏi, đau đầu, nôn ói hoặc nuốt khó… những triệu chứng này có khi đi kèm sốt cao, sốt vừa phải tùy theo cơ địa từng người. Đối với trẻ có triệu chứng ồ ạt hơn và biến chứng nhiều hơn như viêm tinh hoàn, chiếm khoảng 10-30% trẻ mắc quai bị, tức là không phải trẻ nào cũng có nguy cơ có biến chứng.

 

Những dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh quai bị dễ nhầm với các bệnh khác không ạ? Làm thế nào để phân biệt bệnh quai bị và bệnh viêm tuyến mang tai, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Quai bị là một căn bệnh rất dễ lây lan, virus quai bị thuộc họ Paramyxoviridae. Khi bị quai bị chúng ta thường không biết được vì cũng có triệu chứng cảm cúm bình thường, nóng sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể sau đó có hiện tượng sưng đau tuyến nước bọt, tuyến mang tai, có một số viêm tuyến nước bọt dưới hàm hay bên lưỡi. Khoảng 1-2 ngày sau sẽ lây lan qua bên kia tai và nếu không điều trị kịp thời và nghỉ ngơi thì có thể có triệu chứng sưng to xuống hai bên cổ, có biến chứng sau 5-7 ngày nhưng không phải ai mắc quai bị cũng gây ra biến chứng viêm tinh hoàn.

Khi nóng sốt kèm sưng đau phía mang tai thì nên nghĩ ngay đến quai bị nếu chưa chích ngừa, nếu đã tiêm ngừa mới 1 lần hoặc lúc nhỏ, chúng ta không nhớ được đã tiêm hay chưa.

Khi viêm tuyến nước bọt, chúng ta không biết được do quai bị, virus khác hoặc vi trùng vì triệu chứng là đau tuyến mang tai, nóng sốt, nhiều khi có triệu chứng nuốt đau… Khi khám bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm phân tích máu xem có nhiễm trùng hay không, trước đây được tiêm ngừa thế nào, bệnh nhân có ở trong vùng dịch tễ hay không thì bác sĩ mới xác định đó là quai bị hay không?

 

Theo BS, trẻ bị bệnh quai bị có thể điều trị tại nhà không ạ? Nếu trong nhà, bệnh nhi còn có anh chị em thì các bé khác cần phòng tránh như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Phụ huynh khi nghe con mắc quai bị hay sốt xuất huyết thì rất sợ, muốn cho trẻ nhập viện nhưng việc này phát sinh nhiều bất lợi khác. Bởi vì khi nhập viện phải vào khoa nhiễm, ở đó có rất nhiều bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ bị lây thêm bệnh khác, do đó có những tiêu chuẩn để nhập viện chứ không phải bệnh nào cũng cần nhập viện.

Quai bị hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng cách hạ sốt, giảm đau, nghỉ ngơi, ăn lỏng, theo dõi những biến chứng như đau nhức hay có thay đổi về mặt tri giác… tức là có những biến chứng viêm não, viêm màng não hoặc viêm tinh hoàn thì việc theo dõi tại nhà là cực kỳ cần thiết.

Chỉ đưa vào bệnh viện khi nào bệnh nặng như sưng quá to, nuốt không được hay quá đau đầu. Có những tiêu chuẩn nhập viện như sốt cao, ói nhiều hoặc có thay đổi về tri giác (cử chỉ bất thường, nói nhảm) hoặc có dấu hiệu đau tức tinh hoàn ở trẻ trai hoặc đau bụng ở trẻ gái thì cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Việc theo dõi tùy thuộc vào gia đình, nếu bệnh nhân ở xa thì sẽ được nhập viện theo dõi, nếu bệnh nhân ở gần bệnh viện sẽ được về nhà và tái khám theo hẹn.

Khi điều trị tại nhà có nguy cơ lây bệnh cho những trẻ xung quanh nhưng nếu các trẻ khác đã được tiêm phòng đầy đủ, khi đó bệnh sẽ khó lây lan. Chỉ có những trường hợp những trẻ lớn quên tiêm những mũi nhắc lại thì phải cẩn thận, cần cách ly. Do đó, nếu cân nhắc giữa việc ở nhà điều trị hay nhập viện thì tùy theo từng gia đình, nếu gia đình có điều kiện thì cho con mình nằm ở phòng riêng thì nguy cơ lây thêm những bệnh khác ít hơn vì thường khi mắc quai bị nếu nhập viện sẽ được đưa vào khoa nhiễm.

Tuy nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là tiêm ngừa cho con cái của mình thật đầy đủ.

 

Bệnh quai bị được điều trị như thế nào, dùng các thuốc gì, có thuốc đặc trị không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Khi trẻ bị quai bị sẽ được uống thuốc giảm đau, cho bệnh nhân ăn những thức ăn lỏng, không chua quá, mặn quá hay ngọt quá để khi ăn vào, tuyến nước bọt ít bị kích thích sẽ đỡ đau hơn. Do đó chỉ cần uống thuốc giảm đau, ăn nhẹ thì bệnh dần dần sẽ hết.

Đôi khi có những trường hợp viêm tuyến mang tai, viêm hạch, cần lưu ý viêm tuyến mang tai do vi trùng, vì có những trường hợp biến chứng viêm tinh hoàn, viêm não hoặc áp xe vùng hầu họng gây nguy hiểm.

Những biện pháp giảm đau hoàn toàn dựa vào triệu chứng và biểu hiện chứ chưa có thuốc đặc trị. Ví dụ như em bé đau quá thì cho uống thuốc giảm đau, hoặc uống kháng viêm để đỡ viêm nhiễm. Nếu trẻ mất nước nhiều thì cần bù nước, điện giải nhiều hơn cho trẻ.

 

Nhờ BS hướng dẫn các cha mẹ cách chăm sóc trẻ bị quai bị tại nhà? Ngoài thuốc giảm đau thì có cách nào giúp giảm sưng đau vùng má-mang tai không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Nếu trong cộng đồng có 1 bé bị quai bị thì đương nhiên sẽ được cách ly vì thời gian lây nhiễm chúng ta không  nhận biết được, khi đến giai đoạn toàn phát thì đã bệnh có thể lây lan từ lúc trước rồi. Lúc này bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh lây lan vì lúc này bệnh nhân có thể ho, khạc đàm sẽ làm phát tán virus rất nhiều vì bệnh lây qua đường hô hấp.

Trường hợp trẻ lớn hơn, không có biến chứng khác mà lại mắc quai bị đúng vào dịp thi cử thì các bạn vẫn cho trẻ đến trường được nhưng phải đeo khẩu trang để tránh lây lan.

 

Có ý kiến rằng trẻ bị quai bị nếu vận động nhiều hay chạy nhảy sẽ làm cho bệnh tấn công tin hoàn nhanh hơn, theo BS điều này có đúng không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Khi mắc quai bị, người bệnh nên nghỉ ngơi là chính, không nên hoạt động nhiều. Khi đã sưng tinh hoàn thì nên nằm 1 chỗ, đi đứng nhẹ nhàng. Nếu tinh hoàn sưng to 1 bên, cần cho trẻ mang nịt để nâng tinh hoàn lên. Không có chuyện khi chạy nhảy nhiều thì bệnh mau “chạy” xuống tinh hoàn.

Biến chứng không phải ai cũng mắc phải mà chỉ chiếm 20-30%, khi xảy ra biến chứng cần có biện pháp khắc phục như đã nói trên hoặc theo dõi trong bệnh viện để bác sĩ có thể đánh giá tình hình mỗi ngày và có những can thiệp tốt nhất.

 

Xin BS cho biết cách phòng biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị? Nếu tinh hoàn đã bị sưng đau thì cần xử trí thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Trong trường hợp mắc quai bị cần theo dõi biểu hiện đau, nóng sốt, nôn ói, đau bụng hay đau tinh hoàn, khi có bất thường mới nghĩ đến bệnh lý chứ không phải trẻ nào mắc quai bị cũng viêm tinh hoàn hay vô sinh. Có những phụ huynh nghe nhắc đến quai bị là sợ con mình bị vô sinh, tinh thần hoảng loạn cũng làm ảnh hưởng đến việc điều trị, thật ra không phải vậy.

Khi viêm tinh hoàn, nên đi khám xem viêm ở mức độ nào, có cần can thiệp hay không, việc này chỉ có bác sĩ chuyên môn về khoa nhiễm hay tiết niệu mới hướng dẫn bệnh nhân nên xử lý như thế nào. Thông thường điều trị bảo tồn là chính, giảm đau và cố định tinh hoàn.

 

Đối với bé gái, nếu bị bệnh quai bị thì có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Có một số ít ở phụ nữ viêm buồng trứng nhưng ít hơn nam giới (viêm tinh hoàn). Do đó, khi các bé gái mắc quai bị, nên xem bé có bị đau bụng hay không và cũng nên siêu âm sau 1 tuần.

 

Bị quai bị bao nhiêu ngày thì khỏi bệnh, thưa BS? Sau khởi phát bao nhiêu ngày thì bệnh quai bị không còn lây cho người khác được nữa ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Khi khởi phát đến giai đoạn thoái lui khoảng 10 ngày, chỉ điều trị triệu chứng, bệnh sẽ từ từ thuyên giảm và khỏi bệnh. Nhưng giai đoạn toàn phát, ủ bệnh là giai đoạn lây lan rất nhiều vì bệnh lây qua đường hô hấp hoặc nước bọt. Vì vậy bệnh nhân có sưng, ho, đau hay lây nhiễm qua đường hô hấp thì rất dễ lây nhưng sau 10 ngày, chúng ta hoàn toàn yên tâm vì bệnh đã hết rồi. Tuy nhiên, vẫn có những tỷ lệ nhỏ gọi là ngoại lệ.

Do đó, khuyến khích phụ huynh cho con mình đi tiêm ngừa theo lịch tiêm chủng mở rộng hoặc nếu mất sổ tiêm ngừa, không nhớ mình đã được tiêm ngừa hay chưa thì vẫn có thể đi tiêm được, vì có thể tránh được viêm tinh hoàn cho nam giới và rubella cho nữ giới.

 

Quai bị có thể bị hai lần hay không ạ? Sau khi khỏi bệnh khoảng vài tuần, nếu ăn thấy đau, nổi hạch dưới cổ, có phải triệu chứng bệnh quai bị tái phát không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời:

Theo lý thuyết thì quai bị chỉ mắc 1 lần, vì khi mắc bệnh cơ thể sinh ra kháng thể vĩnh viễn, chỉ có trường hợp chích ngừa khi còn nhỏ quá, cơ thể chưa đủ miễn dịch thì mới chích lại lần thứ 2, còn ở người lớn chỉ cần 1 lần.

Trường hợp mắc quai bị đã khỏi nhưng mấy tuần sau, không phải đó là quai bị mà có thể nhưng hạch bị viêm nhiễm vẫn còn, có thể do bị những loại vi khuẩn khác tấn công, chúng ta nên nghĩ đến bệnh lý khác nữa chứ không phải quai bị. Những hạch ở cổ sau khi viêm amidan, viêm mủ, viêm họng, viêm xoang, viêm tai giữa hay viêm tuyến mang tai cũng làm sưng to, mà vấn đề là có gây sốt, đau hay không? Thông thường thì quai bị miễn dịch, chỉ bị 1 lần mà thôi.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X