Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh tư vấn: Ung thư tụy vì sao khó chữa?

Ngày 24/4, BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 giải đáp các vấn đề về ung thư tụy, nguyên nhân mắc bệnh và phương pháp điều trị bệnh...



Ung thư tụy là một trong những căn bệnh ung thư khó chữa nhất, tỉ lệ tử vong cao. Một trong những người nổi tiếng trên thế giới đã bị đánh gục bởi bệnh ung thư tuyến tụy, đó là Steve Jobs - CEO của Apple, qua đó có thể thấy rằng ung thư tuyến tụy là một căn bệnh khủng khiếp.

Hãy cùng theo dõi những chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh về căn bệnh này trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Ung thư tụy vì sao khó chữa?" được tường thuật sau đây.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ung thư tụy hay ung thư tuyến tụy được mệnh danh là “ung thư tử thần”,  có thông tin là tỷ lệ sống sót chỉ 8,5%. Theo BS, điều này có đúng không?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Thưa quý bạn đọc,

Ung thư tụy là căn bệnh ung thư khó phát hiện nhất do tuyến tụy nằm sau dạ dày, các triệu chứng lâm sàng cũng như cận lâm sàng như siêu âm, CT… rất khó phát hiện, chỉ khi khối u lớn lên mới phát hiện được.

Khi phát hiện ung thư tụy, bệnh nhân thường đã ở giai đoạn 3, giai đoạn 4. Tỉ lệ sống sót 8,5% cũng đã là con số nhiều. Vấn đề quan trọng là 8,5% là sống sót của 1 năm, 5 năm sau hay bao nhiêu năm?

Thông thường, bệnh nhân mắc ung thư tụy và đã có triệu chứng lâm sàng khi đến BV Nhân dân 115 thì tỉ lệ tử vong khoảng 95% trong những năm đầu tiên, tỉ lệ sống sót sau 5 năm chỉ 5%. Tuy nhiên, bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, cắt rất nhiều cơ quan ở trong ổ bụng khiến chất lượng sống rất kém.

Do đó, ý thức tầm soát bệnh sớm vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với ung thư tụy.


2. Vì sao ung thư tụy lại nguy hiểm như vậy, thưa BS?


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Đặc thù về vị trí giải phẫu học của tuyến tụy nằm sau dạ dày nên các triệu chứng phát hiện rất mơ hồ. Bệnh nhân chỉ đau âm ỉ vùng thượng vị, sụt cân, vàng da, vàng mắt hoặc xuất hiện cục bướu ở ổ bụng. Lúc đó, các triệu chứng đã rầm rộ và trễ, bệnh nhân đã ở trong giai đoạn 4 nên hết sức nguy hiểm.

Đặc biệt, tuyến tụy liên quan đến gan, mật, khi ung thư phát triển, nó sẽ chèn ép vào đường mật, gây tắc mật, dẫn đến gan ứ mật và suy gan. Bệnh nhân tử vong trong tình trạng suy gan trước khi ung thư tụy hoành hành. Do đó, ung thư tụy là bệnh rất nguy hiểm.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

3. Thường thì bệnh nhân ung thư tụy ở Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn nào, trong tình huống nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Tổng kết, khoảng trên 200 ca ung thư tụy tiếp nhận tại bệnh viện Nhân dân 115, tỉ lệ bệnh nhân đến trong giai đoạn 4 (giai đoạn hầu như không thể phẫu thuật) là gần 80-85%. Điều trị lúc này chỉ mang tính điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ và giải quyết các biến cố do tắc mạch gây ra, chỉ có khoảng 10-15% là có thể can thiệp ngoại khoa.

Bệnh nhân đến bệnh viện trong giai đoạn trễ nên vấn đề xử lý các triệu chứng trở nên khó khăn, thời gian sống còn của bệnh nhân cũng rất ngắn.

Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với bệnh ung thư tụy. Mặc dù đây là bệnh hiếm gặp (theo bảng xếp hạng Globocan, ung thư tụy xếp hàng thứ 8, 9) nhưng rất nguy hiểm. Nhiều người thường ít nghĩ tới và bỏ qua các triệu chứng.

4. Khi đề cập đến các cơ quan tiêu hóa, người ta thường nghĩ đến dạ dày, ruột, gan, mật mà ít nghĩ đến tụy. Có phải tụy chưa được mọi người quan tâm đúng mức, dẫn tới ung thư tụy khi phát hiện đã ở giai đoạn trễ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Khi có các bệnh lý trong ổ bụng, nhiều người thường nghĩ đến các cơ quan như: dạ dày
, gan, lá lách mà ít ai nghĩ đến tụy.

Tụy là cơ quan nằm sau phúc mạc, có chức năng chủ yếu sản xuất ra dịch tụy. Cùng với dịch dạ dày, dịch tá tràng, dịch ruột, tụy tham gia vào quá trình điều tiết, tiêu hóa thức ăn.

Tụy còn giữ chức năng nội tiết. Người không may bị ung thư tụy, viêm tụy mãn tính hoặc viêm tụy cấp tính… sẽ ảnh hưởng đến đường huyết. Bệnh nhân viêm tụy mãn thì khả năng bị tiểu đường thường rất cao.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.


5. Trên mạng ghi: bệnh tiểu đường; đau bụng; xuất hiện cục máu đông không rõ nguyên nhân; tiêu chảy và phân nổi; vàng da; giảm cân không rõ nguyên nhân và thay đổi khẩu phần ăn chính là dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến tụy, theo BS như vậy có đúng không?

Những dấu hiệu nhận biết ung thư tụy là gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Các triệu chứng như: bệnh tiểu đường; đau bụng; xuất hiện cục máu đông không rõ nguyên nhân; tiêu chảy và phân nổi; vàng da; giảm cân không rõ nguyên nhân và thay đổi khẩu phần ăn... là các triệu chứng khởi đầu của bệnh lý ác tính về ống tiêu hóa nói chung.

Tuyến tụy nói riêng và với những bệnh nhân tiểu đường, nếu không do vấn đề di truyền thì nguyên nhân viêm tụy mãn là do uống rượu, hóa chất bên ngoài. Đây lại là nguyên nhân khởi đầu của các bệnh lý tiểu đường.

Lý do là tuyến tụy sản xuất ra isullin, isullin được đưa vào trong cơ thể để điều hòa lượng đường huyết mỗi khi ăn (vừa ăn uống xong, lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao). Nếu không có isullin được tiết ra từ nội tiết của tuyến tụy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các tạng xung quanh. Vì vậy, tụy giữ chức năng nội tiết là luôn sản xuất ra isullin để điều hòa lượng đường trong máu.

Những dấu hiệu khởi đầu này rất quý giá. Khi có những dấu hiệu này, cần đi tầm soát, kiểm tra để phát hiện sớm.




6. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ có thể phát hiện ung thư tụy không? Việc tầnm soát ung thư tụy dựa vào những xét nghiệm nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ không thể tầm soát được tất cả, bởi ung thư tụy đứng hàng thứ 8, thứ 9 trong bẳng xếp hạng các bệnh lý về ung thư.

Thông thường, bệnh nhân khi đi khám, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý, các triệu chứng lâm sàng và căn cứ vào đó để lên kế hoạch tầm soát, phát hiện các bệnh lý ung thư có liên quan.

Tầm soát ung thư tụy, chỉ cần chụp CT-scan có cản quang và kèm theo một số xét nghiệm máu cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có thể chẩn đoán chính xác khi có giải phẫu bệnh lý, nghĩa là có kết quả về tế bào học thì mới chẩn đoán chính xác được là ung thư tụy hay không.



7. Các phương pháp điều trị ung thư tụy gồm những gì, thưa BS? Và bệnh nhân có thể sống thêm được bao lâu?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Điều trị ung thư tụy có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau: có thể kết hợp giữa phẫu thuật, hóa trị, xạ trị với điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch học, và có thể điều trị chăm sóc nâng đỡ bệnh nhân.

Phương pháp điều trị tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện ung thư tụy. Phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2, thậm chí đầu giai đoạn 3) có thể xử lý triệt để bằng cách cắt bỏ những khối u ở vùng đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy… Để làm được điều này, bệnh nhân phải tới sớm và phải đầy đủ sức khỏe để phẫu thuật.

Một ca phẫu thuật ung thư đầu tụy phải cắt rất nhiều cơ quan như: bao tử, túi mật, đường mật, tá tràng, ruột non... làm cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng rất nhiều.

Về vấn đề bệnh nhân tụy có sống lâu được không?

Nếu bệnh nhân mổ được chỉ 5% sống sót sau 5 năm, 95% sẽ mất trước 5 năm. Trường hợp không mổ được thì gần 60-70% bệnh nhân ra đi trong những năm đầu tiên. Tỷ lệ sống thêm rất thấp, do đó mới gọi ung thư tụy là ung thư tử thần.



8. Xin BS cho biết các tác dụng phụ bệnh nhân sẽ gặp trong khi điều trị ung thư tụy? Liệu có cách gì giúp giảm bớt những khó chịu này?


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư tụy phụ thuộc vào phương pháp điều trị.

Ví dụ, điều trị phẫu thuật sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như sau: phải cắt bao tử, mật, rối loạn tiêu hóa, bao tử bé lại, ruột ngắn đi khiến cho hệ tiêu hóa gặp trục trặc.

Một số loại thuốc điều trị có những tác dụng phụ thường gặp như rụng tóc, suy tụy, ói mửa, đi cầu chảy…

Nếu phải điều trị bằng xạ trị, trong trường hợp khối u tụy quá lớn, chèn ép, không thể mổ được, kết hợp xạ trị sẽ gây viêm bao tử, viêm ruột, thủng ống tiêu hóa. Đây là thảm họa đối với bệnh nhân.

Nói chung, biện pháp nào cũng đều có tác dụng phụ. Bác sĩ chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng những phương pháp, những loại thuốc giảm bớt tác dụng phụ cho bệnh nhân.


9.  Bệnh nhân ung thư tụy cần có chế độ ăn uống như thế nào, thưa BS?


BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Nguyên nhân ung thư tụy thường không thể biết chính xác, tuy nhiên những yếu tố sau đây có nguy cơ cao dẫn đến ung thư tụy:

Thứ nhất, lạm dụng rượu bia, chất có cồn sẽ gây ra viêm tụy mãn. Những bệnh nhân viêm tụy mãn thì tỷ lệ ung thư tụy cao gấp 20 lần, ảnh hưởng đến vấn đề tiểu đường, các bệnh nội tiết khác…

Bệnh nhân hút thuốc lá thì tỷ lệ ung thư tụy cao gấp 16 lần so với những người bình thường.

Ăn quá mặn, quá nhiều chất béo cũng là những yếu tố cao gây ung thư.

Do vậy, cần có chế độ ăn uống hợp lý. Quan trọng nhất vẫn là đi tầm soát, thăm khám thường xuyên để phát hiện bệnh sớm.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

10. Lời khuyên của BS dành cho những gia đình có người thân bị ung thư tụy?

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh

Rất nhiều bệnh nhân khi đến BV Nhân dân 115 có chung thắc mắc và lo lắng là bệnh ung thư có lây hay không. Chúng tôi khẳng định, bệnh ung thư không lây.

Chính vì sự xa lánh của gia đình, của xã hội, của bạn bè đối với những người bị ung thư làm cho họ trở nên mặc cảm, tự ti. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bệnh nhân bị bất lực với vấn đề điều trị, suy kiệt do yếu tố miễn dịch giảm, làm cho bệnh ung thư nặng hơn. Chính vì vậy, nên tạo điều kiện để bệnh nhân ung thư, đặc biệt là bệnh nhân ung thư tụy hòa nhập với cuộc sống, hòa nhập với gia đình.

Trong gia đình không may có ba, mẹ, anh, chị, em ruột bị ung thư tụy thì bạn đọc nên có ý thức đi tầm soát ung thư vì đây là bệnh lý có tính chất di truyền.



~~~~~~~~~

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh ung thư tụy, nguyên nhân mắc bệnh cũng như phương pháp điều trị triệt để căn bệnh này. Xin hẹn gặp lại bác sĩ trong lần tư vấn tiếp theo.

Thực hiện: Mỹ Thi - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X