Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh tư vấn: Những phương pháp mới dưới cái nhìn của bác sĩ điều trị ung thư

Điều trị ung thư là cuộc chiến của cả nhân loại từ nhiều thế kỷ, bên cạnh những phương pháp cổ điển thì các liệu pháp mới được nghiên cứu ngày càng nhiều. BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Nguyên trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ chia sẻ về những phương pháp mới dưới cái nhìn của bác sĩ điều trị ung thư.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Nguyên trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115, chuyên gia của Bệnh viện Gia An 115

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Để điều trị ung thư chúng ta có rất nhiều phương pháp phối hợp cùng nhau, gọi là điều trị đa mô thức. Đầu tiên, nhờ BS sơ lược lại về các phương pháp này và việc phối hợp mang lại ý nghĩa như thế nào ạ?

Như mọi người biết, điều trị ung thư hiện nay là điều trị đa mô thức, tức là đa phương pháp, có nhiều phương pháp kết hợp với nhau thì mới có hiệu quả. Bệnh ung thư là bệnh ác tính, nan y, thường bệnh nhân ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn rất trễ, vì vậy, không chỉ điều trị bằng một mà phải bằng nhiều phương pháp.

Đa mô thức trong điều trị ung thư gồm những phương pháp:

- Phẫu trị: sử dụng dao phẫu thuật nhằm lấy - loại bỏ những khối ung thư ra khỏi cơ thể, đặc biệt là những khối ung thư còn trong giai đoạn sớm, những khối ung thư trễ gây chèn ép thì ta có thể lấy ra khỏi cơ thể và mục đích là giảm tối thiểu tế bào ung thư ở trong cơ thể để sau này có thể kết hợp với phương pháp khác để điều trị mang lại hiệu quả hơn.

- Hóa trị: Là một trong những biện pháp bổ trợ trong điều trị bệnh lý ung thư. Sau khi phẫu trị, không thể lấy hết được tế bào ung thư, hóa trị sẽ là biện pháp dùng để điều trị những tế bào ung thư còn rơi rớt lại hay còn lưu truyền ở trong máu…

- Xạ trị: Những khối u nằm ở vị trí quan trọng như ở não, các hệ thần kinh… mà chúng ta không thể tiếp cận, mà nếu tiếp cận để lấy có thể làm tổn thương các mạch máu, hệ thống thần kinh đó. Xạ trị sẽ phối hợp với phẫu trị để diệt những tế bào ung thư xâm lấn những cơ quan của cơ thể mà chúng ta sẽ gặp nguy hiểm khi lấy ra.

Ngoài ra còn có những biện pháp chăm sóc giảm nhẹ để điều trị thêm cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt với bệnh nhân ung thư sau một quá trình điều trị phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Đặc biệt những bệnh nhân điều trị ung thư giai đoạn cuối thì càng quan trọng hơn nữa để sửa chữa về những biến chứng thần kinh, lo lắng về tâm lý sợ hãi của bệnh nhân trong giai đoạn cận tử.

Hiện tại còn có 2 biện pháp thế giới đã công nhận và đã đưa vào liệu pháp điều trị ung thư đó là biện pháp nhắm trúng đích và liệu pháp điều trị miễn dịch.

Liệu pháp nhắm trúng đích đã được đưa vào điều trị khoảng gần 25 năm trước với những phương pháp nhắm trúng đích trong ung thư hệ tạo huyết, ung thư melanoma ác tính, ung thư phổi, ung thư vú.

Sau năm 2010, liệu pháp miễn dịch đã bắt đầu nở rộ trong điều trị ung thư, đặc biệt năm 2018 với giải thưởng Nobel do giáo sư người Nhật và người Mỹ đã đưa ra được nguyên lý về điều trị miễn dịch trong ung thư và hiện tại liệu pháp miễn dịch trong ung thư cho những bệnh nhân đặc biệt những bệnh nhân giai đoạn trễ hoặc ung thư đã bất hoạt với phương pháp điều trị khác.

Như vậy chúng ta biết rằng việc phối hợp tất cả các phương pháp mang lại hiệu quả rất tốt trong điều trị bệnh nhân ung thư, làm tăng tính kiểm soát tại chỗ các tế bào ung thư, tăng thời gian sống còn toàn bộ và làm tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đó là ý nghĩa của việc phối hợp các phương pháp trong điều trị ung thư.

2. Liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch là 2 phương pháp được nhắc tới trong những năm gần đây. Ở Việt Nam, 2 liệu pháp này được áp dụng trong điều trị những ung thư nào và phát huy hiệu quả như thế nào ạ?

Liệu pháp nhắm trúng đích đã được FDA chấp thuận điều trị từ  năm 1997 (Rituximab) – 1998 (Trastuzumab). Với vai trò của Cetuximab hay Panitumumab ra đời trong điều trị ung thư hệ tạo huyết. Khi đưa vào áp dụng có hiệu quả rất cao. Đến năm 1998 khi Trastuzumab đưa vào điều trị ung thư đặc biệt với ung thư vú đã đem lại hiệu quả sống còn, tiến triển hơn hẳn so với liệu pháp điều trị cũ và đã có hơn 20 năm lưu hành trên thế giới và tại Việt Nam. Hiệu quả của phương pháp này không thể chối cãi, giúp mang lại tỉ lệ đáp ứng khối u cao, thời gian sống bệnh không tiến triển (PFS), thời gian sống thêm toàn bộ (OS), chất lượng sống (Quality of Life index - QoL) cải thiện đáng kể.

Liệu pháp miễn dịch bắt đầu xuất hiện các lý thuyết từ năm 2013, đến năm 2018 đạt giải Nobel y học. Đây là phương pháp với mục đích tăng miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư và tìm ra biện pháp làm cho thế bào ung thư không qua khỏi được hệ thống miễn dịch. Năm 1976, vắc xin BCG dựa trên nguyên lý miễn dịch đã bắt đầu đưa vào điều trị ung thư bàng quang đã bất hoạt với điều trị khác. Tuy đây là 1 phương pháp điều trị mới nhưng cũng mang lại hiệu quả rất tốt về ORR, OS, FPS, QoL.

Việt Nam đã và đang sử dụng 2 phương pháp này trên nhiều bệnh nhân trong nhiều năm và hiệu quả rõ ràng vì chúng ta cúng ứng dụng phác đồ điều trị của thế giới. Điều này là rất tốt cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt ở các bệnh nhân giai đoạn tiến xa, di căn.


3. Được biết, BS Ngọc Anh là một trong số ít các BS đồng ý tiếp nhận bệnh nhân ung thư mà các cơ sở khác đã ngưng điều trị, và một số bệnh nhân đã có cuộc lội ngược dòng, trở về từ cửa tử. BS có thể chia sẻ vì sao có quyết tâm như vậy không ạ?

Ở Việt Nam có đến 60-70% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn trễ - giai đoạn 3 hoặc 4. 30-40% bệnh nhân ung thư được tiếp nhận đã ở giai đoạn 4, đã di căn não và di căn xương, gây khó khăn cho việc điều trị. Ngoài ra có những bệnh nhân phát hiện sớm nhưng do không hiểu rõ về bệnh ung thư nên chạy chữa bằng thuốc nam, thuốc bắc hoặc các phương pháp không khoa học. Do đó, bệnh nhân được phát hiện ung thư giai đoạn sớm mà lại đến bệnh viện trong giai đoạn trễ.

Một ngày còn sống trên cuộc đời là một hạnh phúc với con người. Tôi tâm niệm “còn nước còn tát, hết nước cũng tát”, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vẫn cần có những phương pháp điều trị hỗ trợ nhằm giảm nhẹ các triệu chứng, giúp bệnh nhân bớt đau đớn và ra đi nhẹ nhàng hơn. Ngoài việc cố gắng giảm thiểu những đau đớn mà bệnh ung thư gây ra, các bác sĩ còn làm những liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân an tâm hơn. Song song đó cũng phải động viên thân nhân người bệnh, cố gắng hết sức lo cho bệnh nhân và họ cũng cần được hỗ trợ tâm lý khi người thân mất.

Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc giảm nhẹ chưa được quan tâm đúng mức.

4. Nếu đứng trước một bệnh nhân đã cận kề cửa tử mà các phương thức có trong tay đã không còn hiệu quả, BS có suy nghĩ đến các phương pháp mới, có thể đã được nước ngoài công nhận nhưng chưa có mặt ở Việt Nam không ạ? Các BS cân nhắc những yếu tố nào để đưa đến quyết định khuyên bệnh nhân thử các phương pháp mới hay không?

Khoa học ngày càng phát triển, có rất nhiều phương pháp mới, thuốc mới dần dần được ra đời, sử dụng cho bệnh nhân ung thư rất hiệu quả mà Việt Nam chưa có hoặc BHYT chưa chấp nhận thanh toán. Như chúng ta biết những phương pháp và thuốc mới ra du nhập vào Việt Nam không  phải là dễ vì thu nhập và cuộc sống của người dân nước ta còn ở mức độ thấp.

Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân có khả năng tài chính để đi đến các nước lân cận để điều trị ung thư, vậy tại sao không cân nhắc tìm tòi những phương pháp và thuốc điều trị mới đó để điều trị ung thư?

Chúng tôi luôn cân nhắc và tìm tòi ra các phương pháp, thuốc mới hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân dựa trên các tiêu chí:

+ Tổng trạng về sức khỏe bệnh nhân

+ Mức độ hiệu quả của các phương pháp mới, thuốc mới dựa trên các nghiên cứu kĩ lưỡng ở ngước ngoài

+ Khả năng tài chính của gia đình

+ Tác dụng phụ của các phương pháp mới, thuốc mới có thể chấp nhận được hay không.

Trước hướng tới phương pháp hay thuốc mới, chúng tôi luôn có buổi trao đổi một cách rõ ràng, sòng phẳng với bệnh nhân để bệnh nhân hiểu và cân nhắc áp dụng.

5. Gần đây, cộng đồng rất quan tâm đến phương pháp mới như: vắc xin điều trị ung thư, chưa chính thức có mặt tại Việt Nam. Dựa theo các kết quả nghiên cứu đã có của nước ngoài, BS có thể cho biết vắc xin điều trị ung thư được điều chế như thế nào, và có công dụng ra sao đối với bệnh ung thư không ạ?

Ung thư do suy giảm hệ thống miễn dịch, từ đó tế bào ung thư có thể qua được điểm chốt của hàng rào hệ thống miễn dịch xâm nập vào cơ thể theo đường máu. Từ đó chúng có thể tụ tập những tế bào đó ở thành mạch và xâm lấn vào những cơ quan, tập trung tạo thành tế bào ung thư. Chính vì vậy, ý tưởng vắc xin phòng và điều trị ung thư đã ra đời từ thế kỷ 19.

Như chúng ta cũng biết, vắc xin được sử dụng từ rất lâu đời và điều trị các bệnh lý phổ biến như sởi, ho gà, bạch hầu, bại liệt… nhưng vài năm gần đây mới đưa vào nghiên cứu vắc xin trong điều trị ung thư. Và trong đó có vắc xin điều trị ung thư tiền liệt tuyến đã được FDA công nhận. Nhật Bản đã nghiên cứu và công bố 1 loại vắc xin trong hỗ trợ hệ miễn dịch trong điều trị tế bào ung thư  từ năm 1935 làHasumi Vaccin

BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh và MC Minh Khuê trong buổi tư vấn - Ảnh: Trung Úy

6. Cuối tháng 3/2019, Bệnh viện Gia An 115 tổ chức buổi hội thảo khoa học: “Cập nhật liệu pháp phòng ngừa và điều trị ung thư bằng vắc xin hệ miễn dịch HITV” với sự tham gia của TS.BS Kenichiro Hasumi (Nhật Bản) - tạm gọi là vắc xin tự thân Hasumi. Ở góc độ là một BS điều trị, BS thấy hiệu quả của phương pháp này có thuyết phục không ạ?

Hiện tại, Bệnh viện Đại học Y khoa Hà Nội đang phối hợp với các chuyên gia đầu ngành về ung thư của Nhật đang từng bước nghiên cứu vai trò của vắc xin trong điều trị ung thư và bệnh viện cũng đã tổ chức một số hội thảo nói lên vai trò quan trọng của miễn dịch trong điều trị ung thư. Bên cạnh đó cũng  nhấn mạnh vai trò của vắc xin trong vai trò phòng ngừa và điều trị ung thư.

Vaccin Hasumi đã được nghiên cứu tại Nhật Bản trong 50 năm trên 500 bệnh nhân ở các loại ung thư gan, phổi, tuyến giáp, u não mang lại hiệu quả OS cao. Chúng ta thấy hiện tại ở Nhật Bản, vắc xin này đã được sử dụng cho hơn trăm ngàn bệnh nhân, dó đó chắc chắn những thuốc hay phương pháp điều trị cho bệnh nhân đã được Bộ y tế Nhật công nhận, đã được gạn lọc rất kỹ trước khi sử dụng trên người.

Tính đến năm 2014, liệu pháp điều trị bằng vắc xin đã được sử dụng trên 1250 bệnh nhân ung thư sắc tố, 750 bệnh nhân điều trị ung thư tiền liệt tuyến, 500 bệnh nhân điều trị u nguyên bào tế bào đệm, 250 bệnh nhân điều trị ung thư thận. Chúng ta thấy rằng đã có một số bệnh nhân đáng kể được điều trị bằng vắc xin này ở nước ngoài.

Vaccin Hasumi chưa sử dụng cho bệnh nhân Việt Nam nhưng tôi nghĩ tính khả thi cao.


7. Nếu bệnh nhân của BS muốn sử dụng phương pháp của BS Hasumi, BS sẽ đưa ra ý kiến như thế nào ạ?

Tôi đồng ý, đồng thời sẽ tư vấn cho bệnh nhân đầy đủ về hiệu quả, tác dụng phụ, chi phí. Khi bệnh nhân biết đến phương pháp này thì bệnh nhân cũng đã tiếp cận, tham khảo nhiều tư liệu khác nhau trên mạng, chúng tôi thấy rằng quyết định cuối cùng là của bệnh nhân.

Về phần bác sĩ đang điều trị, đặc biệt đang sống ở Việt Nam thì cần tuân thủ theo quy trình của bộ y tế ban hành là bất cứ thuốc nào mới, phương pháp mới được áp dụng ở bệnh nhân Việt Nam đều phải thông qua Hội đồng Kỹ thuật của Bộ y tế cũng như các bệnh viện, Sở y tế, bệnh viện các tỉnh trên cả nước.


8. Về phía bệnh nhân và người nhà, hiện nay họ đứng trước nhiều thông tin về các phương pháp mới điều trị ung thư, họ nên tìm hiểu như thế nào để biết phương pháp đó là đáng tin cậy, nhờ BS hướng dẫn?

Phương pháp điều trị ung thư tin cậy phải dựa trên ý kiến các chuyên gia về ung thư đặc biệt là các phương pháp điều trị mới thông qua các buổi hội thảo, training để có thể hướng dẫn cho các bác sĩ mới bước chân vào nghề điều trị ung thư.

Dựa trên từng loại bệnh, từng bệnh nhân để chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp, không phải trường hợp nào cũng sử dụng các phương pháp mới được.

Bên cạnh đó, bệnh nhân và gia đình cũng cần thận trọng, không tự động nghiên cứu trên mạng, google rồi tự điều trị vì làm vậy rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh, Nguyên trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân - Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giúp quý vị có nhiều thông tin hơn về những phương pháp mới điều trị cho bệnh nhân ung thư. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!

Thực hiện: Hồng Nhung - Thanh Thủy
Ảnh: Trung Úy - Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X