Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Lưu Kính Khương: Tự mua thuốc giảm đau, lợi hay hại?

Người tiêu dùng thường rất hay tự mua thuốc giảm đau vì tính chất tiện lợi, giảm đau nhanh, không cần sự kê toa của bác sĩ. Điều này gây bất lợi gì cho sức khỏe? Mời bạn đọc tham khảo bài giao lưu của BS.CK2 Lưu Kính Khương.

Nói về giảm đau, đầu tiên, nhờ BS cho biết vì sao chúng ta có cảm giác đau ạ? Và tại sao cùng một chấn thương, cùng một tác nhân gây đau, có người đau nhiều, có người đau ít, thưa BS?

Theo y học, người ta định nghĩa đau là sự phối hợp của các cảm giác khó chịu về mặt giác quan, cảm xúc, cũng như về tinh thần. Kèm theo đó là những phản ứng về nội tiết với mục đích đáp ứng lại những tổn thương của cơ thể. Chẳng hạn khi bị đạp gai, cơn đau lan truyền theo hệ thần kinh về trung ương, tức vỏ não. Và khi đó chúng ta cảm thấy đau.

Đau nhìn về phương diện xã hội là một trải nghiệm của từng người một, mang tính chất cá nhân, chủ quan của người đó. Dân gian thường ví von “Nhà giàu đứt tay như ăn mày đổ ruột”. Vì vây, có những người chỉ bị một tổn thương nhẹ cũng có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đau. Nhưng đối với những người trải nghiệm nhiều, như những người lính, đối với họ 1 vết thương cũng bình thường.

BS.CK2 Lưu Kính Khương - Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, BV Nhân dân 115

Để chữa đau, hiện nay chúng ta có những phương pháp nào, thưa BS?

Phương pháp giảm đau đa mô thức đang được sử dụng hiện nay. Khi dùng đơn trị liệu, tức dùng một loại thuốc trị liệu duy nhất thì để điều trị dứt điểm một cơn đau, bệnh nhân cần sử dụng liều khá cao, nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ. Do đó, trên lâm sàng thường phối hợp nhiều thuốc với nhau, mỗi thuốc một ít thì tác động cộng hưởng với nhau làm giảm đau tốt nhưng ít để lại tác dụng phụ.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc có thể phối hợp với nhau như thuốc giảm đau ngoại biên, thuốc giảm đau trung ương,... Đồng thời có thể kèm theo các biện pháp khác. Chẳng hạn như các phương pháp vật lý, điện, mát-xa, tập thể dục, yoga hay thiền,...cũng có thể sử dụng phối hợp để chữa đau cho người bệnh.

Trên thị trường hiện nay có một vài phương pháp điều trị như điện từ trường, nhiệt sóng ngắn,...


Riêng về thuốc chữa đau, BS có thể sơ lược qua về những loại thuốc này từ các loại không kê toa đến những loại có chỉ định rộng rãi, chỉ định hạn chế… được không ạ?

Trước khi nói về vấn đề này, tôi xin phép đề cập về con đường dẫn truyền đau. Khi người bệnh bị một tổn thương như đạp gai thì vị trí ngay chỗ bị gai đâm sẽ bị tổn thương mô, đưa ra các chất trung gian dẫn truyền đau. Chất trung gian này kích thích lên các chất thụ thể bên dưới da, sau đó dẫn truyền về tủy sống, bắt chéo đi lên vùng đồi thị và đến vỏ não cảm giác thì người bệnh sẽ có cảm giác đau. Đây là con đường dẫn truyền từ ngoại biên đến trung ương về não. Và trên con đường dẫn truyền đó, chúng ta có thể tác động nhiều vị trí khác nhau để giảm đau.

Chẳng hạn ở ngoại biên để điều trị viêm tại chỗ như thuốc kháng viêm không steroid. Ở mức độ cao hơn một chút, những sợi thần kinh dẫn truyền có thể dùng phương pháp gây tê tại chỗ, ức chế đường dẫn truyền đó. Hoặc ở mức cao hơn, ta có thể cho gây tê tủy sống. Đặc biệt, ở trên trung ương, có thể dùng những thuốc giảm đau trung ương như paracetamol, cũng là một dạng giảm đau tại vùng này nhưng không gây nghiện như những thuốc khác.

Ngoài ra, những thuốc thuộc nhóm morphin là dạng thuốc giảm đau khá mạnh, giảm đau tốt nhưng có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng, gây nghiện nếu bệnh nhân sử dụng lâu dài.

Vì thế, những thuốc không cần kê toa (thuốc OTC) có thể mua ngoài nhà thuốc như paracetamol, aspirin,... còn những nhóm thuốc morphin bắt buộc phải có toa của bác sĩ vì nhóm thuốc này có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng, gây nghiện cho người bệnh.



Các loại thuốc giảm đau không cần kê toa rất tiện lợi cho mọi người mua sử dụng, giúp họ tạm gác cơn đau qua một bên để có thể tiếp tục công việc. Hoặc một số bệnh nhân đã được kê toa có thuốc giảm đau, uống thấy đỡ và cứ vậy mua thuốc uống tiếp mà không tái khám. Theo BS thì 2 tình huống này có thể gây bất lợi gì cho sức khỏe của người bệnh?

Khi một toa thuốc được chỉ định và bệnh nhân cảm thấy giảm đau, có những bệnh nhân sẽ mua thuốc mới theo toa cũ, uống lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng quen thuốc, dân gian hay gọi là “lờn” thuốc, nghiện thuốc, điển hình như một số thuốc trong nhóm morphin.

Đặc biệt, khi khám lâm sàng chúng tôi thường gặp bệnh nhân lạm dụng corticoid vì thuốc điều trị kháng viêm rất nhanh chóng bệnh nhân hết đau. Vì vậy, bệnh nhân sẽ dễ bị lạm dụng và tự mua uống, khi không có thuốc sẽ có cảm giác đau trở lại. Đồng thời, corticoid có một cái hại khác là nếu uống lâu dần sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như hội chứng Cushing khiến bệnh nhân sau khi uống thuốc 1 thời gian sẽ bị mập ra, da mặt căng,... do tác dụng phụ giữ nước của thuốc. Nếu sử dụng lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng mỏng da, dễ xuất huyết, hạ natri máu, yếu các cơ ở chi, đặc biệt là vùng khớp háng khiến bệnh nhân dễ té ngã và xương trở nên giòn, dễ gãy hơn.

Trong dân gian hay gọi loại thuốc này là “thuốc hột dưa” vì hình dạng của chúng giống hạt dưa, được rất nhiều người sử dụng và truyền tai nhau về công dụng như một “thần dược” trị đau nhưng không cần kê toa. Thuốc này nếu chúng ta không sử dụng theo chỉ định, hậu quả để lại vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.


Liều an toàn của paracetamol được tính như thế nào ạ? Riêng với phụ nữ có thai, mỗi khi phải uống thuốc giảm đau, hạ sốt, dù đã được BS kê toa nhưng vẫn thường hỏi AloBacsi là có nên uống hay không? Nhờ BS tư vấn cho trường hợp này ạ.

Paracetamol là một loại thuốc giảm đau thông thường mà chúng ta có thể mua ở bất cứ nhà thuốc nào với mục đích hạ sốt, giảm đau. Ở trai thai phụ, những người phụ nữ mang thai khi dùng paracetamol tương đối an toàn vì chưa có số liệu nào đưa ra chúng có gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến thai nhi. Chỉ định hạ sốt, giảm đau trên người mẹ mang thai thì paracetamol tương đối an toàn. Nhưng chỉ nên dùng với mức độ cho phép sẽ an toàn, nhưng nếu lạm dụng, dùng quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất nhiều bộ phận, trong đó tác động rất nhiều đến gan, gây suy gan cấp.

Ở một người lớn, trung bình mỗi ngày chỉ nên dùng 4g, mỗi 1g cách nhau từ 4-6 tiếng. Đối với trẻ em, liều hạ sốt nằm trong mức 30mg/kg, uống lặp lại từ 4-6 tiếng. Đôi khi các phụ huynh thường có tâm lý khi cho con trẻ uống nhưng không thấy hạ sốt, sợ trẻ bị co giật nên tiếp tục cho trẻ uống tiếp trong thời gian quá ngắn, tổng liều tích lũy trong ngày nhiều có thể dẫn đến ngộ độc gan cấp, nặng hơn có thể hủy hoại tế bào gan.



Có một số bệnh nhân trở nên bị lệ thuộc, “nghiện” thuốc giảm đau. Làm sao để một người tự nhận biết mình đã lạm dụng thuốc giảm đau? Liệu có cách nào để tránh tình trạng này không ạ?

Tình trạng nghiện thuốc khi bệnh nhân dùng một số thuốc như nhóm corticoid dùng lâu dài, bệnh nhân có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng và bị nghiện. Hay một số thuốc thuộc nhóm morphin cũng có thể dẫn đến nghiện nếu sử dụng lâu dài.

Đối với nhóm thuốc gây nghiện, như thuốc corticoid có thể phát hiện nhờ hội chứng cushing với tình trạng giữ nước trong cơ thể, da mặt mỏng đi,... Để nhận diện, bệnh nhân sẽ trả lời câu hỏi “khi sử dụng thuốc cảm thấy rất khỏe, hết đau nhưng ngưng thuốc đau trở lại hay không?”, nếu có thì đây là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đã nghiện thuốc.

Đối với nhóm morphin, những người sử dụng ma túy có thể lạm dụng thuốc nhóm morphin, gây cảm giác hưng phấn, ảo giác rất nhiều, lâu dần có thể dẫn đến nghiện. Bệnh nhân thiếu thuốc sẽ không còn hưng phấn, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi.

Vì thế, nếu phát hiện được, đối với nhóm corticoid có thể điều trị cai nghiện cho bệnh nhân bằng cách giảm liều từ từ, tuyệt đối không được ngưng đột ngột. Vì khi sử dụng corticoid sẽ gây ức chế sản xuất cortisol của bệnh nhân, nếu dừng đột ngột cơ thể sẽ không sản xuất được, lý do là khi đưa 1 chất nhân tạo từ bên ngoài vào sẽ ức chế tuyến thượng thận. Khi có tình trạng giảm cortisol trong máu sẽ khiến bệnh nhân bị tuột huyết áp, rối loạn điện giải.

Đối với nhóm morphin, cũng giống như heroin, có thể dùng các biện pháp cai nghiện thông thường, như dùng một số thuốc nhẹ hơn như methadone để điều trị. Đây cũng là thuốc giảm đau, cùng họ với nhóm morphin nhưng nhẹ hơn và từ từ bỏ dần, giúp cơ thể bệnh nhân thích ứng được.


Ăn uống và thể dục có vai trò thế nào trong hỗ trợ chữa đau, thưa BS? Bởi vì khi đau bệnh nhân thường ăn uống kém và ngại vận động. Chúng ta nên giúp họ thế nào về 2 phương diện này ạ?

Khi bệnh nhân đau, ngoài thuốc dùng để điều trị thì mình có thể dùng những phương pháp hỗ trợ như tập vật lý trị liệu để giảm cơn đau từ từ, mát-xa hoặc những biện pháp như dùng sóng radio, những phương pháp từ trường để hỗ trợ điều trị. Ngày nay người ta cũng hay tập thiền cũng giúp giảm đau cho người bệnh.



Cuối cùng là một câu hỏi vui. Trong tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa”, nhân vật Quan Vân Trường từng bị trúng tên, tạo thành ổ mủ. Thần y Hoa Đà đã chữa trị cho Quan Vân Trường bằng cách mổ vai để nạo chất độc trong lúc ông vẫn bình thản uống rượu, đánh cờ. Với cái nhìn của y khoa hiện đại, BS có thể lý giải hiện tượng này không ạ, vì sao Quan Vân Trường có khả năng chịu đau đáng kinh ngạc như thế?

Trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, nhân vật Quan Vân Trường được xem như là một huyền thoại, có thể chịu đựng được cơn đau lúc thần y Hoa Đà mổ cho ông ấy cách đây cũng hơn 1800 năm.

Thần y Hoa Đà đã dùng ma phí tán và cho Quan Vân Trường uống rượu, ngâm với một số thảo dược. Thành phần chính của thảo dược bao gồm: nam tinh, ô thảo, đương quy,... đây cũng là những thảo dược có chứa chất giảm đau cho bệnh nhân.

Đồng thời, rượu uống đến một lượng nào đó cũng làm giảm cảm giác đau của người bệnh bên cạnh thuốc ma phí tán.

Thần y Hoa Đà được xem như người đầu tiên dùng phương pháp gây mê, giảm đau trong y học cổ đại.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X