Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Lưu Kính Khương: Gây mê làm đẹp sao cho an toàn?

BS.CK2 Lưu Kính Khương - trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115 đưa ra những chỉ dẫn giúp các chị em có dự định phẫu thuật thẩm mỹ hiểu rõ hơn về việc gây mê khi làm đẹp, làm sao để lựa chọn cơ sở thực hiện thẩm mỹ an toàn cho mình.

BS.CK2 Lưu Kính Khương - trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Gần đây xảy ra một số trường hợp bị tai biến khi làm đẹp có gây mê khiến cộng đồng lo lắng, nhất là với các chị em có nhu cầu làm đẹp đón Tết. Xin BS cho biết các thuốc gây mê, gây tê trong làm đẹp và trong điều trị bệnh có khác nhau không ạ?

Trong chuyên ngành gây mê hồi sức, thuốc dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ hay phẫu thuật bệnh lý đều giống nhau, mục đích là giảm đau, an thần, có thể gây ngủ cho người bệnh, tùy vào loại phẫu thuật mà chúng ta lựa chọn các phương pháp vô cảm khác nhau. Những phẫu thuật nhỏ, bệnh nhân có thể được gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng. Còn những phẫu thuật lớn đòi hỏi phải kiểm soát hô hấp chẳng hạn như bệnh nhân cần nâng túi ngực qua nội soi,...thì bác sĩ cần dùng những thuốc gây mê nhằm kiểm soát hô hấp cho người bệnh.

Giảm đau trong làm đẹp được chia ra các mức độ như thế nào, thưa BS?

Trong phẫu thuật thẩm mỹ, tùy vào loại phẫu thuật mà mình sẽ dùng phương pháp vô cảm tức gây tê hoặc gây mê, chẳng hạn như phẫu thuật nâng mũi, sửa mi mắt,...thì lúc này bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng. Nhưng trong trường hợp nếu chị em sợ, bác sĩ có thể dùng thêm thuốc an thần và giảm đau để họ bớt lo lắng.

Trong những phẫu thuật lớn hơn như đặt túi ngực thì đòi hỏi chúng tôi phải gây mê vì cuộc mổ sẽ kéo dài, gây mê sẽ giúp kiểm soát hô hấp cho bệnh nhân để đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật trong và sau mổ.

Để tránh các phản ứng dị ứng nặng khi gây mê, gây tê, chị em có cần làm các xét nghiệm tìm dị ứng nguyên không ạ? Theo BS thì những ai cần làm xét nghiệm này?

Tai biến, biến chứng trong phẫu thuật lúc nào cũng có thể xảy ra, trong đó phản vệ là một trong những phản ứng nội khoa khá nặng và nếu bác sĩ không phát hiện, phòng ngừa và xử trí kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Để hạn chế tối thiểu những tai biến nặng như vậy, đặc biệt là sốc phản vệ thì người bệnh khi đi đến cơ sở khám bệnh phải khai tiền sử của bản thân có dị ứng với dịch thuốc hoặc thức ăn trước đó đã có xảy ra những bệnh lý chẳng hạn như hen suyễn hoặc cơ địa dễ bị dị ứng thì phải khai kỹ cho bác sĩ.

Đồng thời, đối với bác sĩ gây mê, khi khám tiền mê phải đánh giá người bệnh một cách tỉ mỉ, khám lâm sàng và làm tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng để kịp thời phát hiện những bệnh lý kèm theo để tối ưu hóa cho người bệnh và phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra. Còn nếu đã tìm ra được các dị nguyên thì bác sĩ phải xử trí nhanh chóng để giữ an toàn cho người bệnh trong cuộc mổ.

Đặc biệt những bệnh nhân có cơ địa dị ứng với thuốc hay thức ăn thì nên đến cơ sở như Bệnh viện Da liễu để làm những tầm soát dị nguyên thì để biết những dị nguyên để tránh được những nguy hiểm cho bản thân.

Gần đây Bộ Y tế đã ra những quy định, đặc biệt là thông tư 51 về hướng dẫn phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị sốc phản vệ cho người bệnh. Nếu một cơ sở nào thực hiện theo đúng những hướng dẫn thì cũng sẽ hạn chế được những biến chứng cũng như tai biến cho người bệnh.

Phản vệ có 2 hình thức: phản vệ và phản ứng dạng phản vệ. 2 hình thức này điều trị về mặt lâm sàng đều như nhau nhưng cơ chế thì hoàn toàn khác nhau. Nếu bệnh nhân có cơ địa phản vệ thì đòi hỏi bệnh nhân phải từng tiếp xúc với dị nguyên thì trên những bệnh nhân này, khi tiếp xúc lần thứ 2 mới xảy ra phản ứng phản vệ. Đặc biệt những người có cơ địa phản ứng dạng phản vệ thì lúc này, chỉ cần tiếp xúc lần đầu tiên với dị/ kháng nguyên có thể xảy ra phản ứng dạng phản vệ nên chúng ta cũng không thể biết trước mà phòng ngừa.

Vì thế, nếu bệnh nhân biết mình có phản ứng phản vệ với một dị nguyên nào đó thì nên đi tầm soát để tìm hết dị nguyên có thể phản ứng, báo cho bác sĩ biết để không sử dụng lại những dị nguyên đó cho người bệnh.

Bác sĩ gây mê sẽ làm gì để loại trừ nguy cơ sốc phản vệ cho bệnh nhân khi phẫu thuật thẩm mỹ?

Ở những người bệnh nhân đã biết trước đây cơ địa của mình có dị ứng với một dị nguyên nào thì đòi hỏi người bác sĩ gây mê phải đánh giá thật cẩn thận, mặc dù không phải thuốc gây mê nào cũng cần làm test dị nguyên mà chỉ khi bệnh nhân biết cơ địa của mình phản ứng với một số chất thì lúc này mới cần làm một số bài test như:  Đầu tiên, test lẩy da, nếu như test âm tính thì cần thực hiện tiếp test nội bì (tức test kháng/ dị nguyên trong da), nếu cho kết quả âm tính thì cần đưa ra hội đồng khoa học để hội chẩn và phải có sự đồng ý của người bệnh bằng văn bản thì người bác sĩ mới được dùng chất/ thuốc đó cho người có cơ địa dị ứng.

Về nguyên nhân gây tử vong sớm sau phẫu thuật, ngoài sốc phản vệ còn có nguyên nhân nào nữa, thưa BS? Những nguyên nhân này có phòng tránh được không?

Tai biến, biến chứng sau khi gây mê rất nhiều, đặc biệt trong gây mê có thể xảy ra các tai biến, biến chứng sớm như trong ngành gây mê hồi sức, các bác sĩ rất lo lắng bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp hoặc bệnh nhân trước đó có dùng thuốc giãn cơ, an thần giảm đau thường có thể ảnh hưởng đến chức năng của các cơ của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.

Đồng thời, nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc giãn cơ thì sẽ làm tồn dư thuốc và không thể đảm bảo nhịp thở của bệnh nhân hoặc bệnh nhân có thể bị trào ngược, hít phải những chất từ dạ dày trào vào phổi hoặc xảy ra những cơn co thắt mà trước đây bệnh nhân có cơ địa hen suyễn, chỉ cần 1 kích ứng như quá lạnh hoặc đau cũng có thể dẫn đến cơn co thắt phế quản, thiếu cung cấp oxy cho người bệnh, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Hay bệnh nhân có bệnh lý tim mạch tìm ẩn trước đó mà chưa phát hiện được, đã bị thiếu máu cơ tim trước đó thì chỉ cần bệnh nhân cảm thấy đau cũng có thể tăng nhu cầu oxy và dẫn đến nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, những bệnh nhân có bệnh lý nội khoa kèm theo chẳng hạn như cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa mạch máu thì rất dễ xảy ra các nguy cơ bị tai biến mạch máu não trong và sau mổ, hoặc thuyên tắc phổi.

Để phòng tránh những tình huống này có thể xảy ra, bác sĩ phải khám thật kỹ và phát hiện bệnh nhân có những bệnh lý như vậy để tối ưu hóa, điều chỉnh nội khoa ổn định và lúc này mới có thể tiến hành gây mê, phẫu thuật cho người bệnh.

Song song đó, người bệnh cũng phải khai thật tỉ mỉ và rõ ràng với bác sĩ gây mê, phẫu thuật viên biết được những bệnh lý kèm theo để có biện pháp, hướng xử trí tốt nhất, tuyệt đối không vì nhu cầu làm đẹp mà giấu bệnh của mình, vô tình che đi những bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khá nhiều khách hàng làm đẹp là phụ nữ ngoài 40 tuổi, đã có một số bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… đều là yếu tố nguy cơ đưa đến đột quỵ. Theo BS, nhóm phụ nữ này nếu gây mê để làm đẹp thì có dễ bị đột quỵ trong và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ không ạ?

Những bệnh nhân bản thân có bệnh lý nội khoa kèm theo chẳng hạn như huyết áp cao, nếu trải qua một cuộc phẫu thuật bình thường, đơn giản nhưng kiểm soát huyết áp không tốt (chẳng hạn huyết áp tâm thu trên 180mmHg, tâm trương trên 100mmHg) thì cũng có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Vì vậy, nếu như bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật có gây mê sẽ dễ kèm theo stress rất nặng thì những yếu tố nguy cơ cũng tăng lên.

Vì vậy, nếu khách hàng ngoài 40 tuổi mà có những bệnh lý nền thì nên được khám và điều trị ổn định những bệnh lý nội khoa kèm theo. Đồng thời nên đến các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện, bác sĩ có kinh nghiệm để thực hiện cuộc phẫu thuật tốt nhất, an toàn cho bản thân.

Có phải những người đã trải qua gây tê, gây mê trước đây như sinh mổ, cắt amidan, phẫu thuật kết hợp xương… thì họ sẽ yên tâm hơn khi phẫu thuật thẩm mỹ?

Điều này chưa đúng hoàn toàn. Bởi vì trước đây khi họ trải qua phương pháp gây tê, gây mê không để lại tai biến, biến chứng thì lần này có thể sẽ ít gặp hơn nhưng không đồng nghĩa là không gặp.

Bởi vì tùy thuộc vào phẫu thuật mà được thực hiện lần này và trong quá trình đó, người bệnh có xuất hiện thêm những bệnh lý mới kèm theo hay không, lần này có được đánh giá cẩn thận trước mổ hay không, khám và chẩn đoán những bệnh lý kèm theo để tối ưu hóa được hay không. Nếu không tối ưu hóa thì vẫn có nguy cơ xảy ra những bệnh lý, tai biến trong và sau mổ.

Với một khách hàng chuẩn bị làm đẹp, làm cách nào để họ biết cơ sở mình lựa chọn có đủ năng lực về gây tê hay gây mê? Nhờ BS tư vấn các tiêu chí để lựa chọn cơ sở làm đẹp an toàn ạ?

Nếu để thực hiện một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ an toàn thì những bệnh viện công tại TPHCM (hay các thành phố lớn), những bệnh viện lớn có đầy đủ phương tiện, đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm và xử trí để đảm bảo an toàn cho người làm thẩm mỹ. Nếu lựa chọn bệnh viện thẩm mỹ tư ở bên ngoài, theo tôi cũng nên chọn những cơ sở lớn, có danh tiếng, bởi vì khi mở một trung tâm lớn thì cũng đầu tư đầy đủ máy móc và phương tiện. Bên cạnh đó, người thực hiện cũng là một yếu tố khá quan trọng.

Thời gian qua, Sở Y tế có đi đánh giá, tôi nghĩ cũng có thể căn cứ dựa trên tiêu chí đánh giá của Sở để làm căn cứ lựa chọn cơ sở thẩm mỹ an toàn.

Sau khi đã trải qua một can thiệp/phẫu thuật thẩm mỹ, khi về nhà bệnh nhân cần thận trọng với những việc gì, việc gì không nên làm, thưa bác sĩ? Có cần uống nhiều nước để đào thải thuốc mê không ạ?

Để tránh những tai biến, biến chứng khi về nhà, bác sĩ gây mê cũng phải giải thích, tư vấn cho người bệnh hiểu một số tai biến có thể xảy ra muộn sau đó, chẳng hạn như nhiễm trùng vết mổ thì đòi hỏi người bệnh phải giữ vết mổ sạch, không để nhiễm trùng, tránh ẩm. Và phải uống nhiều nước để hạn chế những biến chứng sau gây mê, buồn nôn, nôn sau mổ.

Ngoài ra, phẫu thuật viên cũng nên giải thích cho người bệnh những nguy cơ của cuộc phẫu thuật để người bệnh biết, có kiến thức về bệnh để theo dõi tiếp vì khi có bất thường nào, tốt nhất là nên quay lại cơ sở y tế để được khám và điều trị tốt nhất.

Trong ngành gây mê hồi sức, thường thuốc gây mê nếu qua đường hô hấp thì thuốc sẽ thải qua đường hô hấp rất nhanh chóng trong thời gian 30 phút đến 1 tiếng thì bệnh nhân có thể tỉnh táo. Tuy nhiên, sau khi gây tê, gây mê thì bản thân thuốc gây mê cũng ảnh hưởng đến nhận thức của người bệnh. Ngoài ra thuốc gây tê chứa những chất chuyển hóa cũng có thể gây ảnh hưởng lên nhận thức của người bệnh. Do đó, sau một cuộc phẫu thuật, bệnh nhân nên di chuyển bằng xe taxi hay có người nhà chở, nếu tự lái xe sẽ nguy hiểm.

Nhu cầu cơ thể cần 2l nước/ ngày, nếu uống nhiều sẽ giúp lợi tiểu và thải dần thuốc đã sử dụng trong và sau khi gây mê. Thuốc gây mê thường được đào thải ra khỏi cơ thể trong 24 tiếng. Bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng vì thuốc không có ảnh hưởng kéo dài quá mức.

~~~~~~~

Những chia sẻ của BS.CK2 Lưu Kính Khương - trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115 đã giúp bạn đọc hiểu rõ quá trình gây mê khi làm đẹp, cần phải chuẩn bị sức khỏe như thế nào trước khi phẫu thuật thẩm mỹ... Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Thực hiện: Hồng Nhung - Minh Khuê
Ảnh: Lê Bình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X